Giữa lúc cả nước đang nóng lên tình hình biển Đông, kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIII còn bao nhiều việc phải bàn, phải làm vì vận mệnh Đất Nước, vì quốc kế dân sinh thì Cục Hàng không Việt Nam rỗi hơi vẽ chuyện đưa ra Quốc hội bàn sửa luật Hàng không dân dụng Việt Nam (HKDDVN), mặc dù Luật 2006 mới được QH khóa XI thông qua, và với 6 năm thực hiện Cục HKVN đã thừa nhận “luật HKDDVN đã đáp ứng được tính đặc thù và nhu cầu phát triển của ngành”. Vậy mà nay đã kiến nghị đưa ra QH sửa đổi luật với mục đích đưa quyền chủ thể của bộ luật về tay Cục trưởng HKVN – vượt quyền Bộ trưởng GTVT để thành một “Bộ Hàng không” giành quyền đóng mở sân bay và thực hiện những siêu dự án hàng chục tỷ USD làm nghèo đất nước.
Cục HKVN đang đưa hàng không nước ta thất bại từ A tới Z!
Bay lên từ bệ phóng của một cường quốc không quân, sở hữu gần 100 sân bay cũ và mới, với những sân bay hiện đại tầm cỡ quốc tế ngang hàng và lớn hơn các siêu cường như Tân Sơn Nhất, bên cạnh còn có Biên Hòa hiện đại có tính năng công suất ngang với Đà Nẵng. Thủ đô Hà Nội có tới 3 sân bay là Nội Bài, Gia Lâm, Bạch Mai. Thành phố Hải Phòng có tới 2 sân bay lớn tầm quốc gia và quốc tế. Huyện đảo như Phú Quốc với 80.000 dân – chỉ bằng một phường của TP HCM – cũng sở hữu tới 2 sân bay, trong đó có một sân bay quốc tế hiện đại công suất 5 triệu hành khách/năm, lớn hơn cả TP Hải Phòng. Sân bay quốc tế của VN có tới 10 cái, gấp ba lần Nhật Bản – một siêu cường kinh tế thế giới.
Tính bình quân mỗi sân bay trị giá 0,8 tỷ USD thì hàng không nước ta sở hữu một tài sản khổng lồ tới 80 tỷ USD – mà chưa thể có một bộ ngành nào sở hữu lượng tài sản lớn như như thế, kể cả Tập đoàn Dầu Khí quốc gia. Tầm phủ sóng của hàng không dày đặc, bình quân bán kính 30 km có một sân bay, hơn mật độ phủ sóng của viễn thông.
Đội ngũ phi công hùng hậu trưởng thành từ không quân và một thị trường dồi dào hơn 90 triệu dân và 5 triệu kiều bào, có quan hệ hợp tác rất tốt với hầu hết các nước trên thế giới, đặc biệt là ASEAN, các nước sông Mê Kông, ba nước Đông Dương. Bầu trời hàng không rộng mở, xanh trong bình yên nhất thế giới.
So sánh với sân bay Changi – Singapore nhỏ hơn Tân Sơn Nhất có công suất 58 triệu hành khách/năm thì 10 sân bay quốc tế và 16 sân bay dân dụng khác ở nước ta phải có tiềm năng vận tải trên 250 triệu hành khách/năm (gấp 2,5 lần dân số) và khoảng 5 triệu tấn hàng hóa. Vậy mà thực tế năng lực vận chuyển về hành khách và hàng hóa chỉ đạt được 11,5 triệu hành khách và 140.000 tấn hàng hóa/năm, chỉ chiếm 0,3% thị phần vận tải, so với đường sắt chỉ bằng 1/3, so với đường sông là 1/40 và xếp cuối bảng trong 5 loại hình vận tải (xem biểu đồ). Doanh thu hàng năm chỉ khoảng chỉ 0,8 tỷ USD so với giá trị tài sản hàng không khổng lồ tới trên 80 tỷ USD là quá ít ỏi, trong khi phải nuôi một đội quân khổng lồ 3,5 vạn người, đội quân ngang với đường sắt, nhưng doanh thu thì kém xa đường sắt. Bình quân hàng năm Chính phủ phải đứng ra bảo lãnh tín dụng thư (L/C) vay nước ngoài hàng trăm triệu USD đến nay không có khả năng chi trả.
Siêu lãng phí hạ tầng trong khi phương tiện bay thì lèo tèo. Đội bay hùng hậu nhất là VNA cũng chỉ có 80 chiếc máy bay, các hãng khác chỉ 10 chiếc, gia tài rỗng tuếch vì từ phi cơ đến phi công toàn phải “thuê khô”, ”thuê ướt”, mỗi năm thuê tới 1.200 lượt phi công ngoại, thuê cả phi công bằng dỏm, đó là một sự mất cân đối nghiêm trọng. Lượng tàu bay chưa đủ 1 chiếc/1 triệu dân, trong khi nhiều nước ASEAN là 2 chiếc/1 triệu dân. Năng lực vận chuyển hàng năm chỉ mới 11 triệu hành khách/năm – thua xa đường sắt 16 triệu hành khách/năm, vậy mà thổi phồng thành tích là 25 triệu hành khách/năm để cho là quá tải nghiêm trọng và phải khẩn cấp phải xây thêm sân bay mới. Đây là một sự lừa dối trắng trợn vượt trên công luận. Hiện HKVN đang xếp cuối bảng trong ASEAN về năng lực và chất lượng phục vụ.
Hàng không VN từ “bần cùng sinh cẩu thả”
Với quan niệm các đường bay nội địa phải thực hiện trong vòng lãnh thổ để dễ quản lý điều hành, bay trên bầu trời Lào và Campuchia không đảm bảo an ninh, và học thuyết bay vòng kinh tế hơn bay thẳng do Cục HKVN áp đặt, các hãng hàng không hiện lãng phí bình quân trên 25% quãng đường bay, trong đó bao gồm chi phí nhiên liệu, nhân công, hao mòn phương tiện nên thu không đủ chi. Từ thiếu thốn tới mức phải “ăn đong từng bữa”, phải “giật gấu vá vai” nên việc mua sắm phương tiện, bảo dưỡng định kỳ, lượng nhân viên kỹ thuật bị cắt xén theo kiểu “túng thiếu phải làm liều” nên an toàn bay của HKVN báo động tới mức SOS.
Luật HKDDVN bị vi phạm nghiêm trọng, từ việc quản lý kiểm tra an toàn phương tiện bay, quy định cách điều hành quản lý không lưu, đến việc vi phạm an toàn tới mức báo động.
Do bị “bần cùng hóa” nên thu không đủ chi, không có tiền để thay thiết bị, hàng không hết rơi lốp, rơi ốp, xịt lốp, nổ lốp, đến máy bay hỏng hệ thống dưỡng khí, tàu bay suýt đâm nhau trên không… Nhiều vụ máy bay VN thuê phi công dỏm làm náo loạn sân bay nước ngoài, máy bay cất cánh có nguy cơ phát cháy tại sân bay ở Úc, chỉ 6 tháng 2012 tới 500 vụ mất an toàn hàng không như điều hành máy bay suýt đâm nhau, hạ cánh sai đường băng, thời gian gần đây các vụ việc càng nghiêm trọng.
Kiểm soát an ninh hàng không mà để lọt tới 600 bánh heroin, trở thành hàng không cẩu thả nhất thế giới!
Có tới 80% số sân bay đang sử dụng bị rơi vào “hội chứng mù” do không có đèn chiếu sáng đèn dẫn đường, vì vậy mỗi ngày chỉ hoạt động có vài giờ, lãng phí 96% tiềm năng sân bay.
Là cơ quan quản lý thực thi Luật HKDDVN, vậy mà Cục HKVN đã vượt trên cả những quy tắc quy phạm tiêu chuẩn an toàn, xây đài điểu khiển sân bay vượt 9 mét, thỏa hiệp cho xây dụng sân golf, nhà cao tầng ngay trong sân bay đe dọa an toàn cất hạ cánh. Vụ máy báy MH 370 (Malaysia) bộc lộ sơ hở lớn về quản lý không lưu, chậm trả lời tín hiệu máy bay tới 17 phút, vi phạm nghiêm trọng an toàn hàng không theo luật hàng không quốc tế, làm giảm sút uy tín của Hàng không VN.
Luật HKDD có sai gì đâu mà sửa! Phải sửa ngay Cục HKVN!
Việc đề xuất sửa luật do cục HKVN đưa ra không phải do nội dung của luật chưa phù hợp mà do tư duy nhận thức và trách nhiệm chính trị của đội ngũ lãnh đạo của Cục HKVN – cơ quan quản lý Nhà nước về Hàng không – chưa theo kịp với nội dung của luật HKDDVN và không chịu đổi mới theo đường lối. Cục HKVN chưa làm đúng chức năng để tuyên truyền cho toàn dân chấp hành luật, hướng dẫn thực thi luật, giúp các doanh nghiệp hàng không từ trên bầu trời đến mặt đất khai thông tiềm năng để phát triển hội nhập quốc tế, mà trái lại là bế quan tỏa cảng, gây khó khăn trong việc thực thi luật, kiềm hãm hàng không trong bầu trời hẹp, tới mức vi phạm luật Doanh nghiệp, gây khó khăn, bóp chết các doanh nghiệp hàng không tư nhân như ICA, MCA, cản ngăn tất cả các hãng hàng không nước ngoài đầu tư khai thác tiềm năng hạ tầng hàng không VN. Thậm chí sử dụng Luật HKDDVN như một công cụ đặc quyền để cửa quyền đặc lợi, kiềm hãm tới mức bần cùng hóa sự nghiệp Hàng không, chạy theo tham vọng của nhóm lợi ích trong các siêu dự án hạ tầng hàng không, gây siêu lãng phí và làm nghèo đất nước!
Luật HKDDVN 2006 được QH khóa XI xây dựng mang tính đổi mới hội nhập, tuân thủ các nguyên tắc của Hiệp hội HKDD quốc tế ICAO, Hiệp hội vận tải HK quốc tế IATA, cho đến nay luật vẫn còn nguyên giá trị thì có gì mà phải sửa.
Nhiều đại biểu QH và cử tri cả nước ngạc nhiên về việc xác định chủ thể của nhà chức trách về dự thảo sửa luật chưa rõ ràng giữa Cục HKVN và Bộ trưởng Bộ GTVT.
Việc một số ý kiến cho rằng Cục HKVN mới là chủ thể của bộ luật HKDDVN là mơn trớn và thỏa hiệp cho một mưu toan tiếm quyền để cục HKVN trở thành “Bộ Hàng không”, lộng quyền thực hiện các siêu dự án về hạ tầng hàng không, đi theo vết xe đổ của “Bộ đường sắt” để chạy theo các siêu dự án tỷ đô và đang phải trả giá.
Trên thực tế, năm 2011 Cục HKVN đã vượt quyền Bộ trưởng GTVT để đứng ngang hàng với Bộ Tài chính ký Thông tư liên bộ số 5859/CHK-TC ngày 07/12/2011 về định mức áp giá trần hàng không, nhằm liên minh ma quỹ với VNA móc túi hành khách, đặc biệt là với nhân dân vùng biển đảo và trên các đường bay độc quyền.
Thực tiễn cho thấy, các bộ luật về đường bộ, hàng hải, đường sắt, đường thủy… đều do Bộ GTVT là chủ thể hợp pháp, vì chỉ có Bộ trưởng là thành viên Chính phủ, chịu trách nhiệm trước Chính phủ về hành pháp và đối nội, đối ngoại.
Tại kỳ họp QH lần này bàn về sửa luật, đã có những đại biểu thẳng thừng lên tiếng phê phán ngành hàng không dân dụng tạo những nhu cầu ảo, dự báo thiếu chính xác và chưa tin cậy để làm quy hoạch, sẽ gây lãng phí và hiệu quả thấp, tốn kém cho xã hội, và cảnh báo về siêu dự án sân bay Long Thành do Cục HKVN dựng lên đang có nguy cơ làm nghèo đất nước.
Điều cần làm ngay lúc này là sửa ngay Cục HKVN cả về tư tưởng và tổ chức để cứu lấy sự nghiệp hàng không. Không để Cục HKVN lao theo vết xe đổ của “Bộ Đường sắt” vẽ ra các siêu dự án tỷ đô, bày ra chuyện sửa luật một cách tùy tiện, dám qua mặt vai trò chủ thể của nhà chức trách hàng không là Bộ trưởng GTVT để phục vụ mục tiêu của nhóm lợi ích trong các siêu dự án hạ tầng hàng không.
Quốc hội là cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất của Dân, do Dân, vì Dân đang tập trung trí trệ cho những vấn đề trọng đại về quốc kế dân sinh, không thể lãng phí thời gian chạy theo những ý tưởng viễn vông của Cục HKVN để sửa đổi luật, nhằm để Cục HKVN lộng quyền thành “Bộ Hàng không”, đi theo sai lầm của “Bộ Đường sắt” đã từng lừa dối Bộ GTVT, Chính phủ về siêu dự án Đường sắt cao tốc 56 tỷ USD mà Quốc hội khóa XII đã sáng suốt đồng tình bác bỏ!
Tiến sĩ Trần Đình Bá đang thuyết minh về “Phương pháp tính hiệu quả kinh tế đường bay…” trước 300 tiến sĩ là thứ trưởng, cục trưởng HKVN ngày 13/2/2012 tại hội trường Bộ GTVT. Nguồn ảnh: Báo GTVT
T.Đ.B.
Tác giả gửi BVN