… Hôm qua đánh trận Điện Biên
Chiến hào xuất kích đồi Him Lam ta tiến vào…
(Lời một bài ca)
Lê Phú Khải
Ngày 31 – 1 – 1954, Sở chỉ huy chiến dịch chuyển từ Nà Tấu vào Mường Phăng, rặng núi cao nằm ở phía đông Mường Thanh.
Công việc khó khăn và quan trọng nhất trong giai đoạn chuẩn bị này là kéo pháo ra và đưa pháo vào các vị trí an toàn, đặt các cứ điểm trong tầm bắn của pháo. Địch không bỏ lỡ thời cơ để loại trừ một hiểm họa lớn luôn ám ảnh chúng là pháo của đối phương. Vì thế, máy bay trút bom tàn phá, bom na-pan, pháo nã suốt ngày đêm những nơi chúng nghi ngờ ta đang chuyển pháo. Những khu rừng, đỉnh đèo nham nhở hố bom, hố đại bác, cây cối đổ gãy, xơ xác như vừa qua một cơn bão khủng khiếp.
Nguyễn Trí Việt, quê ở Bến Tre, là một trong bốn chiến sĩ Nam bộ tham gia trận Điện Biên Phủ lịch sử, là chính trị viên Đại đội xung kích 245, Tiểu đoàn 11 Phủ Thông, Trung đoàn 141 Ba Vì, Đại đoàn 312, từng chỉ huy một đại đội kéo pháo vào, kéo pháo ra ở Điện Biên năm đó, sau đó có viết cuốn hồi ký “Những ngày Điện Biên Phủ” (NXB Trẻ TP HCM – 1996) đã kể tỷ mỉ chuyện kéo pháo trong cuốn sách đó. Một lần, người viết bài này đến chơi nhà anh ở đường Mạc Đĩnh Chi, Quận 1… trong lúc vui chuyện, anh đã cười phá lên và bảo tôi: …Bom na-pan nó bỏ đến hổ báo cũng phải chạy cong đuôi, rừng thì bốc cháy lấy đâu ra “Gà rừng gáy trên nương rồi…” như ông nhạc sĩ sáng tác bài “Hò kéo pháo”! Nhưng rồi anh lại phán: Nhưng bài ấy đỡ lắm, lính ta quên mệt nhọc mà … hò kéo pháo … Nghệ thuật phải thế chứ! Hư cấu mà!!!
Nhiều người đến nay vẫn cho rằng, bất ngờ lớn nhất của giặc Pháp ở Điện Biên Phủ là sự xuất hiện của pháo ta. Thực ra địch không phải không biết là ta đã có pháo. Chính De Castries ngày 16.12.1954 đã ra lệnh cho quân lính phải xây dựng các vị trí chống được pháo 105 của đối phương. Vì thế quân giặc mới vào các bản làng phá nhà sàn của dân để lấy cột gỗ có “đường kính 15 xăng-ti-mét” để xây hầm có “hai lớp gỗ cách nhau một mét đất lèn chặt” như quy định của chủ tướng (!).
Điều bất ngờ với địch là ta đã đưa pháo vào ngay sườn núi bên trong lòng chảo, đặt các cứ điểm trong tầm bắn và hầm pháo được cấu trúc chắc chắn đến mức chịu được những trận oanh kích của máy bay và pháo binh nếu chẳng may bị lộ! Sĩ quan chỉ huy pháo binh của địch là Trung tá Piroth đã phải tự sát ngay ngày thứ 2 của trận đánh, khi không thực hiện được lời hứa với Navarre “chỉ cần sau ba phát pháo của Việt Minh, hỏa điểm sẽ lập tức bị dập tắt! Piroth là một sỹ quan pháo binh cừ khôi của quân Pháp nên mặc dù đã mất một cánh tay vẫn được giữ lại trong quân ngũ.
Công việc kéo pháo và làm đường cơ động cho pháo, chuẩn bị cho trận đánh bắt đầu là một kỳ công của quân ta. Chỉ sau 20 ngày lao động quên mình, con đường dài 70 km với những chỗ ngoặt rộng 12 m, có nơi phải phạt thành núi cao 20 – 30 m… đã được hoàn thành. Sau khi thua trận ở Điện Biên Phủ, đoàn tù binh được đưa đi qua con đường này để về nơi tập trung, có tù binh đã thốt lên: “Riêng việc làm những trục đường này, các ông đã đủ thắng rồi!”.
Cũng chính trong lúc kéo pháo ra còn nguy hiểm hơn kéo pháo vào, đã xuất hiện những tấm gương hy sinh mà lịch sử đời đời ghi nhớ. Đó là lúc dây kéo pháo đứt, một khẩu cao xạ pháo có nguy cơ lao xuống vực. Khẩu đội trưởng Tô Vĩnh Diện đã ôm vật lèn lao vào bánh xe mong chặn khẩu pháo cao xạ hai tấn rưỡi lại! Thủ pháo Nguyễn Văn Chức đã làm như vậy khi kéo pháo vào! Các anh cùng đồng đội cứu được pháo nhưng đã anh dũng hy sinh.
Trong thời gian quân ta hoãn trận đánh, bỏ cách đánh nhanh thắng nhanh để chuẩn bị theo phương án mới (từ 26.1.1954 đến 13.3.1954) các chiến trường trên toàn quốc đã nổ súng. Ở Bắc Tây Nguyên, những cứ điểm mạnh nhất của địch đã bị bộ đội Liên khu 5 san phẳng, chiến dịch Tây Nguyên đã nổ ra cực kỳ đúng lúc. Tiếng súng phối hợp trên chiến trường Hạ Lào cũng đã nổ. Ở Thượng Lào, trên chặng đường 200 km, bộ đội ta đánh nhiều trận, tiêu diệt và làm tan rã 17 đại đội địch, trong đó có 1 tiểu đoàn lê dương bị tiêu diệt gọn. Ta giải phóng một vùng ước tính 10.000 km2, cô lập hoàn toàn Điện Biên Phủ. Ở đồng bằng Bắc bộ, trên đường số 5 nối Hà Nội với Hải Phòng cũng như nhiều tuyến khác, quân ta triệt để đánh phá giao thông vận tải, uy hiếp hậu phương, ngăn chặn địch tiếp viện cho Điện Biên Phủ. Đêm 4 tháng 3 năm 1954 quân ta đột nhập sân bay Gia Lâm đốt cháy 12 máy bay địch. Hai ngày sau bộ đội địa phương Kiến An lại đột nhập sân bay Cát Bi, phá hủy 4 máy bay B26 và 6 máy bay Moran. Ở Bình Trị Thiên, cực Nam Trung bộ quân ta lật đổ nhiều đoàn tàu địch. Tại Lăng Cô (Thừa Thiên) quân ta lật đổ 2 đầu máy, 19 toa xe, diệt 400 địch. Trận Phố Trạch (Quảng Bình) ta tập kích diệt 200 địch, thu 2 đại bác. Tại Nha Trang ta đốt cháy hàng triệu lít xăng. Tại Nam bộ phân Liên khu miền Tây lực lượng vũ trang giữ vững và phát triển vùng giải phóng, tiêu diệt và bứt rút trên 1000 đồn trại, tháp canh. Ngày 24.2.1954 tại Tầm Vu tiêu diệt và bắt sống toàn bộ tiểu đoàn quân bản xứ đánh thuê và đại đội Pháp số 14. Bộ đội Vĩnh Long còn bắn chìm và hỏng 7 tàu chiến. Tại Sài Gòn, đột nhập kho bom Tân Sơn Nhất, một trong những kho bom lớn nhất của địch tại Đông Dương, phá hủy 300 tấn bom, tiêu diệt cả đại đội lính Âu Phi bảo vệ kho. Tại Bà Rịa – Chợ Lớn quân ta đột nhập khách sạn Ô Cấp, diệt hơn 100 sĩ quan Pháp và Mỹ…
Tác giả trong hầm De Castries (2004)
Có thể nói, ta đã ghìm chân địch trên khắp chiến trường, không cho Navarre còn gì để cứu nguy cho Điện Biên Phủ. Ban đầu ném 6 tiểu đoàn xuống Điện Biên Phủ, Navarre chỉ mới có ý định ngăn chặn một đại đoàn chủ lực của ta tiến vào Tây Bắc và làm một cái “nhọt tụ độc” mà thôi! Nhưng chỉ 3 tháng sau, từ những điều binh của ta trên bàn cờ Đông Xuân 53 – 54, Điện Biên Phủ đã trở thành nơi quyết định vận mệnh của chiến tranh Đông Dương. Đài TNVN đưa tin chiến thắng rầm rộ trên các chiến trường, duy Điện Biên Phủ chỉ thỉnh thoảng mới nhắc tới!!!
Ngày 4.3.1954 Navarre lên thăm Điện Biên Phủ một lần cuối. Cả Cogny, De Castries và nhiều sĩ quan Pháp lúc này chỉ mong một cuộc tấn công của ta vào Điện Biên Phủ để trông chờ một chiến thắng lớn về quân sự nhằm cứu vãn quân Pháp trên khắp các chiến trường. Quân Pháp cho rằng, Điện Biên Phủ là một “cơ hội bằng vàng” để đánh quỵ quân Việt Minh (!). Riêng Navarre, linh cảm thấy một điều gì không lành nên yêu cầu có thêm một trung tâm đề kháng nữa để đối phương phải điều chỉnh kế hoạch. Chỉ qua vài lần như vậy là mùa mưa sẽ tới, trận đánh sẽ không xảy ra… Nhưng De Castries đã phản đối: “Chỉ sợ chúng không tới. Cần phải đẩy chúng tiến công để kết thúc sớm”… Cogny cũng phản đối: “Không nên làm Việt Minh thay đổi quyết định. Cả tập đoàn cứ điểm đều trông đợi một chiến thắng lớn bằng phòng ngự… Sẽ là một thảm họa về tinh thần nếu Việt Minh không đánh” (trang 98 – sách đã dẫn).
Tổng chỉ huy Navarre đã không dám quyết đoán như Tổng chỉ huy Võ Nguyên Giáp đã quyết đoán khi hoãn trận đánh, thay đổi cách đánh ở Điện Biên Phủ.
Và cái gì tới đã tới.
17 giờ 05 phút ngày 13.3.1954, 40 khẩu pháo cỡ từ 75 đến 120 milimét của quân ta đồng loạt nhả đạn mở đầu cho trận đánh lịch sử.
Thông thường trong chiến tranh, phía tấn công phải có lực lượng gấp 5 lần trở lên so với phía phòng ngự. Nhưng so sánh lực lượng hai bên ở Điện Biên Phủ thì thấy: Địch có 12 tiểu đoàn và 7 đại đội tinh nhuệ nhất. Địch còn có 2 tiểu đoàn pháo 105 ly, 24 khẩu, 2 tiểu đoàn súng cối 120 ly 20 khẩu, 1 đại đội pháo 155 ly 4 khẩu, 1 đại đội xe tăng 18 tấn 10 chiếc. Không quân thường trực tại sân bay có 7 khu trục, 5 trinh sát, 4 vận tải và 1 trực thăng. Ngoài ra 2/3 lực lượng máy bay ném bom tiêm kích và 100% máy bay vận tải toàn Đông Dương yểm trợ cho Điện Biên Phủ là 12.000 người. Lực lượng ta có 9 trung đoàn bộ binh (27 tiểu đoàn), 1 trung đoàn sơn pháo 24 khẩu, 2 tiểu đoàn lựu pháo 105 ly 24 khẩu, 4 đại đội súng cối 120 ly 16 khẩu, 1 trung đoàn cao xạ pháo 37 ly 24 khẩu, 2 tiểu đoàn công binh. Ta hơn địch về số tiểu đoàn (27/12) nhưng quân số mỗi tiểu đoàn của ta chỉ bằng 2/3 mỗi tiểu đoàn của địch. Ta cũng hơn địch về số lượng pháo (64/48) nhưng đạn pháo dự bị của ta lại rất hạn chế. Ta không có xe tăng và chỉ có 1 trung đoàn pháo ca xạ 37 ly để đối phó với toàn bộ không quân địch ở Đông Dương. Xét toàn cảnh, ta vẫn vào thế yếu đánh mạnh.
Nhưng ta chủ động tấn công, tự quyết định đánh hay không đánh, chủ động lựa chọn điểm đánh và thời gian đánh. Đánh hay không đánh đều có lợi cho ta vì đương nhiên, ta đã kìm chân được một lực lượng lớn địch ở đây để giành được thắng lợi trên nhiều chiến trường Đông Xuân 53 – 54. Địch ở Điện Biên Phủ tuy mạnh nhưng bị nhốt trong các cũi thép gai và hầm hố một cách thụ động, không thể đem toàn bộ sức mạnh để đánh trả, cứu nguy cho một cứ điểm bị tấn công. Ta đem toàn bộ sức mạnh để đánh một điểm bao vây chia cắt địch ra mà đánh dần, linh hoạt và cơ động hoàn toàn. Như vậy nếu xét trong một trận đánh, thì ta vẫn mạnh hơn địch. Mạnh sẽ thắng yếu. Thiên tài quân sự của tướng Giáp là ở chỗ phân tích sắc bén thế và lực trong những tình huống cụ thể ở Điện Biên Phủ để tìm ra cách đánh thích hợp, “đánh chắc tiến chắc” để đi đến đại thắng!
Bởi vậy, khi 40 khẩu pháo các loại của ta được bố trí phân tán nhưng lúc bắn lại tập trung vào những mục tiêu chỉ định như sân bay, trận địa pháo địch ở Mường Thanh và trung tâm đề kháng Him Lam thì cả Him Lam và trung tâm Mường Thanh rung chuyển. Đất đá tung lên, 6 máy bay, 12 khẩu pháo và súng cối của địch bị bắn hỏng, lô cốt, đường hào ở Him Lam bị đè bẹp. Pháo dọn đường cho 3 tiểu đoàn xung kích của ta xông lên tiêu diệt 1 tiểu đoàn lê dương của địch chia nhau đóng giữ 3 cứ điểm trên 3 quả đồi của trung tâm đề kháng Him Lam. Chỉ sau hơn 4 tiếng đồng hồ tiến công, quân ta đã tiêu diệt trung tâm đề kháng Him Lam với 750 lính lê dương, diệt 300 tên, bắt sống 200 tên, thu toàn bộ vũ khí.
Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ được bố trí làm ba phân khu: Phân khu trung tâm, phân khu bắc và phân khu nam, bao gồm 49 cứ điểm, tập hợp trong 8 trung tâm đề kháng. Trung tâm đề kháng Him Lam nằm ở phía đông bắc trên đường từ Tuần Giáo vào Điện Biên, có nhiệm vụ bảo vệ tập đoàn cứ điểm từ xa. Do tính chất quan trọng của nó nên 1 tiểu đoàn của bán lữ đoàn lê dương 13 nổi tiếng, từng phá vòng vây của quân Đức trong thế chiến II, được coi là một trong những đơn vị huyền thoại của quân đội Pháp chưa từng thua trận bao giờ… đóng giữ! Trung tâm Him Lam gồm 3 cứ điểm có công sự vững chắc, một lưới lửa mạnh bố trí rất cẩn mật, yểm trợ cho nhau, có hệ thống công sự phụ dây thép gai, vật chướng ngại, bãi mìn rộng 100 m, được trang bị cả súng có kính ngắm điện tử phát hiện mục tiêu trong đêm. Him Lam được trọng pháo 105 và 155 ly ở Mường Thanh và Hồng Cúm yểm trợ theo một kế hoạch hỏa lực dày đặc. Lực lượng dự bị xe tăng, pháo binh, không quân sẵn sàng chi viện nếu Him Lam bị tấn công. Hai ngày trước trận đánh, quân báo của ta đột kích bắt về một trung úy thuộc đội cảnh giới của Him Lam, tù binh này sau khi được chữa chạy vết thương đã thành thật khuyên ta: “Không nên đánh vào Béatrice – tức Him Lam – vì đây là trung tâm đề kháng mạnh nhất của tập đoàn cứ điểm!!!”
Trận đánh mở màn đã thành công ngoài sự mong đợi. Him Lam không đứng vững trước sự tấn công của một trung đoàn của ta thì tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ không phải là một pháo đài không thể công phá.
Chợ Him Lam hôm nay. Ảnh: Lê Phú Khải (1994)
L.P.K.
Tác giả gửi BVN
* Bài trích từ cuốn “Tại sao Điện Biên Phủ” xuất bản lần đầu năm 2004, tái bản năm 2014.