Trách nhiệm của Bộ Công Thương trong các dự án bauxite (trả lời phỏng vấn của Bauxite Việt Nam)

TS. Nguyễn Thành Sơn

Giám đốc Ban Quản lý các dự án than đồng bằng sông Hồng – Vinacomin 

(1)  Về việc Bộ Công Thương đề xuất các “ưu đãi”

Các phương tiện thông tin đại chúng gần đây đưa tin nhiều về báo cáo giải trình với Ủy ban Thường vụ Quốc hội của Bộ Công Thương về các dự án bauxite Tây Nguyên, trong đó có nêu ra các “ưu đãi” để dự án có “lãi”.

Theo báo cáo của Bộ Công Thương, hai dự án Tân Rai và Nhân Cơ đều đã điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư lên 15.400 tỷ đồng và 16.800 tỷ đồng; lỗ lũy kế của Tân Rai đến năm 2015 là 460 tỷ đồng, Nhân Cơ lỗ dự kiến đến 2020 là 3.000 tỷ; một yếu tố dẫn đến lỗ tăng mạnh là do giá bán alumin thấp hơn dự kiến 70 USD/tấn. Do đó, Bộ Công Thương đã đề xuất và tham mưu với nhà nước tiếp tục “ưu đãi” một cách tương đối triệt để và đồng bộ cho cả hai dự án này.

Cách đây vài năm, cũng trên diễn đàn Quốc hội, Bộ Công Thương đã có báo cáo giải trình bằng giấy trắng, mực đen tương đối dài và toàn diện nhằm khẳng định tính khả thi, sự cần thiết, và hiệu quả của việc triển khai các dự án bauxite Tây Nguyên.

Nghiên cứu nội dung của hai báo cáo này, có thể nhận ra việc Bộ Công Thương đã và đang “cố đấm ăn xôi”, tìm mọi lý lẽ để bao biện cho những ý kiến tham mưu sai lầm, để đánh lạc hướng dư luận về những yếu kém, bất cập trong quản lý và để lẩn tránh trách nhiệm của Bộ Công Thương về hai dự án bauxite kém hiệu quả này.

Trước hết, mức lỗ thật của cả hai dự án còn cao hơn nhiều nếu tính đúng và tính đủ. Cái gọi là “hiệu quả” của Bộ Công Thương là “hiệu quả có điều kiện” (không bình thường, không tính thuế, coi tài nguyên khoáng sản thuộc sở hữu toàn dân là sở hữu của một nhóm người) và là “hiệu quả” theo các tiêu chí, tiêu chuẩn riêng của Bộ Công Thương (“sáng tác”), chứ không phải theo các chuẩn mực của kinh tế thị trường.

Cả hai dự án bauxite đều thuộc lĩnh vực khai thác khoáng sản (không có nguyên liệu chính trong cơ cấu giá thành) thuộc ngành có IRR bình quân lớn hơn 30%. Mặc dù vậy, Bộ Công Thương vẫn báo cáo lỗ đến 7 năm liên tục. Nếu dự án “buộc phải lỗ” 1-3 năm đầu còn có thể chấp nhận được (vì phải trả gốc và lãi vốn vay), nhưng sau vài năm lỗ mức lãi phải tăng lên rất nhanh tới 18-30% để đảm bảo tính tổng thể cả đời dự án có hiệu quả (IRR> lãi suất, và NPV>0).

Thứ hai, về dự báo giá nhôm kim loại, Bộ Công Thương đã chỉ dựa vào các số liệu dự báo có “lợi” cho các giải trình và ý kiến tham mưu của mình nên thiếu khách quan, không khoa học. Mức giá alumina hay giá nhôm kim loại như trên thị trường hiện nay đã được các nhà khoa học dự tính và cảnh báo cách đây vài năm. Nhìn chung, các đánh giá của Bộ Công Thương (từ trước đến nay) về các dự án bauxite rất chủ quan và không đúng bản chất. Các giải trình của Bộ Công Thương trước Quốc hội (hiện nay và cách đây vài năm), cũng như các ý kiến của Bộ Công Thương tại cuộc hội thảo của VUSTA cách đây vài tháng đều không đúng thực tế.

Thứ ba, về ưu đãi giảm thuế/phí, việc Bộ Công Thương phải xin các “ưu đãi” cho hai dự án này cho thấy: (i) thực chất (sự thật) là cả hai dự án không có hiệu quả; và, (ii) trong quản lý về tài nguyên khoáng sản của Bộ Công Thương có quá nhiều bất cập, không bình thường.

Việc xin “ưu đãi” cho cả hai dự án để “lỗ” thành “lãi” vào sau năm 2020 chỉ tạm thời làm “mát mặt” cơ quan tham mưu/quản lý nhà nước như Bộ Công Thương. Còn trên thực tế, cả hai dự án đang và sẽ “đau đầu” về dòng tiền (Cash Flow). Đối với doanh nghiệp, trong trường hợp cụ thể của hai dự án bauxite, khi mới đi vào hoạt động, dòng tiền là yếu tố không thể bỏ qua. Nếu không “bấu” vào các mỏ than ngoài Quảng Ninh (lãi/doanh thu/dòng tiền từ than) thì dự án Tân Rai sẽ tồn tại không quá 3 năm nữa.

Thứ tư, về “ưu đãi” giảm mức đầu tư hồ bùn đỏ, việc Bộ Công Thương xin ưu đãi giảm mức đầu tư của hồ bùn đỏ chẳng khác nào “vạch áo cho người xem lưng”. Thiết kế hồ bùn đỏ do chính Bộ Công Thương phê duyệt. Phải chăng đã có sự móc ngoặc giữa các bên (cơ quan quản lý, tư vấn thiết kế, chủ đầu tư, nhà thầu) để nâng khống vốn đầu tư của dự án (giống như đường cao tốc)? Phải chăng Bộ Công Thương và các bên đã lợi dụng “sức ép” của dư luận để kéo dài tiến độ triển khai dự án? Phải chăng nghi ngờ của Bộ Công Thương trước đây về các “thế lực phản động” lien quan đến hai dự án này đã trở thành hiện thực?.

Trước khi cho phép “giảm đầu tư cho hồ bùn đỏ”, Chính phủ nên xem lại trách nhiệm của người đã phê duyệt thiết kế, và nên có hình thức kỷ luật thỏa đáng vì đã gây ra thiệt hại hàng nghìn tỷ đồng (do dự án chậm tiến độ và tăng vốn đầu tư).

Hồ bùn đỏ Tân Rai được thiết kế để đảm bảo mức an toàn cho hàng chục năm sau. Đến nay, hồ bùn đỏ đầu tiên này vận hành chưa được 50% công suất thải bùn đỏ, và thời gian tồn tại mới chỉ vài % (tính theo tuổi thọ) chưa thể đánh giá là quá “an toàn” được. Chưa có bất kỳ một báo cáo đánh giá nào về các giải pháp kỹ thuật, chưa có các số đo quan trắc liên quan đến hồ bùn đỏ. Trong khi trên thực tế công nghệ thải bùn đỏ của Tân Rai là hoàn toàn “ướt”. Bùn đỏ thải ra là “ướt”- độc hại, sau một thời gian mới “khô”. Nếu nhà máy vận hành liên tục đủ công suất thì hồ bùn sẽ “ướt” cho đến khi nhà máy chuyển sang thải vào hồ bùn khác. Cùng một diện tích chiếm đất, nếu thải “ướt” thì dung tích chứa của hồ chỉ bằng 1/3-1/5 so với hồ bùn đỏ được thải “khô”. Số lượng hồ bùn đỏ của Tân Rai sẽ gấp nhiều lần so với hiện có. Lý do xin giảm mức đầu tư (sửa đổi thiết kế) của Bộ Công Thương đưa ra là không logic.

Trên thế giới, các hồ bùn đỏ nằm sát biển (rất an toàn, không may khi vỡ, bùn đỏ chỉ tràn ra biển và thiệt hại chỉ như “muối bỏ biển”) nhưng vốn đầu tư còn cao gấp 5-10 lần so với của Tân Rai. Đầu tư cho khâu an toàn chẳng bao giờ là “cao” cả.

Thứ năm, về khả năng làm ra nhôm kim loại, cách đây không lâu (trong năm 2012/2013), Bộ Công Thương đã từng “ăn bánh vẽ” của một đối tác nước nước ngoài (Atlantic – Úc) khi đối tác đó đưa ra một “chương trình” phát triển từ mỏ bauxite, đường sắt trên Tây Nguyên đến cảng biển xuất khẩu với vốn đầu tư 3-5 tỷ U$. Trong đó, Atlantic cũng chỉ chủ yếu dựa vào xuất khẩu hàng năm vài chục triệu tấn quặng bauxite (mới có lãi). Cách đây khá lâu (trước 2000), dự án đồng Sinh Quyền do chính Bộ Công Thương phê duyệt thiết kế, khi đi vào hoạt động, do công nghệ quá lạc hậu, việc xuất khẩu đồng kim loại cho thấy không hiệu quả bằng xuất khẩu quặng tinh. Hiện nay, việc xuất khẩu quặng bauxite tinh (alumina) trên Tây Nguyên còn chưa có lãi (ưu đãi hết mức còn “tính” mãi không ra). Việc làm ra nhôm kim loại có mức tiêu hao điện rất cao. Các nguồn thủy điện lớn rẻ tiền (dưới 3 cents/kWh) ở Việt Nam không còn. Cơ cấu của nền kinh tế Việt Nam là cơ cấu tiêu hao năng lượng ở mức quá cao. Trong bối cảnh đó, Bộ Công Thương không nên đưa ra cho Quốc hội bất kỳ cái “bánh vẽ” nào nữa về điện phân nhôm.

(2)  Suy nghĩ về cách tiếp cận của Bộ Công Thương

Trước hết, việc tính toán lỗ, lãi kèm theo các điều kiện là cách tiếp cận không đúng. Việc xin những “ưu đãi” không bình thường (giảm thuế, giảm phí, giảm mức độ an toàn) sẽ làm cho kinh tế thị trường bị méo mó và chỉ khuyến khích doanh nghiệp ỷ lại.

Thứ hai, theo lập luận của Bộ Công Thương, mặc dù lỗ, nhưng hai dự án vẫn có hiệu quả kinh tế – xã hội “tổng hợp”. Đây là một lập luận hoàn toàn định tính, không có cơ sở kinh tế. Bất kỳ một dự án sản xuất kinh doanh nào, đặc biệt trong lĩnh vực khai thác tài nguyên khoáng sản, cũng phải đảm bảo trước hết hiệu quả kinh tế – tài chính. Một dự án kinh doanh không có hiệu quả kinh tế – tài chính sẽ không thể mang lại hiệu quả kinh tế – xã hội.

Thứ ba, Bộ Công Thương là cơ quan quản lý nhà nước, có chức năng và nhiệm vụ khác với một doanh nghiệp. Trong trường hợp của hai dự án bauxite, Bộ Công Thương là người đã đề xuất và tham mưu với Chính phủ để TKV được “cưỡi lên lưng hổ”. Những ưu đãi mà TKV đưa ra là dễ hiểu dưới góc độ của một doanh nghiệp đang “cưỡi trên lưng hổ”. Bộ Công Thương lẽ ra phải đưa ra các đề xuất căn cơ hơn, triệt để hơn. Thay vì “nhại” lại các đề xuất của TKV, Bộ Công Thương phải có trách nhiệm đề xuất để đưa TKV xuống khỏi lưng hổ một cách ít mạo hiểm nhất (giống như trường hợp Cảng bauxite Kê Gà). Với việc đề xuất miễn giảm thuế/phí, Bộ Công Thương chỉ tạm làm TKV yên tâm để tiếp tục “cưỡi hổ”, còn việc đề xuất giảm vốn đầu tư cho khâu an toàn (hồ bùn đỏ), Bộ Công Thương đã vô tình làm cho “con hổ” trở nên nguy hại hơn.

Thứ tư, điều dư luận quan ngại nhiều hơn về những nguyên nhân thực sự của việc cả hai dự án đều không có hiệu quả là do công nghệ lạc hậu. Là một cơ quan quản lý có bề dày kinh nghiệm trong lĩnh vực công nghiệp, Bộ Công Thương cần báo cáo rõ với Quốc hội về công nghệ khí hóa than của cả hai dự án rất lạc hậu (thuộc những năm 50 của thế kỷ trước). Là một cơ quan quản lý có bề dày kinh nghiệm trong lĩnh vực khai khoáng, Bộ Công Thương cần báo cáo rõ với Quốc hội về những bất cập, khó khăn không thể khắc phục trong bảo vệ và phục hồi môi trường đã được thực tế ba năm qua chứng minh. Thay vì xin ưu đãi giảm phí môi trường, Bộ Công Thương nên báo cáo rõ với Quốc hội liệu có thể hoàn thổ để trồng chè, cà phê, cau su hay chỉ có thể “phủ xanh là được”. Là một cơ quan quản lý có bề dày kinh nghiệm về năng lượng, Bộ Công Thương cần báo cáo rõ với Quốc hội về giá thành 1kWh điện do nhà máy nhiệt điện chạy than của dự Tân Rai làm ra là bao nhiêu? v.v.

Thứ năm, cần có sự lựa chọn. Đối với nền kinh tế, TKV nằm trong ‘top ten’. Đối với TKV, than ở Quảng Ninh là không thể thiếu, chiếm 90-99% lợi nhuận. Bauxite/alumina Tây Nguyên nền kinh tế chưa có nhu cầu. Cả hai dự án alumina trên Tây Nguyên có thể đóng cửa bất cứ lúc nào cũng không ảnh hưởng đến nền kinh tế, còn các mỏ than ngoài Quảng Ninh, nếu phải đóng cửa, vấn đề an ninh năng lượng của Việt Nam sẽ rất rủi ro.

Cuối cùng, trong lĩnh vực công nghiệp khai khoáng nói chung đã đến lúc phải xem lại trách nhiệm của Bộ Công Thương về công tác quy hoạch phát triển và dự báo thị trường trong thời gian qua. Đây là hai khâu quan trọng nhất, nhưng cũng bất cập nhất, thuộc chức năng quản lý nhà nước của Bộ Công Thương./.

N. T. S.

Tác giả gửi trực tiếp cho BVN.

This entry was posted in Bô-xít, kinh tế. Bookmark the permalink.