Chiều ngày 3/04/2014, sau khi Toà án Nhân dân Thành phố Tuy Hoà tuyên án 5 công an sử dụng bạo lực đánh chết nạn nhân Ngô Thanh Kiều với mức án nặng nhất là 5 năm tù giam.
Dư luận phẫn nộ, có người còn cho rằng đây là “một nhát dao chém thẳng vào mặt nhân dân”.
Tôi nghĩ, đây đâu phải là lần đầu nhân dân bị chém (nếu hiểu theo cách trên).
Tháng 12/2010, tôi có viết bài “Năm nay là năm của các anh” (1) trong đó tổng kết sơ có hơn 10 vụ công an sử dụng bạo lực tuỳ tiện với dân và tình trạng chết người ở đồn công an.
Con số không dừng lại ở đó.
Cuối năm 2011, với bài viết “Năm nay lại là năm của các anh” (2) điểm sơ qua có hơn 20 vụ việc đã xảy ra. Nguy hiểm hơn ở chỗ mức độ tàn ác của công an ngày càng gia tăng qua việc đánh gãy cổ, còng tay bắt giam nạn nhân Trịnh Xuân Tùng (Hà Nội) đến chết trong đói khát, và tra tấn dã man nạn nhân Nguyễn Công Nhựt (Bình Dương) rồi kết luận anh tự tử trong đồn.
3 năm sau, ngày càng thêm nhiều vụ xảy ra, nực cười nhất là mỗi lần có người chết trong đồn công an lại có kết luận cho rằng “nạn nhân tự tử”, sự việc xảy ra không chỉ với đàn ông thanh niên, trung niên mà cả đến phụ nữ và trẻ em cũng bị đánh đập và chết.
Tôi lấy làm ngạc nhiên bởi không có báo nào đưa ý kiến hay phát biểu của người chịu trách nhiệm cao nhất là ông Trần Đại Quang – Bộ trưởng Bộ Công an sau những bê bối có liên quan đến sinh mạng người dân do ngành ông gây ra. Không một câu xin lỗi, không một bản án nghiêm trị hành vi sát nhân có tính chất côn đồ được công bố.
Nhiều người trong số các gia đình nạn nhân im lặng chấp nhận sự oan trái này một cách cay đắng. Những người khác chọn cách tiếp tục lên tiếng và đòi hỏi sự công bằng và cái họ nhận được là sự im lặng khó hiểu.
Không phải đến khi nạn nhân Ngô Thanh Kiều (Phú Yên) bị đánh chết người dân mới phẫn nộ. Họ đã phẫn nộ và để sự phẫn nộ ấy trôi qua trong im lặng vì nhiều lý do.
Một trong những lý do ấy là sự buông xuôi và thiếu vắng sự đồng hành của cả xã hội trước vấn nạn này.
Đụng đến công an hình như ai cũng sợ, nhất là khi ông Tổng bí thư Nguyễn Phú Trong đã lên tiếng cho rằng lực lượng công an “thanh kiếm và lá chắn bảo vệ chế độ”
Đại biểu Quốc hội cũng sợ, những người có tiếng nói, có trách nhiệm cũng sợ, vậy người dân biết làm gì?
Năm 2011, bản án 4 năm tù giam dành cho trung tá Nguyễn Văn Ninh sau khi đánh chết nạn nhân Trịnh Xuân Tùng với tội danh “làm chết người trong khi thi hành công vụ” đã không là bản án cảnh cáo nghiêm minh cho lực lượng công an. Thì năm 2014, bản án 5 năm tù giam dành cho thiếu uý Nguyễn Thân Thảo Thành sau rất nhiều né tránh lại sẽ khiến vấn nạn công an sử dụng bạo lực với dân ngày càng trở nên nghiêm trọng hơn.
Khi ông Lương Quang – chánh án Toà án nhân dân Thành phố Tuy Hoà trả lời với báo chí rằng:
“Nạn nhân Ngô Thanh Kiều dù sao vẫn là một công dân. Khi “đụng” vào công dân thì phải có chế tài can thiệp, chứ đâu phải muốn làm gì là làm. Nhưng mà nói cũng phải có đầu có đuôi, anh em (tức công an – PV) thức đêm thức hôm theo dõi, điều tra vụ trộm, họ cũng tức. Nhưng mà cái tức đó quá đáng, dẫn đến hậu quả. Nhưng người ta nói “nhất nhật tại tù thiên thu tại ngoại”, 5 năm còn gì nữa. Dư luận nói nhẹ, tôi cho cũng đúng. Cũng có luồng ý kiến nói thế là vừa rồi, có ý kiến nói mức án có phần nghiêm khắc, tôi thấy khía cạnh nào cũng có.” (3). “5 năm còn gì nữa” (?), mức án 5 năm mà bị cáo Thảo phản đối vì bị coi như con tốt thí trong vụ án này là nghiêm khắc ư??
Công dân Ngô Thanh Kiều bị bắt giam có đúng trình tự quy định của pháp luật không? Và xét xử 5 bị cáo với tội dung nhục hình là đã đúng người, đúng tội chưa?
Tôi e là chưa. Hành vi đánh người trong khi nạn nhân bị bắt giam một cách tuỳ tiện không phải là sử dụng nhục hình mà là hành vi đánh chết người.
Chừng đó con người thay nhau tra tấn nạn nhân không có quyền chống cự cho đến chết không thể sửa thành tội “dùng nhục hình” – đó là tội giết người.
“Đây là vụ án được dư luận quan tâm, chúng tôi phải biết chọn giải pháp nào để giải quyết cho an toàn. Trong cuộc sống có những việc biết lẽ ra như thế này nhưng người ta không làm như thế mà làm khác một chút để bảo đảm mối quan hệ cho tốt (?)” – Chánh án Lương Quang (TAND Tp Tuy Hoà) (4) – hẳn người đọc cũng đã thấy, luật pháp là thứ được sử dụng để bảo đảm mối quan hệ.
Mối quan hệ nào ở đây nếu không phải là mối quan hệ lợi ích, mối quan hệ giai cấp bảo vệ chế độ? Bị cáo Phạm Ngọc Mẫn (1 trong 5 công an viên đánh chết người) là con trai ông Phạm Ưng, nguyên Trưởng ban Tỉnh uỷ tỉnh Phú Yên, phải chăng là mối quan hệ khó xử???
Họ đã chém thẳng vào mặt nhân dân bằng những bản án bất công như thế, nhân dân có phẫn nộ không?
Nếu không, hãy cứ im lặng chấp nhận và cầu mong rằng mình sẽ không bị rơi vào thảm cảnh ấy.
Nếu có, xin hãy đồng hành và lên tiếng cùng gia đình các nạn nhân ở bất kỳ nơi đâu, bất kỳ lúc nào.
Đã đến lúc phải nói thẳng là tôi không có niềm tin rằng luật pháp nghiêm minh với tất cả mọi người, và mọi hô hào cải cách tư pháp chỉ là trò diễn tuồng.
Khi bạn không tin bạn sẽ làm gì?
Cá nhân tôi, tôi sẽ không để sự phẫn nộ và niềm tin của mình trôi qua trong vô vọng.
M. N.
(1) https://danluan.org/tin-tuc/20101222/me-nam-nam-nay-la-nam-cua-cac-anh
(2) http://danlambaovn.blogspot.com/2011/12/nam-nay-lai-la-nam-cua-cac-anh.html
Nguồn:Blog Mẹ Nấm