Lê Thọ Bình
“Quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ sẽ vẫn phát triển mạnh hơn, nhất là các lĩnh vực kinh tế, thương mại, đầu tư… dưới thời Donald Trump”, Giáo sư Nguyễn Hữu Liêm (từ Mỹ) chia sẻ với VietTimes.
Giáo sư Nguyễn Hữu Liêm
Ông Donald Trump đã được người dân bầu làm Tổng thống thứ 47 của nước Mỹ – cường quốc số 1 thế giới. Giáo sư cảm nhận ra sao về chiến thắng của ông Trump?
– Tôi xin chúc mừng ông Trump, mặc dù rằng cá nhân tôi thì thất vọng (GS Liêm là người ủng hộ đảng Dân chủ – NV). Khi cử tri đã quyết định thì kết quả phải được chấp nhận. Điều vui mừng là cuộc bỏ phiếu đã diễn ra êm đẹp, không xảy ra bạo động hay hỗn loạn như nhiều người lo sợ. Tôi hy vọng là chính trường và xã hội Mỹ sẽ ổn định dưới chính quyền ông Trump.
Theo Giáo sư, vì sao ông Trump lại thắng cử?
– Mặc dù là một người còn có nhiều khiếm khuyết, nhưng cử tri Mỹ ủng hộ ông Trump vì vẫn không chấp nhận khuynh hướng chính sách cấp tiến của đảng Dân chủ. Họ muốn có những thay đổi lớn về các vấn đề như nhập cư trái phép, thuế, ngân sách, năng lượng, và nhất là đối với cử tri công giáo về vấn đề phá thai.
Elon Musk có góp phần đem thêm phiếu bầu cho ông Trump không, sau khi vị tỷ phú treo thưởng và nhiệt tình lôi kéo cử tri trên mạng xã hội?
– Elon Musk đóng vai trò đại diện cho khuynh hướng tự do kinh doanh, sáng tạo của phe bảo thủ Mỹ, và ít nhất là đã cho ông Trump một phần trăm nhỏ trong số các khối cử tri chưa dứt khoát cho đến tuần cuối cùng của cuộc tranh cử.
Theo Giáo sư sự thất bại của bà Kamala Harris có phải là do tâm lý người dân Mỹ chưa vượt qua được sự “mặc định” về giới tính và màu da, hay do bà chưa chuẩn bị tốt cho vai trò ứng cử viên tổng thống?
– Cử tri Mỹ không lựa chọn bà Harris không phải vì chủng tộc hay giới tính của bà. Họ chọn ông Trump vì lập trường tả phái của bà Harris – nhất là vấn đề phá thai đối với giới Công giáo, vốn chiếm từ 10-20% cử tri.
Trước bầu cử, nhiều hãng truyền thông chính thống Mỹ thường nói ông Trump là người “chia rẽ” nước Mỹ, nhưng qua cuộc bầu cử lần này, ông không những thắng cử mà cả đảng Cộng hòa cũng giành được lưỡng viện (Hạ viện và Thượng viện). Điều này nói lên điều gì, thưa ông?
– Hiện tượng “the red wave” (làn sóng đỏ) kỳ này cho thấy rằng đa số cử tri Mỹ vẫn có khuynh hướng bảo thủ, vốn là truyền thống chính trị của Mỹ từ thời lập quốc cho đến nay.
Kinh tế Mỹ và vấn đề nhập cư là hai chủ đề được ông Trump nhấn mạnh trong quá trình tranh cử. Hai vấn đề này sẽ được ông Trump giải quyết như thế nào, theo Giáo sư?
– Ông Trump sẽ cắt giảm thuế, cắt giảm ngân sách xã hội, tăng thuế nhập khẩu đối với hàng hóa các nước như Trung Quốc hay Mexico… và sẽ cứng rắn hơn với khối dân nhập cư không hợp pháp.
Về tư pháp, sẽ có nhiều thẩm phán liên bang mang tư tưởng bảo thủ. Điều này thì ai cũng đã tiên liệu. Vấn đề là mức độ và hiệu quả. Với việc phe Cộng hòa nắm giữ thế đa số ở cả Hạ viện và Thượng viện, ông Trump sẽ dễ thực thi chính sách bảo thủ mạnh tay của ông.
Trong quá trình vận động bầu cử, ông Trump từng dọa sẽ rút khỏi NATO và bắt các nước khác phải trả tiền cho Mỹ để được bảo hộ. Theo Giáo sư thì những lời đe dọa này có thành sự thật?
NATO sẽ phải thay đổi quan điểm chiến lược của khối này dưới thời ông Trump, nhất là vấn đề ngân sách và đặc biệt là đối phó với Nga. Cá nhân tôi nghĩ rằng ông Trump và ông Putin đang có một mối quan hệ đặc biệt nào đó. Tôi hy vọng đó là điều tích cực hơn là mối nguy an ninh.
Quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ sẽ vẫn phát triển mạnh hơn, nhất là các lĩnh vực kinh tế, thương mại, đầu tư (Donald Trump trong chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam từ ngày 11-12/11/2017)
Vấn đề được nhiều người đặc biệt quan tâm là xung đột ở Ukraine và Trung Đông. Ông Trump có thể chấm dứt chiến tranh ở Ukraine “trong một ngày” như đã từng nói? Còn tình hình Trung Đông sẽ được giải quyết ra sao?
– Ukraine chắc sẽ phải nhượng bộ nhiều hơn với phía Nga dưới áp lực của ông Trump nếu muốn có hòa bình. Israel sẽ mạnh tay hơn đối với các đối thủ chiến tranh mà không e ngại áp lực kiềm chế từ Mỹ. Dân chúng Palestine sẽ còn đau khổ vì chiến tranh và bom đạn nhiều hơn nữa.
Một trong những vấn đề mà ông Trump cũng nhấn mạnh là cuộc chiến thương mại với Trung Quốc. Giáo sư hình dung cuộc chiến này sẽ diễn ra như thế nào trong tương lai?
– Ông Trump sẽ đánh thuế hải quan (tariff) mạnh hơn với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc và hai bên sẽ trả đũa nhau, leo thang chiến tranh thương mại. Trung Quốc sẽ càng gặp khó khăn để hồi phục nền kinh tế vốn đang khủng hoảng hiện nay.
Quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ sẽ phát triển như thế nào, theo Giáo sư? Việt Nam cần đón nhận những “bất lợi” và tận dụng thời cơ ra sao, thưa Giáo sư?
– Chính sách của Mỹ với Việt Nam sẽ không thay đổi đáng kể. Mỹ vẫn cần thế chiến lược của Việt Nam ở khu vực, dù ông Trump hay bà Harris thắng cử. Sẽ có Đại sứ Mỹ mới đến Việt Nam. Quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ sẽ vẫn phát triển mạnh hơn, nhất là trong các lĩnh vực kinh tế, thương mại, đầu tư.
Tuy nhiên chúng ta cũng phải lường trước những khó khăn như vấn đề di cư, du học, hay xin visa đi Mỹ… rất có thể sẽ bị giới hạn hơn. Hàng hóa nhập cảng từ Việt Nam sẽ bị giám sát chặt chẽ hơn để ngăn chặn hàng Trung Quốc giả dạng.
Cám ơn Giáo sư!
N.T.B.
Nguồn: viettimes.vn