Sau vụ thảm sát ở Côn Minh, bầu không khí động loạn không chỉ áp chế xã hội mà cả với thể chế chính trị ở Trung Quốc. Những dấu hiệu ngày càng rõ nét về suy thoái kinh tế càng gợi cảm cho một cuộc khủng hoảng tương lai của đất nước “vĩ đại” này.
“Voi cưỡi xe đạp” – một hình ảnh mà giới quan sát phương Tây dành tặng cho Trung Quốc, xem ra đang mang tính linh ứng. Một lần nữa chúng ta cần phác ra những kịch bản biến động kinh tế – chính trị với độ dài trước mắt đến năm 2015 cho quốc gia vẫn đang say sưa với chủ thuyết “Trung Quốc trỗi dậy”.
* Kịch bản 1: Kinh tế ổn định, chính trị biến động nhẹ
Đây là kịch bản tối ưu mà những người luôn tự tôn với tư tưởng Đại Hán không thể kỳ vọng nhiều hơn cho một tương lai đầy bất trắc.
Ứng với kịch bản này, nền kinh tế duy trì được sự ổn định, lạm phát được kiểm soát dưới 10%, GDP tiếp tục duy trì mức tăng trưởng 9-9,5%, thị trường bất động sản không bị vỡ bong bóng, phần lớn các chính quyền địa phương thu xếp trả được nợ cho ngân hàng. Sự ổn định của nền kinh tế Trung Quốc cũng được hỗ trợ bởi khả năng nền kinh tế Mỹ và thế giới không bị rơi vào suy thoái kép, ít nhất trong năm 2014.
Hiện tại, điều kiện kinh tế thế giới đang khá thuận lợi cho kinh tế Trung Quốc, và đây chính là một trong những hỗ trợ lớn lao để Trung Quốc còn tạm giữ được thăng bằng trên thế đu dây giữa tăng trưởng nóng quá khứ và nợ xấu hiện tại.
Tuy nhiên một thực tế không thể phủ nhận là khoảng chênh lệch giàu – nghèo và hố phân cách xã hội vẫn hầu như chưa được cải thiện, nếu không muốn nói là vẫn tiếp tục xu thế giãn rộng hơn. Do đó về mặt xã hội, vẫn tiếp tục xảy ra những cuộc khiếu kiện đất đai, đình công, biểu tình quy mô nhỏ như tình trạng hiện nay. Những mâu thuẫn tại các khu tự trị Nội Mông, Tây Tạng và đặc biệt từ Tân Cương vẫn tiềm ẩn và không loại trừ phát sinh xung đột với quy mô nhỏ và trung bình.
Với những điều kiện kinh tế – xã hội trên, không khí chính trị tiếp tục duy trì ở mức độ bất ổn nhẹ (như hiện nay).Trước mắt, Tập Cận Bình vẫn củng cố được quyền lực và thực hiện chiến dịch “diệt cả hổ lẫn ruồi” cùng kế hoạch cải cách trung hạn. Tuy nhiên, không loại trừ những cải cách này sẽ vấp phải sự phản ứng thù địch từ các nhóm lợi ích dày đặc trong giới quan chứccao cấp Trung Quốc, dẫn đến những âm mưu phản nghịch ngấm ngầm.
Đây cũng là trường hợp mà một giáo sư kinh tế chính trị học của Đại học Havard – Dani Rodrik – cho rằng “Kinh tế tốt không phải luôn là chính trị tốt” (Good economics need not always mean good).
* Kịch bản 2: Kinh tế suy thoái, chính trị biến động tương đối mạnh
Kịch bản này đang có một số dấu hiệu xảy ra khi trong hai năm 2012 và 2013, nền kinh tế Trung Quốc không còn duy trì được sự ổn định khi mức tăng GDP giảm xuống còn 6-7%. Trên thực tế theo giới phân tích độc lập, mức tăng GDP của Trung Quốc chỉ là 3-4%.
Thị trường bất động sản tuy vẫn chưa xuất hiện nhiều dấu hiệu vỡ bong bóng, nhưng nghịch lý là mặt bằng giá treo cao song nợ xấu của các chính quyền địa phương đối với ngân hàng cũng tăng lên. Một báo cáo vào cuối năm 2013 của chính Ngân hàng trung ương Trung Quốc đã phải thừa nhận số nợ xấu của chính quyền địa phương không phải là 1.500 tỷ USD như công bố vào năm 2011, mà đã lên đến 3.000 tỷ USD.
Cùng với hiện tượng tư bản nước ngoài rút vốn khỏi thị trường tài chính, vận động đi ngang của thị trường chứng khoán mà không thể “cất cánh” như kỳ vọng, và nguy cơ vỡ nợ trái phiếu lẫn phá sản cận kề đối với một số tập đoàn và ngân hàng, Có khả năng bắt đầu từ năm 2015, nền kinh tế Trung Quốc sẽ chính thức dặt chân vào giai đoạn suy thoái, dẫn tới suy thoái nặng nề trong một số năm sau đó cùng tỷ lệ thất nghiệp tăng vọt.
Ứng với những điều kiện kinh tế trên, làn sóng bất mãn xã hội vốn tích tụ nhiều năm nay có thể tăng lên, thậm chí tăng đáng kể. Có khả năng xuất hiện nhiều hơn số lượng các cuộc khiếu kiện đất đai, đình công, cùng biểu tình đòi quyền dân chủ. Nếu các hoạt động mang tính phản ứng xã hội này có mối liên hệ và cộng hưởng vào một thời điểm nào đó thì có thể dẫn đến những cuộc biểu tình phức hợp, tạo thành phong trào phản kháng mạnh mẽ đa thành phần với quy mô lớn, dẫn đến xáo trộn khá mạnh về không khí chính trị và cũng có thể dẫn đến xung đột với hình thức bạo động, bạo loạn với các cơ quan chính quyền và cảnh sát.
Nếu khả năng trên xảy ra, không có nhiều hy vọng để Bắc Kinh sẽ kiềm chế được hoạt động đòi tự trị, dân sinh và dân chủ tại các khu vực Tây Tạng, Tân Cương và Nội Mông. Hoạt động phản kháng này sẽ trở nên phức tạp hơn hẳn và có thể dẫn đến sự xung đột (bạo động, bạo loạn) ở quy mô lớn tại các khu vực này.
Kịch bản trên vẫn có thể xảy ra đối với Trung Quốc ngay cả trong điều kiện nền kinh tế thế giới không bị rơi vào suy thoái kép.
Đây là kịch bản đang có xác suất xảy ra cao nhất đối với Trung Quốc trong những năm tới.Tuổi thọ tối đa của đảng cầm quyền Trung Quốc ứng với kịch bản này sẽ chấm dứt vào những năm 2022-2023.
* Kịch bản 3: Kinh tế suy thoái, chính trị biến động mạnh
Trong trường hợp xấu nhất, nền kinh tế thế giới rơi vào suy thoái kép và kinh tế Trung Quốc cũng chịu hệ lụy tương ứng.Thị trường xuất khẩu của Trung Quốc sẽ bị hạn hẹp đáng kể. Đầu tư nước ngoài vào Trung Quốc cũng giảm mạnh, kéo theo tỷ lệ thất nghiệp tăng mạnh. Khi đó, GDP Trung Quốc có thể giảm xuống còn 4-5% và lạm phát tăng vọt từ15-20%. Tình hình này gần như chắc chắn sẽ làm cho bong bóng bất động sản bùng vỡ, giá bất động sản giảm rất mạnh (trên 50% hoặc hơn) với thanh khoản kém. Mặt khác, chính quyền địa phương gần như mất khả năng thanh toán nợ cho ngân hàng, dẫn đến phản ứng dây chuyền về việc phá sản của một số ngân hàng lớn và làm chao đảo hệ thống tài chính quốc dân.
Những điều kiện kinh tế trên cũng là ngòi nổ cho các hoạt động phản ứng và phản kháng xã hội. Khiếu kiện đất đai, đình công và các biểu tình đòi quyền dân sinh, dân chủ sẽ trở thành các phong trào diễn ra liên tục, quy mô tăng dần, lan rộng tại nhiều tỉnh và thành phố, hoàn toàn có thể dẫn đến xung đột mạnh với chính quyền. Không loại trừ sự kết hợp và cộng hưởng giữa các hoạt động phản kháng xã hội có thể dẫn tới yêu sách thay đổi thể chế chính trị, mà về thực chất có thể xem là “cách mạng hoa nhài” như đã từng xảy ra ở Bắc Phi và Trung Đông vào những tháng đầu năm 2011.
Những điều kiện kinh tế – xã hội và chính trị trên cũng là nhân tố kích thích các phong trào phản kháng rộng lớn ở Tân Cương, Tây Tạng và Nội Mông.Tương ứng với điều kiện đặc thù về lịch sử của các khu vực này, không loại trừ quá trình xung đột bình thường và tự phát có thể dẫn tới những cuộc xung đột vũ trang có tổ chức và gây nguy hiểm cho sự tồn tại của thể chế chính trị ở Trung Quốc.
Tuổi thọ tối đa của đảng cầm quyền Trung Quốc ứng với kịch bản này sẽ chấm dứt vào những năm 2019-2020.
Nhận định
Trong vài năm qua, khả năng tốt nhất (kịch bản 1) đã gần như trôi qua. Một cuộc “cách mạng” về thể chế kinh tế của Tập Cận Bình tại Hội nghị trung ương đảng vào tháng 11/2013 đã không thể làm được những mục tiêu mà ông ta nhắm tới: mở rộng cơ chế sở hữu đất đai, xóa độc quyền và cải cách hệ thống ngân hàng. Sau đó, vị tổng bí thư đảng kiêm chủ tịch nước này đành phải quay lại phương pháp truyền thống: sáng lập một ủy ban an ninh quốc gia và tìm cách bóp nghẹt các hoạt động dân chủ và nhân quyền.
Chỉ còn khả năng cho hai kịch bản sau, ứng với nền kinh tế đang có dấu hiệu suy giảm và luôn tiềm ẩn một cơn nguy biến về nợ xấu bất động sản và bong bóng tín dụng.
Dù chưa biết kịch bản 2 hay kịch bản 3 sẽ chiếm ưu thế, nhưng điều có thể chắc chắn là đảng cầm quyền ở Trung Quốc sẽ không thể hạ cánh mềm trong tương lai không quá xa.
Tương lai đó có thể kéo dài sự tồn tại của đảng cầm quyền Trung Quốc từ 7-10 năm, như một kết quả khảo sát vào năm 2013 của một cơ quan nghiên cứu Anh quốc.
Và tương lai không mấy sáng sủa như thế cũng có thể tác động đến tình hình Việt Nam, nhưng lại theo một khía cạnh mà đại đa số dân chúng và những người yêu chuộng dân chủ nhân quyền nước Việt đặc biệt mong muốn: một Trung Quốc đang chìm nghỉm sẽ khó có thể can thiệp sâu vào đời sống chính trị và nền kinh tế của người dân Việt.
Thậm chí Bắc Kinh cũng không đủ tiền và nhiệt tâm để cung cấp một “gói kích thích” đủ dày nào, ngay cả khi Hà Nội lâm vào khủng hoảng chính trị trong ít năm tới…
P.C.D.
Tác giả gửi trực tiếp cho BVN.
Ghi chú: Mời xem lại bài “Kịch bản nào về những biến động trong lòng Trung Quốc?” đăng trên Bauxite VN ngày 26/7/2011 của cùng tác giả. Đây là bài viết đầu tiên của nhà báo Phạm Chí Dũng ở “Lề trái”, trước khi anh bị bắt khẩn cấp với tội danh “âm mưu lật đổ chính quyền” đúng một năm sau đó, vào tháng 7/2012.
***
Kịch bản nào về những biến động trong lòng Trung Quốc?
TS. Phạm Chí Dũng
Phần 1. Xu thế phản kháng trong lòng xã hội Trung Quốc
Vòng cung Tây – Bắc và cả nội địa
Khoảng một tháng sau vụ 1.000 người lao động nhập cư từ tỉnh Tứ Xuyên đổ ra đường phố thị trấn Tân Đường, tỉnh Quảng Châu phản ứng dữ dội với cảnh sát và các cơ quan công quyền, vào trung tuần tháng 7/2011, tại khu tự trị Duy Ngô Nhĩ Tân cương lại một lần nữa xảy ra bạo động. Những người dân tộc thiểu số Duy Ngô Nhĩ đã tấn công vào một đồn cảnh sát người Hán, làm thiệt mạng 2 cảnh sát và 2 con tin.
Dù hãng tin Tân Hoa xã của Trung Quốc tuyên bố vụ việc Tân Cương trên là hành vi của một nhóm khủng bố, nhưng chỉ có những người mơ hồ về chính trị mới không hiểu được những nguyên cớ thâm sâu về lịch sử trong quan hệ của người Hán với vùng tự trị này. Đó không chỉ là mâu thuẫn đơn thuần về địa giới hành chính mà còn liên quan đến nhiều vấn đề khác như sự cách biệt đáng kể về chính sách mà người Hán được hưởng so với các sắc tộc thiểu số, sự lấn át về văn hóa và tôn giáo mà người Hán đã tạo ra đối với người Duy Ngô Nhĩ…
Tương tự như khu tự trị Tân Cương ở Tây Bắc, các khu tự trị Tây Tạng ở Tây Nam và Nội Mông ở phía Bắc đang trở thành những hiểm họa ngấm ngầm đối với tình trạng an ninh của người Hán sống tại những khu vực này và cả với thể chế chính trị mà Bắc Kinh đang cố gắng duy trì đến chừng nào có thể. Từ năm 2008 đến nay, những hiểm họa này đã có chiều hướng bùng phát và trở thành nguy cơ không hề nhỏ đối với một dân tộc có truyền thống tự tôn cực đoan như người Hán, thu hút sự chú ý của toàn thế giới.
“Gây rối trật tự xã hội” là cụm từ mà các cơ quan tư tưởng và ngôn luận của Trung Quốc thường dùng để chỉ những vụ việc xảy ra ở Nội Mông, Tây Tạng và Tân Cương. Đó thường là những vụ phản ứng theo cách đập phá tài sản của cơ quan công quyền, làm rối loạn giao thông, đốt xe cộ… Nhưng đến khi tình hình trở nên căng thẳng hơn với những vụ người dân tấn công cảnh sát và công chức nhà nước, luồng thông tin tuyên truyền chính thống đã chuyển các vụ tấn công sang “hành động khủng bố”.
Nhưng lại có một mâu thuẫn rất lớn nằm trong chính cách tuyên truyền trên. Bởi nếu quy kết cho những người dân của ba khu tự trị thiểu số là khủng bố thì Tân Hoa xã làm sao giải thích được những vụ việc gần như tương tự cũng đã xảy ra ở ngay trong lòng Trung Quốc, do chính người Hán gây ra? Tại thành phố Phúc Châu, tỉnh giang Tây, một người đàn ông 52 tuổi đã cho nổ ba quả bom trước tòa hành chính thành phố. Trước đó, người đàn ông này đã bày tỏ tình trạng tuyệt vọng trên mạng Internet về việc không thể đòi bồi thường khi bị thu hồi đất đai. Tại thị trấn Hoàng Thạch, tỉnh Hồ Nam, một vụ nổ nhắm vào một đồn cảnh sát đã làm cho đồn này bị phá hủy hoàn toàn, với một cảnh sát thiệt mạng và hai người khác bị thương. Cũng một người đàn ông đã cho nổ bom bên ngoài tòa nhà chính quyền địa phương ở thành phố cảng Thiên Tân làm ít nhất hai người bị thương. Tuy Tân Hoa xã nêu ra lý do hung thủ “muốn trả thù xã hội”, nhưng lại càng làm cho dư luận nghi ngờ về tính chất mù mờ trong tuyên truyền. Ở quy mô phản ứng rộng lớn hơn là vụ hàng ngàn công nhân nhập cư ở Triều Châu, tỉnh Quảng Đông đụng độ với cảnh sát địa phương, sau khi một công nhân nhập cư làm việc tại một nhà máy đồ gốm địa phương bị ông chủ đâm do cãi cọ về chuyện tiền lương, đồng thời cha của nạn nhân cũng bị đánh trọng thương.
Chẳng lẽ tất cả những vụ việc trên đều là hành vi khủng bố? Hoặc cứ giả định đó là khủng bố, thì rõ ràng đối tượng khủng bố không chỉ là những nhóm dân thiểu số mà còn bao gồm cả người Hán, hoạt động khủng bố không chỉ nằm ở những vùng xa xôi mà còn nổ ra ngay trong lòng Đại Hán. Vậy vì lẽ gì mà người Hán lại khủng bố chính đồng bào của mình?
Tất cả những vụ việc bị coi là khủng bố, mà thực chất là phản ứng của xã hội với chính quyền và cảnh sát, đã diễn ra khá đồng loạt trong khoảng thời gian tháng 5-6/2011.Đây cũng là thời gian đã diễn ra sự kiện biển Đông.
Chiến dịch đánh lạc hướng dư luận ra Biển Đông
Hẳn nhiều người trong chúng ta còn nhớ rõ, khoảng thời gian tháng 5-6/2011 cũng chính là lúc những người mặc chiếc áo Đại Hán tỏ ra rất nhiệt tình trong việc tung ra các hoạt động gây hấn ở khu vực Biển Đông. “Đường lưỡi bò” là một cái cớ được dựng lên để các tàu hải giám Trung Quốc vi phạm chủ quyền biển của Việt Nam và khiêu khích bằng chuyện cắt cáp tàu Việt Nam.
Cũng trong thời gian đó, như một mật lệnh được thông báo từ trước, làn sóng công phá Việt Nam nổi lên từ hoạt động của những nhóm biểu tình Trung Quốc, báo chí Trung Quốc, cũng như một chiến dịch hacker xâm lấn và phá hoại các website Việt Nam đã được tiến hành. Tất cả đều diễn ra một cách tuần tự và bài bản về hành động lẫn lời ăn tiếng nói. Tất cả đều như tuân theo một kịch bản có sẵn. Tất cả đều trở thành một kiểu cách “vừa ăn cướp vừa la làng” đến mức khiến cho công luận và dư luận người Việt phải phẫn uất và trở thành lý do chính đáng để khối người Việt yêu nước liên tục biểu tình phản đối âm mưu của Trung Quốc đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Cuộc chiến về dư luận giữa hai quốc gia một lần nữa lại nổi lên.
Một hiện tượng rất đáng chú ý là trong phần lớn thời gian Trung Quốc can thiệp vào chủ quyền biển của Việt Nam và Philippines, số vụ việc “trả thù xã hội” trong lòng quốc gia này đã giảm hẳn. Ngay cả những nhân sĩ tiên phong của phong trào đòi quyền dân chủ như họa sĩ Ngải Vị Vị cũng lắng lại.Cùng với những biện pháp cương – nhu xen kẽ, dường như chính quyền Trung Quốc đã tương đối đạt được mục đích tạm ổn định tình hình chính trị – xã hội của họ.
Hiển nhiên là chiến dịch định hướng công luận và dư luận nhằm chỉ trích, lên án “Việt Nam vi phạm chủ quyền lãnh hải Trung Quốc” đã hướng dư luận trong nước ra Biển Đông, vô hình trung làm dịu bớt làn sóng bất mãn ở các khu tự trị lẫn bất bình từ lớp người có thu nhập thấp và từ giới trí thức tại Trung Hoa đại lục.
Cũng bởi thế, việc Trung Quốc chỉ dùng tàu hải giám để can thiệp vào vùng biển Việt Nam chứ không phải tàu quân sự, cùng những động tác khiêu khích và gây hấn dích dắc luân phiên, rất có thể nhằm mục đích kéo dài thời gian để kéo dư luận trong nước hướng về sự tranh chấp biển đảo, nhưng lại không chủ trương làm căng thẳng quá mức vấn đề tranh chấp. Minh họa điển hình cho chủ trương này là khi Philippines tỏ ra cứng rắn thì ngay lập tức Trung Quốc đã phải đấu dịu.
Từ chiến dịch tuyên truyền về tranh chấp Biển Đông của Trung Quốc, chúng ta có thể rút ra một nhận xét là trong những điều kiện bình thường, khi mối quan hệ ngoại giao giữa Trung Quốc với các nước láng giềng có liên quan đến quyền lợi của Trung Quốc chỉ mang tính va chạm cục bộ và nhỏ lẻ, Trung Quốc thường khá mặn mà với chiêu thức ngụy tạo những nguyên cớ để gây xung đột nửa vời, đồng thời sử dụng cơ quan tư tưởng và giới truyền thông để chuyển hướng dư luận trong nước ra nước ngoài. Trong những năm tới, những chiến dịch như vậy hoàn toàn có thể được lặp đi lặp lại, tất nhiên tùy điều kiện phát sinh mà nội dung và mục tiêu chiến dịch sẽ được thay đổi cho phù hợp hơn.
Cũng từ chiến dịch tuyên truyền của Trung Quốc, chúng ta có thể rút ra một đánh giá cơ bản về tình hình nội tại của quốc gia này. Vào những năm trước, giữa Trung Quốc và những quốc gia có liên quan đến khu vực Biển Đông cũng xảy ra va chạm, thậm chí xung đột, nhưng đã không diễn ra một chiến dịch tuyên truyền lớn như vừa qua của Trung Quốc. Đó cũng là khoảng thời gian mà tình hình chính trị Trung Quốc được xem là khá ổn định, không xảy ra các phong trào đòi quyền dân chủ của các nhân sĩ trí thức bất đồng chính kiến, cũng chỉ lẻ tẻ diễn ra một số phản ứng xã hội của những nhóm người dân khiếu kiện đất đai và hoạt động đình công. Nhýng ðến nay, khi các sắc thái phản ứng xã hội đã trở nên gay gắt và dễ bộc lộ hơn nhiều, việc Trung Quốc phải tổ chức một chiến dịch tuyên truyền công phu cũng cho thấy tình hình chính trị và nhiều vấn đề xã hội của quốc gia này không thật sự tốt đẹp như họ thường tuyên bố.
Nói cách khác, hiện giờ chính quyền Trung Quốc đang phải đối mặt với rất nhiều mối lo nội tại.Vậy đó là những mối lo gì?
Ngay trước mắt, Trung Quốc đang phải đối mặt với ít nhất hai khó khăn rất lớn. Khó khăn thứ nhất thuộc về kinh tế như nạn lạm phát, sự sa sút trong tăng trưởng GDP, bong bóng của thị trường bất động sản. Khó khăn thứ hai là các vấn đề xã hội như tham nhũng, khiếu kiện đất đai và đình công, phân hóa giàu nghèo, kể cả làn sóng người giàu di cư ra nước ngoài.
Những khó khăn kinh tế
Vào quý 2/2011, mặc dù tỷ lệ tăng trưởng GDP của Trung Quốc vẫn đạt đến 9,5%, nhưng đà tăng đã bị giảm sút đôi chút so với quý 1/2011 (9,7%). Tình trạng chững lại của GDP đã gây nên sự lo lắng mơ hồ đối với các nhà quản lý kinh tế của Bắc Kinh khi vào giữa năm 2008 – thời kỳ gay gắt của khủng hoảng kinh tế thế giới – Trung Quốc vẫn đạt GDP trên 10%, còn vào năm 2007 tỷ lệ tăng trưởng GDP cao điểm là 13%. Do chính quyền bắt buộc phải liên tục nâng lãi suất cơ bản (từ cuối năm 2010 đến giữa tháng 6/2011 đã 5 lần nâng lãi suất cơ bản) để hạn chế lạm phát, tín dụng cho sản xuất cũng theo đó bị siết chặt, dẫn đến GDP giảm dần.
Trái ngược với đà giảm sút của GDP là đường biểu diễn tăng dần của tỷ lệ lạm phát. Nếu vào tháng 7/2010, tỷ lệ lạm phát ở Trung Quốc chỉ khoảng trên 3%, thì đến giữa năm 2011, lạm phát đã tăng hơn 6%. Lạm phát tăng khiến giá cả hàng hóa tăng theo và chính quyền trung ương buộc phải thắt bầu tín dụng, lại càng làm cho lĩnh vực sản xuất khó khăn hơn.
Một phần không nhỏ – khoảng 2,5-3% trong cơ cấu GDP – được đóng góp từ khu vực bất động sản. Trong giai đoạn 2009 – 2011, khu vực này đã tăng trưởng rất mạnh, tạo nên một mặt bằng giá mới cao hơn hẳn thời điểm sau khủng hoảng kinh tế 2008. Tuy nhiên với tình trạng giá nhà ở Bắc Kinh đã tăng đến hơn 8 lần từ năm 2005 đến nay, bất cứ người dân Trung Quốc nào cũng có thể nhìn rõ là giá nhà đất đã bị các công ty bất động sản đẩy lên quá cao, vượt quá xa sức mua và mặt bằng thu nhập của người dân có thu nhập trung bình và dưới trung bình. Do vậy, một khi giá nhà đất bị kéo xuống theo quy luật điều tiết tự nhiên, nguồn thu về bất động sản của các công ty bất động sản và các chính quyền địa phương tất yếu sẽ giảm mạnh, kéo theo đà giảm sút tiếp nối của GDP.
Riêng đối với chính quyền địa phương, nguồn thu về bất động sản thường chiếm khoảng 60% trong cơ cấu thu của họ, mà các chính quyền này lại đang mang nợ khoảng 2.200 tỷ USD đối với Ngân hàng trung ương Trung Quốc. Do vậy nếu thu không đủ thì có khả năng nhiều chính quyền địa phương sẽ phải đối mặt với tình thế vỡ nợ và làm lây lan đến sự tồn vong của một số ngân hàng trong hệ thống ngân hàng Trung Quốc.
Sau giai đoạn khủng hoảng năm 2008 với mức tăng GDP có lúc thấp nhất chỉ còn hơn 6%, nền kinh tế Trung Quốc đã có một sự phục hồi khá thần kỳ khi dần lấy lại nhịp tăng trưởng mạnh mẽ vào thời kỳ năm 2006-2007.Khi đó, chỉ có rất ít ý kiến của chuyên gia nước ngoài tỏ ra quan ngại về tình trạng tăng trưởng quá nóng của đất nước này. Một phần khác, do kho dự trữ ngoại hối của Trung Quốc thường xuyên trên dưới 3.000 tỷ USD, đứng thứ hai trên thế giới sau Mỹ, nên khó có mối quan ngại nào có cơ sở. Thậm chí ngay cả khi thị trường bất động sản Trung Quốc tăng trưởng quá nóng, giới chuyên gia cũng chỉ dám đề cập đến bong bóng bất động sản chứ ít khi nói đến bong bóng kinh tế.
Song trong thời gian gần đây, những tổ chức phân tích độc lập của quốc tế như Moody và Fitch đã có cái nhìn khác hơn về kinh tế Trung Quốc.Theo Moody, tuy gần đây Trung Quốc đã phải công bố số nợ của các chính quyền địa phương là 1.650 tỷ USD, nhưng số liệu này còn thấp hơn ít nhất 500 tỷ USD so với con số thực tế.
Sự khác biệt giữa con số thống kê chính thức với thực tế vẫn luôn là một vệt mờ trong tính minh bạch của nền kinh tế. Trong điều kiện kinh tế phát triển bình thường và Trung Quốc không phải chịu nhiều áp lực, vệt mờ này có thể chỉ nằm ở một góc nhỏ nào đó trong bức tranh kinh tế tổng thể. Nhưng nếu nền kinh tế bắt đầu xuất hiện những nhược điểm tồi tệ, vệt mờ đó rất có thể sẽ nhanh chóng trở thành một đám mây mờ có thể che lấp cả mặt trời Trung Hoa và góp thêm một yếu tố tiêu cực làm cho nền kinh tế mau chóng bị rơi vào tình trạng mất thăng bằng hơn.
***
Phần 2. Phân cực xã hội: an nguy lớn nhất của Trung Quốc
Trong Phần 1 – “Xu thế phản kháng trong lòng xã hội Trung Quốc”, bài viết đã tóm tắt thực trạng của hiện tượng phản kháng xã hội đang diễn ra trong lòng xã hội Trung Quốc, xuất phát từ các vùng tự trị Tây Tạng, Tân Cương, Nội Mông và từ cả một số tỉnh, thành phố trong nội địa. Đó chính là nguyên cớ chủ yếu dẫn đến chiến dịch của Trung Quốc nhằm đánh lạc hướng dư luận trong nước ra khu vực biển Đông thuộc Việt Nam.
Trong Phần 2, bài viết tiếp tục phân tích những an nguy nội tại mà Trung Quốc hiện phải đối mặt.
Ẩn số từ bong bóng bất động sản
Liên quan đến tính minh bạch của nền tài chính Trung Quốc, Tổ chức xếp hạng tín nhiệm Moody ước tính nợ xấu trong ngành ngân hàng Trung Quốc có thể lên tới 8 đến 12%, trong khi con số công bố chính thức chỉ là 1,2%. Còn nhớ vào đầu năm 2011, Fitch đã ước tính nợ xấu của Trung Quốc có thể chạm tới mức 30%. Với mức độ nợ xấu này, nhóm doanh nghiệp nhỏ – là nhóm mang lại khoảng 80% việc làm cho người Trung Quốc nhưng gặp rất nhiều khó khăn trong tiếp cận với tín dụng – sẽ chịu tác động tiêu cực nhất.
Với những khó khăn hiện tại và thiếu minh bạch trong tài chính Trung Quốc, Moody và Fitch đã bắt đầu tính toán đến khả năng nền kinh tế quốc gia này rơi vào tình huống xấu hơn, thậm chí là tồi tệ hơn. Theo cách nhìn của các tổ chức này, nền kinh tế Trung Quốc sẽ phải chịu sự chấn động khi tốc độ tăng trưởng kinh tế dưới 7% – sẽ xảy ra khi lạm phát quá cao hay thị trường bất động sản bị đảo ngược về tăng trưởng. Nếu kinh tế Trung Quốc bị chấn động, chính phủ Trung Quốc sẽ phải chi tiêu mạnh tay cho các kế hoạch giải cứu, tái cấp vốn. Nhóm chính sách này sẽ tác động không nhỏ đến Đài Loan, Úc và Chilê.
Cách đây không lâu, Roubini, một chuyên gia thượng thặng của Mỹ, người đã từng dự đoán chính xác về cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới năm 2008, đã tiên đoán Trung Quốc sẽ phải chịu một sự hạ cánh không an toàn (hay còn gọi là “hạ cánh cứng”) vào năm 2013 khi các khó khăn về lạm phát, sự sụt giảm của GDP, khả năng tan vỡ của bong bóng bất động sản cùng lúc tác động lên nền kinh tế Trung Quốc.
Khá tương đồng với Roubini, Tổ chức xếp hạng tín nhiệm Fitch gần đây cũng đã cảnh báo có đến 60% khả năng Trung Quốc có thể rơi vào một cuộc khủng hoảng ngân hàng từ giữa năm 2013 trở đi. Vậy tác nhân nào có thể tạo nên sự chấn động đối với hệ thống ngân hàng?Chỉ có thể là lĩnh vực đầu tư địa ốc với quá nhiều hình ảnh đầu cơ không giới hạn.
Hiện thời, một lý do khá dễ hiểu cho sự dao động kéo dài tại vùng đỉnh của mặt bằng giá nhà đất Trung Quốc là vẫn có những nhóm lợi ích tiềm tàng không muốn (hoặc chưa muốn) chỉ số giá địa ốc bị sụt giảm mạnh. Đó là các ngân hàng thương mại – nơi giữ cửa các món vay khổng lồ cho các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản, và chính quyền các địa phương – những nơi có không khí tăng giá nhà đất nóng sốt. Tất cả đều liên quan đến nguồn thu thường xuyên, hợp pháp cũng như bất hợp pháp, của các tổ chức và cá nhân. Với lý do đó, điều đương nhiên là sẽ khó có một cuộc đổ vỡ ngay lập tức của bong bóng bất động sản ở Trung Quốc, mặc dù quả bong bóng này đã được định dạng từ lâu nay. Nguồn tín dụng sẽ tiếp tục được chảy vào một số doanh nghiệp bất động sản, dù có khắt khe hơn trước.
Do vậy, thị trường bất động sản Trung Quốc là một ẩn số lớn đối với tương lai nước này. Từ đầu năm 2011 đến nay, kinh tế Trung Quốc đã bị bao phủ bởi nguy cơ lạm phát. Việc chính phủ Trung Quốc thực hiện chính sách thắt chặt tiền tệ dù có hạn chế được tỷ lệ lạm phát nhưng lại dẫn đến giảm sức tăng trưởng – yếu tố vốn đang có xu hướng giảm. Mặt khác, việc thắt chặt tín dụng sẽ đương nhiên làm giảm đi sức cầu tiềm tàng đối với thị trường bất động sản và càng làm cho thị trường này khó tiêu thụ hàng hóa, trong bối cảnh doanh thu tại nhiều thành phố đang bị giảm sút trông thấy. Điều này đương nhiên càng làm cho khả năng trả nợ của chính quyền địa phương và các doanh nghiệp bất động sản cho ngân hàng trung ương Trung Quốc vô vọng hơn.
Trong trường hợp ngược lại, bong bóng bất động sản trở nên hiện hữu thì hậu quả bùng vỡ của nó có thể làm sụt đến 3% GDP của Trung Quốc và sẽ tác động tức thì hệ thống ngân hàng nước này và dẫn tới những hậu quả xã hội khó lường.
Hố phân cực đã quá lớn
Tại Trung Quốc, hiện thực “hố đen” không chỉ tồn tại trong quan hệ cung – cầu bất động sản mà đã từ lâu tồn tại bởi mức chênh lệch giàu-nghèo lên đến 65 lần giữa 10% dân số có thu nhập cao nhất và 10% công dân có thu nhập thấp nhất tại Trung Quốc.
Trước khi con sóng phục hồi bất động sản hình thành vào giữa năm 2009, đa số người dân nước này đã phải thắt lưng buộc bụng để dành tiền mua nhà. Song khi con sóng ấy bất thần dâng cao, nó thật giống với một cơn đại hồng thủy lừng lững đổ ập xuống đầu người tiêu dùng – tầng lớp thấp cổ bé họng còn chưa kịp hoàn hồn sau cơn địa chấn khủng hoảng kinh tế năm 2008.
Cho đến nay, giới có thu nhập trung bình ở Trung Quốc vẫn không thể mơ tưởng đến một căn hộ dù là giá bình dân, vì sau đợt tăng bất động sản năm 2009-2010, cho đến nay sự thật đơn giản là bong bóng bất động sản Trung Quốc vẫn chưa chịu nổ. Sự xì hơi chậm chạp của nó, được chứng minh bởi chỉ có 9/70 thành phố có giá nhà đất giảm nhẹ trong 6 tháng đầu năm 2011, đã làm dấy lên sự công phẫn từ tầng lớp bình dân đối với giới đại gia địa ốc của nước này.
Cần nhắc lại, vào tháng 10/2009, những người giàu nhất của Trung Quốc đã được thống kê thành nhóm “10”. Trong số 10 đại gia có tài sản trên 4 tỷ USD ấy, có đến 7 người kinh doanh các lĩnh vực tài chính và bất động sản. Chỉ có ba đại gia khác thuộc về các ngành ô tô, linh kiện điện thoại, nhôm.
Vào tháng 8/2010, Tập đoàn tài chính Credit Suisse của Thụy Sỹ đã trở thành tổ chức phân tích độc lập đầu tiên nêu ra thực trạng về “quỹ đen” của giới thượng lưu Trung Hoa. Theo một nghiên cứu kéo dài nhiều năm của tập đoàn tài chính Thụy Sĩ này, các hộ gia đình Trung Quốc đã che giấu khoảng 9.300 tỷ nhân dân tệ (tương đương 1.400 tỷ USD) không được công bố trong báo cáo thu nhập cá nhân. Số tiền khổng lồ này, chủ yếu bất hợp pháp hoặc hợp pháp nửa vời, tương đương với 30% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của toàn đất nước Trung Quốc.
Credit Suisse cũng nhận định rằng hầu hết tài sản ngầm nằm trong túi các gia đình giàu, với nhóm 20% dân số giàu nhất sở hữu tới 81,3% của con số 1.400 tỷ USD. Lần đầu tiên, thế giới được biết đến Trung Quốc bằng vào một sắc mặt khác: tình trạng bất bình đẳng về thu nhập đã được đẩy lên rất cao.
Phản ứng xã hội lại đang đi trước những hậu quả về kinh tế. Các kế hoạch cung cấp nhà cho người có thu nhập thấp ngày càng xa vời trong thực tế. Một phần trong số đối tượng có thu nhập thấp ấy chắc chắn là những người dân có đất đã bị doanh nghiệp kinh doanh bất động sản “lấy cắp” khi chỉ đền bù cho họ 1/10 hay 1/20 cái giá trị mà lẽ ra chính họ phải được hưởng khi thị trường đạt đỉnh.
“Nước nghèo giàu có”!
Hãy khoan bàn đến vấn đề Tây Tạng, Tân Cương, Nội Mông – những khu vực bị người Hán kỳ thị – mà ngay cả nội tình giữa những người Hán với nhau cũng đang diễn ra sự kỳ thị trầm trọng.
Hố phân cách giàu nghèo quá lớn ở Trung Quốc đang dẫn đến thái độ được coi là “thù địch” của người nghèo đối với người giàu. Gần đây đã xuất hiện một khái niệm mới của giới phân tích phương Tây: Trung Quốc là một “nước nghèo giàu có” đầu tiên trên thế giới, được minh chứng bởi tình trạng người dân thì nghèo nhưng tổng khối lượng kinh tế của cả nước thì lại rất giàu.
Credit Suisse đã khẳng định thêm một sự thật khác rằng Trung Quốc là một trong những nước có khoảng cách giàu nghèo lớn nhất thế giới, cao hơn nhiều so với công bố chính thức: nhóm 10% dân số giàu nhất có thu nhập bình quân đầu người 97.000 nhân dân tệ, tương đương 14.280 USD, cao gấp 65 lần so với nhóm 10% nghèo nhất. Trong khi đó, báo cáo từ Cục thống kê Trung Quốc đưa ra tỷ lệ phân cách chỉ 23 lần (năm 2010). Còn trước đó vào năm 2008, cũng Cục thống kê Trung Quốc đã đưa ra tỷ lệ phân cách chỉ có 9 lần, trong khi một cuộc điều tra độc lập của giáo sư Vương Tiểu Lỗ thuộc Quỹ Cải cách Trung Quốc đã cho thấy khoảng cách này lên đến 25 lần.
Thực tế là tại nhiều vùng xa thành thị ở Trung Quốc, mặt bằng thu nhập bình quân của người dân vẫn còn rất thấp, những điều kiện sống và môi trường giáo dục, y tế, đi lại không được đảm bảo so với tất cả những gì tốt nhất mà giới giàu có được hưởng. Theo cơ quan quản lý hệ thống ngân hàng Trung Quốc, đến cuối năm 2009, hơn 50 địa phương thuộc 3 tỉnh nghèo nhất của Trung Quốc là Tây Tạng, Vân Nam và Tứ Xuyên vẫn chưa có dịch vụ ngân hàng. Điều này có nghĩa rằng người dân những nơi này không hề có các dịch vụ tài chính cơ bản.Chính vì thế, làn sóng người nhập cư vào các thành phố lớn ngày càng mạnh mẽ và tất nhiên cũng gây ra nhiều rắc rối cho chính quyền sở tại.
Hệ số Gini (thước đo mức phân phối thu nhập trong một xã hội) ở các vùng nông thôn đã tăng từ 0,35 lên đến 0,38 trong giai đoạn từ năm 2000 đến 2010, cho thấy sự bất bình đẳng ngày càng tăng trong khu vực này. Theo chuẩn quốc tế, hệ số Gini ở mức 0,4 cho thấy sự bất bình đẳng ở mức nguy hiểm.
Những nguồn cơn của hố phân cực
Sự bức xúc và bất mãn của dân chúng cũng căn cứ vào vấn nạn ngày càng nhiều quan chức nhà nước tìm cách tuồn nguồn tiền có được từ tham nhũng ra tài khoản ngân hàng nước ngoài, gửi vợ con ra nước ngoài và đến lượt mình có thể sẽ “biến” ra nước ngoài một khi có điều kiện thuận lợi.
Một điểm trùng hợp cũng cần ghi nhận là tỷ lệ “quỹ đen” của giới nhà giàu Trung Quốc chiếm đến gần 1/3 GDP, lại bằng với giá trị tham nhũng tại quốc gia này – cũng khoảng 1/3 GDP. Nhà nghiên cứu Vương Tiểu Lỗ của Quỹ Cải cách Trung Quốc đã tìm ra con số tham nhũng lên đến 9.600 tỷ NDT (khoảng 1.500 tỷ USD). Với những quan chức nằm trong diện tham nhũng đậm đà như thế, hiển nhiên cách thức an toàn nhất của họ là đi theo xu hướng di cư của giới giàu có ra nước ngoài, vừa có thể rửa tiền bất chính, vừa an toàn hơn hẳn so với việc tiếp tục ở lại trong nước.
Vào tháng 6/2011, một công bố khá bất thường của Ngân hàng trung ương Trung Quốc đã cho thấy các quan tham Trung Quốc đã gửi ra nước ngoài đến 120 tỷ USD trong giai đoạn 1990-2008. Những địa chỉ được ưa chuộng gửi tiền là Mỹ, Australia, Canada và Hà Lan. Cùng với sự bốc hơi tài chính là sự bốc hơi về con người khi có đến 16.000 – 18.000 quan chức và nhân viên các công ty quốc doanh đã rời khỏi Trung Quốc.
Hiện tượng giàu đột biến ở Trung Quốc cũng kéo theo một hiện tượng xã hội ở quốc gia này: nhiều người nghèo đã công khai chỉ trích lớp người thượng lưu muốn rời khỏi Trung Quốc là “không có lòng yêu nước”.
Việc người giàu Trung Quốc di cư ra nước ngoài đã trở thành một hiện tượng xã hội từ năm 2006-2007.Trong cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới năm 2008, hiện tượng này tạm lắng đi. Nhưng sang năm 2009 và đến giữa năm 2010, giới giàu có Trung Quốc đã công khai bàn tán chuyện chỉ mất nửa triệu USD để có một tấm thẻ xanh ở Mỹ hay Canada.
Vào tháng 5/2011, một cuộc điều ra của công ty tư vấn Bain đã cho thấy có đến 60% người giàu Trung Quốc mong muốn định cư ở nước ngoài. Đây là số người giàu với tài sản bình quân trên 10 triệu USD.Trong số 2.600 người được điều tra, ít nhất có 10% gần như hoàn tất mọi thủ tục xuất cảnh. Theo Bain, càng giàu họ lại càng muốn ra nước ngoài. Đối với những ai đang có hơn 100 triệu nhân dân tệ, 27% đã rời Trung Quốc, còn 47% đang cân nhắc ra đi. Bến đỗ mới của những người này tập trung vào các quốc gia phương Tây như Mỹ, Canada, Australia hoặc một số nước châu Âu.
***
Phần 3. Ba kịch bản về những biến động trong lòng Trung Quốc
Trong hai phần đầu, – “Xu thế phản kháng trong lòng xã hội Trung Quốc”, và “Phân cực xã hội: an nguy lớn nhất của Trung Quốc” – bài viết đã phân tích xu thế phản kháng xã hội xuất hiện trong lòng xã hội Trung Quốc và những nguyên nhân dẫn đến tình trạng phản kháng, trong đó chủ yếu xuất phát từ hố phân cực giàu nghèo quá lớn. Cùng với vấn đề sắc tộc thiểu số ở vòng cung Tây – Bắc, đó chính là nguồn cơn có thể dẫn đến những biến động chính trị – xã hội trong lòng Trung Quốc trong 2-3 năm tới, được tác giả phân tích và dự báo trong Phần 3 của bài viết này.
Sự oán giận của người dân
Những hậu quả trầm trọng về kinh tế bao giờ cũng kéo theo ảnh hưởng lớn lao về xã hội, hằn đậm trong ý thức của tầng lớp “dưới đáy” một tư tưởng được coi là thù địch với lớp người giàu có – điều luôn có tiền lệ ở Trung Quốc. Rồi khi những hệ quả xã hội vốn không được giải quyết và lại có nguy cơ dẫn đến tình trạng xáo trộn và bùng nổ, khi đó tình thế của nền kinh tế mới thật sự trầm kha.
Trong quốc gia “nước nghèo giàu có”, rất nhiều người dân bị mất đất vào tay các doanh nghiệp bất động sản đã phải chứng kiến đất đai của họ bị thổi giá lên đến hàng chục lần so với giá đền bù. Đó cũng là điều mà Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo đã phải công khai thừa nhận là “sự oán giận của người dân” (có tác giả dịch là “sự căm phẫn của người dân”). Do đó không có gì ngạc nhiên khi liên tiếp trong những tháng gần đây, tại Trung Quốc đã xảy ra hàng loạt vụ biểu tình của người dân khiếu kiện đất đai, của giới sinh viên ở Nội Mông, của người nhập cư ở Quảng Châu và Quảng Đông, kể cả những vụ đánh bom vào các cơ quan công quyền ở Thiên Tân. Từ sau vụ Thiên An Môn năm 1989, bầu không khí xã hội đã một lần nữa trở nên căng thẳng với màu sắc đối đầu hơn là đối thoại.
Với vùng tự trị Tân Cương, rõ ràng tình hình mấy năm nay đã thoát khỏi tầm chế ngự của không khí đối thoại. Thực chất, đó là một cuộc bạo loạn vừa mang tính tự phát, nhưng cũng manh nha được tổ chức bởi các nhóm sắc tộc Duy Ngô Nhĩ. Gần hai trăm người chết của cả hai phía Duy Ngô Nhĩ và người Hán vào năm 2008 đã cho thấy tính trầm trọng đến thế nào của vụ xung đột này.
Cũng tương tự quá trình tích tụ từ lâu nay đối với người dân tộc thiểu số, hàng loạt vụ đánh bom của người Hán vào cơ quan công quyền và cảnh sát, điều trước đây chưa từng xảy ra, đã khẳng định điều mà Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo thừa nhận là “sự căm phẫn của người dân”, chứ chẳng phải là một cụm từ nào nhẹ nhàng hay né tránh như cơ quan thông tin Tân Hoa xã vẫn thường phát đi.
Trên tất cả, những vụ việc phản ứng của người dân, dù là người dân tộc thiểu số hay người Hán, đều xuất phát từ bất công xã hội được tích tụ theo thời gian và được đẩy lên quá ngưỡng chịu đựng của những nạn nhân bị trắng tay mà không nhìn thấy một tia sáng nào từ công lý.
Trong một số nghiên cứu về tình hình Trung Quốc, đa số các chuyên gia nước ngoài đều thừa nhận quốc gia này có hệ thống chính trị khá vững mạnh, trong đó xương sống của chế độ là sự trung thành của quân đội. Trong sự kiện Thiên An Môn năm 1989, khi quân đội thi hành lệnh bắn vào sinh viên biểu tình, kể cả dùng xe tăng để nghiến nát người biểu tình, những hình ảnh kinh hoàng và dã man như thế đã được truyền đi khắp thế giới. Thế nhưng điều lạ lùng là sau đó sự kiện này đã được Bắc Kinh xoa dịu, còn mối quan hệ ngoại giao, kinh tế giữa Trung Quốc với Mỹ và các nước khác lại trở về nhịp sinh hoạt bình thường trước đó.
Tuy nhiên từ năm 1989 đến nay, thời gian đã trôi qua gần một phần tư thế kỷ.Đó là một khoảng thời gian đủ dài để nhiều chuyện thay đổi. Khác hẳn với năm 1989, tình trạng phân hóa giàu nghèo hiện nay ở Trung Quốc đã trở nên quá trầm trọng, sự đan xen hoàn toàn không rõ rệt giữa đường lối “chủ nghĩa xã hội hài hòa theo kiểu Trung Quốc” với quá nhiều bất công kinh tế và xã hội mà chỉ thường diễn ra vào thời kỳ đầu của “chủ nghĩa tư bản dã man” đã dần biến xã hội Trung Quốc thành một thứ nhà kho lộn xộn về ý thức hệ. Trong bối cảnh lộn xộn đó, thật khó có được một đánh giá hoàn hảo về sự trung thành của quân đội, khi phần lớn sĩ quan và binh lính đều có gia đình và người thân liên quan đến sự thất vọng từ các bất công xã hội.
Văn Cầm Hải – một nhà văn và cũng là nhà nghiên cứu lịch sử ở nước ngoài – cho rằng chính sách ngoại giao lòng dân của Trung Quốc đã bị thất bại ở Tây Tạng. Trong một chuyến đến vùng Nội Mông, ông đã viết lại những ghi nhận của mình: “Tôi đã biết về sự nhẫn nhịn của người sa mạc qua một người bạn Mông Cổ mời tôi ăn thịt nướng trong đêm mưa ở Lan Châu – thủ phủ tỉnh Cam Túc. Anh ta khuyên tôi rằng, nếu muốn giết sói, hãy cho nó chạy và hú đến lúc nào nó quỵ xuống vì sức lực mà chúng bỏ ra!…Trung Quốc cần có một sự thay đổi tận gốc quan điểm lịch sử và thời đại về sức mạnh và sự tồn tại hài hòa của mình với thế giới. Nếu không thay đổi, dù có bỏ ra hàng tỷ đô la, dù có hào nhoáng kết nối với chính quyền bản địa bằng những thỏa thuận hay kiềm chế chính trị nhưng không thể nào mua được lòng dân, Trung Quốc sẽ quỵ ngã bởi chính sức mạnh hung hãn của mình, như hình ảnh con sói mà người Mông Cổ từng nói với tôi trong đêm mưa ở Lan Châu”.
Chính trị không phải tự thân vận động, cũng như các nhóm đòi quyền dân chủ ở Trung Quốc sẽ khó có thể đạt được nguyện vọng của họ chỉ đơn thuần bằng những khẩu hiệu có vẻ như hơi trừu tượng và ít liên hệ đến đời sống hàng ngày của tầng lớp bình dân. Nhưng nếu chính trị bị tác động bởi nguyên cớ xác đáng là những bức xúc, bất mãn xã hội thì tự thân chính trị có thể bị thay đổi. Trong trường hợp Trung Quốc, bức xúc xã hội lại bắt nguồn từ đời sống kinh tế và thu nhập – điều quá khó để có thể thay đổi vào lúc này.
Ba kịch bản về những biến động trong lòng Trung Quốc
Vậy với những dấu hiệu và mầm mống đã và đang phát sinh trong lòng mình, liệu trong tương lai có thể xảy ra những kịch bản biến động nào ở quốc gia này?
Với chính thể Bắc Kinh, có lẽ yếu tố tiên quyết họ phải giữ bằng được là sự ổn định về kinh tế và làm dịu bớt những căng thẳng giàu – nghèo. Chẳng hạn vào tháng 7/2011, chính phủ Trung Quốc đã thông báo một kế hoạch đầu tư đến 138 tỷ nhân dân tệ (21 tỷ USD) trong 5 năm tới để tài trợ cho 226 dự án lớn tại Tây Tạng, tập trung vào cơ sở hạ tầng, dịch vụ công cộng và bảo vệ môi trường.
Tuy nhiên nền kinh tế Trung Quốc trong 2-3 năm tới lại phụ thuộc rất lớn vào ba ẩn số là chỉ số lạm phát, mức tăng trưởng GDP và độ bền vững của thị trường bất động sản.Theo cách nhìn của chúng tôi, đối với trường hợp Trung Quốc trong bối cảnh thế giới hiện nay, kinh tế sẽ là yếu tố mang tính quyết định đến chính trị tại quốc gia này.
Thời gian trung hạn từ năm 2011 đến 2013 sẽ quyết định việc nền kinh tế Trung Quốc có vượt qua được thử thách lớn hay không. Trong thời gian đó, sự biến thiên của 3 ẩn số kinh tế lạm phát, GDP và bất động sản sẽ tác động trực tiếp đến phản ứng xã hội và do đó sẽ dẫn dắt dây chuyền sang hệ quả chính trị. Nếu các ẩn số này trở nên xấu hơn, kế hoạch đầu tư của chính quyền trung ương cho các vùng tự trị cũng đương nhiên bị hạn chế nhiều, đồng thời có thể dẫn đến cả sự thay đổi về đường lối và thậm chí là thể chế chính trị.
Tùy vào mức độ biến thiên của ba ẩn số trên, trong khoảng thời gian 2011-2013 và có thể sau đó 1-2 năm, nội tại Trung Quốc có thể xảy ra một số kịch bản biến động được chúng tôi phân tích và dự báo dưới đây:
* Kịch bản 1: Kinh tế ổn định, chính trị biến động nhẹ
Nền kinh tế duy trì được sự ổn định, lạm phát được kiểm soát dưới 10% trong năm 2011-2012, GDP tiếp tục duy trì mức tăng trưởng 9-9,5%, thị trường bất động sản không bị vỡ bong bóng, phần lớn các chính quyền địa phương thu xếp trả được nợ cho ngân hàng. Sự ổn định của nền kinh tế Trung Quốc cũng được hỗ trợ bởi khả năng nền kinh tế Mỹ và thế giới không bị rơi vào suy thoái kép.
Có một khả năng là ngay cả trường hợp nền kinh tế thế giới rơi vào suy thoái kép, kinh tế Trung Quốc, với tiềm lực mạnh mẽ và dự trữ ngoại hối tốt, vẫn có thể giữ được đà tăng trưởng và kềm chế được lạm phát.
Tuy nhiên khoảng chênh lệch giàu – nghèo và hố phân cách xã hội vẫn chưa được cải thiện so với hiện trạng, hoặc còn phải mất nhiều năm nữa mới được cải thiện. Do đó về mặt xã hội, vẫn tiếp tục xảy ra những cuộc khiếu kiện đất đai, đình công, biểu tình quy mô nhỏ như tình trạng hiện nay. Những mâu thuẫn tại các khu tự trị Nội Mông, Tây Tạng và Tân Cương vẫn tiềm ẩn và không loại trừ phát sinh xung đột với quy mô nhỏ.
Với những điều kiện kinh tế – xã hội trên, không khí chính trị tiếp tục duy trì ở mức độ bất ổn nhẹ (như hiện nay). Đây cũng là trường hợp mà một giáo sư kinh tế chính trị học của Đại học Havard – Dani Rodrik – cho rằng “Kinh tế tốt không phải luôn luôn là chính trị tốt” (Good economics need not always mean good).
* Kịch bản 2: Kinh tế suy thoái, chính trị biến động tương đối mạnh
Nền kinh tế Trung Quốc không duy trì được sự ổn định khi mức tăng GDP giảm xuống còn 6-7%, chỉ số lạm phát tăng trên 10% trong năm 2011 và nặng nề hơn trong năm 2012, đồng thời thị trường bất động sản có dấu hiệu vỡ bong bóng, giá bất động sản giảm mạnh (trên 30%) và bắt đầu xuất hiện dấu hiệu tỷ lệ nợ xấu của các chính quyền địa phương đối với ngân hàng tăng lên.
Nền kinh tế thế giới rơi vào trạng thái suy thoái kép hoặc có dấu hiệu bị suy thoái kép.
Ứng với những điều kiện kinh tế trên, làn sóng bất mãn xã hội vốn tích tụ nhiều năm nay sẽ tăng lên đáng kể. Có khả năng xuất hiện nhiều hơn hẳn số lượng các cuộc khiếu kiện đất đai, đình công, cùng biểu tình đòi quyền dân chủ. Nếu các hoạt động mang tính phản ứng xã hội này có mối liên hệ và cộng hưởng vào một thời điểm nào đó thì có thể dẫn đến những cuộc biểu tình phức hợp, tạo thành phong trào phản kháng mạnh mẽ đa thành phần với quy mô lớn, dẫn đến xáo trộn khá mạnh về không khí chính trị và cũng có thể dẫn đến xung đột với hình thức bạo động, bạo loạn với các cơ quan chính quyền và cảnh sát.
Nếu khả năng trên xảy ra, không có nhiều hy vọng để Bắc Kinh sẽ kềm chế được hoạt động đòi tự trị, dân sinh và dân chủ tại các khu vực Tây Tạng, Tân Cương và Nội Mông. Hoạt động phản kháng này sẽ trở nên phức tạp hơn hẳn và có thể dẫn đến sự xung đột (bạo động, bạo loạn) ở quy mô lớn tại các khu vực này.
Kịch bản trên vẫn có thể xảy ra đối với Trung Quốc ngay cả trong điều kiện nền kinh tế thế giới không bị rơi vào suy thoái kép.
* Kịch bản 3: Kinh tế suy thoái, chính trị biến động mạnh
Trong trường hợp xấu nhất, nền kinh tế thế giới rơi vào suy thoái kép và kinh tế Trung Quốc cũng chịu hệ lụy tương ứng. Khi đó, GDP Trung Quốc có thể giảm xuống còn 4-5% và lạm phát tăng vọt từ 10-15%, kéo theo tỷ lệ thất nghiệp phi mã. Tình hình này gần như chắc chắn sẽ làm cho bong bóng bất động sản bùng vỡ, giá bất động sản giảm rất mạnh (trên 50% hoặc hơn) với thanh khoản kém. Mặt khác, chính quyền địa phương gần như mất khả năng thanh toán nợ cho ngân hàng, dẫn đến phản ứng dây chuyền về việc phá sản của một số ngân hàng lớn và làm chao đảo hệ thống tài chính quốc dân.
Những điều kiện kinh tế trên cũng là ngòi nổ cho các hoạt động phản ứng và phản kháng xã hội. Khiếu kiện đất đai, đình công và các biểu tình đòi quyền dân sinh, dân chủ sẽ trở thành các phong trào diễn ra liên tục, quy mô tăng dần, lan rộng tại nhiều tỉnh và thành phố, hoàn toàn có thể dẫn đến xung đột mạnh với chính quyền. Không loại trừ sự kết hợp và cộng hưởng giữa các hoạt động phản kháng xã hội có thể dẫn tới yêu sách thay đổi thể chế chính trị, mà về thực chất có thể xem là “cách mạng hoa nhài” như đã từng xảy ra ở Bắc Phi và Trung Đông vào những tháng đầu năm 2011.
Cũng cần tham khảo một đánh giá của giáo sư kinh tế và chính trị học Barry Eichengeen của Đại học California về cuộc cách mạng hoa nhài ở Bắc Phi: “Sự bất ổn chính trị đã bắt nguồn từ thất bại của chính quyền trong việc phân chia lợi tức một cách công bằng, đặc biệt đối với những giai cấp bị thiệt thòi trong xã hội là giới trẻ, nông dân và công nhân… Trong kinh tế, sự phân chia lợi tức quốc gia một cách công bằng cũng quan trọng không kém gì sự phát triển lợi tức”.
Những điều kiện kinh tế – xã hội và chính trị trên cũng là nhân tố kích thích các phong trào khả kháng rộng lớn ở Tân Cương, Tây Tạng và Nội Mông.Tương ứng với điều kiện đặc thù về lịch sử của các khu vực này, không loại trừ quá trình xung đột bình thường và tự phát có thể dẫn tới những cuộc xung đột vũ trang có tổ chức và gây nguy hiểm cho sự tồn tại của thể chế chính trị ở Trung Quốc.
Hiện thời, vẫn còn khá sớm để đánh giá về xác suất có thể xảy ra của từng kịch bản trên, cũng như về sự biến thái của 3 kịch bản trên thành nhiều kịch bản khác. Tuy vậy theo quan điểm phân tích của chúng tôi, 3 kịch bản trên vẫn là những khả năng cốt lõi với sự ảnh hưởng mang tính quyết định của các vấn đề kinh tế đối với vận động chính trị trong lòng xã hội Trung Quốc.
Liên quan đến Việt Nam, trừ kịch bản 3, khi chính quyền Trung Quốc sẽ phải toàn tâm tập trung các nguồn lực để đối phó với biến động trong nước, còn với hai kịch bản 1 và 2, khả năng Trung Quốc sử dụng phương án đánh lạc hướng dư luận ra bên ngoài lãnh thổ bằng cách tạo ra những vụ việc gây hấn, tranh chấp ở khu vực biển Đông và vùng biên giới liên quan với Việt Nam, vẫn có thể được thực hiện vào bất kỳ thời điểm nào họ thấy cần thiết.
Chiều 12.6, khu ngoại ô Zengcheng [Quảng Châu], cảnh sát chống bạo động phun hơi gas để giải tán đám đông công nhân nhập cư phản đối sự ngược đãi của những nhân viên bảo vệ đối với một phụ nữ trẻ bán hàng rong đang mang thai. Ảnh: Reuters
P.C.D.