Ai nắm chắc ngọn cờ ở Đại hội 12?

Gửi cho BBC từ Sài Gòn

 

Dàn lãnh đạo Đảng Cộng sản ra mắt tại Đại hội XI năm 2011

Cùng với sự kiện hàng trăm người dân oan đất đai tập trung biểu tình tại nhà thờ Đức Bà Sài Gòn ngay ngày đầu năm 2014, thông điệp chào đón năm mới của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng ghi một dấu ấn khá đặc biệt về tinh thần “chia tay cái cũ”.

Trong không khí trì đọng giằng co của chính trường Việt Nam cùng kinh tế ảm đạm chưa từng có trước Tết Nguyên đán, bản thông điệp mang tính quốc dân của người đứng đầu chính phủ đã dứt dư luận khỏi cơn buồn ngủ và lập tức tạo nên lớp triều lao xao giữa trí thức trong, ngoài Đảng và người Việt ngoài nước.        

Người ta bàn tán, tranh cãi, hy vọng hoặc hoài nghi về những ấn tượng mới mà lần đầu tiên cộng hưởng trong cùng bản thông điệp trên: “đổi mới thể chế”, “xóa độc quyền”, “nắm chắc ngọn cờ dân chủ”, và thú vị không kém là khái niệm chưa có tiền lệ về “nhà nước kiến tạo phát triển”.

Kể cả lối dẫn dụ “người dân có quyền làm những gì pháp luật không cấm” được tuyên xưng trong bản thông điệp, cho dù đã quá nhiều năm qua những câu chữ đó đã trở nên lạc lõng khi nhà cầm quyền chẳng mấy lưu tâm đến ý nguyện của dân, còn các nhóm lợi ích vẫn mặc sức lũng đoạn dù bị pháp luật nghiêm cấm…

Minh chứng là bản Hiến pháp năm 2013 vẫn không hề giảm giá quan niệm “sở hữu toàn dân về đất đai”, vẫn đổ thêm dầu vào cơn binh lửa thu hồi đất được đặc cách cho một tầng lớp dân oan rộng khắp.

Tạm gác lại khái niệm “dân chủ” mà bản thông điệp đầu năm của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề cập như một khẩu hiệu được giới lãnh đạo Đảng tuyên ngôn nhiều năm qua, hy vọng là lời hứa hẹn “xóa độc quyền” sẽ được Chính phủ thực hiện trong nay mai.

Xóa độc quyền?

Vào những ngày cuối năm 2013, một thông tin bất ngờ cho biết Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã gần như hoàn tất quá trình “chuyển vốn” từ doanh nghiệp mẹ sang các doanh nghiệp con chỉ trong khoảng nửa năm qua.

Cũng không loại trừ chu trình chuyển hóa sinh học này đã được âm thầm hành sự ở Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex).

Hiện tượng “chuyển vốn” trên cho thấy điều gì?

Dường như những kẻ âm thầm thực hiện mưu sự này đã nắm được thông tin “sẽ bỏ độc quyền” và còn được “bật đèn xanh” từ phía cấp cao hơn, ít nhất từ cơ quan chủ quản của họ là Bộ Công thương – cơ quan chủ chốt trong phái đoàn Việt Nam đàm phán về TPP.

Việt Nam có thể xóa độc quyền trong ngành điện?

Bộ Công Thương cũng chính là địa chỉ phải chịu trách nhiệm về cú xả lũ vô nhân đạo làm chết hơn 50 người dân nghèo ở các tỉnh miền Trung vào cuối năm 2013, nhưng cho đến nay vẫn chưa hề bị truy cứu theo bất kỳ điều khoản nào của Bộ luật hình sự.

Trước đó vào tháng 9/2013, tổng giám đốc Petrolimex đã làm công luận bất ngờ bởi lời than thở của ông ta về tâm trạng “chán độc quyền”.

Nhưng không lâu sau, tâm trạng đó bị giới quan sát độc lập lôi ra ánh sáng: nếu không phải do đòi hỏi bắt buộc của những quốc gia chủ trì trong Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) về “một nền kinh tế thị trường hoàn chỉnh” cùng cơ chế “cạnh tranh sòng phẳng giữa các thành phần kinh tế”, chắc chắn không có chuyện ai đó tự nguyện rời bỏ vũ khí độc quyền.

Nhưng dĩ nhiên, bản chất của cá mập vẫn luôn là cá mập.

Người ta đồ rằng chu trình “chạy vốn” của các tập đoàn đặc lợi chính sách sẽ chỉ là mang tính chuyển đổi thế độc quyền từ cơ chế tập thể sang độc quyền cá nhân, từ lũng đoạn quy mô lớn sang thao túng quy mô nhỏ, khi rất có thể những chức danh chủ chốt trong các tập đoàn độc quyền nhà nước sẽ không thể buông lơi cổ phần chi phối của họ tại các công ty con.

Cũng bởi thế, mặc dù có thể tò mò và được gợi chút hy vọng bởi quan điểm “đổi mới thể chế” và tư tưởng “xóa độc quyền” trong bản thông điệp 2014 của người nắm giữ chính phủ, song giới phân tích vẫn nghi ngờ hình ảnh “nắm chắc ngọn cờ dân chủ” được dành cho cơ chế “độc quyền con”, một khi toàn bộ lực lượng vật chất vẫn nằm trong tay các nhóm lợi ích độc quyền và lại kiến tạo nên một cơ chế độc quyền mới cùng các chiến dịch tăng giá theo kiểu “giá trị gia tăng”.

Nếu mâu thuẫn vẫn tiếp tục, có nguy cơ là mô hình “nhà nước kiến tạo phát triển” sẽ không thuần túy là phương châm “nhà nước không làm thay cho dân”, mà sẽ trở thành “nhóm lợi ích làm thay nhà nước”.

Và nếu bản thông điệp này không có gì mới về tính hành động, tức không khác tinh thần bảo thủ của Hiến pháp năm 2013, làm sao đời sống các tầng lớp nhân dân sẽ được giảm bớt về áp lực đè thuế gián tiếp bởi các nhóm độc quyền?

Làm sao để vị Thủ tướng đang được hy vọng mơ hồ vào mục tiêu cải cách thể chế có thể đón nhận thái độ hân hoan và ủng hộ từ phía trí thức và dân chúng – một điều kiện quá cần thiết để ông hoàn tất điều kiện đủ vào năm 2016?

Ai phất cờ?

Dư luận đánh giá khác nhau về Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng

Từ nay đến Đại hội Đảng Cộng sản lần thứ 12 chỉ còn hai năm nữa. Có vẻ như những quân bài phải ngả chiếu “quyết liệt” hơn.

Cũng có vẻ đã đến giờ phút mà một chính khách quá từng trải như ông Nguyễn Tấn Dũng ý thức rõ ràng về một xác quyết không thể chậm trễ nữa.

Rất có thể, bản thông điệp đầu năm 2014 của ông chính là bước khởi động cho một quyết định lớn lao nhưng không thể từ chối tính phiêu lưu dẫn đến năm 2016.

Chắc chắn phải được soạn thảo bởi một bộ máy tham mưu có kiến thức và am hiểu phương Tây hơn ê kíp cũ, bản thông điệp này còn không quá ngần ngại khi nêu ra mô hình “nhà nước kiến tạo phát triển” của học giả có tên Chalmers Ashby Johnson.

Đáng chú ý, Chalmers Ashby Johnson lại là một giáo sư người Mỹ, giảng dạy tại Đại học California.

Năm 2013, Nguyễn Tấn Dũng được coi là một trong hai chính khách “thành công” trên trường quốc tế, cùng với Chủ tịch nước Trương Tấn Sang.

Một chi tiết đáng chú ý là cả hai vị nguyên thủ quốc gia này đều được ghi dấu nổi bật và giành được thiện cảm hơn hẳn trong những chuyến đi Washington và New York chứ không phải đến Bắc Kinh.

“Cũng có một dư luận khác, dù chỉ là thiểu số, nhưng lại thuộc về giới am hiểu các thao tác chính trị: bản thông điệp đầu năm 2014 của người chỉ còn nhiệm kỳ cuối trong chính phủ như mang hơi hướng của một lời “tuyên chiến” công khai với những đối trọng của ông.” 

Số đông dư luận vẫn đang hoài nghi năng lực thiếu tính hành động của một vị Thủ tướng “yêu trung thực, ghét giả dối” và lời cam kết “sẽ từ chức nếu không chống được tham nhũng” từ khi nhậm chức vào năm 2006.

Nên nhắc cả sự kiện ông chủ xướng yêu cầu về chủ quyền biển đảo và luật biểu tình tại kỳ họp quốc hội cuối năm 2011 nhưng đã bặt vô âm tín từ đó đến nay.

Nhưng vẫn có một thiểu số lại cảm nhận về một kế hoạch đã thành hình đến mức chi tiết của Thủ tướng Dũng trong hai năm tới, về một “quyết tâm chính trị” không chỗ lùi và không thể để chậm trễ hơn.

Cũng có một dư luận khác, dù chỉ là thiểu số, nhưng lại thuộc về giới am hiểu các thao tác chính trị: bản thông điệp đầu năm 2014 của người chỉ còn nhiệm kỳ cuối trong chính phủ như mang hơi hướng của một lời “tuyên chiến” công khai với những đối trọng của ông, một thông điệp mà không nhất thiết phải luôn được thông qua bởi “tập thể Bộ Chính trị”.

Cũng bởi cho tới giờ phút này, vẫn chưa có một thông điệp nào khác từ những gương mặt then chốt khác, kể cả một gương mặt được coi sáng giá là ông Phạm Quang Nghị, Ủy viên Bộ Chính Trị kiêm Bí thư thành ủy Hà Nội.

Trong khi đó, trên một bình diện rộng hơn hẳn và không quá quan tâm đến từng động cơ ẩn giấu của giới chính khách đương đại Việt Nam, một luồng tâm lý hiện hữu trong khối trí thức và dân chúng vẫn là mong chờ và khao khát đến cháy bỏng về cải tổ kinh tế và hơn nhiều nữa là “thay máu” về chính trị.

Phải chăng luồng tâm lý của đại đa số ấy sẽ là vườn ươm cho những hạt giống chính khách thâm hiểu và có khả năng “nắm chắc ngọn cờ” để gây men một dòng máu mới cho nền chính trị tương lai ở Việt Nam?

Bài viết thể hiện quan điểm riêng của ông Phạm Chí Dũng, một nhà báo tự do hiện sống tại TPHCM.

P.C.D.

Nguồn:

http://www.bbc.co.uk/vietnamese/forum/2014/01/140106_ai_nam_ngon_co_dai_hoi_dang.shtml

 

This entry was posted in Đảng CSVN. Bookmark the permalink.