Theo Phóng viên Không Biên giới, Miến Điện chỉ đứng hạng 151 trong số 179 quốc gia tôn trọng quyền tự do báo chí – Reuters /Soe Zeya Tun
Trong một sự kiện hiếm thấy tại Miến Điện, vào hôm nay 07/01/2014, khoảng 150 nhà báo và giới bảo về quyền tự do ngôn luận đã biểu tình tuần hành trên đường phố Rangoon để báo động về các mối đe dọa mới nhắm vào quyền tự do báo chí. Họ đồng thời yêu cầu chính quyền thả một đồng nghiệp – người đầu tiên bị bắt giam kể từ khi tập đoàn quân sự Miến Điện rời bỏ quyền hành.
Theo ghi nhận của hãng tin Pháp AFP, đoàn người xuống đường đã hô vang các khẩu hiệu như: «Không được đe dọa tự do báo chí», và trương cao các biểu ngữ bên trên ghi rõ: «Quyền được thông tin là sức sống của dân chủ».
Cuộc biểu tình đã được Mạng lưới Nhà báo Miến Điện kêu gọi, nhằm phản đối một bản án ba tháng tù mà chính quyền đã ban hành đối với một nhà báo địa phương, bị bắt khi đang thực hiện một phóng sự điều tra ở bang Kayah, miền Đông Miến Điện.
Nữ phóng viên Ma Khine, làm việc cho nhóm truyền thông Eleven Media, đã bị buộc tội phỉ báng một luật sư, xâm nhập tư gia của nhân vật này khi đến phỏng vấn, và sử dụng ngôn ngữ mang tính chất lăng mạ.
Tuy nhiên, theo nhóm truyền thông Eleven Media, nhà báo của họ có thể là đã bị đàn áp vì một bài viết được công bố về tệ nạn tham nhũng trong hệ thống tư pháp Miến Điện.
Theo ông Myint Kyaw, Tổng thư ký Mạng lưới Nhà báo Miến Điện, trường hợp của nữ ký giả Ma Khine phản ánh «một mối đe dọa trực tiếp vì các nhà báo có thể bị trừng phạt với cáo buộc hình sự khi tác nghiệp».
Sự kiện Tập đoàn quân sự cầm quyền tại Miến Điện rời bỏ quyền hành vào năm 2011 – sau hàng thập kỷ cai trị đất nước bằng bàn tay sắt – đã mở đường cho những cải cách mạnh mẽ liên quan đến ngành truyền thông báo chí, trong đó có hai sự kiện nổi bật: bãi bỏ chế độ kiểm duyệt và trả tự do cho các nhà báo bị cầm cố.
Tuy nhiên, theo các tổ chức bảo vệ nhân quyền, các phương tiện truyền thông Miến Điện hiện đang phải đối mặt với những mối đe dọa khác.
Trả lời AFP, ông David Mathieson, chuyên gia nghiên cứu thuộc tổ chức theo dõi nhân quyền Human Rights Watch, trụ sở tại New York, xác định: «Phương thức tấn công vào quyền tự do báo chí ở Miến Điện đã chuyển từ việc chính quyền công khai đàn áp qua hình thức sử dụng các vụ kiện, trong bối cảnh các luật lệ mới về truyền thông tìm cách gây áp lực trên các nhà báo một cách tinh tế hơn để cản trở công việc làm của họ».
Trong bảng xếp hạng về tự do báo chí trên thế giới vào năm ngoái của tổ chức Phóng viên Không Biên giới, Miến Điện đã tăng được 18 bậc, nhưng vẫn đứng gần cuối bảng ở vị trí thứ 151 trong số 179 quốc gia.
Trong một thông cáo gần đây, Phóng viên Không Biên giới đã kêu gọi chính quyền xem xét lại trường hợp nữ phóng viên Ma Khine: «Một cơ quan ngôn luận không nên phải gánh chịu nguy cơ tố tụng hình sự và, trong trường hợp này, chịu cảnh một trong những phóng viên của mình bị kết án chỉ vì công việc theo dõi tin tức. Quyền tự do thông tin đang bị đe dọa».
T.N.