Ra tới giữa dòng rồi, mới thấy sông Sài Gòn khá rộng, không hẹp như tôi vẫn tưởng. Chị Giang Thị Hồng – vợ anh Hiếu Đằng – và người con rể vẫn rải đều tay tro hài cốt của anh Đằng xuống mặt sông Sài Gòn êm ả. Hôm nay là 26 tết rồi, dậy từ 4 giờ sáng đi dự lễ truy điệu anh ở chùa Xá Lợi. Chiều nay trời se lạnh và nắng dìu dịu. Lúc còn sống, anh Đằng là một con người quyết liệt mà hiền hòa. Có lẽ vì thế mà lúc tiễn anh về cõi vĩnh hằng, đất trời cũng hiền hòa lắng dịu.
Tôi chăm chú nhìn theo các nắm tro hài cốt màu trắng từ tay chị Hồng rải xuống dòng nước trong xanh. Các nắm tro này kết thành các hạt nhỏ màu trắng như những hạt đá quý rồi tan dần trong nước. Đây là lần đầu tiên tôi dự một lễ rải tro cốt trên sông nên quan sát rất kỹ. Tôi đập nhẽ tay vào lưng anh Huỳnh Tấn Mẫm ngồi trước và hỏi: “Sao tro cốt lại màu trắng hả anh?”. Bác sĩ Huỳnh Tấn Mẫm giải thích: “Vì là tro của xương nên màu trắng anh ạ!”.
Lúc này tôi rất muốn chuyển lên chỗ cuối ghe, để chụp được hình chị Hồng đang rải tro cốt và anh Mẫm đang ngồi sau chị Hồng. Nhưng chiếc ghe bé nhỏ và rất cũ kỹ, xập xệ… Vì thế lúc ban đầu người ta chỉ cho gia đình chị Hồng, một nhà sư của chùa Diệu Pháp, anh Hoàng Dũng trong Ban Tổ chức tang lễ anh Lê Hiếu Đằng… tất cả có 7 người được xuống ghe. Thật may cho tôi, ghe vừa ra được hai ba con sào thì anh Mẫm kịp đến. Mọi người hô ghe phải quay lại để đón anh Mẫm. Ai cũng hiểu rằng anh Huỳnh Tấn Mẫm là con người của sự kiện Việt Nam đương đại, sự có mặt của anh trên ghe lúc này là đầy ý nghĩa. Vì thế, ghe đã quay lại. Anh Kha Lương Ngãi nhanh chân theo gót anh Mẫm xuống ghe. Không ai có ý kiến phản đối, vì anh Ngãi cũng trong Ban Tổ chức tang lễ. Tôi bỗng “thông minh đột xuất” hô lên: “Tôi là nhà báo, cho tôi xuống ghe”. Cũng không ai phản đối, vì có lẽ với đất Nam Bộ này, nơi ra đời của báo chí Việt Nam, người ta đều hiểu rằng cần có “người quan sát” cho một sự kiện. Thế là tôi may mắn có một chỗ trên ghe. Chiếc ghe quá nặng. Tất cả đều hiểu ngầm trong bụng là phải ngồi thật ngay ngắn tránh mọi cử động mạnh. Tôi không dám chuyển chỗ ngồi.
Ngoảnh nhìn lên bờ tôi thấy các vị: Giáo sư Tương Lai, tiến sĩ Vũ Trọng Khải, nhà nghiên cứu triết học Bùi Văn Nam Sơn, nhà báo Thế Thanh, các anh Huỳnh Kim Báu, Lê Công Giàu, nhạc sĩ Tạ Trí Hải… đã xếp hàng đứng nhìn theo chiếc ghe đang từ từ rời bến. Cả mấy chục con người đứng trên bờ kia đều muốn xuống ghe tiễn anh Lê Hữu Đằng đến phút cuối cùng. Tiếng vĩ cầm của nhạc sĩ Tạ Trí Hải ở trên bờ vẫn réo rắt đưa tiễn anh Hiếu Đằng. Người đi biểu tình chống Trung Quốc xâm lược biển đảo Việt Nam ở Hà Nội rất quen thuộc với hình ảnh của nghệ sĩ Tạ Trí Hải. Anh Hải luôn đeo một bình ắc quy nặng trên 10kg sau lưng để tăng âm cho tiếng đàn Thạch Sanh của mình trong các cuộc biểu tình. Nay anh xuất hiện trong lễ truy điệu anh Lê Hữu Đằng, như sứ giả của đất Bắc Hà vào đưa tiễn anh Đằng. Và, anh lại đang đứng bên bờ sông Sài Gòn kia, kéo đàn đưa tiễn Hiếu Đằng. Sông Sài Gòn chiều nay như lặng gió hơn để nghe rõ tiếng đàn của nghệ sĩ Hải.
Ghe đã ra đến giữa dòng, những hạt tro cốt trong bình – chỉ được đập bể khi đem bình xuống ghe – đã vơi dần, vơi dần… Không gian xung quanh chúng tôi lúc này thật tĩnh mịch. Lục bình lặng lẽ trôi… Thành phố Hồ Chí Minh nhìn từ giữa dòng sông Sài Gòn là một chân trời nhấp nhô những ngôi nhà cao thấp. Chính tại chân trời ấy người thanh niên ưu tú Lê Hiếu Đằng đã hiến dâng cả tuổi xuân của mình cho hạnh phúc và tương lai của dân tộc. Cho tới lúc bạc đầu anh vẫn xuống đường cùng tuổi trẻ hô vang khẩu hiệu bảo vệ vẹn toàn lãnh thổ, bảo vệ chủ quyền của đất nước. Và người trí thức Lê Hiếu Đằng đã nhận ra chỉ có một Việt Nam dân chủ mới bảo vệ được độc lập cho đất nước mang lại hạnh phúc cho nhân dân. Cả đời dấn thân cho đất nước, cho hạnh phúc của nhân dân, đó là điều không một người Việt Nam nào có thể phủ nhận được, trừ một anh bồi bút vô cùng “can đảm” ở báo Hà Nội Mới đã viết về anh mà tôi đã đọc được.
Lịch sử khắc tên anh – Con Người viết hoa Lê Hiếu Đằng.
Sài Gòn, chiều 26-01-2014
L. P. K.
Tác giả gửi trực tiếp cho BVN.