Tổng bí thư có lần nói Biển Đông không có gì mới, và giải quyết vấn đề Biển Đông phải biện chứng. Vậy ngày nay, người dân có quyền hỏi ông, bây giờ có gì mới không? Và giải quyết vấn đề Biển Đông phải biện chứng như thế nào?
Dân tộc ta vốn hiền lành, thủy chung, luôn muốn sống êm ả, hòa hiếu với các nước, đặc biệt là các nước láng giềng như Trung Quốc. Kỷ niệm chiến thắng Điện Biên Phủ 60 năm vừa qua, chúng ta không quên nhắc đến sự giúp đỡ của Trung Quốc một cách chân thành, trân trọng. Chúng ta muốn hòa bình, chúng ta phải nhân nhượng. Nhưng chúng ta càng nhân nhượng, bọn bành trướng càng lấn tới.
Sự kiện đem giàn khoan khổng lồ HD 981 vào sâu vùng lãnh hải kinh tế của Việt Nam là hành động ngang ngược của kẻ cướp không còn cho chúng ta có “lỗ mũi” để mà thở!
Thâm hiểm , bá quyền mang tính truyền thống
Người Trung Quốc thâm thuý trong mọi lĩnh vực, chữ viết tượng hình của họ giải thích phần nào cách đặt vấn đề của họ. Thí dụ chữ “Học” 學 , bao gồm tượng hình một đứa trẻ dưới một mái nhà, hoặc là ba chữ “Nữ” 女 họp lại thì thành chữ “Gian” 姦, nghĩa là gian manh. Về phương diện này thì có thể thấy người Trung Quốc họ coi thường, khinh bỉ phụ nữ thậm tệ. Những người Trung Quốc sáng tạo ra chữ Hán có lẽ là lớp người sơ khai của học thuyết “trọng nam khinh nữ”. Chữ “Thuỷ” 水 được biểu tượng bởi một vạch dọc với 2 bên bờ là những vạch biểu tượng của nước tràn bờ… Từ chỗ thâm thuý chuyển sang thâm hiểm khoảng cách không xa lắm, nhưng sự thâm thuý hay thâm độc của họ lại bị quy định trong một khuôn phép nhất định, những nguyên tắc của người Tàu thường là như vậy. Họ thành công đấy nhưng cũng thất bại đấy khi đối phương biết rõ họ muốn gì, và sẽ đi những nước cờ nào để đạt kết quả, biết được đối sách của người Trung Quốc thì đối phương có thể làm họ vỡ trận.
Có lẽ trong số hơn 100 nước có quan hệ ngoại giao với Việt Nam thì duy nhất chỉ có Trung Quốc là không muốn chúng ta mạnh mẽ và giàu có. Ngay đến các nước từng xâm lược, gây chiến với với chúng ta trước đây như thực dân Pháp, Mỹ, Nhật cũng đang hợp tác với chúng ta khá thiện chí, hai bên cùng có lợi hoặc ít ra cũng không có nước nào “chơi xấu” như các kiểu mà Trung Quốc đã và đang thực hiện.
Bởi từ hàng ngàn năm, các triều đại phong kiến Trung Quốc cho đến “người bạn 4 tốt” hiện nay luôn coi Việt Nam là chìa khóa mở cánh cổng xuống Đông Nam Á, là cái gai nhọn chọc vào cặp mắt diều hâu của chúng.
Trong thư ngỏ gửi nhân dân Trung Quốc của tác giả Lê Anh Phong có đoạn viết :
“Tôi không muốn tin Người Trung Hoa xấu xí
Dẫu Bá Dương có nói trong văn
Bởi mong ước ngàn đời dân Việt
Anh em xa đã có láng giềng gần
Tôi hiểu bạn! Bạn có hiểu tôi?
Khi truyền thông bị giam trong bóng tối
Giữa lương tri nhân văn cao thượng
Tráo trở, bá quyền lại giọng lưỡi đế vương
Tổ tiên bạn vốn quay lưng ra biển
Hướng cung tên thôn tính xung quanh
Còn trong nước triền miên trong cát cứ
Thấm thía không cái giá của yên lành?”…
Phải tự cứu mình và tranh thủ sự đồng tình ủng hộ của thế giới
Nếu tinh ý sẽ nhận thấy Dàn khoan HD 981 không phải đơn thuần là mục đích khoan thăm dò dầu vì đây là vùng nước sâu, theo đánh giá sơ bộ trữ lượng không đáng kể. Bản thân phía Trung Quốc có hơn trăm tàu xúm xít xung quanh giàn khoan không hề có tàu dịch vụ phục vụ cho công việc chuyên môn. Phía Trung Quốc cũng đã có động thái là giàn khoan có thể thăm dò đến giữa thàng 8, chủ yếu là xem thái độ phản ứng của ta và cộng đồng quốc tế. Mặt khác, lúc đó là vào mùa mưa bão, rất bất lợi cho việc khoan sâu.
Tàu Trung Quốc dùng vòi rồng công suất lớn bắn phá tàu của lực lượng kiểm ngư Việt Nam ngày 3.5.2014 (Ảnh: AFP)
Muốn bảo vệ chủ quyền quốc gia chỉ có một con đường là đoàn kết, phát huy sức mạnh, lòng yêu nước của toàn dân. Phải hết sức kiềm chế, không rơi vào cái bẫy khiêu khích của Trung Quốc. Người xưa nói: “nhà nghèo biết vợ hiền, nước loạn biết tôi ngay”! Tổ quốc chúng ta đang phải trải qua những bước lâm nguy như vậy! Thời đại ngày nay, chỉ có Việt Nam mới cứu được chính mình, và sức mạnh của Việt Nam là ở Đoàn kết – Khôn ngoan, tỉnh táo – Tranh thủ được sự ủng hộ (tinh thần là chính, nhưng rất quan trọng) của kiều bào ở nước ngoài và người dân trên thế giới. Xin đừng quên rằng nếu có ai đó mang lại tự do cho mình thì chính điều đó đã khiến mình mất tự do với người đã “ban” cho cái sự tự do đó.
Vừa qua, ở trong nước, có nhiều lời kêu gọi của các tổ chức về cuộc biểu tình với các câu khẩu hiệu khác nhau. Đảng ta, Nhà nước ta có nhiều bộ phận khác nhau nhưng chỉ có con đường duy nhất là đi cùng với dân tộc, với nhân dân trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, bởi vì mất nước là mất chế độ. Ai tổ chức không quan trọng mà phải hiểu lòng dân nghĩ gì, muốn gì, linh hồn của biểu tình chính là lòng yêu nước của nhân dân Việt Nam.
Biểu tình mà biến thành bạo loạn, đốt phá, hôi của, gây ra chết người như ở Bình Dương, Hà Tĩnh, v.v. phải bị trừng trị. Nhiều người cho rằng nguyên nhân kích động, tổ chức đám côn đồ phá hoại này có bàn tay “lông lá” của Trung Quốc, trong khi lỗi của chính quyền, an ninh lỏng lẻo. Chủ tịch Tỉnh Bình Dương đã lên tiếng xin lỗi Đảng và Chính phủ nhưng người đáng được nhận xin lỗi phải là nhân dân. Trong khi chờ đợi có luật biểu tình, chính quyền cần tỉnh táo, khôn ngoan, không chống biểu tình một cách cực đoan vì không thể và không nên bao cấp tình cảm thiêng liêng đó là lòng yêu nước.
Người dân Việt Nam, từ lâu, không có ảo tưởng và mông muội bị ru ngủ bởi “4 tốt và 16 chữ vàng”. Trước mắt, Nhà nước Việt Nam phải kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế, về chiến lược phát triển phải hợp lòng dân, quyết đoán xây dựng lại chính sách “thoát Hán”, từ bỏ ý thức hệ nhưng không tuyệt giao với Trung Quốc và đừng để tái lập như các sự kiện 1978-1979.
Tuy nhiên, trong trường hợp bất khả kháng, phải tính đến các phương án xấu nhất. Trung Quốc tuyên bố đã rút hàng nghìn công nhân về nước, ngưng việc cho người du lịch sang Việt Nam và một số kế hoạch trao đổi song phương. Có ý kiến cho rằng Việt Nam nhập siêu từ Trung Quốc hơn chục tỷ đô la, nếu ngưng làm ăn thì Trung Quốc sẽ thiệt hại hơn!? Không đơn giản thế đâu, để định lượng cụ thể, tôi đã đọc thông tin, phân tích số liệu “Ảnh hưởng của việc Trung Quốc cấm vận Việt Nam hay Việt Nam bó buộc phải đóng cửa buôn bán với Trung Quốc” theo phương pháp tính dựa vào input-output analysis của chuyên gia thống kê hàng đầu trên thế giới căn cứ vào số liệu của Việt Nam và của Trung Quốc báo cho Liên Hiệp Quốc để thấy rõ các khó khăn, thiệt hại trực tiếp đến GDP, người thất nghiệp, v.v. Chúng tôi đã chuyển các tính toán cụ thể này đến những người có trách nhiệm tham khảo để có các giải pháp đối phó chủ động trước mắt cũng như lâu dài.
Cần chủ động đưa ra sáng kiến tạo được sự đồng thuận trong khối ASEAN
Hoàng Sa là của Việt Nam, phải đấu tranh đòi lại Hoàng Sa đang bị Trung Quốc xâm chiếm. Riêng về Trường Sa, tôi chia sẻ với quan điểm của chuyên gia Vũ Quang Việt là hiện nay người Việt, đặc biệt là giới trí thức chưa có quan điểm rõ ràng là chủ quyền Trường Sa của chúng ta đến đâu? Nếu không giải quyết được vấn đề này, thì khó có sự đoàn kết giữa các nước có liên quan trong khối ASEAN như Việt Nam, Philippines, Malaysia, Brunei và Indonesia.
Trung Quốc đem giàn khoan HD 981 lúc mà Mỹ không có khả năng hành động trả đũa (và cũng không có cớ để hành động, dù muốn) và lúc mà các nước ASEAN chia rẽ, kể cả 5 nước đòi chủ quyền Trường Sa. Trung Quốc muốn tạo sự đã rồi. Nó hành động đúng vào lúc mà tòa án quốc tế chưa xử vụ kiện của Philippines, vào vùng biển mà Việt Nam chưa dám đưa ra tòa án quốc tế để kiện.
Theo chuyên gia Vũ Quang Việt, thời Pháp tuyên bố chủ quyền ở Trường Sa trên cơ sở đây là vùng đất vô chủ (và chỉ ghi được 6 địa danh trong hàng chục địa danh). Hồi ấy, dù có muốn hết, cũng không có sức thực hiện được việc hành xử chủ quyền. Nên chăng, giải pháp là các nước trong khối ASEAN có tranh chấp chủ quyền ở Trường Sa đồng ý là các kết cấu tự nhiên ở đây chỉ là đá, chứ không phải đảo. Như vậy, ai làm chủ các hòn đá thì chỉ có lãnh hải 12 hải lý. Điều này, sẽ là cơ sở cho việc Hoàng Sa chỉ có lãnh hải 12 hải lý (dù tạm thời bị Trung Quốc chiếm giữ).
Việt Nam và các nước ASEAN nên công nhận chủ quyền của nhau trên các bãi đá hiện đang chiếm giữ. Đồng thời, các nước đang có tranh chấp chủ quyền ở Trường Sa có thể yêu cầu Tòa hòa giải Luật biển phán quyết là các cấu trúc thiên nhiên ở Biển Đông Nam Á lớn nhất chỉ có thể là đá (Trung Quốc không có thẩm quyền ngăn cản yêu cầu này). Nếu được phán quyết như thế, Trung Quốc cũng không thể đòi hơn 12 hải lý lãnh hải xung quanh Hoàng Sa cho họ tạm thời vấn đề chủ quyền chưa được giải quyết, và như thế không thể đụng đến vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.
Khi Việt Nam, đòi lại được chủ quyền của Hoàng Sa, thì phán quyết nói trên không gây thiệt hại gì cho nước ta. Toàn bộ biển còn lại sẽ là biển quốc tế. Lúc đó, các nước ASEAN mới có cơ sở thảo luận với Trung Quốc “cùng nhau khai thác” phân chia lợi ích thiên nhiên trong khu biển quốc tế. Xin lưu ý khai thác trên vùng biển quốc tế khác hẳn với khai thác trên vùng đặc quyền kinh tế chủ quyền của Việt Nam. Trung Quốc nói “cùng nhau khai thác” có vẻ như là hợp tác với nhau, nhưng thật ra ý sâu xa là cái đó là của nó, nó làm chủ sở hữu, nhưng muốn người khác bỏ vốn cùng làm. Tức là muốn cùng nhau khai thác Biển Đông thì phải chấp nhận Biển Đông thuộc Trung Quốc trước đã.
Việt Nam phải chủ động đưa ra sáng kiến giải quyết vấn đề trong tranh chấp ở nội bộ ASEAN về Trường Sa, tạo ra cái khung cho giải pháp trong tương lai với Trung Quốc.
“Thoát Hán” không dễ nhưng phải làm
Thảo luận với người bạn đồng tâm, chúng tôi chia sẻ quan điểm phải “Thoát Hán”, dù không đơn giản, vì “Hán hóa” còn bao gồm cả thần phục trong sợ hãi tất cả những gì mà Trung Nam Hải muốn!
Shakespeare, nhà viết kịch nổi tiếng trên thế giới người Anh ở thế kỷ 16 (thời kỳ phục hưng) đã để cho nhân vật Hamlet có câu nói bất hủ cho đến tận ngày nay : ”To be or not to be” có nghĩa là “tồn tại hay không tồn tại”. Con người dù là động vật thượng đẳng, nhưng vẫn không thoát khỏi quy luật sinh tồn của tự nhiên, không thích ứng với hoàn cảnh thì không tồn tại. Trong sự “thích ứng” có 2 cơ chế: Có loài bản thân nó có bộ gen chống đồng huyết mà tồn tại cả triệu năm nay – Đó là cơ chế nội tại. Loại phổ biến là có “độ nhạy cảm” như ra-đa, dò biết các hiện tượng, hoàn cảnh để ứng phó, hoặc tệ hơn thì đã nếm trải thất bại rồi biết cách tồn tại. Ngoài ra, không có hai “cơ chế” ấy thì bị hủy diệt mà nay ta tìm thấy các mẩu hóa thạch của động vật có tuổi cả triệu năm.
Người ta thường nói “Khôn sống, mống chết”. Vậy là thiên nhiên và xã hội đều đồng nhất lý. Nếu nói dân tộc thuần túy – giống nòi thì có dân Do Thái, Dân Hán, Dân Việt… có sức sống và khôn ngoan phi thường. Đọc lịch sử hàng ngàn năm của các dân tộc ấy từ những bộ tộc nhỏ, chinh chiến, thắng thua… cuối cùng còn như ngày hôm nay do họ có gen rất đặc biệt.
Nếu nói thể chế chính trị thì thể chế nào phát huy được trí khôn và tâm huyết của dân tộc thì tồn tại và phát triển. Thể chế ấy tất nhiên là pháp trị. Thời quân chủ, thỉnh thoảng có minh quân, thịnh trị, nhưng không có cơ chế lập quyền dân, ông minh quân ấy chết thì ông độc tài con phá bĩnh. Cuối cùng, họ tìm được thể chế “Quân chủ lập hiến”, thực chất là dân chủ nghị viện, nhưng vẫn còn Vua làm linh hồn cho dân tộc, thế thôi.
Cộng hòa đại nghị hay cộng hòa Tổng thống, nước nào cũng có thể xưng và hình thức tổ chức cũng có thể bắt chước na ná nhau, nhưng có cái khác nhau là thể chế nào có cơ chế tự phát hiện khuyết tật và tự sửa để hoàn thiện thì tồn tại và phát triển. Bởi không có thể chế nào tồn tại mà không mang trên mình nó lắm khuyết tật, chỉ có điều là hoàn cảnh nào thì khuyết tật bộc lộ, và cái hay của cơ chế/thể chế ấy là lập tức có phản ứng khắc phục (tự vệ). Quân chủ lập hiến ra đời là khả năng tự vệ cuối cùng của chế độ phong kiến.
Rút kinh nghiệm Châu Âu bảo thủ, nước Mỹ có nền Cộng hòa Tổng thống như ta thấy, nó không hoàn chỉnh nhưng có khả năng tự hoàn thiện, ít nhất là hơn 200 năm tồn tại chỉ ra quy luật ấy. Châu Âu, nhất là Bắc Âu, dân chủ dù màu sắc nào, nhưng ở đó, vai trò con người là trung tâm thật sự. Vậy, ta phải khách quan, trí tuệ mà nhìn người để học, chứ không thể tự mò mẫm, thí điểm đưa đất nước phát triển dựa trên chủ thuyết mơ hồ, đến hết thế kỷ này vẫn chưa biết hình hài nó ra sao!?
“Thoát Hán” là thoát ý thức hệ tư tưởng, và đặt lợi ích dân tộc lên trên hết. Nói theo cách khác, muốn thoát Hán trước hết phải thoát cái trì trệ, bảo thủ và phân liệt trong bản thân ta. Và có cuộc lột xác nào mà không đau, thậm chí da non rướm máu!
Vĩ thanh
Việt Nam là quốc gia độc lập có chủ quyền, không phải là phiên bang của Trung Quốc. Dân ta quyết không chịu khuất phục và luôn thể hiện ý chí tự lập, tự cường, tự cứu mình “thà hy sinh tất cả” khi vận nước lâm nguy. Nếu còn đặt lợi ích nhóm lên trên lợi ích dân tộc thì Việt Nam mãi mãi vẫn là sân sau của Trung Quốc.
“Thoát Hán”, vài năm trước mắt đời sống nhân dân ta có thể vất vả hơn, nhưng tinh thần một dân tộc không hèn. Và kéo theo cả chính quyền cũng không thể bạc nhược. Đó mới là điều để xốc cả dân tộc đứng dậy.
T.V.T.
Tác giả gửi BVN