LUẬN BÀN TRUNG QUỐC LY THÂN HAY LY DỊ VIỆT NAM

Công luận đã có nhiều thông tin lo ngại về việc có khả năng Trung Quốc trả đũa việc Việt Nam phản đối vụ giàn khoan HS981 bằng cách rút dự án đang đầu tư và không cho các doanh nghiệp nhà nước dự thầu ở Việt Nam, tiến đến cấm vận về kinh tế.

Khó khăn thách thức 

Việt Nam không thể ngồi không, hết chờ Nga đến nhờ Mỹ v.v… như tinh thần và thái độ ỷ lại, xin cho cổ truyền mà có được. Có làm mới có ăn, là luật công bình của tạo hóa. Xưa nay, cứ nhờ và xin nên hết “đuổi hổ trước thì rước cọp sau” là quả báo nhãn tiền.

Nguồn: Số liệu VN báo cáo cho Comtrade, UNSD

Nếu Trung Quốc cấm vận về kinh tế thì ảnh hưởng đến các mặt hàng mà nguyên vật liệu chủ yếu phục vụ cho sản xuất hàng may mặc, dệt, giầy da, nguồn thức ăn chăn nuôi phần lớn đều nhập từ Trung Quốc v.v…

Nếu Trung Quốc cấm vận, ảnh hưởng trực tiếp đến thị trường xuất khẩu, có chuyên gia tính GDP của Việt Nam sẽ giảm khoảng 3,6%. Mất thị trường mua nguyên liệu rẻ từ Trung Quốc, sản xuất ngưng trệ, thất nghiệp gia tăng, nếu không có hàng thay thế, sản xuất xuất khẩu sẽ giảm, làm GDP giảm 10%.

Ngoài ra, còn ảnh hưởng của việc giảm chi tiêu do mất nguồn lợi tức lao động v.v… Phản ứng của người tiêu dùng khó đoán hơn vì có thể họ phải dùng tiền để dành hay vay mượn để chi tiêu trong ngắn hạn.

 

Thời cơ và giải pháp

 

Xuất khẩu là chiến lược phát triển kinh tế của Việt Nam. Mất nguyên liệu giá rẻ từ Trung Quốc chỉ ảnh hưởng ngắn hạn, vì Việt Nam có thể thay thế bằng thị trường nguyên liệu rẻ khác từ ASEAN, Ấn Độ v.v…

Đối với các dự án năng lượng, xây dựng cơ sở hạ tầng, cần tiếp tục thực hiện các dự án bằng cách huy động vốn (trái phiếu, ODA, khoản vay đặc biệt…). Có thể có vấn đề ở chỗ nhà thầu Trung Quôc làm dự án tổng thầu EPC (Engineering Procurement And Construction – Thiết kế, mua sắm, thi công) nên họ đưa tiêu chí, công nghệ, thiết bị của họ vào, bây giờ thay thế bằng tiêu chí, công nghệ, thiết bị khác thì sẽ khó khăn. Các chủ đầu tư cần nghiên cứu ngay từ bây giờ làm cách nào thế chân nhà thầu Trung Quốc khi họ rút.

Chính phủ cần cho thanh tra các dự án có vấn đề “giá rẻ”, làm rõ chất lượng thực sự so với yêu cầu trong hồ sơ mời thầu, làm rõ các “sai lệch” của nhà thầu đã bị chủ đầu tư thông đồng móc ngoặc để bỏ qua trong triển khai sau đấu thầu. Rà soát các Nghị định, thông tư, bịt “lỗ hổng” trong hướng dẫn luật đấu thầu, đối chiếu với thông lệ quốc tế theo FIDIC (Fédération Internationale des Ingénieurs Liên đoàn Quốc tế các Kỹ sư Tư vấn.)

Việt Nam phải tạo ra một môi trường thực sự bình đẳng giữa doanh nghiệp tư nhân và Nhà nước.  Sự bình đẳng này phải được thể hiện trên mọi lĩnh vực kinh tế, pháp luật để tạo được sức mạnh phát triển và bảo vệ đất nước.

Nếu Trung Quốc cấm vận kinh tế, đây không những chỉ là thử thách cam go mà còn là cơ hội lịch sử cho Việt Nam sàng lọc nhân tài, sẽ tự vươn lên, hội nhập vào thế giới văn minh.  Trong cái khó sẽ ló cái khôn. Với nỗ lực của toàn dân, chắc sẽ phải chịu khó một thời gian, phải chịu thắt lưng buộc bụng. Bỏ chi tiêu xa xỉ, thôi sử dụng tài nguyên phung phí, đồng lòng vì nghĩa vụ chung. Nhưng bù lại, đây là cơ hội thoát Trung. Đây là dịp để ta thoát khỏi chất lượng kém của Trung Quốc ở các nhà máy phát điện, dầu khí … để nâng lên hàng chất lượng G7. Sẽ có khó khăn, tốn kém, nhưng sẽ được bù đắp bởi sự vận hành trôi chảy, ít phải ngừng hoạt động để sửa chữa và thay phụ kiện (sau này không kiếm ra phụ kiện Trung Quốc!), về lâu về dài sẽ bù lại cho khoản đầu tư cao lúc đầu. Mọi cái còn lại (tiết kiệm điện, huy động vốn, cảnh giác trong làm ăn với Trung Quốc v.v…)  sẽ được thị trường tự điều tiết, tất nhiên có vai trò chỉ đạo của Nhà nước trong thể chế hiện nay.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Thành Sơn cho biết lợi nhuận của ngành than Việt Nam phụ thuộc 100% vào xuất khẩu. Trong khi đó, từ xưa đến nay thị trường tiêu thụ than phụ thuộc vào Trung Quốc đến 50% về sản lượng và 80% về tăng trưởng. Năm nay, Trung Quốc đã giảm mạnh và sẽ không còn nhập khẩu than của Việt Nam nữa. Ngành than phải tự điều chỉnh bản thân mình (quản lý chặt hơn, tiết giảm chi phí, đẩy mạnh tiêu thụ trong nước v.v…). Chắc chắn cũng không thể lỗ.

Như vậy, nếu không “chơi” với Trung Quốc thì về mặt tổng thể vĩ mô sẽ có cái hay là tạo ra “cung” mới (như Tiến sĩ Lê Đăng Doanh nói: Trong “nguy” có “cơ”), đồng thời thị trường sẽ cân bằng lại giữa 2 quan điểm trọng cung và trọng cầu mà hiện nay đang “lệch” về phía trọng cung.

Tạo ra sức ép cần thiết mà chúng ta đang còn chưa có để cơ cấu lại nền kinh tế một cách thực sự và tạo cho các nhà lãnh đạo của Việt Nam cơ hội thay đổi được tư duy phát triển kinh tế phù hợp với xu thế thay tăng trưởng GDP bằng hiệu quả của đầu tư, chuyển mạnh từ lượng sang chất.

Cái nguy hiểm (không phải nguy cơ) lớn nhất của nền kinh tế-xã hội của Việt Nam là ở chỗ không có cơ sở lý luận về phát triển kinh tế-xã hội đúng đắn. Giữa lý luận và thực tiễn, đường lối và chủ trương được các nhà lãnh đạo nêu ra chỉ là những khẩu hiệu rất “kêu” về mục tiêu phát triển mà chưa có nhà quản lý/điều hành nào xác định rõ nhiệm vụ cụ thể để đạt được các mục tiêu đó. Các ngành kinh tế chủ đạo thì không có quy hoạch phát triển được lập và được phê duyệt một cách khoa học, bài bản. Các Bộ trưởng hay các Tổng giám đốc tập đoàn lớn thì phần lớn mạnh ai người ấy làm theo kiểu “chạy chính sách, lách chủ trương và lợi dụng đường lối”.

 

Tự trách mình trước

 

Trung Quốc to lớn hơn Việt Nam về mọi mặt diện tích, dân số, GDP. Nếu căng thẳng đến mức đoạn tuyệt kinh tế đối với Việt Nam thì thế giới thấy Trung Quốc là kẻ khó chơi, sẵn sàng gây tai họa cho cả thế giới.

Nền kinh tế Việt Nam từ trước đến nay bị phụ thuộc quá nhiều vào Trung Quốc là do cả 2 phía đều muốn “kết hôn” như thế! Bây giờ nếu họ muốn ly thân hay ly dị Việt Nam, tất nhiên mọi cuộc chia tay đều có giá phải trả cả về vật chất và tinh thần nhưng suy ngẫm đó là cơ hội để ta tự lập, thanh thản vượt lên chính mình, thoát được vòng kim cô về ý thức hệ giáo điều, hữu nghị viển vông.

Nhiều người phê phán, thậm chí chửi Trung Quốc là đểu, hoàn toàn đúng. Nhưng cũng phải biết trách mình trước bởi vì nó đểu được là vì cả hệ thống chính trị và công quyền của mình không minh bạch, đàng hoàng với dân. Đơn giản là tại sao người Trung Quốc khai thác được boxit, mở được Vũng Áng, hay nhiều nơi khác ở những vùng trọng yếu cả về quốc phòng, kinh tế đó là vì mình cho nó làm. Còn nhiều nơi, người Trung Quốc thuê được đất, thuê được rừng, mà chả cần giấy tờ gì, đó là vì quan chức địa phương lờ đi cho nó làm, người dân có quyền đặt vấn đề về nguyên nhân là tham nhũng và sự giầu có bất thường của nhiều quan chức!

Nên nhớ rằng, muốn đầu tư, muốn mua bán ở nước Việt Nam thì phải xin được giấy phép đầu tư (FDI). Ở đâu cũng vậy. Người Trung Quốc có thể mua cố phiếu của 1 công ty Mỹ, nhưng muốn mua toàn bộ công ty để điều hành thì phải đăng ký xin giấy phép đầu tư, và Chính phủ Mỹ có thể ngăn lại vì an ninh quốc gia. Muốn gửi người vào làm việc thì từng người phải xin visa làm việc, chứ không thể tự động mà vào, phổ biến như ở Việt Nam.

Việt Nam còn đang không biết mình có gì và cần gì. Năng suất lao động rất thấp nhưng vẫn tự an ủi là “dân số vàng”!  Đầu tư rất kém hiệu quả, nhưng lúc nào cũng tự hào về “thu hút nguồn vốn” ODA/FDI. Tài nguyên thiên nhiên thì nghèo nàn,  mưa nhiều nhưng đến nước ngọt còn thiếu, tài nguyên khoáng sản thì manh mún như “hàng xén”, dân số thì đông nhưng chất lượng được sống và chất lượng được đào tạo rất thấp. Vậy tiềm lực ở đâu để mà thực hiện theo khẩu hiệu “phát huy nội lực”, “dựa vào nội lực”!?

Mâu thuẫn lớn nhất của nền kinh tế-xã hội Việt Nam là nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội phải rất cao đang mâu thuẫn (đối nghịch) với không có nhu cầu phát triển về chính trị. Việt Nam đang hy vọng vào chiêu bài “hoàn thiện thể chế”. Thể chế chỉ là một phần quan trọng của chính trị, nằm trong chính trị. Thể chế là nội dung còn chính trị là hình thức. Lớn mạnh về thể chế mà không lớn mạnh về chính trị thì như mặc cái áo rách thì đừng mong rằng thoát Trung!

GS Phạm Gia Khai nhận xét rất chí lý: Thời gian Pháp chiếm đóng nước ta, sau đó là Nhật làm đảo chính Pháp, Việt Nam không bị lệ thuộc Trung Quốc. Quốc dân Đảng, Việt Nam cách mạng đồng minh hội và các Đảng phái dựa  vào Trung Quốc để tranh quyền với Việt Minh đều thất bại, điều này chứng tỏ dân Việt Nam yêu nước, và không ưa Trung Quốc. Về sau này, chúng ta đã bị đưa vào quĩ đạo Trung Quốc cũng vì yêu nước, bị ép buộc và lừa phỉnh theo chủ nghĩa xã hội.

Lãnh đạo Việt Nam đã tỏ ra không phù hợp với thời cuộc, đồng thời tự cô lập do mất lòng dân trong chính sách đối nội và đối ngoại, trước sau sẽ phải bị thay thế, tốt nhất là theo phương châm “bình cũ rượu mới”, như “rắn già, rắn lột”.

Trung Quốc rất thâm hiểm, nhưng quá tự tin nên thiếu cập nhật, sớm bị thế giới tẩy chay, biển Đông là chiến trường chưa có tiếng súng giữa Việt Nam và Trung Quốc. Điều này, Trung Quốc không hề mong muốn, nhưng sự tham tàn của họ đang đẩy họ và mấy người Việt Nam tham quyền cố vị vào thế bị lên án, đặc biệt là tạo điều kiện cho Nhật Bản tái vũ trang, và Việt nam “thoát Trung”, mặc dầu lãnh đạo của Việt Nam không muốn. Người Trung Quốc không thấu hiểu câu: “Một nền hòa bình không tuyệt hảo còn tốt hơn một cuộc chiến đẹp”, dù sao có đồng minh hoặc kẻ thù ngoan ngoãn vẫn hơn là chỉ có đối lập. Trung Quốc đang đẩy loại người đó vào thế kẹt, và đây là cơ hội cho Việt Nam “thoát Trung”.

Thay cho lời kết 

Chúng ta không dại gì, muốn đối đầu với nước khổng lồ láng giềng Trung Quốc nhưng quan hệ phải sòng phẳng, hai bên cùng có lợi trên cơ sở tôn trọng chủ quyền độc lập của mỗi nước. Xưa nay, quan hệ mua bán, đấu thầu, đầu tư… giữa ta và Trung Quốc còn có yếu tố tham nhũng chi phối. ODA cũng ăn, ngay cả Nhật Bản cũng đã hai lần khai báo rồi, mua bán biết hàng Trung Quốc chất lượng kém mà vẫn nhập là vì có “chén”!

Làm ăn với Trung Quốc ta mất vốn, mất nhân cách con người, mất nhiều thứ thiêng liêng khác. Còn được là ngoài thị trường chủ yếu tiêu thụ tài nguyên khoáng sản thô, sản phẩm nông nghiệp bấp bênh, được “hai cái ống tre con đười ươi”, công trình lạc hậu, chất lượng kém và được một đất nước chìm trong lạc hậu do tụt hậu không dừng…

Nhìn ra thế giới các nước, như Nhật, Hàn Quốc, Singapore, Myanmar, họ chủ động có ý chí, âm thầm “thoát Trung” bằng con đường văn hóa, triết học, kinh tế, và chính trị. Nếu lần này Trung Quốc đoạn tình với Việt Nam, mong sao đó là sự thật, đừng có nay ly thân, mai tái hợp, mối tình “Việt – Trung” thì suốt đời dân ta còn bị lệ thuộc, khốn khổ khôn lường.

Sự kiện Biển Đông và cơ hội thoát Trung  cùng với việc cải tổ thể chế, dân chủ hóa và đoàn kết, hòa giải dân tộc để Việt Nam  phát triển và hòa nhập với cộng đồng thế giới văn minh là một hướng đi đúng đắn cho tương lai của dân tộc Việt.

 

T.V.T.

Tác giả gửi BVN

This entry was posted in Tản Mạn. Bookmark the permalink.