Những biện pháp trừng phạt có thể trở thành nguy hiểm đối với Trung Quốc

 Wang Xiangwei – Vương Hưởng Vĩ 王响伟

South China Morning Post(Bưu điện Hoa Nam buổi sáng) 

Phạm Nguyên Trường dịch

Tài sản ở nước ngoài của các quan chức tham nhũng làm cho việc trừng phạt trở thành nguy hiểm đối với Trung Quốc.

Những cố gắng của phương Tây nhằm đóng băng tài sản của các đồng minh hàng đầu của Putin chắc chắn làm cho các nhà lãnh đạo Trung Quốc giật mình vì sợ mất những tài sản mà các quan chức đang giữ ở nước ngoài. 

Tuần trước (bài báo này viết hồi tháng 3 –ND), Mỹ và Liên minh châu Âu làm nóng thêm việc Nga sáp nhập Crimea bằng cách áp dụng những biện pháp trừng phạt, trong đó có việc đóng băng tài sản và cấm đi lại đối với hàng chục quan chức và doanh nhân hàng đầu của Nga.

Trong khi các biện pháp trừng phạt đã bắt đầu làm xao động thị trường Nga vì người ta lo ngại rằng chúng có thể có ảnh hưởng lâu dài đối với một nền kinh tế đang gặp rắc rối, nhưng Tổng thống Nga, ông Vladimir Putin, vẫn bình chân như vại. Và các quan chức Nga, kể cả một số người bị Mỹ và EU trừng phạt, coi những biện pháp này là không hiệu quả.

Trong khi cuộc khủng hoảng gia tăng, chính quyền Trung Quốc, trong những phản ứng công khai,vẫn tỏ ra thận trọng và kêu gọi đối thoại. Nhưng trong chỗ riêng tư, các quan chức và người dân thường đang theo dõi chặt chẽ xem những biện pháp trừng phạt sẽ diễn ra như thế nào.

Người sử dụng internet tỏ ra đặc biệt thích thú với phản ứng thờ ơ của Phó Thủ tướng Nga, ông Dmitriy Rogozin, một trong những người bị trừng phạt.

Trên Twitter, ông ta cười vào quyết định của Tổng thống Mỹ Barack Obama vì đã đưa ông ta vào danh sách  nhằm gây áp lực với những chiến hữu thân cận của Putin bằng cách hỏi liệu có phải “một anh chàng thích đùa dai” nào đó lập ra danh sách này hay không.

Trong một nhận xét gửi “Comrade@BarackObama”, Rogozin hỏi: “Những người không có tài khoản cũng như của cải ở nước ngoài phải làm gì? Hay ngài chưa nghĩ tới chuyện đó?”

Phản ứng ngông cuồng của Rogozin được nhiều người chia sẻ trên các mạng truyền thông xã hội ở đại lục (Trung Quốc –ND). Nhưng một số người sử dụng internet có thái độ hoài nghi hơn lớn tiếng hỏi liệu các cán bộ của Đảng Cộng sản có thể coi thường như thế nếu họ rơi vào tình huống tương tự, tức là phải đối mặt với lệnh trừng phạt của phương Tây đối với những tài sản của họ ở nước ngoài.

Câu trả lời rõ ràng là không. Một bí mật mà ai cũng biết là mỗi năm các quan chức tham nhũng đã đưa hàng tỷ USD ra nước ngoài. Số tiến đó thường nằm trong các tài khoản ở nước ngoài hoặc được đầu tư vào bất động sản. Một báo cáo gần đây của Hiệp hội quốc tế của các nhà báo điều tra ước tính rằng từ năm 2002 đến năm 2011 những người giàu có ở Trung Quốc đã gửi ra nước ngoài một ngàn 1 tỷ (trillion) USD, có khả năng làm cho Trung Quốc trở thành nhà xuất khẩu tư bản bất hợp pháp lớn nhất thế giới, đứng trước cả Nga và Mexico.

Các quan chức đại lục từ lâu đã nói đùa rằng bản liệt kê chi tiết các tài sản nước ngoài của các quan chức tham nhũng và gia đình của họ sẽ cung cấp cho Mỹ quyền kiểm soát toàn diện Trung Quốc. Bất kỳ sáng kiến nào nhằm công bố danh sách đó chứ chưa nói đến áp đặt lệnh trừng phạt có thể dễ dàng đẩy đảng vào tình trạng hỗn loạn.

Quy mô của tình trạng này được thể hiện rõ nhất bằng sự xuất hiện của tầng lớp cán bộ mới, gọi là “cán bộ trần như nhộng”. Những vị cán bộ nàyđưa gia đình ra nước ngoài sống cuộc sống đế vương trong khi vẫn âm thầm chuẩn bị cho chuyến ra đi sau chót của mình.

Chính quyền trung ương không biết chính xác có bao nhiêu “cán bộ trần như nhộng”, nhưng một số nhà phân tích nói rằng phải hơn một triệu.

Những cán bộ như thế– cùng với phương tiện truyền thông nước ngoài báo cáo về khối tài sản rất lớn của các gia đình cán bộ cấp cao, thí dụ như cựu Thủ tướng Ôn Gia Bảo và ông trùm an ninh đã nghỉ hưu Chu Vĩnh Khang – đã dấy lên làn sóng giận dữ trong dân chúng đại lục và làm hoen ố tính chính danh của đảng cầm quyền.
Kể từ khi Chủ tịch Tập Cận Bình nắm được quyền lực vào cuối năm 2012, Chính phủ đã gia tăng nỗ lực chống tham nhũng. Dường như không ngày nào không có thông báo về những vụ bắt giữ các quan chức cấp cao về tội tham nhũng. Tháng 1 năm nay, Chính phủ trung ương đưa ra những quy định đã được sửa đổi nhằm cấm thăng chức “các cán bộ trần như nhộng”.

Nhưng ban lãnh đạo vẫn chưa thông qua luật buộc các quan chức phải công khai khai tài sản gia đình, một biện pháp mà nhiều nhà phân tích tin rằng sẽ có hiệu quả trong việc ngăn chặn nạn tham nhũng.

Chỉ có thể hy vọng rằng, những biện pháp trừng phạt các quan chức Nga sẽ thúc đẩy các nhà lãnh đạo Trung Quốc để họ gia tăng các biện pháp chống tham nhũng hiệu quả hơn, đặc biệt là tại thời điểm khi Bắc Kinh lên tiếng báo động về ảnh hưởng của bên ngoài đối với nền chính trị của Trung Quốc.

Trên thực tế, Trung Quốc có thể học hỏi người Nga. Tháng Tư, chính phủ Nga đã buộc các quan chức kê khai tài sản và từ bỏ mọi tài khoản ở nước ngoài và bán chứng khoán mà họ nắm giữ ở nước ngoài và đưa về hoặc bị cho nghỉ việc.

Vẫn chưa rõ những quy định này có hiệu quả đến mức nào, nhưng chúng đã làm cho Rogozin có quyền ngông cuồng.

P.N.T.

 

Nguồn bản gốc: http://www.scmp.com/comment/insight-opinion/article/1455908/corrupt-officials-overseas-riches-pose-sanctions-risk-china

 

This entry was posted in kinh tế, Nga. Bookmark the permalink.