Khi kinh doanh không đùa với niềm tin!

(TBKTSG) – Với tư duy làm dự án mang tính chủ quan, duy ý chí, dựa vào niềm tin và quyết tâm chính trị nhiều hơn là những tính toán lỗ lãi về kinh tế, nên nhiều dự án đã và đang thua lỗ nặng nề, dường như không lối thoát. Dự án bauxite là một trường hợp điển hình.

Theo báo cáo đánh giá của đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cũng như đại diện của Chính phủ là Bộ Công Thương là dự án “có hiệu quả, cho dù không cao”. Về phía Bộ Công Thương, họ đưa ra những lý lẽ minh chứng tính hiệu quả của dự án một cách khá dễ dãi. Ví dụ, “sản phẩm alumina sản xuất ra đến đâu tiêu thụ hết đến đó”. Đương nhiên là nếu bán rẻ thì sẽ tiêu thụ hết ngay. Có gì để nói lên tính hiệu quả ở đây?

Vì giá tiêu thụ của alumina Việt Nam ở thời điểm này (và cả trước đó) chắc chắn thấp xa so với mức giá có lãi khi lập dự toán (hiện giá alumina giao ngay FOB từ Úc là 316 đô la Mỹ/tấn vào ngày 16-5, và trung bình là 323 đô la/tấn trong năm tháng đầu năm 2014, 327 đô la/tấn năm 2013, so với giá mà TKV ước tính có lãi là 362 đô la/tấn(1)) nên dù có biện bạch rằng dự án này có hiệu quả ở mặt nào đi chăng nữa thì về mặt kinh tế phải nói đó là một dự án không hiệu quả.

Ngoài ra, với giá thành sản xuất tại thời điểm 3-2013 là 6,5 triệu đồng/tấn (trên 310 đô la Mỹ/tấn)(2) và giả thiết là mức này không đổi cho đến thời điểm hiện tại thì có thể nói tính cạnh tranh về giá thành (chưa nói đến chất lượng) của alumina sản xuất tại Việt Nam đang rất kém.

Cụ thể, từ hình minh họa về giá thành sản xuất alumina của thế giới, có thể thấy Việt Nam đang nằm ở nhóm có giá thành cao nhất (mỗi nhóm đại diện 25% sản lượng thế giới). Nói cách khác, chi phí sản xuất alumina ở Việt Nam đang rất cao so với mức trung bình của thế giới, nên TKV sẽ là một trong những nhà sản xuất phải đóng cửa trước tiên khi giá alumina thế giới trong tương lai tiếp tục ở mức thấp (giả thiết rằng Chính phủ không có ưu đãi, cứu trợ, hỗ trợ gì).

Để phần nào trấn an dư luận, các quan chức hữu trách đưa ra dự báo rằng giá bán alumina sẽ tăng lên khoảng 400 đô la Mỹ/tấn vào năm 2018 (trở đi), và tin rằng dự án “sẽ đỡ rủi ro hơn”. Đồng ý rằng giá alumina cũng có khả năng tăng lên đến mức này nhưng điều cần chú ý là trong phần tăng lên của giá bán này có sự đóng góp của lạm phát. Đối với giá thành sản xuất alumina tại Việt Nam, của TKV, cũng vậy, giá bán có thể tăng lên nhưng rất có thể giá thành cũng sẽ tăng lên, một phần do lạm phát. Nếu thế thì biên độ lợi nhuận hoàn toàn có khả năng không được cải thiện, nếu không muốn nói là sẽ kém đi. Do đó, niềm tin rằng dự án “sẽ đỡ rủi ro hơn” cũng rất… chập chờn và mơ hồ trong tương lai.

Các quan chức cũng bổ sung thêm yếu tố là có thể khai thác sắt từ bùn đỏ của dự án bauxite như là một điểm cộng cho tính hiệu quả của dự án. Nhưng điều này cũng giống như việc “đếm cua trong lỗ”, vì để biến thành hiện thực, TKV lại có thể vấp phải thêm một vòng luẩn quẩn nữa: vay nợ, đầu tư, sản xuất kém hiệu quả, thua lỗ, vay nợ/xin ưu đãi, hỗ trợ, xóa nợ…

Sau cùng, một số “ưu điểm” khác của dự án như giải quyết công ăn việc làm, văn hóa, môi trường… cũng được liệt kê ra, nhưng nói cho cùng số tiền (dự tính) thua lỗ từ việc sản xuất alumina nếu để dành làm những dự án khác cho vùng đất Tây Nguyên này thì có lẽ sẽ còn mang lại hiệu quả trực tiếp lớn hơn nhiều.

(1) http://nld.com.vn/thoi-su-trong-nuoc/can-tam-dung-du-an-alumin-nhan-co-20130509114451754.htm

(2) Đã dẫn

Nguồn: http://www.thesaigontimes.vn/115201/Khi-kinh-doanh-khong-dua-voi-niem-tin!.html

This entry was posted in Bô-xít. Bookmark the permalink.