Vụ án bà Ba Sương – nghĩ về phép nước và đạo trời

BVN xin đưa thêm bài báo của ông Văn Hải phân tích kỹ hơn về vụ án bà Ba Sương. Thực ra xem xét rạch ròi chỗ đúng chỗ sai, chỗ hợp lý và chỗ phải được nhìn cho thấu đáo… trong việc làm ăn của nông trường Sông Hậu từ bấy đến nay so với các nguyên tắc tài chính đã ban hành, là việc làm cần thiết đối với một cơ chế vốn công minh, song hình như đã là chuyện không mấy ý nghĩa ở trường hợp này cũng như nhiều trường hợp tương tự, khi mà từ lâu người ta đã đọc thấy trong những đôi mắt cú vọ của một nhúm những kẻ muốn đưa bà Ba Sương vào tù không phải là những chuyện cân nhắc đúng sai tỷ mẩn kiểu ấy nữa (nếu cân nhắc được thế thì đã quá tốt) mà là ở chỗ khác kia. Ở chỗ cái “miếng thịt béo ngậy” treo trước miệng mèo đang làm cho họ thèm rỏ giãi: phần đất sở hữu của nông trường có thể cưỡng chiếm hoặc mua rẻ để rồi bán đi với giá ngất trời nhằm đưa vào các quy hoạch dự án này khác cho thành phố Cần Thơ. Phải tống được vị nữ chủ nhân anh hùng cứng cựa ấy vào lao thì mới làm được chuyện khuất tất kia trót lọt chứ. Có thế thôi đó mà.

Bauxite Việt Nam

Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao (VKSNDTC) vừa có kháng nghị đề nghị Tòa án Nhân dân Tối cao (TANDTC) “cần phải hủy cả bản án phúc thẩm và bản án sơ thẩm để giải quyết lại vụ án từ giai đoạn điều tra”. Theo kháng nghị này thì ngoài những sai sót trong thủ tục tố tụng, điều tra, nhiều cáo buộc của hai lần xử trước cần được xem xét lại, xem có phải “trái phép” hay không. Ví dụ:

– Số tiền gần 2,3 tỷ đồng chi phí đi công tác trong và ngoài nước của bà Trần Ngọc Sương, cần điều tra lại để làm rõ số lượng, tính chất, nhu cầu, mục đích của các chuyến công tác; nếu buộc bà Sương phải hoàn trả toàn bộ tiền trên mà không xem xét đến các vấn đề trên là “chưa chính xác và hợp lý”.

– Về số tiền 233 triệu được cho là chi bồi dưỡng đoàn kiểm toán Nhà nước năm 2004, VKSNDTC kháng nghị yêu cầu điều tra lại, nếu đúng thì thu hồi chứ không bắt bà Sương phải bồi hoàn số tiền này.

– Các khoản tiền chi mua quà sinh nhật, lương kiêm nhiệm, trợ cấp,… VKSNDTC khẳng định “không đúng quy định về chi tiêu tài chính, nhưng nhận thấy do các khoản tiền này chi hỗ trợ khó khăn cho gia đình người đã chết, hỗ trợ công tác cán bộ, số tiền hằng tháng không lớn, nên VKSNDTC chỉ khuyến nghị cần xem xét lại để “quyết định xử lý cho phù hợp, thấu tình đạt lý”.

– Số tiền hơn 678 triệu đồng bị cáo buộc “thiệt hại” do chi biếu tặng các cá nhân, ban, ngành địa phương và Trung ương, nay buộc bà Trần Ngọc Sương bồi thường toàn bộ là “chưa đủ cơ sở”, bởi trong quá trình điều tra đã không xác minh làm rõ các cá nhân, đơn vị nhận tiền để xác định có thực chi hay không, từ đó mới có căn cứ thu hồi.

(Theo Vietnamnet ngày 7/4/2010)

Những khoản tiền mà bà Ba Sương “lập quỹ trái phép” nói trên thực ra là những khoản tiền mà bất cứ cơ quan, doanh nghiệp nào cũng phải chi, mà thường chi nhiều hơn quy định, vậy mà riêng bà Ba Sương lại bị tội?

Dư luận cũng không khỏi băn khoăn: với cách đặt vấn đề của VKSNDTC, thì sự việc có vẻ vụn vặt, không thấy tính hệ thống, tức là bản chất của vấn đề. Tại sao những việc “sai trái” như thế mà tồn tại hàng chục năm? “Tội” to như thế mà bao nhiêu cấp, ngành đã thanh tra, kiểm tra không thấy? Đã không thấy “tội” lại còn được phong tặng những danh hiệu cao nhất? Tôi cho là lúc đó cũng đã thấy, thấy rất rõ là khác, nhưng lại đánh giá nó ở góc độ “sáng tạo”, “bứt phá”, “hiệu quả”,… còn bây giờ để buộc tội thì lại dùng những văn bản quy định này nọ. Hãy tạm cứ cho là “tội” thì đó là “tội” của cả một hệ thống: tội của những văn bản quá trói buộc (để hễ làm sáng tạo cũng đồng nghĩa với “cố ý làm trái”); tội của cách làm khi thì áp dụng “lệ”, khi thì áp dụng “luật”.

Nguyên lý lịch sử – cụ thể của chủ nghĩa Mác – Lênin tại sao không hề được vận dụng để xem xét ở đây? Ở ta có biết bao nhiêu việc trên giấy tờ là một việc, mà thực tế làm lại là một việc khác. Đến bất cứ cơ quan, đơn vị nào cũng thấy hàng loạt việc được làm theo thông lệ chứ không phải theo quy định. Bởi nếu làm đúng quy định, kể cả “quy định nội bộ” thì chẳng khác nào tự trói mình, công việc không thể nào “chạy” được. Ví như số tiền chi cho một việc gì đó mà tính theo giá quy định thì không thể nào làm được, cho nên phải “sân siu”, bớt khoản nọ bù cho khoản kia. Từ lãnh đạo đến nhân viên đều rất cảm thông với nhau những chuyện như thế. Nhưng khi cần thì cũng rất dễ lôi ra để buộc tội nhau, chẳng khó gì. Cho nên người ta vẫn thủ thế không kém phần chặt chẽ, là làm sao “hợp lý hóa” toàn bộ giấy tờ văn bản. Cách làm “thật thật giả giả” ấy được cho là khôn ngoan nhưng chỉ đủ sức duy trì tình trạng ngắc ngoải, chẳng bao giờ có sức đột phá. Tôi quen một ông giám đốc nọ, ông này thường căn dặn cấp dưới “không thể làm đúng tất cả, nhưng cũng đừng làm sai tất cả; đừng làm sai tất cả nhưng cũng đừng làm đúng tất cả”. Ở hai đầu trạng thái trên, nghĩa là hoặc làm “đúng y văn bản”, hoặc táo bạo “phá rào” mà làm, chỉ cốt hiệu quả, sẽ dẫn đến hai kết quả trái ngược. Hồi mới có phong trào Đổi mới, tôi đọc báo thấy một nhà báo hỏi một ông quan: “dân đói thế, ông không động lòng chút gì hay sao?” Ông này trả lời tỉnh bơ: “Làm gì tôi cũng căn cứ vào chủ trương, chính sách, tôi luôn làm đúng văn bản của cấp trên, còn dân đói lại là chuyện khác, đâu phải tại tôi”. Cách làm “đúng y văn bản” về sau được đặt một cái tên mỹ miều là “duy ý chí”. Còn cách “phá rào” táo bạo thì khi được cho là sáng tạo, khi bị quy là tội lỗi, nhẹ thì cũng “cố ý làm trái”, nặng thì “đi sai đường lối”. Nhiều lần đọc báo, thấy những gương giám đốc làm ăn giỏi đều nói với cánh nhà báo cái ý:  giữa trở thành anh hùng lao động và đi tù chỉ trong gang tấc, thậm chí một việc, xét mặt này là anh hùng, xét mặt kia lại là trọng tội.

Quan sát thực tế tôi thấy đúng thế. Chẳng hạn vào đầu thập niên tám mươi thế kỷ trước, khi các kho gạo ở TP. Hồ Chí Minh rỗng không, bà Ba Thi, Giám đốc Sở Lương thực Thành phố lúc đó (về sau được phong anh hùng lao động) đưa 20 xe tải về Minh Hải (nay là Cà Mau và Bạc Liêu) mua gạo “trái phép”, bị công an Minh Hải bắt giữ, may mà ông Võ Văn Kiệt lúc ấy là Bí thư thành ủy TP. Hồ Chí Minh đỡ đạn cho. Ông nói một câu bất hủ: “Lúc này chạy gạo cho dân ăn là không có tội”. Có ai thử làm một thống kê xem có bao nhiêu người mạnh bạo bứt phá như ông Kiệt, như bà Ba Thi? Bao nhiêu người được hưởng vinh quang và không được hưởng vinh quang, thậm chí lại mắc vòng oan nghiệt? Còn bao nhiêu ông bà quan khác làm “đúng chính sách” theo kiểu “án binh bất động” thì ung dung hưởng thái bình?

Ngoài ra, đọc kĩ nhận định bước đầu của ông Viện trưởng VKSNDTC, ta còn thấy việc xử lại sẽ có chiều hướng nghiêng về tình hơn về . Điều này hoàn toàn hợp với ước mong của nhân dân, nhưng tôi muốn nói thêm một điều: cái tình trong vụ án này cũng chứa những cái lý rất đáng trân trọng, chứ không nên là lòng thương hại, càng không nên là sự xoa dịu bức xúc của dư luận.

Vì vậy tôi xin đặt một số câu hỏi sau:

1. Cái gọi là “quỹ trái phép” này từ có từ năm 1979, vậy bao nhiêu đoàn thanh tra kiểm tra, xác nhận thành tích để phong hai lần anh hùng cho nông trường, cho cả anh hùng bố (ông Trần Ngọc Hoằng) và anh hùng con (bà Ba Sương) mà không “phát hiện” ra? Có ai chịu cái tội / lỗi đó nữa không? Những xác nhận của nhiều vị quan chức cao cấp thời gian qua có được dùng làm căn cứ để xem xét không? Ví dụ nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình đã nói: “Chính tôi là người đã từng đi đến Nông trường Sông Hậu để xác minh có xứng đáng tuyên dương danh hiệu Anh hùng hay không thì đã thấy rõ là hoàn toàn xứng đáng”. (Vietnamnet 21/11/2009)

2. Kéo theo các thanh tra, kiểm tra “chính thống” nói trên, còn bao nhiêu nhà báo, nhà văn từng đưa tin, làm phóng sự, viết bài ngợi ca, bây giờ có đính chính gì, rằng mình đã phản ánh “sai” không? Nếu không thì phải bảo vệ chính mình cũng như bảo vệ bà Ba Sương, đó là trách nhiệm, là lương tâm, là danh dự.

3. Và trên hết là những việc làm có hiệu quả to lớn của bà Ba Sương: đã tạo nên một nông trường trù phú từ một vùng đất hoang vu, đói nghèo, đã đem lại hạnh phúc ấm no cho hàng trăm gia đình, đặc biệt đã tạo nên một hình ảnh đẹp về chủ nghĩa xã hội, cái điều mà rất ít nơi trên đất nước này làm được, nhất là giữ được trong thời gian dài như vậy. Ông Lê Quang Đạo, nguyên Chủ tịch đoàn Chủ tịch UBTW Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khi đến thăm Nông trường ngày 8/8/1998 đã đánh giá: “Nông trường đã đi từ không đến có, từ nhỏ đến lớn, từ thô sơ tiến lên ngày càng hiện đại, đi từ sản xuất có tính chất tự túc, tự cấp tiến lên sản xuất hàng hóa ngày càng lớn, từ nghèo nàn tiến lên ngày càng giàu có. Nông trường đã coi trọng xây dựng cả cơ sở vật chất kỹ thuật và xây dựng con người, xây dựng cơ sở chính trị vững vàng, phát triển kinh tế đi đôi với giải quyết các vấn đề văn hóa xã hội, nâng cao không ngừng đời sống vật chất và tinh thần của cán bộ, công nhân, nhân viên và tất cả các thành viên của nông trường… đem hết tâm huyết, sức lực, tài năng và trí tuệ sáng tạo ra một mô hình kinh tế tiên tiến xuất sắc, làm gương cho các cơ sở kinh tế trong cả nước, góp phần đáng kể để xây dựng đất nước ta tiến lên giàu mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh”

(Theo Vietnamnet ngày 6/11/2009)

Thử hỏi một người “làm trái quy định” để dân giàu nước mạnh, đem lại hạnh phúc cho đồng bào như thế, không cần so với những ông quan tham nhũng mà chỉ so với những ông quan chỉ biết đi họp, ký cóp những văn bản “đúng” nhưng không mấy hiệu quả,… thì ai hơn ai? Vậy thì tù tội có hợp với công lý đích thực không?

Xem phim Bao Công, có một số vụ án, nếu cứ xét theo kiểu “án tại hồ sơ” – tức cứ chiểu theo luật (cứng nhắc) mà làm – thì có một kết luận, còn xét theo sự thực, theo lương tri, thì lại có một kết luận khác. Cái đấy Bao Công gọi là đạo trời. Theo ông Bao Công, đạo trời còn trên cả phép nước.

VH

HT Mạng Bauxite Việt Nam biên tập

This entry was posted in tham nhũng, Xã Hội. Bookmark the permalink.