Vấn đề không còn là ở chỗ, Trung Quốc có tấn công Nga hay không, mà là ở chỗ, bao giờ thì họ tấn công.Tác giả, Phó Giám đốc Viện Phân tích Chính trị và Quân sự, cho rằng, đến một lúc nào đó, nếu xẩy ra một cuộc xâm lược quân sự đại quy mô chống lại nước Nga, thì chắc chắn 95% (nếu không nói là 99%), kẻ xâm lược sẽ là Trung Quốc.
Phó Giám đốc Viện Phân tích Chính trị và Quân sự Nga đã phải lên tiếng báo động nước ông về hiểm họa không hề là chuyện quá lo xa, chuyện “lo bò trắng răng” từ Trung Quốc. Ngoài những mối lo cụ thể về thực lực và tiềm năng quân sự gia tăng rất mạnh trong thời gian gần đây của ông láng giềng nguy hiểm này, tác giả nêu lên hai mối lo mang tính bản chất, lâu dài, không đổi mà bất cứ quốc gia nào ở gần TQ cũng không được phép quên, dù chỉ một lúc:
1/ ‘Khách quan mà nói TQ rất khó sống trong những ranh giới hiện nay của nó. Nó phải trở nên lớn hơn nữa, nếu không muốn là nhỏ lại. Nó không thể không bành trướng ra ngoài để giành giật các tài nguyên và lãnh thổ, đó là một thực tế. Có thể nhắm mắt vờ như không thấy nó, nhưng chẳng vì thế mà nó biến mất”.
2/ “Do ở TQ có hiện tượng độc nhất là “thiếu cô dâu” nên ban lãnh đạo nước này coi việc hy sinh hàng trăm nghìn thanh niên không thành vấn đề, mà còn là lợi ích”.
Nhưng Trung Quốc, với con số 1 tỷ 3 dân số (đó là thống kê có bớt xén che đậy đấy) thì không cần “thiếu cô dâu” cũng cứ có thể hy sinh nhân mạng một cách khỏe ru cho những mục tiêu giành ngôi “bá” trước hoàn cầu. Chủ nghĩa nhân đạo, vấn đề nhân quyền… hình như đã không còn là những phạm trù nằm trong lý trí và tình cảm người cầm chịch đất nước ấy kể từ khi Cộng sản lên cầm quyền. Hoàng đế Mao đã từng nói với Ních-xơn lúc đất nước này mới có số dân 600 triệu: Trung Quốc có thể mất đi 300 triệu người cũng có là gì đâu. Và cũng chính dưới chính sách “Đại nhảy vọt “ của ngài Mao, đã có hàng nghìn trường hợp ở nông thôn phải ăn thịt con để cho qua nạn đói. Một đất nước hành xử rùng rợn như thế bây giờ lại muốn ngoi lên siêu cường thì có là mối nguy cho nhân loại hay không? Nếu rồi đây ông Tàu chễm chệ nhảy lên địa vị bá chủ thế giới sau thế kỷ XXI thì chắc loài người sẽ sang một trang mới gọi là trang trở về thời kỳ đồ đá trong lịch sử, ở đó thân phận của từng con người sẽ chẳng còn ý nghĩa gì hết, muốn đem ra làm thịt lúc nào thì làm. Và thế giới sẽ chứng kiến hàng loạt dân tộc bị hành hình để nhường lãnh thổ cho dân tộc đại Hán sinh sôi nẩy nở. Hình như đã lấp ló một hình thức Quốc xã kiểu mới từ bây giờ rồi đấy.
Chả trách trong tâm lý, người dân bình thường nước nào cũng ngờ và ngại ra mặt khi nói đến hai tiếng “Trung Quốc”.
Bauxite Việt Nam
Khối dân cư khổng lồ của nước này kết hợp với đà tăng trưởng kinh tế nhanh chóng của nó đặt ra một tổ hợp phức tạp các vấn đề mà chỉ miêu tả chúng một cách ngắn gọn không thôi cũng đã phải cần đến một bài viết dài. Hơn nữa, các vấn đề này lại quan hệ với nhau theo cách giải quyết một việc này lại đào sâu thêm một việc khác. Khách quan mà nói TQ rất khó sống trong những ranh giới hiện nay của nó. Nó phải trở nên lớn hơn nữa, nếu không muốn là nhỏ lại. Nó không thể không bành trướng ra ngoài để giành giật các tài nguyên và lãnh thổ, đó là một thực tế. Có thể nhắm mắt vờ như không thấy nó, nhưng chẳng vì thế mà nó biến mất. Ngoài ra, đừng nghĩ rằng hướng bành trướng chính của TQ là khu vực Đông Nam Á. Vùng đó ít lãnh thổ và tài nguyên mà dân cư lại đông. Hướng ngược lại – rất nhiều lãnh thổ, có những nguồn tài nguyên to lớn, nhưng dân cư lại ít – đó là vùng Kazakhstan và phần châu Á của Nga. Hướng bành trướng của TQ sẽ diễn ra ở chính nơi này. Hơn thế, lâu nay vùng lãnh thổ ngoại Ural của Nga vẫn bị TQ coi là của mình. Mô tả ngắn gọn các quan niệm lịch sử của TQ về việc này phải cần đến một bài viết dài. Chỉ người nào không biết TQ và người TQ là gì thì mới cho rằng vấn đề biên giới giữa Nga và TQ đã được điều chỉnh ổn thỏa.
Tất nhiên, TQ ưa thích hình thức bành trướng hòa bình (bằng kinh tế và dân số). Nhưng hình thức bành trướng bằng chiến tranh hoàn toàn không bị loại trừ. Rất đáng chú ý là thời gian gần đây quân đội TQ thường xuyên tiến hành các cuộc tập trận mà không thể giải thích cách nào khác hơn đó là sự chuẩn bị cho sự xâm lược nước Nga, mà quy mô các cuộc tập trận (về không gian và số lượng các đơn vị tham gia) ngày càng tăng lên.
Về phía mình, có lẽ cho đến nay chúng ta đã không ý thức được rằng từ lâu chúng ta đã mất ưu thế về kỹ thuật quân sự, không chỉ về lượng mà cả về chất, đối với TQ. Thời xô viết chúng ta có ưu thế về cả hai mặt, như cuộc “chiến tranh nhỏ” ở Syria đã cho thấy, điều đó đã bù trừ lại được ưu thế to lớn về sinh lực của TQ.
Lấy cắp công nghệ
TQ đã sống được rất lâu nhờ nguồn viện trợ của LX vào thập niên 1950 – đầu 1960. Nhưng sau khi hâm nóng quan hệ với phương Tây nó đã tiếp cận được một số mô hình kỹ thuật của Mỹ và châu Âu, còn từ cuối những năm 1980 nó bắt đầu có được những kỹ thuật tối tân ở LX, sau đó là ở Nga, nhờ vậy về nhiều loại vũ khí nó đã có “bước nhảy” qua vài thế hệ. Ngoài ra, TQ luôn có khả năng đặc biệt để đánh cắp công nghệ. Vào thập niên 1980 tình báo TQ thậm chí đã lấy được ở Mỹ bản vẽ bộ phận mới nhất W-88 của tên lửa đạn đạo Trident-2 dùng cho tàu ngầm. Còn như kỹ thuật thông thường thì TQ lấy cắp với số lượng nhiều.
Chẳng hạn, không ai nghe nói là Nga bán cho TQ các hệ thống tên lửa hỏa lực từng loạt (RSZO) “Smerch” hay giấy phép sản xuất chúng. Nhưng thoạt đầu quân đội TQ có RSZO A-100 rất giống “Smerch”, sau đó là PHL-03 – một bản sao hoàn toàn của nó. Pháo tự hành Ture 88 (PLZ-05) của TQ rất gợi nhớ đến loại pháo “Msta” của ta, thứ mà đương nhiên chúng ta cũng không bán cho TQ. Chúng ta không bao giờ bán cho TQ giấy phép sản xuất hệ thống tên lửa tầm cao S-300, nhưng điều đó không cản trở người TQ sao chép lại thứ vũ khí đó dưới tên gọi HQ-9. Ngoài ra, họ cũng lấy cắp được của người Pháp tổ hợp tên lửa tầm cao “Crotal”, tên lửa chống tàu biển “Exsocet”, pháo trên tàu M68, v.v.
Tổng hợp các công nghệ nước ngoài và đưa thêm vào những cải tiến của mình, quân đội TQ bắt đầu tạo ra những loại vũ khí khá độc đáo: tổ hợp tên lửa-đại bác tầm cao Ture 95 (PGZ-04), pháo tự hành PLL-05 và PTL-02, VMP ZBD-05, v.v.
Chế tạo tại TQ
Nhìn chung, như đã nói, trên thực tế xét về tất cả các loại vũ khí thông thường thì ưu thế chất lượng của Nga đã lui vào quá khứ. Thậm chí có những thứ TQ còn bỏ xa chúng ta – thí dụ như các loại máy bay không người lái và vũ khí bộ binh. Người TQ đang dần thay thế loại súng trường “Kalasnikov” bằng những khẩu súng trường tự động kiểu mới nhất, được làm theo sơ đồ giống như súng AK và các loại súng trường phương Tây (FA MAS, L85). Hơn thế, mặc dù một số chuyên gia cho rằng TQ bị phụ thuộc công nghệ vào Nga như một ông thầy vũ khí (do đó, việc họ tấn công chúng ta là không thể có), nhưng đấy chỉ hoàn toàn là huyền thoại.
TQ đã thu nhận được ở Nga loại vũ khí được chế tạo dành riêng cho chiến dịch chống lại Đài Loan và Mỹ (hiện giờ Bắc Kinh đang nghiêm túc hoạch định chiến dịch xâm chiếm toàn bộ hòn đảo này). Rõ ràng một cuộc chiến tranh trên biển giữa TQ và Nga thực tế là khó diễn ra, vì cả hai phái đều thấy không cần thiết. Chiến tranh sẽ chỉ diễn ra trên bộ.
Liên quan với điều này không thể không nhận thấy là TQ không tiếp thu ở Nga một kỹ thuật nào cho các đội quân đánh bộ của mình, bởi vì trong trường hợp chiến tranh chống lại Nga thì chính lực lượng đó sẽ được sử dụng.
Ngay trong lĩnh vực không quân TQ cũng tránh phụ thuộc vào Nga. Họ mua của Nga một số lượng hạn chế máy bay tiêm kích loại Su-27 – chỉ có 76 chiếc, trong đó có 40 chiếc Su-27UB. Xét tương quan giữa các máy bay chiến đấu và máy bay dùng để học trong nhà trường quân sự thì thấy rõ là loại Su-27 của Nga sản xuất chỉ dùng để huấn luyện đội bay. Sau nữa, như đã biết, TQ đã từ bỏ đơn đặt hàng sản xuất Su-27 từ các tổ hợp quân sự Nga, chỉ mua 105 chiếc trong tổng số 200 chiếc dự định. Đồng thời họ sao chép loại máy bay tiêm kích này và bắt đầu sản xuất trái phép nó dưới tên gọi J-11B với động cơ, vũ khí và buồng lái riêng. Đồng thời, nếu vào thập niên 1960 việc sao chép các mô hình máy bay xô viết còn rất thô sơ, thì loại J-11B này xét về các số liệu kỹ thuật thực tế là không kém gì loại Su-27.
Có thể nhận thấy rằng thời gian gần đây sự hợp tác kỹ thuật quân sự của TQ với Nga đã gãy đổ. Đôi khi tình hình này được giải thích là do tổ hợp công nghiệp quân sự của Nga tụt dốc nhanh chóng đã không còn khả năng cung cấp cho TQ những thứ vũ khí và kỹ thuật mà họ cần. Nhưng cũng có cách giải thích khác là TQ đang tính tới trong một tương lai gần tiến hành các hoạt động quân sự chống lại quân đội Nga.
Do loại máy bay J-11B tương đương với Su-27 về các thông số kỹ thuật-chiến thuật, còn loại J-10 sản xuất trên cơ sở loại “Lavi” của Israel nhưng có sử dụng các công nghệ của Nga và của riêng họ hoàn toàn sánh được với MiG-29, nên chúng ta không hề có ưu thế chất lượng nào về không quân. Còn ưu thế về số lượng thì hiển nhiên là thuộc phía TQ, đặc biệt nếu tính đến sự sụp đổ hoàn toàn hệ thống phòng không của Nga (trước hết là ở vùng Viễn Đông). Về loại Su-30 thì nó nói chung cũng sẽ áp đảo: TQ có hơn 120 chiếc, chúng ta chỉ có 4. Khuyết điểm chính của hàng không TQ là thiếu những loại máy bay cường kích bình thường và máy bay lên thẳng xung kích, nhưng đấy chẳng phải là tai họa lớn đối với họ, bởi vì trên bộ tình hình của Nga còn xấu hơn.
Hiệu ứng số đông
Những loại xe tăng tốt nhất của TQ – Ture 96 và Ture 99 (nó cũng chính là Ture 98G) thực tế không thua kém gì các xe tăng tốt nhất của chúng ta – T-72B, T-80U, T-90. Chúng thực ra là “bà con họ hàng” với nhau, vì thế cả TTX của chúng cũng rất giống nhau. Hơn nữa, ban lãnh đạo bộ quốc phòng Nga đã thông báo giải tán các đội quân xe tăng của chúng ta. Trên toàn lãnh thổ Nga chỉ cần để lại 2.000 chiếc. Ở TQ số xe tăng hiện đại hiện nay cũng vào khoảng như thế. Nhưng cũng còn có một số lượng nhiều hơn (không dưới 6.000 chiếc) xe tăng kiểu cũ được sản xuất theo mô hình T-54. Chúng hoàn toàn có hiêu lực trong cuộc chiến chống lại các tiểu đoàn lính thủy đánh bộ và thiết giáp, cũng như để tạo ra “hiệu ứng số đông”. Rất có thể là bộ chỉ huy quân giải phóng nhân dân TQ sẽ dùng chính những loại xe tăng đó để đánh đòn phủ đầu. Chúng sẽ gây cho ta những tổn thất nhất định, mà cái chính là thu hút các phương tiện chống tăng của ta, cho đến khi việc phòng thủ của ta đã cạn kiệt và suy yếu họ mới tung ra đòn đánh quyết định bằng các kỹ thuật hiện đại. Xin nói thêm là về mặt không chiến, những chiếc tiêm kích kiểu cũ như J-7 và J-8 cũng có thể tạo ra “hiệu ứng số đông” như vậy.
Tức là về các kiểu loại vũ khí hiện đại thì quân đội Nga và TQ hiện giờ gần ngang bằng nhau (về chất lượng và số lượng), nhưng thế cân bằng này chắc chắn (không chậm lắm đâu) sẽ biến thành ưu thế của TQ. Đồng thời nước này còn có một “trọng lượng” lớn về các loại vũ khí cũ, nhưng vẫn còn “dùng tốt”, được coi như một thứ “chi phí” để làm tiêu hao sự phòng thủ của quân đội Nga. Do ở TQ có hiện tượng độc nhất là “thiếu cô dâu” nên ban lãnh đạo nước này coi việc hy sinh hàng trăm nghìn thanh niên không thành vấn đề, mà còn là lợi ích. Cũng như việc “sử dụng” mấy nghìn xe bọc thép cũ kỹ tham chiến đối với họ cũng chẳng là chuyện gì cả.
Ngay bây giờ thì hai trong bảy quân khu của TQ là Bắc Kinh và Thượng Hải, nằm sát biên giới với Nga, đã mạnh hơn tất cả các lực lượng vũ trang của Nga (từ Kaliningrad đến Kamchatka). Còn như ở những vùng tiềm tàng nguy cơ chiến tranh (Ngoại Baikal và Viễn Đông) thì lực lượng hai bên thật không thể so sánh được, TQ vượt trội chúng ta thậm chí không phải nhiều lần, mà là hàng chục lần. Hơn thế việc chuyển quân từ phía Tây sang trong trường hợp có chiến tranh thực sự trên thực tế là không thể được, bởi vì các đơn vị phá hoại của TQ sẽ được triền khai ngay lập tức tại nhiều vị trí trên suốt toàn tuyến, còn chúng ta không có phương tiện giao thông nào khác với phía Đông (có thể chuyên chở người bằng đường không, nhưng kỹ thuật hạng nặng thì không thể).
Xe tăng ta chậm
Về sự chuẩn bị chiến tranh, nhất là ở các đơn vị được trang bị kỹ thuật tối tân nhất, thì quân đội TQ đã bỏ xa chúng ta từ lâu. Chẳng hạn, tại tập đoàn quân 38 thuộc quân khu Bắc Kinh, pháo binh đã hoàn toàn được tự động hóa, nó chỉ thua Mỹ về độ chính xác, nhưng vượt Nga. Tốc độ hành tiến của tập đoàn quân 38 là 1.000 km / một tuần (150 km / một ngày đêm). Do đó, trong một cuộc chiến tranh thông thường, chúng ta không có một cơ hội nào cả. Đáng tiếc là vũ khí hạt nhân cũng không bảo đảm cứu được chúng ta vì TQ cũng có. Quả là hiện thời chúng ta đang có ưu thế về các lực lượng hạt nhân chiến lược, nhưng chúng đang bị cắt giảm mạnh. Đồng thời chúng ta lại không có các tên lửa đạn đạo tầm trung, nhưng TQ lại có, điều đó đã san bằng sự tụt hậu của họ về các tên lửa đạn đạo liên lục địa (loại vũ khí này cũng đang bị cắt giảm). Tương quan về vũ khí hạt nhân chiến thuật thì không được biết, nhưng cần hiểu rằng chúng ta phải bố trí nó trên lãnh thổ của mình. Còn về sự đáp trả đòn đánh của các lực lượng hạt nhân chiến lược thì TQ có đủ tiềm năng để hủy diệt các thành phố chính thuộc phần châu Âu của Nga, điều mà họ không cần làm (vì ở đấy dân đông mà ít tài nguyên). Nhiều người ngờ rằng khi hiểu ra điều đó thì ban lãnh đạo nước Nga sẽ không sử dụng vũ khí hạt nhân – chuyện này cũng là một huyền thoại như chuyện họ phụ thuộc công nghệ vào ta vậy. Hãy học người TQ.
Ngân Xuyên dịch từ tiếng Nga
Tạp chí Populyarnaya Mekhanika
2/2010
Nguồn: http://vanhoanghean.vn/tap-chi/cua-so-van-hoa/529-trung-quoc-chong-nga-thang-loi-se-khong-thuoc-ve-chung-ta.html