Có phải bản chất của xã hội dân sự là “khoảng đệm” và phi chính trị?

Phóng sự “Đe dọa từ phương Bắc và xã hội dân sự Việt Nam” của ký giả Trọng Thành (RFI ngày 21-5-2014) có nhiều thông tin bổ ích và nhận định sắc sảo. Để hiểu xã hội dân sự là gì, tại sao xã hội dân sự lại hệ trọng đến vậy, và những gì làm nên xã hội dân sự Việt Nam, tác giả đã mời nhà nghiên cứu Lữ Phương giải đáp một cách rất ngắn gọn, rành mạch và dễ hiểu. Đặc biệt tác giả quan tâm một số nhận định rất hệ trọng trong bài “Những ước vọng của một người dân” của Tiến sĩ Phạm Gia Minh:

“Ở Việt Nam xã hội dân sự đang bị chính trị hóa bởi cả hai phía – Nhà nước thì quản lý chặt chẽ một hệ thống các cấp Hội và Hiệp Hội nhằm thực hiện các nhiệm vụ chính trị đề ra, trong khi đó phong trào tự phát trong dân thành lập các tổ chức như Diễn đàn xã hội dân sự, Hội các bloger, Hội dân oan… nhìn chung cũng mang nặng màu sắc chính trị và bầu không khí chung là nghi kỵ và đối đầu nhau một cách không đáng có”.

Ký giả Trọng Thành dẫn thêm: “Một nhận định quan trọng khác của Tiến sĩ Phạm Gia Minh là: “Về bản chất xã hội dân sự là “khoảng đệm” hay không gian trung lập giữa Nhà nước và nhân dân nên chỉ khi nào phục vụ mục đích dân sinh và phi chính trị thì xã hội dân sự mới thực sự phát huy chức năng vốn có của nó”.

Trong “Những ước vọng của một người dân”, nói chung Tiến sĩ Phạm Gia Minh đã đề cập và dẫn giải nhiều vấn đề xã hội rất sâu sắc. Tuy nhiên với hai đoạn văn mà ký giả Trọng Thành đặt lại thì có lẽ ông phân tích chưa rõ và như vậy có thể gây hiểu lầm không có lợi. Do đó xin có đôi lời bàn thêm.

Khái niệm “xã hội dân sự” đã có từ thời cổ Hy Lạp. Aristote là người đầu tiên dùng thuật ngữ này và có câu nói nổi tiếng “Con người là một động vật chính trị”. Trong Khế ước xã hội, Rousseau dành chương 4, quyển 4, kể về các hội dân được thành lập thời La Mã. Các hội dân này kiểm soát hoạt động của Nguyên lão Thượng viện: “Riêng thành phố La Mã được vinh dự đã cho thế giới một tấm gương tốt, trong đó không có sự lạm quyền.” Như vậy là từ thời La Mã, xã hội dân sự đã có những hoạt động chính trị, nhằm hạn chế lạm quyền.

Xã hội dân sự nổi lên và mạnh dần ở thời tiền tư bản, khi con người ý thức ngày càng sâu sắc về cá nhân và các quyền tự do mà “tạo hóa ban cho”. Vào thế kỷ 16, các học giả J. Rodin (Pháp), T. Hobbes (Anh), B. Spinoza (Hà Lan)… phân tích sâu sắc về tự do cá nhân và đưa ra sự phân biệt giữa nhà nước với xã hội. Đến thế kỷ 18, Rousseau, Montesquieu đặt vấn đề tự do cá nhân của công dân độc lập với nhà nước. Triết gia Hegel (Đức) trong Triết học pháp quyền, được coi là tác phẩm phân tích công phu về xã hội dân sự với nhà nước hiện đại, cho rằng xã hội dân sự là nơi các công dân có hoàn cảnh giống nhau cần liên kết với nhau vì lợi ích. Xã hội dân sự là nơi tập hợp của các tư nhân, các giai cấp, các nhóm được điều tiết theo dân luật, không phụ thuộc trực tiếp vào nhà nước. Nhưng ông cho rằng xã hội dân sự phải tuyệt đối phục tùng, chịu sự quản lý của nhà nước để được bảo đảm tự do. Ông gọi vai trò Nhà nước “là hành trình của Thượng đế”, tầng lớp quan chức là “linh hồn của xã hội”. Về điều này ông đã thụt lùi so với các nhà tư tưởng ở thế kỷ 18. Trong Phê phán triết học chính trị của Hegel, K. Marx vừa chấp nhận những luận điểm đúng, vừa chống các luận điểm sai trái như tuyệt đối hóa vai trò của nhà nước đối với xã hội dân sự. K. Marx cho rằng Nhà nước phải phục vụ xã hội dân sự.

Các triết gia của Thế kỷ Ánh sáng đã đánh thức con người nhận ra các quyền tự do mà Tạo hóa đã ban cho của mình, từ đó kiên quyết đấu tranh để giành lấy.

J. J. Rousseau viết Khế ước xã hội với câu mở đầu: “Con người sinh ra tự do, nhưng ở đâu họ cũng bị xiềng xích”. Từ đó ông đề ra cách tổ chức thiết chế xã hội để sao cho các quyền tự do của con người không bị nhà cầm quyền tùy tiện tước mất. Ông cho rằng với Khế ước xã hội, con người mất đi cái tự do thiên nhiên, nhưng thu được quyền tự do dân sự và quyền sở hữu những gì mình có. Tuy Khế ước Xã hội quan trọng như vậy, nhưng ông nói: “Nếu tất cả dân chúng họp lại và đồng lòng xé bỏ thì không nghi ngờ gì nữa, Khế ước đó bị hủy bỏ ngay một cách hợp pháp.”

Khế ước Xã hội của J.J. Rousseau và Tinh thần Pháp luật của Montesquieu với lý thuyết nhà nước pháp quyền, tam quyền phân lập đã chỉ ra cách thể chế hóa các quyền tự do của con người bằng một nhà nước dân chủ hiện đại. Các tư tưởng khai sáng này đã đưa tới Cách mạng Pháp 1789 với Tuyên ngôn dân quyền và nhân quyền: – Điều 1. Mọi người sinh ra và sống tự do, bình đẳng về các quyền; mọi phân biệt xã hội chỉ có thể đặt trên ích lợi chung. – Điều 2. Mục đích của các tổ chức chính trị là gìn giữ các quyền tự nhiên và không thể bị tước bỏ của con người; các quyền này là quyền tự do, quyền sở hữu, quyền được bảo đảm an ninh và chống áp bức. – Điều 4. Tự do bao gồm quyền có thể làm mọi điều không gây hại cho người khác. – Điều 11. Việc tự do trao đổi về tư tưởng và ý kiến là một trong những quyền quý nhất của con người”. – Điều 15. Xã hội có quyền bắt mọi công chức phải báo cáo về công việc quản lý của họ…

Từ năm 1835, A. Tocqueville xuất bản quyển Nền Dân trị Mỹ, trong đó ông ghi chép khá tỉ mỉ, sinh động các hoạt động xã hội dân sự ở nền dân chủ trẻ trung của thời ấy. (Phạm Toàn dịch, NXB Tri thức 2008). Xin nêu ra đây đôi đoạn:

Chương IV- Việc lập các đoàn thể chính trị:

“…Có vô số tổ chức khác hoàn toàn được sinh ra và lớn lên nhờ ý nguyện cá nhân của con người…”

“…Nhà trường là nơi trẻ em ngay cả trong những trò chơi cũng phải tuân thủ luật lệ do chúng đặt ra…”

“…Có sự lộn xộn xuất hiện ở một con lộ. Ngay lập tức những người sống gần đó thành lập tổ chức bàn cách giải quyết, đẻ ra ngay một quyền lực hành pháp giải quyết luôn sự cố…”

“Khi quyền lập đoàn thể được thừa nhận, người công dân có thể dùng nó theo nhiều cách. Chỉ thành một đoàn thể chính trị khi nó bao gồm sự tham gia công khai của một số cá nhân theo một học thuyết này nọ và được họ cam kết bảo đảm bằng cách nào đó thực hiện học thuyết đó…”

“…Phải thừa nhận là tự do vô giới hạn trong việc lập đoàn thể vì lý do chính trị cho tới nay chưa hề tạo ra ở Hoa Kỳ những tác động tai hại nào như người ta ở các nơi khác đã lo nghĩ sẽ xảy ra.”

“…Ngày nay quyền tự do lập đoàn thể chính trị trở thành một đảm bảo cần thiết chống lại nạn cường quyền của phe đa số. Ở Hoa Kỳ khi một đảng nào trở thành đảng cầm quyền thì toàn bộ sức mạnh chính trị rơi vào tay đảng đó… Quyền tự do công cộng là để ngăn ngừa sự chuyên quyền của các đảng phái giống như tính võ đoán của vị quân vương. Không có đất nước nào mà các đoàn thể chính trị lại cần thiết hơn là các quốc gia có trạng thái xã hội dân chủ”.

Chương V, nói về các đoàn thể trong đời sống dân sự.

Tác giả cho rằng nếu công dân chỉ với tư cách cá nhân thì không thể bảo vệ quyền tự do của mình, do đó họ phải có hình thức đoàn kết với những người cùng hoàn cảnh để lập ra hiệp hội. Các đoàn thể chính trị của Hoa Kỳ so với các nước là nhiều, nhưng ở Hoa Kỳ thì chỉ là số rất ít giữa mênh mông các hiệp hội của đời sống dân sự: Hiệp hội thương mại, hội tổ chức lễ tết, hội lập trường học, hiệp hội dựng nhà thờ, hội quảng bá sách, cả hiệp hội mở nhà tù. Tác giả kể việc chứng kiến hơn 100 nghìn người dân lập Hội đòi không dùng rượu mạnh. Ông mỉa mai rằng, nếu 100 nghìn người dân này mà sống ở Pháp thì chắc chắn họ sẽ từng người một đến cầu xin chính phủ tổ chức kiểm soát các quán nhậu trên toàn quốc!

Cuối chương này tác giả kết luận:

“Tại các nước dân chủ, khoa học về sự kết hội và lập hội là khoa học mẹ; sự tiến bộ của các khoa học khác tùy thuộc vào những tiến bộ của “bà mẹ” này.

“Trong những quy luật chi phối xã hội con người, có một cái hình như chính xác hơn và tường minh hơn mọi quy luật khác. Muốn cho con người mãi mãi tồn tại văn minh hoặc trở thành những kẻ văn minh, cần thiết phải phát triển được trong bọn họ nghệ thuật kết hội lại với nhau và nghệ thuật ấy phải được hoàn thiện tương tự như sự gia tăng của quyền bình đẳng các điều kiện.”

Nhân dân Hoa Kỳ đã được sống trong một xã hội dân sự như miêu tả trên đây đã hơn 200 năm, nhờ đó mà nước họ được coi như “miền đất hứa”, khoa học (chiếm hầu hết các giải Nobel), nghệ thuật dẫn đầu thế giới. Từ nửa đầu thế kỷ 20, nhà tư tưởng, nhà văn lớn Ayn Rand của Hoa Kỳ, trong bài Bản chất của chính phủ, đã viết rằng: “Thời kỳ mà chính phủ được tự do làm bất kỳ những gì nó muốn, trong khi người dân chỉ có thể hành động nếu được phép, là giai đoạn đen tối nhất của lịch sử con người, giai đoạn cai trị bằng sự dã man.”

Gần chúng ta hơn là sự phát triển xã hội dân sự ở Hàn Quốc thúc đẩy chuyển hóa chế độ độc tài thời Lý Thừa Vãn, Pắc Chung Hy sang chế độ dân chủ. Tác giả Chung Shi Ahn trong bài Phát triển kinh tế và dân chủ hóa ở Hàn Quốc cho biết, các tổ chức xã hội dân sự của nước này đấu tranh với các chế độ độc tài nhằm mục đích: 1/ Thay đổi các thể chế đàn áp của nhà nước bằng những cơ quan đại diện trong tiến trình dân chủ hóa. Các tổ chức xã hội dân sự dần dần độc lập với bộ máy nhà nước. 2/ Trong quá trình ấy những hình thức của quyền xã hội dân sự xuất hiện ngày càng nhiều, buộc nhà nước phải chấp nhận để có quan hệ vững chắc hơn với xã hội dân sự. Và sau khi đã chuyển hóa sang chế độ dân chủ thì “uy quyền của Nhà nước được xã hội dân sự trao cho và do đó các cơ quan Nhà nước có thể trở nên mạnh hơn trước kia, với một quan niệm hoàn toàn khác.” (tức là không dùng quyền lực độc tài).

Ngày nay, nhân loại đã có Tuyên ngôn thế giới về nhân quyền (1948), sau đó là nhiều Công ước cụ thể hóa các quyền trongTuyên ngôn này. Ngày 24-9-1982 Nhà nước Việt Nam ký gia nhập Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị. Lời nói đầu Công ước này viết: “Tuyên ngôn nhân quyền chỉ có thể đạt được lý tưởng của con người tự do được tận hưởng tự do về dân sự và chính trị, không bị sợ hãi và thiếu thốn nếu tạo được những điều kiện để mọi người có thể hưởng các quyền dân sự và chính trị cũng như các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa của mình”. So với Tuyên ngôn Nhân quyền, quyền tự do ngôn luận được Công ước này ghi rõ ràng đầy đủ hơn ở Điều 19:

1- Mọi người đều có quyền giữ quan điểm của mình mà không bị ai can thiệp.

2- Mọi người có quyền tự do ngôn luận. Quyền này bao gồm cả quyền tự do tìm kiếm, nhận, và truyền đạt mọi tin tức, ý kiến, không phân biệt ranh giới, hình thức tuyên truyền miệng, hoặc bằng bản viết, in, hoặc bằng hình thức nghệ thuật, hoặc thông qua mọi phương tiện đại chúng khác tùy theo sự lựa chọn của họ.

3- Việc thực hiện những quyền quy định tại Khoản 2 của điều này kèm theo những nghĩa vụ và trách nhiệm đặc biệt. Do đó có thể dẫn tới một số hạn chế nhất định, tuy nhiên những hạn chế này phải được pháp luật quy định và cần thiết để:

a/ Tôn trọng các quyền hoặc uy tín của người khác.

b/ Bảo vệ an ninh quốc gia hoặc trật tự công cộng, sức khỏe hoặc đạo đức của công chúng.

Nước ta, trước Đổi mới (Đại hội 6, năm 1986) giống như các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu và Liên Xô, tức là một chế độ toàn trị (totalitaire), không có xã hội dân sự, tất cả các đoàn thể đều do Đảng lập ra và ăn lương như công chức nhà nước. Sau Đổi mới, các hoạt động kinh tế được trả lại cho người dân, từ đó xã hội dân sự nảy nở ở các lĩnh vực kinh tế, dân sinh, từ thiện… Lưu Hiểu Ba gọi nhà nước Trung Quốc sau cải cách của Đặng Tiểu Bình là nhà nước hậu toàn trị. Có lẽ Việt Nam cũng đã sang thời kỳ hậu toàn trị. Các Đại hội Đảng đều ghi nhận phải đổi mới toàn diện. Đại hội 11 quyết định: “Đổi mới chính trị phải đồng bộ với đổi mới kinh tế theo lộ trình thích hợp…”. Dù cho việc thực hiện chậm chạp, đổi mới chính trị còn so le với đổi mới kinh tế, nhưng vẫn là quá trình không thể cưỡng lại được. Cương lĩnh xây dựng đất nước của Đảng Cộng sản Việt Nam được Đại hội 11 thông qua đã ghi nhận: “Đảng tôn trọng tính tự chủ, ủng hộ mọi hoạt động tự nguyện, tích cực, sáng tạo, và chân thành lắng nghe ý kiến đóng góp của Mặt trận và các đoàn thể. Đảng, nhà nước có cơ chế chính sách tạo điều kiện để Mặt trận và các đoàn thể nhân dân hoạt động có hiệu quả, thực hiện vai trò giám sát và phản biện xã hội” (Văn kiện Đại hội 11, trang 87). Hiến pháp 2013 ở Điều 2, chương 2 khẳng định: “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định.” Trên các báo chí chính thống, từ chỗ coi “xã hội dân sự” là một thủ đoạn diễn biến hòa bình, đã chuyển sang yêu cầu “Hiểu đúng về xã hội dân sự”, cho rằng “xã hội dân sự đóng vai trò xây dựng cộng đồng, trợ giúp nhà nước” (Đức Thành, báo Quân đội Nhân dân ngày 30-3-2014).

Tuy còn có nhiều ý kiến khác nhau, nhưng có thể rút ra một số điều chung nhất về các đặc trưng của tổ chức xã hội dân sự:

1- Là những tổ chức do người dân tự nguyện lập ra, tự trang trải về tài chính, không hưởng lương, hoặc trợ cấp của nhà nước, còn được gọi là những hội đoàn phi chính phủ. Ở xã hội dân chủ, nhà nước trao hết việc tổ chức hội đoàn cho xã hội dân sự. Thông điệp đầu năm của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng có đoạn: “Để phát huy tốt nhất quyền làm chủ của nhân dân, Nhà nước phải làm tốt chức năng kiến tạo và phát triển. Nhà nước không làm thay dân mà phải tập trung xây dựng khuôn khổ thể chế phù hợp và tạo điều kiện cần thiết để mọi người phát huy năng lực và sức sáng tạo vì lợi ích của chính mình và đóng góp cho xã hội. Chỉ khi dân giàu thì nước mới mạnh. Xã hội hóa không chỉ để huy động các nguồn lực mà còn tạo điều kiện cho xã hội thực hiện những chức năng, những công việc mà xã hội có thể làm tốt hơn”. Đó chính là sức mạnh và tiềm năng của xã hội dân sự.

Nếu nhà nước giao hết các hội đoàn lớn nhất cho xã hội dân sự thì ngân sách quốc gia sẽ có được một khoản rất lớn để có thể thực hiện dự án cải cách tiền lương mà ba mươi năm qua vẫn chưa tìm được lối ra. Nhân đây xin nói, ký giả Trọng Thành cho Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật, Hội người cao tuổi là “tổ chức mang tính dân sự nhiều hơn” – có lẽ nhận định này không chính xác, bởi vì cả hai hội đoàn này đều do nhà nước lập ra và cán bộ của họ ăn lương nhà nước như công chức. Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật ghi trên Điều lệ của mình là “tổ chức chính trị – xã hội thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.” Và có lẽ cách nói của Tiến sĩ Phạm Gia Minh cũng nên đảo ngược lại là “về mặt nguyên tắc”, “về mặt nguyên lý” các hiệp hội do nhà nước lập ra chưa phải là các tổ chức xã hội dân sự.

2 – Các tổ chức xã hội dân sự không phải chỉ phục vụ mục đích dân sinh và phi chính trị. Như chúng ta đã thấy từ thời cổ La Mã cho đến hiện đại, các tổ chức xã hội dân sự bao gồm rất nhiều mặt, nhằm thực hiện các quyền tự do của con người, có các quyền dân sự và cả quyền chính trị. Có điều khác với thời xưa, người dân trong chế độ dân chủ không đòi các quyền tự do thiên nhiên (do tạo hóa ban cho) mà chỉ đòi quyền tự do dân sự, tức là các quyền do Hiến pháp dân chủ quy định (theo tinh thần Khế ước xã hội). Theo J.S. Mill (1806-1873) thì quyền tự do tư tưởng và tự do thảo luận là quan trọng nhất. Để có công cụ đấu tranh tư tưởng, người dân lập đoàn thể chính trị, cơ quan ngôn luận… Hai tác giả N.M.Voskresenskaia và N.B.Davletsshina (trong Chế độ dân chủ, nhà nước và xã hội) định nghĩa: “Xã hội dân sự là xã hội trong đó các tổ chức khác nhau của các công dân như: các đảng phái, các công đoàn, hợp tác xã, nhóm…, thực hiện mối liên hệ giữa công dân với nhà nước, không để cho nhà nước áp bức các công dân của mình.” Thực tế trong thế giới hiện đại, tất cả các nước có chế độ dân chủ trưởng thành, xã hội dân sự bao gồm các hiệp hội dân sự và chính trị. Một đảng chính trị khi bị thất cử không còn cầm quyền thì hòa mình vào xã hội dân sự, sửa đổi cương lĩnh để thu phục dân chúng, tiếp tục tranh cử khóa sau. Xã hội vì thế mà luôn luôn ổn định và không ngừng tiến bộ.

3- Thực tế cho thấy quyền lực luôn có xu hướng lạm quyền. Cho dù ở chế độ dân chủ, nhà nước pháp quyền, phân lập ba quyền để kiểm soát, hạn chế quyền lực lẫn nhau, đề cao quyền tư pháp độc lập, nhưng hiện tượng lạm quyền vẫn xảy ra. Các tổ chức xã hội dân sự là nơi phát hiện tình trạng lạm quyền, buộc nhà nước phải thực hiện đúng Hiến pháp.

Chúng ta đang trong quá trình đổi mới, đặc biệt đổi mới chính trị là điều mới mẻ và đầy khó khăn, bởi sức ì của bảo thủ, giáo điều. Các tổ chức xã hội dân sự đúng như ý nghĩa của nó còn rất ít, quyền lập hội được đề ra từ Hiến pháp 1946, cho đến nay vẫn chưa được thi hành. Tuy nhiên không thể vì vậy mà tước mất của nó chức năng quan trọng là “trợ giúp nhà nước” (cách nói của Đức Thành, báo Quân đội Nhân dân) hoặc cách nói của nhà nghiên cứu Lữ Phương là: “Tạo sức ép lên nhà nước, buộc nhà nước phải có chuyển đổi trong chừng mực nào đó thích hợp với ý nguyện của xã hội dân”.

Như vậy không thể gọi xã hội dân sự là “khoảng đệm hay không gian trung lập giữa nhà nước và nhân dân”. Xã hội dân sự phản biện, tác động vào nhà nước, buộc nhà nước phải đúng là của dân, do dân, vì dân. Mặt khác, xã hội dân sự giúp nhà nước đào luyện người dân, hội viên của mình có nhận thức đúng, có ý thức trách nhiệm cao đối với đất nước. Tình trạng bạo loạn ở Bình Dương, Đồng Nai vừa qua không sớm được ngăn chặn từ gốc, có nguyên nhân sâu xa là thiếu những tổ chức xã hội dân sự đúng nghĩa, nhất là trong công nhân lao động.

Vì những lý lẽ kể trên, xã hội dân sự là một trong ba “chân kiềng” không thể thiếu một của chế độ dân chủ: xã hội dân sự, kinh tế thị trường, nhà nước pháp quyền.

Ngày 26-5-2014

T. V. C.

Tác  giả gửi BVN.

This entry was posted in Lên Tiếng. Bookmark the permalink.