Dù chưa có gì chứng tỏ một “thất bại”, nhưng cũng chẳng có dấu hiệu nào cho thấy cuộc “ra mắt” của ứng viên tổng bí thư Phạm Quang Nghị gặt hái được thành công trên đất Mỹ.
Về chuyến đi của ông Phạm Quang Nghị, nhà báo Phạm Chí Dũng và nhà nghiên cứu Nguyễn Khắc Mai có nhận xét như sau:
“Hai đảng anh em”
Chưa phải Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đại diện cho chính phủ Việt Nam, mà rốt cuộc người cùng họ là Phạm Quang Nghị – thay mặt bên đảng – mới trở thành nhân vật cốt cán đầu tiên trong Bộ Chính trị sang Mỹ để “mở hàng” cho chính sách âm thầm xoay trục của chính thể Việt Nam vào năm 2014.
Nhưng chỉ mới 10 tháng trước, ông Nghị còn đi thăm Bắc Kinh, nơi ông ca ngợi quan hệ truyền thống của Việt Nam với Trung Quốc với những từ ngữ tốt đẹp nhất.
Vào tháng Chín năm ngoái, tại Trung Nam Hải, ông Phạm Quang Nghị được “tiếp thân mật” bởi Trương Cao Lệ – Ủy viên thường vụ Bộ Chính trị trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, Phó thủ tướng Quốc vụ viện nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. Cùng trong chuyến đi này, ông Nghị còn hội đàm với Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư thành ủy Bắc Kinh Quách Kim Long. Cả Trương Cao Lệ lẫn Quách Kim Long đều ca tụng: Đảng, Chính phủ Trung Quốc hết sức coi trọng phát triển quan hệ hữu nghị hợp tác với Việt Nam; đánh giá cao những bước phát triển mới trong quan hệ hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước trong thời gian qua.
Nhưng với 84% người Việt chẳng hề thiện cảm với chính sách Đại Hán, “thời gian qua” đã quá đủ để chứng tỏ ít nhất 30 ngư dân Việt bị chết bởi tàu cá Trung Quốc tính từ năm 2002, và có đến 2.000 ngư dân Việt Nam là nạn nhân của chính sách đâm va và bắt cóc của Bắc Kinh.
Chưa “đồng cấp”
Là người hầu như lắng tiếng trước những cú đâm va xảy ra liên tục trên, điều hết sức đáng tiếc dành cho ông Phạm Quang Nghị là ông đã không gặp được bản thân ngoại trưởng Mỹ vào chuyến đi Mỹ lần này. Thay vào đó, Thứ trưởng Ngoại giao Wendy Sherman chỉ tới để “chào và chuyển tới ông lời thăm hỏi của ông Kerry”.
Vào tháng 5/2014, Ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry đã tỏ lời mời ông Phạm Bình Minh qua Mỹ. Khi đó giàn khoan HD 981 của Trung Quốc cũng đang tung hoành trên mặt Biển Đông.
Một chi tiết hết sức đáng lưu tâm là chuyến thăm Hoa Kỳ của Ủy viên Bộ Chính trị Phạm Quang Nghị đã bắt đầu từ ngày 21/7/2014, nhưng phải đến hai ngày sau báo chí Việt Nam mới đưa tin chính thức.
Khởi đầu chuyến thăm từ thủ đô Washington DC, ông Nghị đã có các cuộc làm việc với Cố vấn cao cấp của Ngoại trưởng John Kerry là Thomas Shannon; Phó cố vấn an ninh quốc gia phụ trách đối ngoại Tony Blinken; Chủ tịch thường trực Thượng viện Patrick Leahy và Thượng nghị sỹ John McCain.
Không gặp bất cứ một người “đồng cấp” nào như trong chuyến thăm và làm việc thành công tốt đẹp ở Bắc Kinh năm 2013, ông Phạm Quang Nghị chỉ được tiếp đón bởi những viên chức chính trị Mỹ mang hàm Trợ lý Bộ trưởng – một đẳng cấp đủ thấp mà không đủ mô tả cho một tinh thần trọng thị của một nước lớn đối với một nước nhỏ.
Cũng bởi vậy, đã không thể tránh được dư luận cho rằng chuyến đi Mỹ lặng lẽ của ông Phạm Quang Nghị chỉ có ý nghĩa như một sự “ra mắt” chính giới bên lề Mỹ.
Cần tính chính danh
Điều an ủi lớn lao hơn là ông Nghị đang được đánh giá như một trong những ứng cử viên khá sáng giá cho chức vụ Tổng Bí thư tại đại hội đảng lần thứ 12 vào năm 2016. Nếu triển vọng này xảy ra, ông Nghị sẽ thay thế ông Nguyễn Phú Trọng và đứng trên cả ông Nguyễn Tấn Dũng – cũng là một nhân vật đang được dư luận đánh giá cao không kém trong cuộc chạy đua vào chức vụ lãnh đạo tối cao của Đảng Cộng sản nước này.
Vào năm 2013, đã chỉ có ông Trương Tấn Sang – Chủ tịch nước – hội kiến với Tổng thống Barak Obama tại Nhà Trắng, và Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng “đàm phán TPP” với Bộ trưởng Thương mại Mỹ tại New York. Còn Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng lại đến Thái Lan để nhận tấm bằng tiến sĩ danh dự ngành chính trị học và thăm Yingluck Shinawatra – nữ thủ tướng vừa bị truất quyền.
Dù chưa có gì chứng tỏ một “thất bại”, nhưng cũng chẳng có dấu hiệu nào cho thấy cuộc “ra mắt” của ứng viên Tổng Bí thư Phạm Quang Nghị gặt hái được thành công trên đất Mỹ. Muốn được ghi dấu như Ủy viên Bộ Chính trị đầu tiên có hoạt động “dân vận” mỹ mãn ở đất nước cựu thù, có lẽ ông Nghị còn cần đi Mỹ nhiều hơn và tiếp cận được các cấp cao hơn.
Nhưng muốn vậy, điều tiên quyết là ông Phạm Quang Nghị cần rũ bỏ vai trò một người làm công tác đảng thuần túy, thay vào đó nên tiến chiếm một cương vị hành pháp mang tính danh hơn nhiều.
P. C. D.(vietinfo.eu)
Nguồn:http://www.vietinfo.eu