Trước làn sóng ồ ạt của Trung Quốc, lợi dụng chính sách thông thoáng, cùng với thái độ cúc cung tận tụy (chủ yếu vì cái bả lợi lộc cho cá nhân, phe nhóm) của các quan chức nhà mình từ trên xuống dưới, họ đã dễ dàng làm chủ được hàng ngàn km2 đất đai tại các khu vực hiểm yếu về an ninh, quốc phòng, các cảng nước sâu có vị trí phòng thủ chiến lược, ở khắp các tỉnh biên giới phía Bắc, miền Trung và Tây Nguyên với thời hạn thuê (như bán đoạn) 50 đến 70 năm và nó nghiễm nhiên biến thành lãnh địa bất khả xâm phạm của Trung Quốc. Đội quân thứ năm trá hình khoác áo “hợp tác đầu tư thương mại” ùn ùn kéo sang đông như hội, dựng nên hàng loạt làng Trung Quốc, xã Trung Quốc, phố Trung Quốc ở khắp nơi, vượt khỏi tầm kiểm soát (một phần do buông lỏng cùng với thả lỏng vì cái lợi trước mắt) của cơ quan công quyền. Nhận rõ mưu sâu, kế hiểm này nhiều người đã lên tiếng cảnh báo về nguy cơ xâm lấn đang đến gần. Riêng tôi đã suy nghĩ và xác định không còn ở tầm nguy cơ nữa mà là hiểm họa đã sát nách. Gần đây tướng Nguyễn Trọng Vĩnh đã chỉ thẳng ra là: “Chẳng phải là đã mất nước từng phần là gì?”. Những cảnh báo đó không làm lay chuyển được lòng hăng say của những ai đó vẫn quyết cướp đất của dân để dâng hiến cho “đối tác tốt” mà điển hình như ở Nam Định và Hà Tĩnh. Tất cả những diễn biến kể trên đều có thể đặt cho nó cái tên là: Tự rước họa!
Rước họa thì họa đến! Sự kiện cách đây chỉ chưa đầy hai tuần, giàn khoan dầu khổng lồ HD-981 chính hiệu “bốn tốt” đã được ngang nhiên đặt vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, khẳng định hùng hồn những nhận định của các trang mạng xã hội và cũng chứng minh tính tất yếu của chính sách đối ngoại nhu nhược mang dáng dấp “khổ nhục kế” đã đến lúc phải trả giá.
Rõ ràng HỌA đã đến, nhưng liệu trong HỌA có PHÚC không? Tôi nghĩ rằng có, theo nguyên lý triết học cũng như qua kinh nghiệm thực tiễn. Nhưng có đến mức độ nào, điều quyết định là phải nhận rõ nguyên nhân dẫn đến tai họa và có thực tâm cùng quyết tâm biến họa thành phúc hay không?
Cái phúc lớn nhất đã hé lộ là toàn thể người Việt Nam dù bất cứ ở đâu, làm gì, khuynh hướng chính trị thế nào đều có thể gạt sang một bên để hướng vào mục tiêu số 1 là chống bành trướng xâm lược phương Bắc. Lòng căm thù lũ giặc truyền kiếp đã thấm vào huyết quản củabiết bao thế hệ người Việt Nam qua hàng ngàn năm lịch sử.
Cái phúc thứ hai là nó làm cho không ít người lâu nay vẫn mơ hồ, tin tưởng mù quáng vào những thủ đoạn lừa bịp của gã “đồng chí tốt” với cùng ý thức hệ “bốn phương vô sản đều là anh em” phải giật mình tỉnh ngộ qua câu ngạn ngữ: “ Chim tham ăn sa vào vòng lưới/ Cá tham mồi mắc phải lưỡi câu” để bớt đi tình trạng đã khá phổ biến vì tham lam, mù quáng mà “đút mồi cho giặc”(lời vua Lê Thánh Tông), gây hại cho đất nước, dân tộc và cũng là cho chính mình.
Cái phúc thứ ba là thông qua sự kiện này, ai là người yêu nước chân chính, ai là người nửa tỉnh nửa mơ, mắc tội lỗi chỉ vì động cơ trục lợi, và đặc biệt những hậu duệ của Trần Ích Tắc, Lê Chiêu Thống, dần dần lộ mặt. Qua thực tế, quần chúng nhân dân cũng nhìn rõ chân tướng của từng nhân vật bên trong thì đã “bán mình cho quỷ dữ” bên ngoài vẫn nhân danh vì nước vì dân đã gây ra biết bao oan khuất cho dân lành và hãm hại những người chính trực.
Cái phúc thứ tư là sau những bài học đau xót này nhân dân hy vọng những người “cầm cân nẩy mực” quốc gia sẽ có cái nhìn chính xác hơn ai là bạn, ai không thể và không bao giờ có thể là bạn chân thành; đâu là thế giới văn minh, tiến bộ, đâu là dã man, tàn bạo; đất nước cần đi lên giàu có, hùng mạnh, trở thành một cường quốc thế giới, nhân dân được no ấm, tự do, dân chủ thật sự chứ không phải một đất nước đầy bất ổn, tụt hậu, yếu kém, lép vế, phụ thuộc, luôn bị đè nén, chèn ép, nhưng lại được mỵ dân bằng những lời sáo rỗng đầy ảo tưởng.
Cái phúc chính là cái được. Thúc đẩy cái được để nó sinh sôi nảy nở đang là cơ hội trong tầm tay của chúng ta. Hãy nắm lấy nó vận hành nó một cách thông minh sáng tạo, kiên quyết tạo ra thế và lực đẩy lùi cái họa và lấy lại được những gì đã mất. Tôi tin chắc rằng: Lịch sử dân tộc Việt Nam không và nhất định không thể có mệnh đề ngược lại ./.
T. N.
Tác giả gửi BVN.