Kiểm điểm nhân quyền Việt Nam – Một tháng nhìn lại

Vào cuối tháng Giêng, đầu tháng 2 vừa qua, tại trụ sở LHQ ở thành phố Genève (Thụy Sĩ), Hội đồng nhân quyên LHQ đã tổ chức phiên họp kiểm điểm phổ quát tình hình nhân quyền ở một số nước thành viên.

Chiều ngày 5/2 là phiên kiểm điểm Việt Nam lần thứ hai về tình hình nhân quyền. Ngoài các nước thành viên Hội đồng nhân quyền LHQ đã có 106 nước tham gia phiên họp với tư cách quan sát viên.

Nhà báo Trần Quang Thành đã phỏng vấn nhà bình luận Phạm Chí Dũng về phiên họp này dưới chủ đề “Kiểm điểm nhân quyền Việt Nam – Một tháng nhìn lại”.

Trần Quang Thành: Xin chào nhà bình luận Phạm Chí Dũng ạ!

Phạm Chí Dũng: Dạ, xin chào anh Trần Quang Thành.

TQT: Thưa nhà bình luận Phạm Chí Dũng.

Hai tháng đầu của năm 2014 đã trôi qua. Có rất nhiều sự kiện thế giới liên quan đến Việt Nam. Và ở Việt Nam cũng có rất nhiều sự kiện nổi bật đang được mọi người quan tâm theo dõi. Hôm nay chúng ta sẽ rút ra một vài sự kiện trong số những sự kiện đó để trao đổi tại buổi thảo luận này. Nhà bình luận Phạm Chí Dũng nghĩ sao?

PCD: Vâng, tôi đồng ý với anh. Đây là vấn đề thú vị. Chúng ta một lần nữa nhìn lại vấn đề được Việt Nam thực hiện gọi là nhân quyền như thế nào trong thời gian 2 tháng đầu năm 2014 và 1 tháng sau thời gian kết thúc kỳ UPR lần thứ hai của Việt Nam.

TQT: Ở UPR, tức là hội nghị kiểm điểm phổ quát tình hình nhân quyền có rất nhiều nước tham gia kiểm điểm. Ngày 5/2/2014 là phiên điều trần của Việt Nam thu hút sự tham gia của 106 nước. Anh đánh giá gì về phiên điều trần của Việt Nam trong năm nay?

PCD: Tôi đánh giá đây là một phiên điều trần rất thành công của nhà nước Việt Nam trong lần thứ hai kiểm điểm về UPR nhân quyền.

Theo anh Trần Quang Thành tại sao lại thành công?

TQT: Có lẽ họ thành công vì họ rất mềm mỏng. Họ rất biết ý người muốn nghe gì họ nói nên họ đã chiều lòng được tất cả. Họ muốn lừa người ta.

PCD: Tôi rất đồng ý với anh Trần Quang Thành về thái độ mềm mỏng, hay gọi là linh hoạt, uyển chuyển về mặt chính trị, đối sách của nhà nước Việt Nam, phái bộ Việt Nam tại hội nghị UPR và họ luôn luôn làm như vậy từ kỳ hội nghị UPR lần thứ nhất năm 2009.

Nhưng thành công thứ hai có lẽ họ đã không đạt trọn vẹn 100%. Tại vì nếu họ đạt được trọn vẹn 100% thì đã không có số lượng câu hỏi và số lượng quốc gia đặt câu hỏi tăng gần gấp đôi năm 2009 kỳ UPR thứ nhất.

Tôi cho thành công lơn nhất của phái đoàn Việt Nam trong kỳ UPR này là họ đã “đọc báo cáo”. Một cách đọc báo cáo không thể nhẫn nại, trơn tru mang tinh cách mị dân hơn. Họ đọc báo cáo bằng tiếng Việt, bằng tiếng Anh và kể cả sau khi nhận kiến nghị của các nước thành viên Hội đồng nhân quyên Liên Hợp Quốc họ vẫn tiếp tục đọc báo cáo. Dường như họ không nhận chỉ thị mới bổ sung nào từ phía Bộ Ngoại giao và các bộ, ngành liên quan mặc dù có tới 11 bộ, ngành liên quan của Việt Nam tham gia vào kỳ UPR này, nhưng mà họ vấn hết sức kiên nhẫn, nhẫn nại một cách bất tuân để đọc báo cáo. Tôi cho đó là một thái độ, một thành công nhất phản ánh não trạng của Hà Nội trong việc đối phó với Hội đồng nhân quyền LHQ tại kỳ UPR năm nay.

TQT: Trong hội nghị UPR năm nay có tới 3 cuộc hội thảo của các tổ chức phi chính phủ và của các tổ chức ở Việt Nam. Anh đánh giá gì về các cuộc hội thảo này nó có tác động đến phiên kiểm điểm của Việt Nam?

PCD: Tôi cho là ngược lại với “sự thành công” của phái bộ Việt Nam tại kỳ UPR lần này, có một sự thành công ở chừng mực nhất định, ở mức độ khiêm tốn nhưng mà có ý nghĩa thực chất của cuộc vận động của một số tổ chức người Việt ở hải ngoại và một số tổ chức phi chính phủ quốc tế liên quan tới 3 cuộc hội thảo mà anh Trần Quang Thành vưà đề cập, đặc biệt là cuộc hội thảo mà anh Thành cũng đã tham dự với tư cách là diễn giả và tôi vắng mặt. Đó là cuộc hội thảo do một số tổ chức phi chính phủ quốc tế tổ chức trong đó có tổ chức phi chính phủ Giám sát nhân quyền độc lập trực thuộc LHQ. Họ tổ chức cuộc hội thảo này với tiêu đề là Trách nhiệm của Việt Nam trong việc thực thi nhân quyền theo yêu cầu của Hội đồng nhân quyền LHQ. Đây là cuộc hội thảo theo tôi được biết đã phải hạn chế số khách tham dự vì không ngờ số khách tham dự đông quá. Đã có đến ít nhất 7, 8 chục người phải đứng bên ngoài hoặc ra về vì không đủ chỗ ngồi. Đó là một sự thành công đầu tiên.

Thứ hai là kể từ kỳ UPR thứ nhất của Việt Nam vào năm 2009 thì đây là lần đầu tiên diễn ra cuộc vận động mà giới quan sát độc lập quốc tế và trong nước đánh giá là cuộc vận động thành công đến như thế. Có nghĩa là người từ trong nước có một số ra được, và khá nhiều tổ chức hải ngoại và quốc tế họ quan tâm vận động cho việc cải thiện nhân quyền ở Việt Nam. Đó chính là một sự thành công trong ra và tác động từ ngoài vào.

Một thành công nữa cho thấy khác hẳn kỳ UPR thứ nhất năm 2009, kỳ UPR thứ hai này của Việt Nam đã không thể diễn ra một kỹ thuật thủ pháp hoặc một thủ đoạn vận động ngoại giao nào của phái bộ Việt Nam. Trước đây, năm 2009 tôi còn nhớ phái đoàn Việt Nam đã vận động một số quốc gia thân thiện như Cuba, Bắc Triều Tiên chiếm diễn đàn và chiếm thời lượng khá lâu để hạn chế số câu hỏi và số thời lượng câu hỏi của những diễn giả khác, của những nước thành viên khác. Họ vận động những nước được coi là thân tình với mình trong mối giao thương về thương mại và kể cả ngoại giao chính trị. Nói chung là các quốc gia năm trong khối các quốc gia thế giới thứ ba – khối quốc gia các nước không liên kết – tức là phong trào NAM trước đây để có sự ủng hộ đối với Việt Nam. Nhưng còn kỳ này không hề diễn ra một cuộc vận động nào cả. Trước đó, mặc dù báo chí nhà nước của Việt Nam có đề cập đến các nước đồng chủ tọa của UPR kỳ này, tức là nhóm gồm Cốt-ta Ri-ca và Ca-dắc-tăng được coi là những nước “thân Việt Nam” và sẽ có sự ủng hộ nhất định đối với Việt Nam và như vậy “thí sinh” Việt Nam có thể qua cầu một cách nhanh chóng. Nhưng chúng ta nhìn lại thái độ của Côt-ta Ri-ca, là nước chủ trì hội nghị UPR lần này họ làm việc rất nghiêm túc, rất không có gì vị nể, thiên vị đối với Việt Nam cả. Điều đó cho thấy thái độ khách quan chừng mực, đúng mực và xứng đáng với tầm vóc quốc tế của một nước chủ trì. Đó là một sự thành công của UPR và cách nào đó, có thể hiểu ngược lại đó là sự thất bại của phái đoàn Việt Nam. Cuối cùng có thể thấy là số lượng các câu hỏi, số lượng các quốc gia đặt câu hỏi tăng gần gấp đôi so với năm 2009. Điều đó cho thấy mối quan tâm, quan tâm một cách sâu sắc, quan tâm một cách rốt ráo. Họ rất sốt ruột vì vấn đề nhân quyền ở Việt Nam chưa được cải thiện. Ngược lại những điều mà Bộ trưởng Ngoại giao, cũng là Phó Thủ tướng của Việt Nam là ông Phạm Bình Minh tuyên bố trước kỳ UPR lần này là Việt Nam đã thực hiện tới hơn 80% những yêu cầu, các khuyến nghị của Hội đồng nhân quyền LHQ. Nhưng thực ra không phải như vậy mà có thể hiểu ngược lại. Về phần mình, tôi có thể đưa ra một số dẫn chứng để cho thấy là có rất nhiều điểm mà nhà nước Việt nam đã không tôn trọng và không thực hiện các khuyến nghị. Mặc dù các khuyến nghị đó là những khuyến nghị rất hợp lý của các quốc gia thành viên Hội đồng nhân quyền LHQ từ kỳ UPR năm 2009. Chẳng hạn về phía Áo, năm 2009 nhà nước Áo họ yêu cầu nhà nước Việt Nam công bố thông tin có bao nhiêu trại giam của công an và quân đội đã được thành lập trên thực tế và có bao nhiêu người bị giam giữ trong đó. Tôi thấy đây là một yêu cầu rất hợp lý và giới nhân quyền quốc tế cũng đánh giá đây là một yêu cầu hoàn toàn không khó, không phải là không làm được. Tại vì bao nhiêu trại giam thuộc công an, thuộc quan đội quá dễ để thống kê là bao nhiêu người trong đó. Chúng ta hãy làm như Myanmar đi và có thể thấy là báo nhiêu tù nhân lương tâm, bao nhiêu tù nhân chính trị, bao nhiêu tù nhân hình sự được phân loại. Điều đó qua dễ để thống kê. Tổng cục 8 Bộ Công an là nơi tổ chức các trại giam, tổ chức các nhà tù. Họ hoàn toàn nắm các số liệu. Cho đến nay không có bất kỳ số liệu nào được công bố trên báo chí, công bố cho Hội đồng nhân quyền LHQ. Đó là vấn đề thứ nhất.

Một khuyến nghị khác là của các nước A-déc-bai-dăng, của Pháp, của Đức đề nghị nhà nước Việt Nam thiết lập một cơ quan nhân quyền quốc gia theo các nguyên tắc Paris. Chúng ta nhớ lại là các nguyên tắc Paris đã đưa ra vào năm 1981. Đây là các nguyên tắc khuyến khích các nước thành viên trong LHQ thành lập các cơ quan nhân quyền có các chức năng điều tiết, đánh giá các báo cáo thường lệ về nhân quyền và đồng thời bảo đảm các vấn đề về nhân quyền cho người dân của mình. Đây là một khuyến cáo rất tốt đã được một số quốc gia thực hiện và kết quả đã có những hiệu ứng nhất định khá tốt. Trong khi đó vào năm 1981 mặc dù nhà nước Việt Nam đã tham gia hội nghị Paris về vấn đề nhân quyền và năm 1982 nhà nước Việt Nam đã tham gia ký Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị. Từ đó đến nay đã gần 1/4 thế kỷ, nhưng vẫn chưa có bất kỳ một cơ quan nhân quyền quốc gia nào được thành lập ở Việt Nam. Thực ra chỉ có một cơ quan mang tính chất là uỷ ban nhân quyền quốc gia trực thuộc chính phủ được thành lập vào khoảng năm 2008, 2009 sau khi Việt Nam gia nhập WTO (Tổ chức Thương mại Thế giới). Nhưng mà cơ quan đó thực ra chỉ làm duy nhất một việc là theo dõi hoạt động của các thế lực thù địch?! Tức là thay vì bảo đảm theo dõi các mặt vi phạm nhân quyền ở Việt Nam và làm sao cải thiện nhân quyền ở Việt Nam thì lại cố gắng xếp lại vấn đề nhân quyền ở Việt Nam và chỉ làm một việc đi theo dõi các thế lực thù địch, thậm chí còn tưởng tượng ra các thế lực thù địch ở Việt Nam. Đó là khuyến nghị thứ hai mà nhà nước Việt Nam chưa thực hiện và tôi không biết nhà nước Việt Nam có định thực hiện hay không.

Một khuyến nghị nữa. Tôi nói đến khuyến nghị của nhà nước Brasil năm 2009 là thiết lập một cơ quan giám sát nhân quyền độc lập cố định. Chúng ta thấy cơ quan giám sát nhân quyền độc lập cố định cũng là môt cơ quan đi theo định chế cơ quan nhân quyền quốc gia. Có điều là cơ quan giám sát nhân quyền độc lập này chắc chắn không phải là một cơ quan nằm trong chính phủ, trực thuộc chính phủ như là cơ quân nhân quyền quốc gia mà sẽ là một tổ chức NGO độc lập ở Việt Nam. Nhưng điều này đã bị hạn chế bởi cho đến nay nhà nước Việt Nam vẫn chưa ban hành bất kỳ một khung pháp lý nào tạo điều kiện cho các NGO độc lập hoạt động mà chỉ có một số định chế, khung định chế cho NGO nước ngoài và những NGO phục vụ dịch vụ thương mại, dịch vụ kỹ thuật mà thôi. Cho nên việc thành lập những tổ chức NGO độc lập về nhân quyền ở Việt Nam đến nay vẫn chưa thành lập được.

Một thông tin nữa từ phía Canada năm 2009 là đưa ra những nỗ lực nhằm nhanh chóng thông qua những qui định pháp lý về tiếp cận thông tin. Vấn đề tiếp cận thông tin ở Việt Nam chúng ta hiểu là quan trọng như thế nào rồi. Chúng ta cũng hiểu vì sao trong bảng xếp hạng của tổ chức Minh bạch quốc tế Việt Nam lại đứng gần như chót bảng không chỉ độ minh bạch về vấn đề chính trị, về vấn đề tù nhân lương tâm mà thiếu minh bạch kể cả các vấn đề kinh tế chẳng hạn như thị trường chứng khoán, thị trường bất động sản, vấn đề ngân hàng của Việt Nam luôn luôn mù mờ và nằm trong tốp cuối bảng. Muốn giải quyết vấn đề minh bạch phải có những định chế về tiếp cận thông tin. Định chế đó phải được định ra trong một luật về tiếp cận thông tin. Thực ra Công ước về các quyền chính trị và dân sự năm 1982 đã đề ra vấn đề luật tiếp cận thông tin. Nhưng gần 1/4 thế kỷ rổi ở Việt Nam vẫn hoàn toàn chưa có một văn bản nào đề cập đến luật tiếp cận thông tin. Đến năm 2013 vừa rồi chính phủ mới mấp mé đề ra vấn đề này. Tôi không dám chắc khi nào có luật tiếp cận thông tin ở Việt Nam. Điều đó chứng minh cho một điều là gần 1/4 thế kỷ qua và qua 4 năm kể từ kỳ UPR lần thứ nhất năm 2009 việc tiếp cận thông tin và luật tiếp cận thông tin ở Việt Nam vẫn chưa thực hiện.

Còn một vấn đề nữa tôi cũng muốn đề cập luôn. Đây cũng là đề xuất của Canada. Theo đó cho những người bị tạm giữ theo luật an ninh hoặc tuyên truyền chống nhà nước các quyền đảm bảo pháp lý căn bản bao gồm quyền được có người đại diện cho họ hoặc tư vấn pháp lý cho họ trong suốt quá trình tố tụng và một phiên tòa công khai. Đây là vấn đề Canada đặt ra. Chúng ta thấy vấn đề tố tụng ở Việt Nam có rất nhiều chuyện không được thực thi vấn đề đó.

Tôi cũng muốn nêu thêm một vấn đề của Canada năm 2009 đưa luật báo chí tuân thủ với điều 19 của Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị (ICCPR). Rõ ràng đây cũng là vấn đề chưa được nhà nước Việt Nam thực hiện. Và có cảm giác hình như nhà nước Việt Nam họ cũng chưa nhận ra Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị (ICCPR) là cái gì.

Một số đề nghị khác như tăng cường sự độc lập của truyền thông với nhà nước bao gồm cho phép truyền thông tư nhân. Việt Nam hiện nay vẫn chưa có truyền thông tư nhân. Thực hiện các bước để tôn trọng đảm bảo đầy đủ quyền tự do biểu đạt bao gồm quyền tự do biểu đạt trên internet được thực thi hiện nay trong việc sửa đổi luật báo chí. Đây là một đề xuất của Thụy Điển năm 2009. Năm 2013 Việt Nam đã đưa ra Nghị định 72 có những hạn chế đến mức tối đa các quyền biểu đạt trên internet. Còn có một số vấn đề khác, một số yêu cầu của phía Hoa Kỳ chẳng hạn như trả tự do cho một số tù nhân lương tâm trong đó có linh mục Nguyễn Văn Lý. Từ năm 2009 Hoa Kỳ đã đưa ra vấn đề này, nhưng cho đến nay linh mục Nguyễn Văn Lý vẫn trong một trạng thái nguyên vẹn là nằm trong nhà tù Việt Nam. Vào kỳ UPR lần này phía Hoa Kỳ lại đề xuất tới một số nhà hoạt động dân chủ, nhân quyền khác trong đó có 4 người không thể thiếu được, không thể bị lãng quên: thứ nhất là ông Cù Huy Hà Vũ, thứ hai là ông Điếu Cày Nguyễn Văn Hải, thứ ba là ông Trần Huỳnh Duy Thức, thứ tư là ông luật sư Lê Quốc Quân.

Tôi đánh giá các vấn đề đó để cho thấy là có rất nhiều điểm những khuyến nghị từ năm 2009 cho đến nay nhà nước Việt Nam vẫn chưa thực hiện. Tôi không hiểu là ông Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh và các quan chức, giới chức Việt Nam lại có thể đánh giá là đã thực hiện hơn 80% yêu cầu của LHQ về các vấn đề nhân quyền. Họ dựa trên cơ sở nào? Liệu họ có đủ liêm sỉ để đưa ra những cơ sở đó, những tuyên bố đó hay là không?

TQT: Thưa nhà bình luận Phạm Chí Dũng, tôi muốn nêu lên một so sánh. Cách đây mấy năm khi Việt Nam là Chủ tịch của ASEAN, ông Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng đã được cử sang Myanmar để thuyết phục Myanmar cải thiện tình hình nhân quyền nếu như Myanmar muốn không bị thế giới cô lập, không muốn khối ASEAN gặp khó khăn. Sau lời khuyên đó Myanmar làm rất nhanh chóng. Chuyển hướng từ một nước được gọi là đóng cửa, độc tài, chuyên chế, không dân chủ, không tự do, bây giờ trở thành một nước điển hình về dân chủ, tự do. Trong đó người đi khuyên là ông Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Đất nước do ông điều hành hiện nay có lẽ nhân quyền đứng ở gần bét của khối ASEAN cũng như trên toàn thế giới. Ông so sánh như thế nào về ý niệm của tôi?

PCD: Đúng là Myanmar phải cảm ơn Việt Nam. Tại vì nhờ có lời khuyên của Việt Nam gián tiếp hay trực tiếp hay là với một tư cách như thế nào đó người dân Myanmar cũng đã tự thân thay đổi và thay đổi một cách ngoạn mục, kỳ diệu chứ không phải như Việt Nam. Và cho đến bây giờ giữa Myanmar và Việt Nam đã có một độ trễ khá xa rồi. Có nghĩa là người Myanmar họ đã đi trước Việt Nam mặc dù họ mới mở cửa kinh tế vào những năm 1990 như Việt Nam thôi, nhưng về quan điểm chính trị và dân chủ mở rộng họ đã vượt xa Việt Nam và tôi không biết tâm trạng của những người như ông Nguyễn Tấn Dũng như thế nào trong việc đưa ra lời khuyên như vậy. Và ông Nguyễn Tấn Dũng theo tôi cũng là một người rất thành thực năm 2006 khi ông nhận chức Thủ tướng ông tuyên bố là ông yêu sự trung thực và ghét sự giả dối. Tôi cho đó là một lời nói thành thực. Chỉ có điều một lời nói thành thực nó chỉ có ý nghĩa thực tế trong việc chứng nghiệm thực tế mà thôi. Thực tế của Việt Nam từ đó đến giờ là ngược lại với Myanmar. Những người như ông Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đưa ra lời khuyên như vậy nhưng mà cách đó chỉ là một cách nói đãi bôi mà người Hà Nội hay dùng. Xin lỗi tôi nói đến một bộ phận dân chúng Hà Nội và quan chức Hà Nội ngày nay. Họ hay đãi bôi. Họ cứ nói để nói. Điều đó phản ảnh ngược lại cái tâm thế là lòng thành chính trị. Lòng thành chính trị là một khái niệm sau này người ta nói về Tổng thống Thein Sein của Myanmar. Ông Thein Sein xuất thân từ đâu chúng ta đều biết. Từ một đại tướng quân đội. Từ một thủ hạ thân tín của ông Than Shwe và ông Thein Sein cũng là một trong những người bị xem là chịu trách nhiệm đối với bàn tay vấy máu trong cuộc đàn áp cách mạng diễn ra những năm trước dưới chế độ quân phiệt ở Myanma. Nhưng đến năm 2011 thì mọi chuyện thay đổi hẳn tuy lúc đó người ta vẫn chưa hy vọng được nhiều. Việc giải chế đối với bà Aung San Suu Ky, thủ lãnh của đảng đối lập là Liên đoàn quốc gia vì dân chủ ở Myanmar đã cho thấy một tín hiệu đổi mới nhất định. Nhưng mà những đợt thả tù nhân chính trị sau đó mới ấn tượng, rất ấn tượng. Từ năm 2011 đến 2013 nếu tôi nhớ không nhầm thì chế độ của ông Thein Sein đã thả hơn 300 tù nhân chính trị mà Việt Nam gọi là tù nhân lương tâm. Còn nhiều hơn cả số tù nhân lương tâm đang tồn tại ở Việt Nam hiện nay theo báo cáo của các tổ chức nhân quyền là từ 150 đến hơn 200 người. Và đến cuối năm 2013 thì Myanmar thả hết tù chính trị, thả hết, thả sạch, không còn một ai. Chúng ta nhìn những hình ảnh tù nhân chính trị ôm gói xách đi ra khỏi nhà tù với khuôn mặt rạng rỡ, hớn hở. Và không ít người trong đo đã tỏ lòng cảm phục đối với Tổng thống Thein Sein vì ông đã giữ đúng lời hứa. Quan trọng của một nhà lãnh đạo không chỉ họ đưa ra lời hứa mà họ còn biết giữ lời hứa. Lời hứa của ông Thein Sein được thực hiện, được đưa ra vào năm 2012 và đặc biệt vào năm 2013 khi ông đến Hội đồng châu Âu, ông đến Nghị viện châu Âu làm việc. Và ông đến nước Anh được đón tiếp như một nguyên thủ. Lúc đó bà Aung San Suu Ky sang Washington đã được Tổng thống Onbama đón tiếp cũng như một nguyên thủ quốc gia. Chúng ta thấy vị trí của Myanmar như thế nào trên trường quốc tế. Cuối năm 2012 Onbama đã đến Myanmar. Tuy rất ngắn thôi chỉ có 1 ngày rưỡi dạo chân trên đất nước Myanmar. Và lần đầu tiên sau gần một nửa thế kỷ một Tổng thống Hoa Kỳ đặt chân đến Myanmar cho thấy sự quan tâm của Hoa Kỳ, của phương Tây, đặc biệt là giới tư bản phương Tây vào Myanmar là lớn như thế nào. Và có một hệ quả rất tích cực tiếp đến luôn sau đó là câu lạc bộ Paris xóa nợ cho Myanmar 6 tỷ đô-la. Sau đó là một loạt nước như Na Uy, Thụy Sĩ, Nhật Bản và gần đây nhất là Đức liên tiếp xóa các khoản nợ cho Myanmar. Người Myanmar họ không có nợ nhiều như Việt Nam. Không nợ chồng, nợ chất, nợ đẩy đến cả tương lai cho Việt Nam. Nhưng mà đối với một đất nước nghèo như vậy thì khối xóa nợ từ 8 đến 10 tỷ đô-la là rất đáng kể. Và nó giúp cho việc phục hồi kinh tế. Cho đến nay do việc cải thiện nhân quyền mà anh Trần Quang Thành vừa đề cập, mà nhà nước Myanmar được hứa hẹn đặc cách tham gia vào Hiệp định kinh tế xuyên Thái Bình Dương IPP, chứ không phải trải qua những rào cản hết sức gay gắt và thử thách như Việt Nam hiện nay. Họ đã thành công. Họ đã nhận được một điều gọi là nhân quả. Trong khi đó nhân quả nhân quyền ở Việt Nam như thế nào? Suốt từ năm 2009 đến giờ nhà nước Việt Nam cải thiện được cái gì gọi là nhân quyền? Hay là sau khi được rút ra khỏi danh sách các nước cần quan tâm đặc biệt về tôn giáo và nhân quyền, được tham gia vào Tổ chức Thương mại thế giới thì nhà nước Việt Nam đã lãng quên trách nhiệm của mình về nhân quyền và đã diễn ra hàng loạt, hàng loạt những vụ vi phạm không chỉ về nhân quyền, dân chủ theo các qui định quốc tế mà ở Việt Nam hiện nay còn rất nhiều trường hợp thương tâm. Tôi có thể lấy ví dụ đó là các vụ dân sinh. Cho đến nay các vụ dân sinh rất lớn chưa được giải quyết, và không ai chịu trách nhiệm ở Việt Nam cả. Đó là những người bị ngược đãi, bị chịu rủi ro chẳng hạn như dân oan đất đai ở Văn Giang (Hưng Yên), hay vụ xả lũ thủy điện miền Trung vào cuối năm 2013. Hơn 50 mạng người đã bị giết sống trong rốn lũ. 15 nhà máy thủy điện dưới sự quản lý của Tập đoàn Điện lực Việt Nam và sự quản lý gián tiếp của Bộ Công Thương Việt Nam đã xả lũ trên đầu người dân, đã giết hơn 50 mạng người. Nhưng cho đến nay vẫn chưa có bất kỳ một quan chức nào chiụ trách nhiệm và thậm chí cũng không có tiền đền bù. Cho nên gần đây Quảng Nam, Đà Nẵng là 2 địa phương không chịu nổi. Họ đang đe dọa sẽ kiện ngược lại Bộ Tài nguyên, Môi trường hay Bộ Công Thương. Sự vi phạm quyền con người ở Việt Nam là rất đáng kể. Một vụ khác xảy ra ở Thanh Hóa suốt từ giữa năm 2013 đến bây giò. Đó là vụ chôn thuốc trừ sâu đã gây ra mấy làng ung thư xung quanh công ty Vicotex ở Thanh Hóa. Mấy làng ung thư đó đã có hàng trăm người chết và mấy trăm người khuyết tật. Nhưng mà đến bây giờ vụ việc vẫn gần như bị chìm xuồng. Qua những chuyện đó chúng ta có thể thấy nhà nước Việt Nam đã thực hiện vấn đề nhân quyền như thế nào? Hay là gần đây nhất chúng ta thấy văn bản cuối năm 2013 của Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa do một Phó Chủ tịch Ủy ban ký duyệt kế hoạch tổng kết của ngành công an Thanh Hoá trong đó có ghi rõ một cụm từ là “tổng kết phòng, chống khủng bố và nhân quyền”. Điều đó cho thấy cái gì? Người ta đã viết điều đó giống như phái đoàn Việt Nam đọc báo cáo ở UPR rất quán tính, rất trì trệ và theo một não trạng bất di, bất dịch. Người ta đã nghĩ, đã ăn sâu vào trong óc người ta, trong xương tủy người ta. Đến mức khi hành văn người ta không ý thức được người ta định cái gì và người ta cũng không ý thức thế giới có thể lên tiếng, lên án nhà nước Việt Nam đánh đồng chống khủng bố với nhân quyền.

Tôi nêu ra một số vấn đề như vậy để anh Trần Quang Thành có thêm thông tin và cũng để quí đọc giả, quí thính giả nắm thêm một số thông tin chia sẻ với chúng tôi.

TQT: Từ một nước đi khuyên người ta nên làm, nhưng mình lại không làm những lời như khuyên người ta. Từ một nước chủ động như vậy, bây giờ bị tụt hậu hơn nước mình đi khuyên người ta. Theo nhà bình luận Phạm Chí Dũng rào cản nào đã làm cho Việt Nam tụt hậu hơn cả Myanmar?

PCD: Trong mọi thứ rào cản có một thứ rào cản không thể tránh khỏi, không thể phủ nhận được: Đó là sự độc đoán. Chúng ta có thể chấp nhận những rào cản khác với điều kiện nó có tính đa nguyên, tính dân chủ. Và dù rào cản nhưng nó có gợi mở ra một lối thoát nào đó. Đặc biệt là lối thoát cho dân chúng. Nhưng còn với rào cản độc đoán và độc quyền thì khó có điều gì gỡ nổi.

Tôi muốn nói đến rào cản đầu tiên là sự độc đoán về kinh tế. Sự độc quyền về kinh tế sinh ra nhóm lợi ích. Chúng ta đều biết là sự độc quyền về kinh tế nó bắt nguồn từ đâu? Bắt đầu từ cơ chế chính trị. Hồi trước tôi không nhận ra được điều này. Tôi cho là cơ chế chính trị một đảng là phù hợp và đặc biệt có tác dụng trong thời chiến. Đặc biệt cần có chuyên chính trong thời chiến. Và để giải quyết thành công trong cuộc chiến cần phải độc đảng và độc đoán. Nhưng mà đến thời bình thì chúng ta thất bại hoàn toàn. Chúng ta thấy điều đó ở Liên Xô, ở các nước Đông Âu. Một sự sụp đổ nhanh chóng, toàn diện và cay đắng chưa từng có. Hồi năm 1989-1990 khi nghe Liên Xô sụp đổ tôi đã khóc. Ngày 19/8/1991 khi En-xin đàn áp dùng súng để đàn áp Quốc hội tôi đã khóc. Nhưng sau đó 10 năm tôi bắt đầu nhận ra rằng những giọt nước mắt của mình có vẻ vô nghiã và tôi thấy rằng độc đoán chính trị nó dẫn tới độc quyền về kinh tế và đặt ra rào cản như anh vừa đề cập. Thực ra nó không phải là rào cản mà là một cái hố, hố sâu khủng hoảng. Cái hố mà người ta đã sa chân xuống rồi không cách nào có thể rút chân lên được. Việt Nam bây giờ đang nằm trong tình trạng đó. Tức là lao sâu vào cái hố độc đoán do họ tự tạo. Chứ đừng có nói là tư bản tự đào hố để giẫy chết như là những luận điệu tuyên truyền một chiều từ trước đến nay. Đó là những điều tâm huyết và khi nhắc lại những điều này tôi thấy buồn và đau. Nhưng thôi tất cả những nỗi buồn và đau đớn đó nó vẫn có những nguồn gốc ngu ngốc của nó, ngu ngốc đối với tôi. Thành thử tôi không còn tiếc nuối nữa. Nhắc lại với anh Thành đó là một trong những nguồn dẫn để tôi đã phải quyết định rời khỏi Đảng Cộng sản Việt Nam vào cuối năm 2013.

Và tôi thấy bây giờ tương lai của Việt Nam có thể được quyết định bới những thái độ như thế này:

Thứ nhất là những người trong Đảng họ phải chấp nhận sự đa nguyên về chính trị.

Tiếp theo sự đa nguyên về chính trị họ phải chấp nhận ít nhất về phương diện hình thức – hình thức đối trọng về mặt chính trị – chấp nhận đảng phái độc lập hoạt động, trong đó có đảng phái đối trọng về chính trị để cùng cạnh tranh một cách lành mạnh về chính trị, đưa đất nước cùng phát triển như là kinh nghiệm của một số quốc gia khối SNG hậu Liên Xô. Ít nhất là như vậy. Chúng ta thấy cả những nước như Ucraina như vừa rồi đã chấp nhận đối trọng chính trị mà quản lý không tốt vẫn có thể gây rối. Cho nên điều đó lại liên quan đến tình hình, đến một điều kiện không thể thiếu được là phải có xã hội dân sự để giám sát các chế độ chính trị. Không chỉ đối với chế độ chính trị hiện hành mà kể cả với chế độ chính trị sau này.

Tôi cho là một tương lai của Việt Nam không thể thiếu được những cơ chế như thế. Chấp nhận đa nguyên chính trị, tam quyền phân lập và xã hội dân sự.

TQT: Liên Xô là một thành trì bất khả chiến bại của phe xã hội chủ nghĩa với một lực lượng hùng hậu về tổ chức đảng, về quân đội, về phương diện cính trị, về mọi mặt. Đông Âu cũng là một điển hình như vậy. Nhưng chỉ trong môt thời gian rất chóng vánh, rất ngắn thôi Liên Xô tan rã, Đông Âu sụp đổ. Vậy Việt Nam đến nay sao vẫn có thể tồn tại được. Thưa anh?

Có khả năng nào Việt Nam có thể vượt qua tất cả để lấp cái hố sâu đó không. Thưa anh?

PCD: Đây là một câu hỏi chưa có câu trả lời anh Trần Quang Thành ạ.

Nó cũng khó như là tìm hiểu nguyên nhân tại sao Liên Xô sụp đổ. Cho đến nay có nhiều câu hỏi và nhiều câu trả lời, nhiều giả thuyết. Nhưng theo tôi biết những câu trả lời chỉ mang tính chất giả thuyết mà thôi.

Đây là một vấn đề tôi đề nghị vào một thời điểm nào đó chúng ta sẽ bàn thêm vì nó chiếm khá nhiều thời gian. Và bản thân trình độ tôi không đủ am hiểu, không đủ kiến thức, đặc biệt là kiến thức về mặt lịch sử để giải thích những vấn đề này.

Tôi cho rằng việc trả lời câu hỏi tại sao cho tới giờ này Việt Nam vẫn chưa thay đổi. Nhà nước Việt Nam, chế độ cầm quyền ở Việt Nam chưa thay đổi? Nó cũng khó như là tìm hiểu câu trả lời tại sao Liên Xô và các nước ở Đông Âu lại sụp đổ? Chỉ có điều tôi cho rằng không lâu nữa. Có lẽ chỉ từ ba đến bốn năm nữa thôi những xu hướng hòa nhập – rối ren, vừa hòa nhập – vừa rối ren, tại nhiều nước, tại nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó đặc biệt tại khu vực Campuchia sẽ tác động trực tiếp đến tình hình xã hội, chính trị ở Việt Nam. Và do vậy có thể làm cho sự thay đổi ở Việt Nam xúc tiến nhanh hơn. Nhưng mà xúc tiến như thế nào thì có nhiều kịch bản.

Xin hẹn anh Trần Quang Thành chúng ta se trở lại bàn những kịch bản đó cũng như vấn đề Liên Xô và hậu Liên Xô vào một thời điểm khác.

TQT: Xin cảm ơn nhà bình luận Phạm Chí Dũng. Chúng ta sẽ bàn những chủ dề đó vào một dịp khác.

Nguồn: http://diendanxahoidansu.wordpress.com/2014/02/28/kiem-diem-nhan-quyen-viet-nam-mot-thang-nhin-lai/

 

This entry was posted in Nhân Quyền. Bookmark the permalink.