TS Cù Huy Hà Vũ: Đấu tranh ôn hòa vì chế độ đa đảng tại Việt Nam

 

Tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ trả lời họp báo tại Quốc hội Hoa Kỳ, 06/05/2014. Ảnh http://www.machsong.org 

Ngày 06/05/2014, Tiến sĩ Luật Cù Huy Hà Vũ có bài phát biểu tại Quốc hội Mỹ, trong đó ông đưa ra một số đề nghị với chính phủ Mỹ để thúc đẩy việc cải thiện tình trạng nhân quyền tại Việt Nam, trong khuôn khổ các đối thoại nhân quyền Mỹ–Việt. Đây là lần đầu tiên, ông Cù Huy Hà Vũ có tiếng nói chính thức, kể từ khi ông rời khỏi nhà tù Việt Nam sang Mỹ đầu tháng 4/2014.

Trả lời RFI, ông Cù Huy Hà Vũ cho biết những suy nghĩ của ông về con đường đấu tranh cho dân chủ nhân quyền tại Việt Nam, cũng như thái độ của ông trước hành động “xâm lăng” mới đây của nhà cầm quyền Trung Quốc tại khu vực đặc quyền kinh tế trên biển của Việt Nam.

RFI:Thưa Tiến sĩ, xin ông cho biết vì sao ông lại chọn việc “Hủy bỏ” các điều 88, 258, 79 trong Bộ luật hình sự Việt Nam (cũng có nghĩa là trả tự do cho các tù nhân lương tâm bị kết án theo các điều luật này) và “Luật hóa” Công ước của Liên Hiệp Quốc về chống tra tấn làm hai biện pháp chủ yếu cần thúc đẩy để cải thiện tình trạng nhân quyền ở Việt Nam?

Tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ (Washington)

(15:55)

TS Cù Huy Hà Vũ: Nói là tôi lựa chọn, thì tôi với tư cách là một người đấu tranh vì công lý – dân chủ – nhân quyền, tôi không có lựa chọn. Vấn đề nào cũng là quan trọng, và liên quan đến vấn đề nhân quyền, thì có rất, rất, rất nhiều việc phải tố cáo, phải lên án, thế nhưng, trong khuôn khổ của một khuyến nghị, thì tôi không thể nêu lên tất cả các vấn đề. Tôi thấy những vấn đề nào mang tính bức xúc nhất, những vấn đề cần phải giải quyết ngay, thì tôi mới nêu lên. Đó là lý do tôi lựa chọn hai vấn đề mà phóng viên vừa hỏi.

Như mọi người đã biết, chế độ của đảng Cộng sản Việt Nam dựa trên việc xóa bỏ hay ngăn cản việc thực hiện những quyền cơ bản của con người. Mà theo tôi, những quyền cơ bản nhất của con người là quyền tự do ngôn luận. Bất cứ một chính quyền nào đó trên thế giới, kể cả là có ý định tốt nhất, cũng vấp phải những sai sót. Quyền tự do ngôn luận của người dân chính là cái lực cân bằng, điều chỉnh lại những hành vi sai, những hành vi có thể nói là tội ác. Tự do ngôn luận để cân bằng lại thái độ, cách hành xử của chính quyền, để phục vụ tốt nhất lợi ích của người dân, cũng như lợi ích của quốc gia.

“Tự do ngôn luận để cân bằng lại hành xử của chính quyền, để phục vụ tốt nhất lợi ích của người dân, cũng như lợi ích của quốc gia.”

Thế nhưng, ở Việt Nam, chính quyền cộng sản lại coi chuyện tự do ngôn luận, quyền tiếp cận thông tin, quyền hội họp, lập hội, quyền biểu tình, thậm chí quyền tự do tôn giáo như là những lực lượng nhằm thủ tiêu chính quyền cộng sản Việt Nam. Tôi thấy rằng, việc một mặt ghi trong Hiến pháp những quyền cơ bản của con người, nhưng trên thực tế, chính quyền Việt Nam lại đàn áp những quyền cơ bản đó, thì tôi thấy không thể nào chấp nhận được. Việc đàn áp quyền tự do cơ bản hiện nay của chế độ độc tài của đảng Cộng sản Việt Nam là mang tính ý thức.

Ví dụ một chính quyền độc tài không bao giờ nói đến quyền con người, thì tôi thấy cần phải đấu tranh để buộc chính quyền độc tài đó thừa nhận quyền con người. Một khi chính quyền độc tài đã phải thừa nhận những quyền cơ bản đó của con người và ghi trong Hiến pháp, nhưng trên thực tế lại tìm cách triệt tiêu, thì chuyện đấy là không thể, không thể chấp nhận được. Tức là việc đàn áp quyền con người hiện nay của đảng Cộng sản Việt Nam là mang tính có ý thức. Có một số chế độ độc tài đàn áp quyền con người, nhưng sau khi được giải thích, họ thừa nhận và dần dần họ tạo điều kiện, hoặc cùng với những người dân thực hiện, thì tôi thấy đó là tiến bộ. Nhưng vừa ghi vào Hiến pháp, nhưng lại dùng những công cụ về luật, và đàn áp trên thực tế, để dập những quyền ghi trong Hiến pháp, thì tôi thấy đấy là một sự, có thể nói là “nói một đằng, làm một nẻo”, như người ta vẫn nói từ bấy lâu nay về chính quyền cộng sản.

“một số chế độ độc tài đàn áp quyền con người, nhưng sau khi được giải thích, họ thừa nhận và dần dần họ tạo điều kiện, hoặc cùng với những người dân thực hiện, tôi thấy đó là tiến bộ.”

Vấn đề bức xúc nhất của tôi tựu trung lại là vấn đề quyền tự do ngôn luận (Một mục tiêu chủ yếu của các điều 88, 258 và 79 của Bộ luật Hình sự Việt Nam là nhằm đàn áp quyền tự do ngôn luận – ndr).

Việc luật hóa Công ước chống tra tấn cần được thúc đẩy, là vì dùng tra tấn để ép người mà chính quyền coi là có tội phải nhận tội, đó là chuyện không thể dung tha được. Trong luật Việt Nam, cũng có những quy định chống tra tấn, nhưng việc một chính quyền độc tài, một mặt tạo ra một văn bản ghi nhận việc chống tra tấn, nhưng khi thấy cần phải dập bỏ quyền mình ghi, thì họ cũng rất dễ dàng đưa ra các điều luật chống lại những điều đã từng được ghi trong Hiến pháp. Dùng các văn bản của Bộ trưởng Bộ Công an để dập lại những điều được ghi trong Hiến pháp. Tôi thấy, nếu chỉ đơn thuần kêu gọi thực hiện Hiến pháp Việt Nam, thì chuyện đấy là hầu như là không tưởng. Bởi vì, trong tay chính quyền, thì lúc họ ra văn bản này, lúc họ ra văn bản kia. Như vậy, cần phải có một sức ép quốc tế yêu cầu chính quyền cộng sản Việt Nam phải luật hóa một cách khẩn trương Công ước của Liên Hiệp Quốc về chống tra tấn (mà Việt Nam vừa ký kết tham gia).

RFI:Thưa Tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ, trong thời gian hơn ba năm ông bị cầm tù, có nhiều biến chuyển tại Việt Nam. Xin ông cho biết nhận định của ông về thái độ của Nhà nước Việt Nam đối với vấn đề nhân quyền, so với trước khi ông bị bắt?

TS Cù Huy Hà Vũ: Trước hết, tôi khẳng định, một chế độc tài, thì ở bất cứ đâu cũng tồn tại trên cơ sở xâm phạm các quyền cơ bản của con người, trên cơ sở xâm phạm nhân quyền. Cho nên (đối với Nhà nước Việt Nam – ndr) việc bằng lời nói, hoặc bằng văn bản bảo đảm quyền căn bản của con người theo yêu cầu của quốc tế là việc mang tính chất đối ngoại, hơn là về bản chất.

Trong thời gian vừa qua, khi tôi ở trong tù, tôi vẫn theo dõi diễn biến ở ngoài xã hội Việt Nam, bởi tôi luôn là con người tranh đấu. Với những thông tin tôi biết được, chứ không phải chỉ đợi đến khi sau tôi ra khỏi tù – dưới áp lực của nhân dân, cá nhân, tổ chức, cũng như các chính phủ trên thế giới, đặc biệt là Hoa Kỳ –, tôi thấy rằng việc chính quyền Việt Nam lấy ý kiến của người dân vào dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 (trong năm 2013), trước hết phải khẳng định đấy là một sự tiến bộ, một sự tiến bộ về mặt hình thức của chính quyền Việt Nam. Tức là, lần đầu tiên công khai để cho tất cả mọi người dân có thể góp ý vào văn bản quan trọng nhất của một quốc gia. Tôi ủng hộ và tán thành việc ghi nhận những quyền cơ bản của con người và công dân vào Hiến pháp.

Cũng chính có sự công khai đưa ra lấy ý kiến của toàn dân như thế, cho nên tôi, với tư cách là tù nhân trong tù, cũng được trại giam đưa cho một bản dự thảo Hiến pháp năm 1992, và cũng đề nghị tôi góp ý. Tôi phải khẳng định rằng, việc lấy ý kiến của người dân vào dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 là một chuyển biến đáng khích lệ.

Điều thứ hai là, mặc dù tôi vẫn tiếp tục đòi xóa bỏ điều 4 trong Hiến pháp quy định sự lãnh đạo của đảng Cộng sản Việt Nam đối với Nhà nước và xã hội, bởi từ trước đến nay, tôi cũng như mọi người khác khẳng định là nền dân chủ đích thực chỉ có thể có, khi có một sự cạnh tranh chính trị lành mạnh, hòa bình giữa các đảng phái, giữa các tổ chức. Ở trong một đất nước chỉ có một đảng không thôi, thì đó là một sự tự biên, tự diễn, và thường một người hay một đảng phái cũng vậy, ít khi thừa nhận cái lỗi lầm do bản thân mình gây ra. Bởi vì, thừa nhận đối với những người độc tài, thì không khác gì tự xóa bỏ mình, trong khi đó, độc tài là để nhằm dùng cái vị trí độc quyền cai trị của mình, để thực hiện những hành vi phạm pháp, như là cướp đoạt những tài sản của người dân, cho đến những tài sản của quốc gia, như chúng ta đã thấy trong thời gian vừa qua. Tôi vẫn hoan nghênh với việc Hiến pháp Việt Nam, có hiệu lực từ 1/1/2014, ghi nhận những quyền cơ bản của con người, của công dân.

Thế thì có một mâu thuẫn nào không?

Vì một mặt, tôi phản đối sự độc quyền cai trị của đảng Cộng sản Việt Nam, một mặt ủng hộ, tán thành việc ghi những quyền cơ bản của con người vào Hiến pháp (mà trong Hiến pháp đó có điều 4 quy định đảng Cộng sản lãnh đạo Nhà nước và xã hội). Tôi khẳng định là không có gì là mâu thuẫn cả!

“tôi phản đối độc quyền cai trị của đảng Cộng sản Việt Nam (điều 4 Hiến pháp), mặt khác tán thành những quyền cơ bản của con người được ghi vào Hiến pháp. Không có gì mâu thuẫn cả!”

Trong một cuộc đấu tranh một cách ôn hòa, tất cả những điều luật cho phép chính quyền thực hiện các hành vi phi pháp có thể không thể bị xóa bỏ trong một chốc, một lát. Do đó, điều quan trọng hơn vào lúc này, là phải làm thế nào để thực thi được những quy định về quyền con người, quyền công dân đã được ghi trong Hiến pháp.

Tiếp theo, tôi muốn nói rằng, trên thực tế, tôi quan sát, tôi thấy quyền tự do ngôn luận, quyền tự do báo chí, tiếp cận thông tin, quyền hội họp, biểu tình… cho đến giờ không những không được cải thiện, mà còn bị đàn áp mạnh hơn. Một bằng chứng mới đây: ngày 5/5 vừa qua, Anh Ba Sàm tức Nguyễn Hữu Vinh đã bị cơ quan an ninh của Việt Nam bắt, cùng đồng sự của Anh Ba Sàm là cô Nguyễn Thị Minh Thúy. Điều đó cho thấy, chính quyền cộng sản Việt Nam không có một thái độ, có thể nói là, chân thành trong việc tôn trọng quyền con người.

RFI: Thưa Tiến sĩ, theo ông, các phong trào vì dân chủ, vì nhân quyền hiện nay có những gì khác so với thời gian trước khi ông bị bắt?

TS Cù Huy Hà Vũ: Tôi thấy rất rõ là phong trào đấu tranh vì công lý – dân chủ – nhân quyền đã có những bứt phá ngoạn mục. Tất nhiên, đó trước hết phải nói là nhờ công nghệ thông tin, internet. Nói cách khác, internet đã mang dân chủ đến cho tất cả mọi người. Và trên cơ sở của internet, tiếng nói của những người đấu tranh vì công lý – dân chủ – nhân quyền ở Việt Nam, đã có điều kiện được phát ra, mà chính quyền cộng sản Việt Nam đã không thể bịt được hết, chặn được hết, vì đây là vấn đề công nghệ. Vì nếu đặt ra các tường lửa này, thì sẽ có cách thức khác để vượt.

Dựa vào internet, mà những tiếng nói chống lại những hành vi xâm phạm nhân quyền, chống lại những hành vi phản dân chủ của chính quyền, không những đã được cất lên, đã được nhiều người lắng nghe, mà nó còn có thể kết nối với nhau, mà chính những tiếng nói đó đã hình thành, có thể nói là cơ sở đầu tiên của một xã hội dân sự.

Xã hội dân sự là gì?

“xã hội dân sự là sự kết nối những tiếng nói của người dân cũng như của mọi người ở các vị trí khác, từ trong chính quyền cho đến trong các doanh nghiệp, tổ chức khác…”

Có thể có nhiều định nghĩa khác nhau, tôi chọn một định nghĩa như sau: xã hội dân sự là sự kết nối những tiếng nói của người dân cũng như của mọi người ở các vị trí khác, từ trong chính quyền cho đến trong các doanh nghiệp và các tổ chức khác, vì một mục tiêu chung là làm sao để mà bảo đảm tốt nhất những lợi ích của nhân dân, của từng con người ở trên đất nước Việt Nam, cũng như bảo đảm tốt nhất hay bảo vệ tốt nhất những lợi ích của quốc gia Việt Nam.

Cho nên, tôi rất mừng trong thời gian vừa qua, các trang thông tin điện tử cho thấy có nhiều tập hợp của những người tranh đấu vì công lý, dân chủ và nhân quyền ở Việt Nam, và điều đó trong thời gian tới cần phải phát huy mạnh hơn nữa, vì đó là điều kiện tiên quyết để có được một xã hội thực sự vì quyền làm chủ của người dân.

RFI:Hiện nay có một vấn đề mà nhiều người đánh giá là “hết sức nóng bỏng”, Trung Quốc đưa giàn khoan vào đặt tại vùng đặc quyền kinh tế biển của Việt Nam, xin ông cho biết nhận định của ông?

TS Cù Huy Hà Vũ: Việc Trung Quốc đưa giàn khoan vào vùng biển của Việt Nam, ngay lập tức tôi coi đó là hành vi xâm lược. Và cùng mọi người kêu gọi tất cả những người yêu nước Việt Nam, bằng những khả năng của mình, lên tiếng một cách mạnh mẽ, để không chỉ phản đối hành vi Trung Quốc xâm lược Việt Nam, mà còn để cho chính quyền Việt Nam phải có những biện pháp rất cụ thể, quyết liệt, để chống lại hành vi xâm lăng này.

Bởi vì một khi Trung Quốc đã đặt một giàn khoan ở một vùng nào đó trong vùng biển của Việt Nam, thì đã làm mất chủ quyền không chỉ tại điểm đó, mà mất luôn cả chủ quyền nói chung. Bởi vì, không loại trừ Trung Quốc tiếp tục đưa những giàn khoan khác, rải khắp Việt Nam, thì lúc đó Việt Nam hoàn toàn mất đi những tài sản quý báu được cha ông để lại, chứ không phải chỉ đơn thuần là những tài sản mới xuất hiện trong thời gian gần đây.

RFI: Trước khi chia tay với thính giả, ông có thêm chia sẻ nào nữa không ạ?

TS Cù Huy Hà Vũ: Tôi luôn khẳng định, tôi đã đấu tranh, đang đấu tranh như mọi người đang thấy, và chắc chắn sẽ đấu tranh hết mình, vì lợi ích của toàn thể nhân dân Việt Nam, vì lợi ích của toàn thể và tất nhiên, vì lợi ích của quốc gia Việt Nam. Và trong khả năng của tôi, tôi sẽ cố gắng nêu được, từ quan điểm cho đến hành động thực tế, bằng những văn bản, đóng góp vào tiến trình ở Việt Nam.

Và tôi mong, tin thì đúng hơn, trong thời gian không xa, Việt Nam sẽ được sống trong một chế độ hoàn toàn dân chủ, dựa trên những sự cạnh tranh lành mạnh và hoàn toàn hòa bình, giữa nhiều đảng, nhiều tổ chức chính trị. Bởi, chỉ trên cơ sở cạnh tranh phi bạo lực, của tất cả mọi người thuộc các tổ chức chính trị, do các đảng phái tổ chức thì người dân Việt Nam mới có sự lựa chọn tốt nhất cho mình, nhằm bảo vệ quyền lợi chính đáng của người dân, cũng như của Tổ Quốc.

Từ trong trái tim và khối óc tôi, tôi vẫn luôn khẳng định tôi là một công dân Việt Nam, hơn thế nữa, tôi là một người Việt Nam yêu nước. Cho nên phục vụ lợi ích của cộng đồng Việt Nam, phục vụ lợi ích của quốc gia Việt Nam, đó là nhiệm vụ thiêng liêng của tôi, Tiến sĩ Luật Cù Huy Hà Vũ.

Tôi chúc tất cả mọi người dân Việt Nam có sức chiến đấu ngày càng mạnh mẽ hơn, quyết liệt hơn, để cùng nhau đi đến thắng lợi cuối cùng, là thiết lập một chế độ dân chủ đa đảng ở Việt Nam.

RFI xin cảm ơn Tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ.

T. T.

Nguồn:http://www.viet.rfi.fr/viet–nam/20140508–tien–si–cu–huy–ha–vu–khang–dinh–se–dau–tranh–on–hoa–vi–che–do–da–dang–tai–viet–nam

 

This entry was posted in Hoa Kỳ. Bookmark the permalink.