Nếu tôi nhớ không lầm, từ đầu thế kỷ 21 đến nay, đôi từ “quyết liệt”, “đồng bộ” được các cấp lãnh đạo Đảng và Nhà nước ta dùng chúng như một khẩu lịnh, như liều thuốc tống đẩy cho kỳ được các chủ trương chính sách… ra xã hội. Nhưng trong thực tế, cứ quyết liệt đi đã, còn đồng bộ hay không hạ hồi phân giải.
“Khai thác bauxite Tây Nguyên là chủ trương lớn của Đảng không thể không làm”. Làm thì quyết liệt nhưng đến khi cần chở thành phẩm ra cảng lại không có đường!
Phải “điện khí hóa” để “công nghiệp hóa và hiện đại hóa”. Làm thủy điện mà không tính đến xả lũ, khi hồ chứa quá sức chịu đựng, xả đại xuống hạ lưu, gây bao tang tóc đau thương cho người dân. Chẳng biết lỗi, còn cao giọng “xả lũ đúng quy trình”!
“Thành thị hóa, đô thị hóa…” cũng là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, tha hồ san lấp, đập xây, nhưng quên việc thoát nước, chỉ cần trận mưa lớn, lộ thành sông!
v.v.
Giờ đây, một lần nữa, ngành Giao thông lại chủ trương“Phải có giải pháp “quyết liệt”, “đồng bộ” về nón bảo hiểm. Thực trạng thế nào mà ngành giao thông phải nhai đi nhai lại cái điệp khúc gần như muôn thuở này:
– Thói thường, ngành Giao thông ra lịnh, cảnh sát thổi còi phạt tiền là xong việc – chỉ thế thôi.
– Người đi mô-tô đội nón bảo hiểm phần lớn vì sự bắt buộc chớ không phải tự giác, đội nón để đối phó, tránh bị phạt chớ không phải sợ bị bể “hộp số”.
– Những cơ sở sản xuất nón bảo hiểm, vì lợi nhuận, nặng về số lượng, chạy theo thị hiếu về mẫu mã, không an toàn khi tai nạn xảy ra – nặng về kiểu dáng làm đẹp chớ không quan tâm đến sự an toàn cho người đội.
Theo chủ trương của ngành Giao thông, bắt đầu ngày 01/07/2014, tiến hành kiểm tra chất lượng nón bảo hiểm đã lưu hành. Chủ trương nghe thì đơn giản nhưng gây thiệt hại cho dân đáng kể:
– Thử ước tính, trung bình mỗi chiếc xe mô-tô có hai nón bảo hiểm (cho người lái và người ngồi sau), phần lớn sẽ bị xem là dỏm, phải bỏ đi, mua nón theo mẫu mã và chất lượng mới có dán tem do ngành giao thông ấn định. Không thay nón theo mẫu mới ra đường sẽ bị phạt nặng – chắc chắn cảnh sát giao thông được mùa phạt, người nghèo gặp mùa khổ.
– Những cửa hàng, đại lý mua bán nón bảo hiểm không phù hợp mẫu mã mới có nguy cơ bị phá sản do hàng lỗi thời tồn đọng.
Buộc người đi xe mô-tô phải đội nón bảo hiểm là chủ trương đúng đắn, nhân đạo… không có gì phải bàn cãi. Việc đi xe mô-tô phải đội nón bảo hiểm có liên quan với nhiều ngành, nhiều người như Y tế, Xã hội, Công an, những cơ sở sản xuất nón, người sử dụng nón… Do vậy, dầu là chuyện nhỏ, nhưng chỉ có chính phủ mới đủ tư cách ban sắc lịnh này, mới mong chỉ đạo đồng bộ trong tổ chức thực hiện:
– Hệ thống truyền thông phải nói, viết cách nào đó cho người đi xe mô-tô thấy cái lợi cho mình mà tự giác trong việc đội nón bảo hiểm khi tham gia giao thông.
– Ngành Y phải nói vai trò cái đầu đối với con người và cái khó khi phải xử lý vết thương đầu…
– Ngành Xã hội nói cái khổ của người tàn tật và sự hạn chế của quỹ xã hội trong trợ cấp…
– Ngành Công an giám sát việc chấp hành và xử phạt nghiêm khắc những sai phạm…
– Ngành Đo lường chất lượng có trách nhiệm kiểm định, cấp phép cho các cơ sở sản xuất, phân phối nón theo mẫu mã, đúng chất lượng theo quy định, xử phạt đúng mức hàng giả, hàng nhái.
Nếu đầu tháng 5 đi đến đâu cũng nghe bàn tán về giàn khoan, thì đầu tháng 7 này đi đến đâu cũng nghe luận bàn về nón bảo hiểm đối với người đi xe mô-tô. Lắm người ngao ngán bạo mồm “Chắc ngành giao thông có phần hùn với các công ty sản xuất nón bảo hiểm hoặc ăn chia tiền trong xử phạt với cảnh sát giao thông”. Người độ lượng hơn ước rằng: “Phải chi mấy ổng “đồng bộ” ngay từ đầu thì đỡ cho dân biết mấy!”.
Lại có người nói vui: “Tai nạn giao thông không ngừng tăng một phần do buộc người lái xe mô-tô đội nón bảo hiểm”. Họ lý giải: “Khi đã đội nón bảo hiểm thì người lái xe cảm thấy mình an toàn, họ giành đường vượt ẩu, đụng cả người đi bộ, cột đèn…”.
Chỉ có việc nhỏ “đi xe mô-tô phải đội nón bảo hiểm” mà hàng mấy chục năm lằng nhằng như gà con vướng tóc, gây khổ cho bao người thì mong gì Đảng và Nhà nước ta làm được chuyện lớn. “Lượm” ơi!
04/07/2014
T. T.
Tác giả gửi BVN.