Tranh chấp Biển Đông: Quan điểm của Ấn Độ

“Châu Á đang là một nền kinh tế khổng lồ của thế giới và tình hình này có vẻ như sẽ còn tiếp tục diễn ra trong thời điểm đỉnh cao nhất của thế kỷ XXI. Ngoài ra, châu Á còn là sân chơi – chính xác hơn là chiến trường – cho những nước muốn chiếm ưu thế lớn về địa chính trị trong những thập kỷ sắp tới. Do vậy, việc giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông sẽ là bước quan trọng trong việc tạo dựng sự thịnh vượng của khu vực Đông Á”.

«Ở Pháp có câu danh ngôn rất nổi tiếng của Napoleon: “Quand la Chine s’éveilla, le monde tremblera – Khi Trung Quốc thức giấc, cả thế giới sẽ phải lo sợ”. Trong hơn một thập kỷ qua, kể từ khi những mô hình phát triển của Trung Quốc, sẽ được mô phỏng dưới đây, được giới thiệu lần đầu tiên, thì những tiến bộ to lớn mà quốc gia này đạt được đã không chỉ khiến cho cả thế giới phải thán phục mà còn dấy lên một nỗi lo ngại đáng kể trong các nước láng giềng của quốc gia này». Đó là hai câu nói của ông Vinod Saighal mà bạn đọc có thể lấy làm cặp kính để soi tỏ những kiến giải của ông trong bài viết dưới đây, đọc tại Hội thảo quốc tế Biển Đông cuối tháng 11 năm 2009 do Việt Nam tổ chức.

Bauxite Việt Nam

Giới thiệu

Vào khoảng cuối thế kỉ trước, ở thời điểm chuyển giao thiên niên kỉ, tác giả bài viết này đã có hai buổi nói chuyện mang tính chất dự đoán xu hướng tương lai. Buổi nói chuyện thứ nhất là “Sự hồi sinh của Nga ở thế kỉ XXI”. Đó là vào thời điểm mà nước Nga gần như đã suy kiệt sau những năm Yeltsin cầm quyền. Nợ quốc gia của Nga lên tới 175 tỷ USD. Các nhà khoa học rời đất nước hàng loạt; rất nhiều người trong số đó đã được Trung Quốc thu nhận. Chính phủ không đủ khả năng thanh toán nợ đáo hạn. Quân đội tha hóa đạo đức, còn vấn đề Chechnya chỉ chực bùng nổ. Ông Putin vừa mới tiếp quản đất nước. Giá dầu ở mức 13 USD một thùng. Vì thế bài nói chuyện “Sự hồi sinh của Nga” đã thu hút rất nhiều sự quan tâm, đặc biệt là về những lĩnh vực mà sự hồi sinh có thể diễn ra. Sau đó bài nói chuyện cũng được lặp lại ở một trường đại học ở Hoa Kỳ.

Buổi nói chuyện thứ hai là về “Đối phó với Trung Quốc ở thế kỷ XXI”. Bắt đầu buổi nói chuyện, ba thuật ngữ đã được lấy từ thiên văn học và vật lý thiên thể để định nghĩa ba mô hình phát triển của Trung Quốc ở thế kỷ XXI. Mô hình đầu tiên là “mô hình mở rộng quốc gia ổn định”. Mô hình thứ hai là “mô hình mở rộng năng động hay sự bùng nổ mở rộng”. Thứ ba là “mô hình đổ vỡ từ bên trong”. Riêng dự đoán liên quan đến Ấn Độ có phần hơi sai lệch khi so sánh với Trung Quốc, bởi vì nền kinh tế của Ấn Độ hiện nay đã phát triển hơn nhiều so với thời điểm so sánh.

Được trình bày đầu tiên trong phiên thứ nhất của hội nghị, bản tham luận đã rất đúng đắn khi tập trung vào Trung Quốc; vì đây là thế lực quan trọng nhất ở khu vực, chính sách của quốc gia này đối với các nước láng giềng trong việc giải quyết tranh chấp tại biển Đông sẽ định hình mức độ phát triển ở vùng biển này trong tương lai cũng như đối với hòa bình và thịnh vượng ở khu vực trong những thập kỷ sắp tới.

Các mô hình tìm kiếm quyền lực của Trung Quốc

(Trích từ một chương về Trung Quốc trong cuốn “Tái cấu trúc an ninh Nam Á”, xuất bản năm 2000 tại New Delhi. Bài nói chuyện được trình bày trước đó một vài năm. Do vậy nhiều công thức không theo kịp những sự kiện xảy ra không theo dự tính khi buổi nói chuyện diễn ra).

Vì mục đích của hội nghị, ba mô hình được đem ra để nghiên cứu sự phát triển có thể có trong thế kỷ mới của Trung Quốc: mô hình mở rộng quốc gia ổn định, mô hình mở rộng bùng nổ, và mô hình đổ vỡ từ bên trong. Các mô hình trên được thể hiện bằng những sơ đồ sau đây:

Bên dưới là các lý giải cho mỗi mô hình.

Hình-1: Mô hình mở rộng quốc gia ổn định

Theo mô hình này – được biểu thị bằng các vòng tròn đồng tâm – trong thế kỷ tới Trung Quốc mở rộng ảnh hưởng của mình theo từng vòng tròn một. Đi dần ra phía ngoài từ trong lõi, vòng tròn đầu tiên biểu thị sự mở rộng ảnh hưởng của Trung Quốc ở các khu vực liền kề, hay nói cách khác là khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, Bắc và Nam Triều Tiên, Đài Loan, Nhật Bản, các đảo và quần đảo đang tranh chấp (đặc biệt là quần đảo Trường Sa), Mông Cổ, Nga, Đông Nam Á, Nam Á và Tây Á. Vòng tròn thứ hai biểu thị sự mở rộng quyền lực địa chính trị của Trung Quốc đối với toàn bộ châu Á và châu Úc. Vòng tròn ngoài cùng và cũng là vòng tròn cuối cùng thể hiện sự mở rộng ảnh hưởng địa chính trị của Trung Quốc đối với toàn bộ thế giới ngoại trừ Bắc và Nam Mỹ.

Những thuật ngữ “ảnh hưởng” và “quyền lực” phải được hiểu theo nghĩa bóng. Sự khác nhau giữa hai từ này cần phải được hiểu trong ngữ cảnh mà chúng được sử dụng ở đây. Ảnh hưởng có nghĩa là khi các nước láng giềng ở Châu Á quyết định những chính sách đối ngoại lớn thì luôn luôn phải tính đến yếu tố Trung Quốc; trong khi đó thì quyền lực ám chỉ rằng Trung Quốc sẽ phát triển khả năng quân sự và triển khai sức mạnh đó trong khu vực bất chấp bất cứ sự đe dọa nào từ Mỹ. Chắc chắn rằng Nga sẽ đứng ngoài cuộc chơi này vì khả năng trả đũa bằng vũ khí hạt nhân của mình.

Nếu sự chênh lệch về sức mạnh quân sự giữa Ấn Độ với các nước láng giềng lớn khác cả về vũ khí thông thường và vũ khí hạt nhân vẫn giữ ở mức rất lớn như hiện nay thì Ấn Độ sẽ không thể là một thách thức đối với Trung Quốc, thậm chí ngay cả ở Nam Á. Tuy nhiên, bi kịch là khoảng cách về sức mạnh quân sự, nếu không ngừng lại thì sẽ tiếp tục lớn thêm đến một mức mà Ấn Độ sẽ trở thành thứ yếu trong chính khu vực của mình. Trong những năm tới, sức mạnh quân sự của Trung Quốc có thể sẽ trở thành một thách thức đối với Mỹ, trong khi những người hoạch định chính sách quốc phòng của Ấn Độ vẫn cứ tiếp tục biện hộ cho sự không tương xứng này bằng cách khẳng định, như họ đã làm một cách đều đặn từ suốt những năm 1970, rằng Trung Quốc phải 10 năm nữa mới có thể trở thành một mối đe dọa quân sự thật sự đối với quốc gia này.

Hình-2: Mô hình mở rộng bùng nổ

Mô hình này khác với mô hình mở rộng quốc gia ổn định được mô tả ở trên là nó mô tả sự phát triển không thể kiểm soát được. Ở một số khía cạnh nào đó, nó có thể được so sánh với những gì đã xảy ra ở Indonesia. Khó có thể xác định được thời điểm mà quốc gia này bùng nổ theo cách của Indonesia. Nó có thể xảy ra trong hai mươi năm hoặc sau năm mươi năm. Có một vài nhân tố đẩy nước này theo hướng được chỉ ra trong mô hình. Một vài nhân tố trong số đó là:

–   Sự thống nhất và nắm giữ quyền lực lâu dài của Giang Trạch Dân.

–  Kết quả là khi Chủ tịch Giang Trạch Dân rời vũ đài thế giới, việc kế nhiệm ông diễn ra rất nhẹ nhàng. Cần nhớ rằng, nếu Đặng Tiểu Bình không kế nhiệm Mao và cái được gọi là “bè lũ bốn tên” giành được thế lực trong cuộc đấu tranh quyền lực thời hậu Mao thì lịch sử của Trung Quốc, và thậm chí là của cả Thế giới chắc chắn đã khác rồi. Cũng không phải là không phù hợp khi nhắc lại cái cách mà Mikhail Gorbachev bị đảo chính và sự tan rã của Liên bang Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Xô Viết.

– Những nỗ lực của Mỹ trong việc ép Trung Quốc về nhịp độ thay đổi quá trình hiện đại hóa và dân chủ hóa ở nước này, nhịp độ này sẽ tránh được việc các lãnh đạo Trung Quốc có thể kiểm soát được các tác dụng phụ của sự thay đổi nhanh như vậy. Người ta cũng có thể cho rằng đó là chiến lược địa – chính trị của Hoa Kỳ nhằm sắp đặt sự sụp đổ của Trung Quốc (và cả Ấn Độ nữa) để không còn mối đe dọa nào có thể tồn tại và thách thức sự thống trị của Mỹ trên toàn cầu ở thế kỷ XXI và xa hơn nữa. Nếu Hoa Kỳ thành công thì đến lượt Liên minh Châu Âu chắc chắn sẽ tiếp bước.

–      Khoảng cách lớn về kinh tế giữa các tỉnh ở duyên hải Tây Nam Trung Quốc (và giờ là cả Hồng Kông) với phần còn lại của đất nước, đặc biệt là các khu vực nội địa.

–    Chênh lệch thu nhập và nạn thất nghiệp ngày càng gia tăng do sự thay đổi chóng mặt của chính sách kinh tế.

–   Chơi xấu trong kinh tế ngày càng được xem như là một vũ khí chiến tranh hiệu quả cả bên trong và bên ngoài. (Sự đảo lộn trong kiểu mẫu chiến tranh kinh tế của Trung Quốc. Giờ đây Trung Quốc đã sử dụng vũ khí này một cách rất tinh vi để gây ảnh hưởng lên các chính sách kinh tế hướng về nước này ở phương Tây, đặc biệt là Mỹ).

Hình-3: Mô hình đổ vỡ từ bên trong

Mô hình đổ vỡ từ bên trong khác mô hình trước ở Hình-2 là ở mô hình này Trung Quốc sẽ sụp đổ do sức nặng của chính mình. Sự sụp đổ như vậy, trong trường hợp của Trung Quốc, là do tình hình bất ổn nội bộ ngày càng gia tăng cũng như các áp lực từ bên ngoài nhằm ép nước này từ mọi phía. Vào điểm này, khó có thể hình dung được sự sụp đổ sẽ diễn ra khi mà Liên Xô cũ đã sụp đổ và sức mạnh quân sự của Ấn Độ ngày càng trở nên thứ yếu ở khu vực. Thêm vào đó, Trung Quốc đã bước vào giai đoạn kinh tế và quân sự phát triển đến mức cho phép nước này có khả năng chống lại những áp lực từ phía Mỹ (Thái độ nước đôi của dân chúng ở Hồng Kông cũng nên được tính đến. Sự hòa nhập của người Hồng Kông với Trung Quốc chỉ là hình thức bề ngoài mặc dù đã có những yếu tố cho thấy sự ủng hộ của người dân nơi này đối với Trung Hoa. Không có gì là kỳ lạ khi mà sự trao trả thuộc địa từng thuộc Anh này sẽ gây ra sự đối đầu với quan chức Trung Quốc trong bộ phận người dân. Điều này sẽ chống lại những thay đổi sau khi Hồng Kông trở về với Trung Hoa).

Trung Quốc – người khổng lồ ở khu vực

Bản chất của những người khổng lồ. Sau một giấc ngủ dài và bị nô dịch trong một vài thế kỷ, Trung Quốc đang trở lại thành một cường quốc giống như trong gần suốt chiều dài lịch sử của mình. Điều này đã được các nước láng giềng Châu Á thấy rõ phần nào. Trong những thập kỷ tới, Trung Quốc sẽ được coi như là một người khổng lồ, đặc biệt nếu nước này theo đuổi mô hình mở rộng bùng nổ như nước này có lẽ đang theo đuổi theo như những dấu hiệu hiện tại. Khi điều này xảy ra, Trung Quốc sẽ thể hiện rõ “bản chất” của một người khổng lồ. Vậy chính xác thì “bản chất” của một người khổng lồ là gì? Bản chất một người khổng lồ là khi một quốc gia bắt đầu tăng cường ham muốn mở rộng quyền lực. Điều này không có nghĩa là nói xấu những người lãnh đạo Trung Quốc. Vì đây là một hiện tượng lịch sử. Nó cũng giống như những hiện hượng tự nhiên vậy. Trong lịch sử, gần như không có trường hợp ngoại lệ nào, các nước lớn luôn luôn chứng tỏ điều này. Các vương quốc ngày càng phát triển và trở thành các đế chế. Các đế chế, sau khi được củng cố, lại bắt đầu trở nên ngày càng lớn mạnh thông qua tiến trình xâm chiếm đất đai cho đến khi được thừa nhận là các cường quốc khổng lồ. Thế kỷ XIX và XX đều không có ngoại lệ. Đế chế Anh phát triển lớn mạnh đến mức cuối cùng phải nhượng bộ. Xô Viết là một trường hợp gần đây hơn. Siêu cường đơn độc này đã tỏ rõ sức căng của mình; thời điểm sụp đổ có lẽ đã không xa như thế trừ khi Mỹ đánh giá được hướng đi của nó và đưa ra các biện pháp khắc phục khẩn cấp và mạnh mẽ. Ngày nay, nếu sự sụp đổ như thế xảy ra, nó còn có thể phá hủy thậm chí là cả thế giới nữa. Đó là do sự hiện diện của vũ khí hạt nhân và các loại vũ khí hủy diệt hàng loạt.

Trung Quốc hiện nay là một thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, cùng với quyền phủ quyết của mình. Trong nửa sau thế kỷ XX khi mà Trung Quốc đang trong quá trình phát triển để trở lại với hình ảnh cường quốc vốn có, nước này cần có quyền này để bảo vệ các lợi ích sống còn của mình, chống lại hai siêu cường lúc đó. Bởi vì một trong hai siêu cường có thể ngăn cản quá trình chiếm đóng những nơi hợp pháp trên thế giới của Trung Hoa. Giờ đây điều này không còn là vấn đề nữa. Một trong hai siêu cường trước đây đang bị tổn thương nghiêm trọng. Siêu cường còn lại không còn ở vị trí có thể ra lệnh cho Trung Quốc được. Thực tế là Trung Quốc đã tiến một bước rất dài. Nước này sẽ trở thành một cường quốc toàn cầu ở cuối thập kỷ đầu tiên của thế kỷ mới.

Đến đây một câu hỏi đơn giản được nêu ra: “Là một cường quốc, liệu Trung Quốc sẽ đóng vai trò là một một cường quốc nhân từ hay sẽ sử dụng sức mạnh của mình để đe dọa các nước khác?” Có lẽ là trường hợp thứ hai sẽ xảy ra. Tại sao lại như vậy?

Cách đây vài chục thế kỷ, Chanakya trong cuốn sách “Arthashatra” của mình có viết: “Bản chất của các nước lớn là bảo vệ quyền lực của chính mình”. Hợp chúng quốc Hoa Kỳ đã là cường quốc trên thế giới ít nhất là hơn một nửa thế kỷ, mức độ của việc khẳng định quyền lực mà nước này thực hiện trên toàn cầu rất rõ ràng. Trung Quốc đã là một cường quốc hàng nghìn năm. Gần như không có bất cứ trường hợp tương tự nào trên toàn thế giới cả. Khẳng định và bảo vệ quyền lực đến rất tự nhiên. Nó gần như được lập trình sẵn vậy.

Mất cân bằng về quân sự

Khả năng mở rộng sức mạnh quân sự của Trung Quốc sẽ càng ngày càng làm tăng mối lo ngại cho các nước láng giềng ở Châu Á, nếu không muốn nói là trên cả thế giới. Một vài dấu hiệu đó là:

–  Chi tiêu quân sự của Trung Quốc đang ngày càng tăng, đến hơn 10% mỗi năm theo như tính toán của một vài nước phương Tây.

–   Ngân sách quốc phòng chính thức của Trung Quốc không bao gồm việc phát triển vũ khí hạt nhân, chương trình Nghiên cứu và Phát triển, lương hưu cho binh lính, cũng không bao gồm lợi nhuận từ việc bán vũ khí. Những chi tiêu khác này được tính vào khoảng năm tỷ đôla từ năm 1991 đến năm 1995. Kể từ đó các khoản này cũng đã tăng một cách đáng kể.

–   Lực lượng phản ứng nhanh của Trung Quốc, có khoảng mười lăm nghìn vào năm 1988 đã nâng lên đến hơn hai trăm nghìn người.

–   Sự mở rộng hải quân sắp tới của Trung Quốc theo quan điểm của khu vực và châu Á là một điều đáng sợ.

–   Sự sở hữu máy bay tiêm kích SU-27 và các loại pháo đài bay khác được ghi nhận khá rõ ràng và cũng không được tính vào ngân sách chính thức.

Thêm vào đó cần phải chú ý các khía cạnh sau:

–    Mặc dù không có bất cứ mối đe dọa hiện hữu nào đối với lãnh thổ – dù ở hiện tại, hay trong tương lai gần, chi tiêu cho quân sự của Trung Quốc đang ngày càng tăng theo cấp lũy thừa. Chi tiêu này đã đi quá xa so với nhu cầu để triển khai quân đội qua biên giới sang quốc gia khác hay cho bất cứ sự đối đầu nào với các nước láng giếng phía Nam – dù đơn lẻ hay tập thể

–   Người Trung Quốc thường tìm mọi cách để nói thấp đi khả năng, sức mạnh của mình. Bất cứ khi nào có cơ hội, nước này đều nói đi nói lại rằng “Trung Quốc sẽ không bao giờ tìm kiếm bá quyền”. Điều này có thể thấy được trong câu nói nổi tiếng của Tôn Tử “đừng bao giờ thể hiện ý đồ thực sự của mình. Ru ngủ đối thủ bằng mọi cách có thể. Hãy giấu năng lực của mình đi”.

–   Vào những năm 1970, Trung Quốc không phải là một cường quốc về quân sự. Nhưng nước này cũng không do dự mà triển khai một cuộc tổng xâm lược nguời đồng chí của mình – Việt Nam nhằm “dạy cho Việt Nam một bài học”.

–   Việc chiếm Đá Vành Khăn (A: Mischief Reef, TQ: Meiji Jiao – nd) từ một quốc gia Đông Nam Á thân thiện năm 1995 đã đưa nước này lên một vị thế cao trong khu vực.

–   Myanmar và một vài nước khác chắc chắn đang trong vùng ảnh hưởng của Trung Quốc. Trung Quốc có quyền khai thác hơn sáu mươi phần trăm nguồn dầu mỏ của Kazakhstan, đẩy các công ty dầu lửa của Mỹ, Amoco và Texaco, ra ngoài.

–   Trung Quốc đã tuyên bố ý định tăng cường sự hiện diện hải quân ở Ấn Độ Dương. Nước này đang xây dựng các cảng có khả năng tiếp nhận các tàu ngầm và tàu chiến Trung Quốc ở một số nước Nam Á.

Sự liệt kê trên vẫn chưa là tất cả. Tuy nhiên cũng đã phần nào chỉ ra được xu hướng mà Trung Quốc đang hướng tới. Việc tăng cường quân đội đã bắt đầu gây ra mối lo lắng cho các nước Australia, Ấn Độ, những nước không nằm trong khu vực biển Đông. Mối lo ngại do sự tăng cường này gây ra đối với các nước láng giềng trong khu vực biển Đông còn lớn hơn rất nhiều.

Một phần lớn của không gian địa chính trị ở thế kỷ XXI sẽ có thể được Trung Quốc và Ấn Độ chiếm đóng. Các quan hệ của hai nước này đặc trưng bởi mối quan hệ biện chứng giữa đấu tranh và hợp tác, tình trạng hiện nay dựa phần lớn vào nhịp độ phát triển của hai nền kinh tế. Sự mở rộng nhanh chóng của nền kinh tế Trung Quốc và Ấn Độ có thể sẽ đáp ứng tốt nhu cầu của thế giới trong tương lai. Cuộc chạy đua vũ trang giữa hai láng giềng Châu Á này, cũng như việc tăng cường lực lượng vũ trang mà các nước láng giềng trong biển Đông buộc phải tiến hành do có sự chênh lệch đáng báo động, sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến ổn định lâu dài trong khu vực, ở châu Á, và cả thế giới. Vì thế, trách nhiệm chủ yếu là ở Trung Quốc, cường quốc châu Á lớn nhất, trước hết phải cắt giảm chương trình quân sự hóa khổng lồ của mình để trấn an các nước láng giềng kề cận; bởi vì một khi chênh lệch vẫn tồn tại, sự mất cân bằng sẽ không có lợi cho việc giữ nguyên hiện trạng, điều sẽ là bước đầu tiên trong việc giải quyết các tranh chấp ở biển Đông.

Sự cấp thiết về môi trường

“Các mối nguy hiểm mà chúng ta đang phải đối mặt từ việc phá hủy hệ sinh thái quá lớn khiến cho các vấn đề về an ninh quốc gia chỉ còn là vấn đề nhỏ”. Câu nói trên được phát biểu cách đây khá lâu bởi một người ẩn danh ngoài Ấn Độ. Kể từ đó các vấn đề như sự nóng lên toàn cầu, tuyệt chủng một số loài sinh vật, cạn kiệt nguồn cá, và tan băng ở hai cực và Tây Tạng, mái nhà của Thế giới làm cho không ai còn nghi ngờ rằng thế giới của tương lai có thể sẽ không chịu được tình trạng giống như hiện nay, đặc biệt là ở các khu vực bờ biển và ở các quần đảo trên khắp thế giới. Trước năm 2050, cũng có thể là trước 2020 các căn cứ quân sự và hiện diện của hải quân ở quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa có thể sẽ là vô ích với tất cả các bên tranh chấp.

Gần như là không có bất đồng nào giữa các nước trong khu vực biển Đông rằng vấn đề nóng lên toàn cầu và sự suy giảm hệ sinh thái trên thế giới có thể sẽ trở thành những nguy cơ lớn đối với sự sống còn hơn là những tranh chấp lãnh thổ nhỏ bé giữa những nước láng giềng. Đã đến lúc phải giải quyết tranh chấp biển Đông một cách sớm nhất, trước khi sự điên cuồng vô ích trong việc quân sự hóa đi quá xa.

Các cách giải quyết

Các bước cơ bản trước tiên để có thể giúp ích trong việc giải quyết vấn đề biển Đông:

–   Tuyên bố quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa ở biển Đông là một công viên hải dương học.

–   Cam kết tạm ngừng chiếm đóng, tạm dừng các hoạt động xây dựng, quân sự hóa, đưa các tàu hải quân đến Trường Sa cũng như Hoàng Sa.

–   Dần dần dỡ bỏ các công trình quân sự hiện có trước một thời điểm nhất định (có thể là 31 tháng 12 năm 2012) và tuyên bố biển Đông là một khu vực hòa bình.

–   Cùng khai thác các tài nguyên thiên nhiên trong khu vực tranh chấp. Một Ủy ban Khai thác Tài nguyên của các nước liên quan đến các quần đảo tranh chấp sẽ được trao quyền để thực hiện việc khai thác thay mặt tất cả các bên liên quan. Tài nguyên khai thác được phân chia theo một tỷ lệ thích hợp do Ủy ban quyết định và được thông qua bởi các nước có liên quan.

–   Mọi  hoạt động khai thác khác đều phải ngừng cho đến khi Ủy ban hoàn thành các công việc của mình và đạt được sự phê chuẩn.

Kết luận

Trong thập kỷ cuối cùng của thế kỷ trước, nhiều nhà phân tích đã bắt đầu viết về sự thay đổi trung tâm thế giới chuyển dịch từ châu Âu sang châu Á. Sẽ không mất quá nhiều thời gian để sự thay đổi này diễn ra. Ngày nay, không ai còn nghi ngờ rằng châu Á đang là một nền kinh tế khổng lồ của thế giới. Tình hình này có vẻ như sẽ còn tiếp tục diễn ra trong thời điểm đỉnh cao nhất của thế kỷ XXI, nếu không muốn nói là còn xa hơn. Ngoài ra, châu Á còn là sân chơi – chính xác hơn là chiến trường – cho những nước muốn chiếm ưu thế lớn về địa chính trị trong những thập kỷ sắp tới. Nhật Bản và các con hổ châu Á là những kẻ đi trước trong việc tạo dựng sự giàu có ở châu Á. Điều cần nhấn mạnh ở đây là việc tạo ra sự giàu có này thông qua công nghiệp hóa, toàn cầu hóa và sự cạnh tranh thị trường. Sự giàu có cũng được thấy ở một số nơi của Trung Đông và giờ là ở Trung Á vì nguồn dầu lửa ở các quốc gia này. Những nguồn này sẽ hết trong một vài năm, một vài thập kỷ hay kéo dài hơn cả hiện nay chúng ta tiên đoán? Đó là một câu hỏi vẫn còn đang gây tranh cãi. Tuy nhiên điều không còn gây tranh cãi là sự nổi lên gần như chắc chắn của Trung Quốc và Ấn Độ như những nền kinh tế khổng lồ của thế kỷ. Cùng với hai nền kinh tế lớn nhất này, ASEAN, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, và hy vọng là cả Bắc Triều Tiên có thể sẽ trở thành những nước tiên phong trong việc tạo dựng sự thịnh vượng của khu vực Đông Á mở rộng. Kết quả này có thể được bắt đầu bằng việc giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông.

Cuối cùng, tôi xin cảm ơn nước chủ nhà Việt Nam đã tổ chức hội thảo này.

Thiếu tướng (đã về hưu) Vinod Saighal [1]

_________________________________

[1] Thiếu tướng Vinod Saighal về hưu khi là Tổng giám đốc đào tạo Quân sự của Quân đội Ấn Độ năm 1995. Trước đó, ông đã có một số lần nhận nhiệm vụ chỉ huy, bao gồm cả việc chỉ huy một đội hình thiết giáp độc lập và các sư đoàn trên núi và ở sa mạc. Là một sĩ quan, ông đã từng làm việc với lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hiệp Quốc cũng như đã có một vài nhiệm kỳ ở Trung Đông. Ông đã từng là Tùy viên Quân sự của Ấn Độ ở Pháp và Belenux. Ông có khá nhiều mối quan tâm và có thể nói được một vài ngôn ngữ bao gồm tiếng Pháp và tiếng Ba Tư. Hiện nay ông là Giám đốc điều hành của Tổ chức Giám sát kinh tế, một tổ chức phi chính phủ liên quan đến nhân khẩu học và sinh thái học. Sau khi về hưu, ông đã thành lập Chiến dịch Phục hồi Chính phủ hiệu quả. Ông đã viết bài về nhiều chủ đề khác nhau trên các báo và tạp chí hàng đầu quốc gia. Ông cũng đã đi thuyết giảng trên khắp Ấn Độ và cả ở nước ngoài về một số vấn đề nóng hiện nay. Vinod Saighal được mời tham dự “Ban Tư vấn” của Liên đoàn các nhà khoa học và học giả của Mỹ năm 2000. Ông là tác giả của cuốn sách rất được quốc tế ca tụng “Sự cân bằng ở Thiên niên kỷ thứ ba”. Ngoài ra ông cũng là tác giả các cuốn “Tái cấu trúc an ninh Nam Á”, “Tái cấu trúc Pakistan” và “Đối phó với Khủng bố Toàn cầu: Con đường phía trước”. Cuốn sách mới nhất của ông là “Nghịch lý an ninh toàn cầu – 2000-2010”.

Nguồn: http://nghiencuubiendong.vn/toa-dam-hoi-thao/hoi-thao-quoc-te-ve-bien-dong-lan-thu-nhat-ha-noi-2009/862-tranh-chap-bien-dong-quan-diem-an-do

This entry was posted in Tản Mạn and tagged . Bookmark the permalink.