Tái cơ cấu thiết chế văn nghệ: nhiệm vụ khả thi

Tham luận tại hội thảo “Tiếp cận khoa học-thực tiễn đối với Cương lĩnh của Đảng về phát triển văn hóa và xây dựng con người Việt Nam” do trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn – Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức, 25/02/2014

Ít năm gần đây người ta hay nói tới “tái cơ cấu”, song chỉ mới nói tới lĩnh vực kinh tế. Tuy vậy, nếu bàn đến những lĩnh vực như văn hóa văn nghệ, nhất là về mặt thiết chế, tôi nghĩ thiết chế văn hóa văn nghệ, văn học nghệ thuật ở Việt Nam hiện tại cũng cần được tái cơ cấu, tương tự nhiệm vụ tái cơ cấu khu vực kinh tế nhà nước hiện tại.

Sở dĩ ở đây nhắc đến khu vực kinh tế, ít ra là vì, thiết chế văn hóa văn nghệ dưới thể chế VNDCCH và CHXHCNVN vốn có sự tương đồng khá mật thiết với sự xác lập nền kinh tế quốc doanh hóa, tập thể hóa diễn ra suốt từ những năm 1950 ở miền Bắc rồi từ 1975 trong toàn quốc, và chỉ từ giữa những năm 1980 đầu 1990 mới ngừng lại rồi chuyển sang đổi mới. Nói ngắn gọn về thời kỳ dài ấy, chúng ta gói nó vào thuật ngữ “thời bao cấp”, dù đó chỉ là cách gọi ước lệ.

Giờ đây nhìn lại, không khó để nhận ra rằng, cái thiết chế văn hóa văn nghệ mà suốt thời bao cấp ấy chúng ta hướng tới xây dựng, chính là xu thế, là nỗ lực nhà nước hóa hầu hết mọi hoạt động văn hóa văn nghệ. Từ ý hướng mở rộng Hội văn hóa cứu quốc thành tổ chức duy nhất cho văn nghệ sĩ, vào những năm 1945-46, rồi sau đó là sự thành lập Hội văn nghệ Việt Nam vào năm 1948 ở Việt Bắc, cho đến năm 1951, sau đại hội Đảng LĐVN, tổ chức Hội văn nghệ được quy định lại theo yêu cầu “chính quyền hóa bộ máy xây dựng văn nghệ nhân dân” (1). Những năm trước 1975 ở miền Bắc và từ 1975 trở đi ở quy mô toàn quốc, các giới sáng tác, biểu diễn, phê bình nghiên cứu văn học nghệ thuật ở mỗi ngành được tập hợp trong một hệ thống hội đoàn duy nhất, có phân cấp từ trung ương đến địa phương (tỉnh, thành phố). Tuy không có quy chế là hội viên thường thì mặc nhiên được coi là cán bộ hay viên chức nhà nước, nhưng lại có quy chế: các nhân sự được bầu vào các ban lãnh đạo (Ban chấp hành) thì được mặc nhiên coi như quan chức; tổ chức cơ quan mỗi hội được cấp trụ sở, có bộ máy viên chức quản trị, các chức danh đứng đầu các hội được hưởng mức lương và các tiêu chuẩn nhà ở, xe cộ tương tự quan chức nhà nước. Trên thực tế, mỗi hội ở cấp trung ương là một thứ tổng cục, ở cấp tỉnh thành là một thứ sở, tức là mặc nhiên tồn tại và hoạt động như các cơ quan chức năng của nhà nước trong các ngành văn học nghệ thuật.

Khỏi cần bàn luận việc hội đoàn văn nghệ sĩ được/bị nhà nước hóa như trên là tương ứng hữu cơ ra sao với xu thế nhà nước hóa hầu hết các lĩnh vực hoạt động kinh tế xã hội, bởi đó là cấu trúc chung của các thiết chế kinh tế xã hội thời kỳ “bao cấp” trước đổi mới.

Sang thời đổi mới (từ 1990), quá trình “giải bao cấp” được áp dụng trước hết cho các ngành kinh tế: các tổ chức kinh tế tư doanh, dân doanh, của giới đầu tư trong nước hoặc nước ngoài bắt đầu được phép thành lập và hoạt động, bên cạnh số đông các xí nghiệp kinh tế nhà nước, quốc doanh; tiếp đó là việc cổ phần hóa (tức là “phi quốc doanh hóa” hoặc đa dạng hóa về sở hữu) một loạt xí nghiệp kinh tế quốc doanh. Quá trình này tuy được khởi động khá sớm nhưng diễn ra chậm chạp, đến nỗi gần đây chính phủ phải đề xuất tiến hành gấp việc cổ phần hóa khoảng 500 doanh nghiệp nhà nước trong vòng hai năm tới, coi đây là nội dung chính của tái cơ cấu kinh tế hiện nay.

So với khu vực kinh tế, việc “giải bao cấp” đối với các thiết chế văn hóa văn nghệ được tiến hành chậm chạp hơn, dè dặt hơn, ngập ngừng hơn, nhiều giới hạn hơn. Hầu như từ năm 2000 mới thấy nhà nước cho phép có các tổ chức dân doanh ở một số ngành nghệ thuật như biểu diễn ca nhạc, thời trang, mỹ thuật, điện ảnh, sân khấu; rồi ở mức hẹp hơn là cho phép hoạt động liên kết xuất bản, tức là tư nhân tham gia với doanh nghiệp nhà nước (nhà xuất bản) để thực hiện việc tổ chức sản xuất và kinh doanh ấn phẩm, phát hành sách… Thực chất của những hoạt động này chính là “phi nhà nước hóa”, “phi quốc doanh hóa”, nhưng nó được gọi chệch đi là “xã hội hóa” có lẽ để xoa dịu một vài giới nào đó, chứ chẳng hề có gì chung với khái niệm “socialization” mà học thuật thế giới vẫn dùng (vốn để trỏ tổng thể những tác động nhằm chuyển biến con người, sinh ra như là sinh thể tự nhiên, qua những tác động ấy, trở thành sinh thể xã hội, con người xã hội).

Đến nay thì rõ ràng là phương hướng “giải bao cấp”, “xã hội hóa” như vậy đã đem lại nhiều kết quả khả quan; những lĩnh vực được “xã hội hóa” mạnh bạo nhất, ví dụ biểu diễn ca nhạc, hoặc mỹ thuật, đã trở thành thị trường, đã có thể hòa nhập ở mức đáng kể vào các hoạt động này ở khu vực và thế giới. Ca sĩ Việt từ trong nước đã ra biểu diễn ở nước ngoài, ca sĩ gốc Việt và các nước từ ngoài vào Việt Nam biểu diễn, đã thành việc bình thường. Việc đưa tranh của họa sĩ Việt Nam đi trưng bày ở ngoài nước và đưa tranh của họa sĩ nước ngoài vào trưng bày ở Việt Nam cũng vậy. Tất nhiên khi đã hòa nhập như thế thì những vấn đề, thậm chí những bệnh trạng của các giới làm nghệ thuật ở Việt Nam không nhờ hội nhập mà tự nhiên mất đi, nhưng do hội nhập mà được bộc lộ công nhiên, cho nên cũng có cơ hội để người ta công nhiên luận bàn, phê phán, nêu ra những phương hướng khắc phục. Quá trình gọi là “xã hội hóa” như vậy cũng cho thấy những vấn đề cần đề xuất kịp thời để đảm bảo sự quản lý của nhà nước đối với các lĩnh vực này, ví dụ các quy chế hành nghề, các loại thuế, v.v.

Trong thực chất, quá trình “giải bao cấp“ ở các ngành văn hóa nghệ thuật có một khâu rất quan trọng là xử lý các hội văn học nghệ thuật.

Các hội này hiện vẫn giữ nguyên hai thuộc tính kinh tế xã hội thời bao cấp là tính chất nhà nước hóa (là hội “quốc doanh”) và tính một hệ thống duy nhất (tính độc quyền). Được cấp kinh phí từ ngân sách nhà nước cho bộ máy các hội hoạt động, – ấy là hội nhà nước hóa. Dù ban lãnh đạo các hội này là do hội viên bầu ra, nhưng, – như học giả người Hungary là Kornai Janos đã vạch ra khi ông giải phẫu hệ thống kinh tế xã hội chủ nghĩa – “Rốt cuộc thì lãnh đạo tổ chức quần chúng cũng là quan chức hệt như bất kể thành viên nào của bộ máy hay bất kể quan chức nhà nước cấp cao nào” (2). Đây chính là mã khóa của bí kíp “một bước nên quan”, tạo ra sức hấp dẫn và sự tranh đua quyết liệt tại các cuộc bầu cử ở các kỳ đại hội của mỗi hội đoàn. Ngoài các hội này, các văn nghệ sĩ là công dân Việt Nam trên đất Việt Nam không được lập các hội khác, – điều ấy cho thấy các hội hiện tại đều là hội độc quyền. Sự tồn tại các hội “quốc doanh” và độc quyền này không chỉ khiến nguồn kinh phí từ ngân sách nhà nước chi cho văn hóa văn nghệ đã không được phân chia một cách công bằng (việc nhà nước tài trợ cho văn hóa nghệ thuật là điều cần thiết hiển nhiên, chỉ có cung cách tài trợ mới là điều cần bàn), mà còn, ‒ do sự tồn tại các hội “độc quyền”, ‒ tước mất quyền tập hợp nhau thành hội của những văn nghệ sĩ khác, vốn không muốn hoặc không thể đứng trong các hội bao cấp duy nhất hiện đang tồn tại.

Thật ra, hồi đầu những năm 2000, trong giới văn nghệ người ta biết rõ, chính phủ thời thủ tướng Phan Văn Khải đã có chủ trương: ngừng cấp kinh phí cho các hội văn học nghệ thuật kể từ sau năm 2005. Chủ trương này sau đó đã tỏ ra là một bước đi ngập ngừng của phía lãnh đạo. Vấn đề lớn ấy đáng lẽ cần đưa ra thảo luận giữa xã hội, hoặc bàn thảo rộng rãi trong các giới hoạt động văn học nghệ thuật, nhất là những người chỉ là hội viên thường, thậm chí những người có hoạt động văn học nghệ thuật nhưng chưa là hội viên các hội. Thế nhưng thành phần được tham khảo ý kiến hồi ấy lại chỉ là giới quản lý các hội, tức là những người mà lợi ích riêng bị đụng chạm nhiều nhất nếu chủ trương ấy được thực thi.

Hồi đó phía các ngành hữu quan của chính phủ (văn hóa, nội vụ, an ninh) đã họp với giới lãnh đạo các hội văn học nghệ thuật, trung ương và địa phương, thông báo dự kiến ấy. Giới chức lãnh đạo các hội này rầm rộ phản đối, − điều ấy dễ hiểu thôi, vì quyền lợi của từng người trong số họ bị động đến trước tiên, − hơn thế, họ lại còn kích động tự ái của một số văn nghệ sĩ để những người ấy lên tiếng kêu ca “theo Đảng theo Nhà nước đến gần trọn đời mà lại sắp bị đuổi ra đường” (!) Thế là dường như giới quản lý nhà nước chùn tay!

Sau đấy vài năm hình như giới tuyên huấn lại quay về với chủ trương tiếp tục bao cấp các hội văn học nghệ thuật, bằng cách xếp các hội này vào loại “tổ chức xã hội chính trị nghề nghiệp”, cũng ngầm hiểu là tiếp tục duy trì hệ thống hội đoàn nửa nhà nước nửa đoàn thể, với tính chất độc quyền công nhiên, chẳng kém gì những tập đoàn kinh tế Vinashin, EVN, Vinaline,… lý do chỉ là để giữ vững định hướng!

Rốt cuộc là cho đến hiện tại, trong khi khá nhiều ngành hoạt động văn hóa văn nghệ đã đi theo hướng thị trường, thì về thiết chế các lực lượng văn nghệ sĩ lại vẫn là thiết chế gần như nguyên vẹn của thời bao cấp, với các hội đoàn mang tính nhà nước hóa, và hiện diện trong đời sống thời thị trường ngày nay như những công ty độc quyền.

Phía quản lý nhà nước thì phải hàng ngày đối mặt với một trong những hậu quả của cơ chế bao cấp là nhu cầu cấp kinh phí cho hàng ngàn hội đoàn (văn học nghệ thuật chỉ là một trong số các ngành có hội đoàn như thế) từ trung ương đến địa phương với số lượng khá lớn cán bộ khung và nhân viên bộ máy hành chính, ngốn rất nhiều tiền từ ngân sách, tức tiền thuế của dân.

Người ta biết, ở các nước phát triển, chỉ những quan chức viên chức thực sự thuộc bộ máy quản lý nhà nước mới được trả lương từ nguồn tiền thuế do dân đóng góp; còn lại các thứ hội đoàn khác đều là tổ chức dân sự, tổ chức phi chính phủ (NGO) phải tự lo lấy kinh phí hoạt động. Còn ở nước ta thì cả công chức viên chức thuộc bộ máy nhà nước lẫn các loại quan chức viên chức và nhân viên các thứ đoàn thể khác nhau (thanh niên, phụ nữ, nông dân, cựu chiến binh, văn hóa văn nghệ, hữu nghị, v.v.) đều được trả lương từ ngân sách do thuế của dân đóng góp. Đó là một gánh nặng vô lý, đã kéo quá dài và hiện đang quá tải. Chuyện cắt giảm khoảng 100.000 biên chế đang nóng lên trong dòng thời sự gần đây, chính là chuyện này. Cho nên “giải bao cấp” đối với hệ thống các đoàn thể trong đó có các hội văn học nghệ thuật, theo tôi, hiện đang là keo vật giữa các nhánh tuyên huấn và nhánh quản lý tài chính; giới chức đứng đầu các loại hội đoàn tất nhiên là vẫn đang trì kéo theo mô hình cũ, do lợi ích riêng của họ, nhưng vai trò của họ dẫu sao cũng là thụ động.

Như vậy, bước đi quan trọng nhất hiện tại trong việc tiếp tục sự nghiệp đổi mới ở lĩnh vực văn học nghệ thuật, là phải tiếp tục “giải bao cấp” đối với hệ thống các hội đoàn của văn nghệ sĩ. Theo tôi, đây chính là khâu then chốt hiện nay của việc tái cơ cấu thiết chế văn học nghệ thuật ở xã hội ta. Đây là một nhiệm vụ hoàn toàn khả thi, chỉ phụ thuộc vào việc phía lãnh đạo có định làm, có muốn làm hay không mà thôi.

Liên quan đến nhiệm vụ “tái cơ cấu” này, theo tôi nên lưu ý một số nội dung cụ thể:

1/ Rà soát lại để bổ sung những nội dung thuộc chức năng quản lý nhà nước mà trước kia chúng ta mặc nhiên giao cho các hội đoàn của văn nghệ sĩ đảm nhiệm, ví dụ: việc đăng ký hành nghề (đối với một vài ngành nào đó), việc xét cấp tài trợ nhà nước cho sáng tác theo dự án hoặc theo các thể lệ khác, việc xét trao tặng các loại vinh dự cho văn nghệ sĩ, v.v. Cần làm theo nguyên tắc: những gì nhà nước cần quản lý thì giao cho cơ quan chức năng của nhà nước, không giao cho các hội đoàn của văn nghệ sĩ. Nổi cộm trong chuyện này là việc phân phối nguồn tài trợ văn hóa xã hội từ ngân sách, nếu tiếp tục thực hiện thông qua các hội đoàn như hiện nay thì sẽ là tiếp tục một bất công lớn đối với những văn nghệ sĩ ở ngoài các hội, thậm chí đối với những hội viên không được các quan chức các hội ấy yêu mến. Bên cạnh nguồn tài trợ từ ngân sách, lại cũng cần khuyến khích các doanh nghiệp lớn lập các quỹ tài trợ cho văn hóa nghệ thuật, kiểu như quỹ Toyota của Nhật, quỹ Ford của Mỹ, v.v.

2/ Sớm ban hành luật về hội đoàn, trong đó, liên quan đến các ngành văn học nghệ thuật thì cần tuyên bố không chế định mỗi ngành chỉ được lập ra một hội duy nhất. Thật ra ngay ở hiến pháp mới cũng không có chế định vô lý ấy, song đấy lại là một quy tắc ngầm của thời bao cấp mà trên thực tế vẫn còn đang thông dụng.

Người ta biết, một công dân nào đó, tham gia một hoạt động văn học nghệ thuật cụ thể, ví dụ viết văn, thì hệ thống các công cụ luật pháp hiện tại, như luật báo chí, luật xuất bản, luật thuế thu nhập cá nhân, v.v. cũng đã đủ để nhà nước quản lý hoạt động văn học của anh ta, bất kể anh ta có là hội viên một hội đoàn văn nghệ nào hay không.

Đối với hệ thống các hội văn học nghệ thuật hiện tồn, theo tôi, sau khi rút khỏi nó những sự “kiêm nhiệm” chức năng quản lý nhà nước, sau khi có những văn nghệ sĩ lập ra những hội đoàn khác, thì sức hấp dẫn của các hội hiện tồn sẽ giảm đi. Chiều hướng của dư luận lành mạnh sẽ khuyến khích các loại cơ quan đoàn thể không thuộc hệ thống cơ quan nhà nước trở về đúng phạm vi dân sự, hoạt động bằng hội phí của hội viên và các loại tài trợ bên ngoài ngân sách nhà nước.

Từ đã khá lâu, ở khắp nơi trên thế giới, sự phát triển văn học nghệ thuật, có một phương diện là sự tranh đua giữa các nhóm phái, xu hướng, hội đoàn. Nhưng trong kiểu hội đoàn bị nhà nước hóa và độc quyền hóa, như di sản thời bao cấp ở ta, sự tranh đua kiểu ấy đã bị chuyển hóa thành sự đấu đá nội bộ, vì các lợi ích phi văn nghệ, nó giống với sự cạnh tranh giữa các viên chức về lợi ích thăng tiến, chứ không giống với sự tranh đua sáng tạo ra các giá trị giữa những nghệ sĩ trong mỗi ngành nghề nghệ thuật. Chúng ta nên mau chóng nhận ra cái biến đổi méo mó ấy của thiết chế văn nghệ thời bao cấp, và khắc chế nó, để trả lại sức sống thật sự cho những tranh đua trong hoạt động sáng tạo.

Hà Nội, 24/02/2014

L.N.A.

Chú thích

(1) Nguyễn Xuân Sanh (1951): Văn nghệ hoạt động: Hướng công tác năm nay // Văn nghệ, [Việt Bắc], s. 29 (15.8.1951); trích theo Sưu tập “Văn Nghệ” 1948-1954, t.4: 1951 và t.5: 1952. Nxb. Hội nhà văn, H., 2003, tr. 23.

(2) Kornai Janos (1993): Hệ thống xã hội chủ nghĩa. Chính trị kinh tế học phê phán. Tỏng quan kinh tế xã hội chủ nghĩa. Bản dịch tiếng Việt của Nguyễn Quang A, Hà Nội: Nxb. Văn hóa thông tin, và Hội khoa học kinh tế Việt Nam, 2002, tr. 36-37.

Nguồn: https://www.facebook.com/diendanxhds

 

This entry was posted in văn hoá. Bookmark the permalink.