Bài chuẩn bị để phát biểu
Xin chào, tôi rất vui được có mặt tại đây hôm nay. Xin cám ơn Đại học Cần Thơ đã tiếp đón tôi và một lần nữa xin chào mọi người, đặc biệt là PGS.TS. Lê Việt Dũng, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Cần Thơ và Ông Nguyễn Minh Toại, Giám đốc Sở Công Thương Thành phố Cần Thơ.
Mấy ngày qua, tôi đã có dịp đến thăm khu vực đồng bằng sông Cửu Long.Tôi thật sự ấn tượng với phong cảnh đẹp đẽ và tình cảm nồng ấm của người dân vùng này.
Nguyên thủ của hai nước, Chủ tịch Trương Tấn Sang và Tổng thống Obama, mùa hè này đã thỏa thuận thành lập mối quan hệ Đối tác Toàn diện giữa Hoa Kỳ và Việt Nam. Đây là một bước tiến lớn trong mối quan hệ song phương và, với tư cách là Đại sứ, tôi muốn đảm bảo rằng mối quan hệ này sẽ tạo ra sự khác biệt trên khắp Việt Nam, trong đó có khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Vì vậy, tôi cảm thấy đặc biệt hào hứng khi có thể đến đây và trao đổi với mọi người về Hiệp định Thương mại Đối tác Xuyên Thái Bình Dương, gọi tắt là TPP. TPP là một phần của mối quan hệ Đối tác Toàn diện được khu vực này đặc biệt quan tâm. TPP mang đến cơ hội to lớn để phát triển hơn nữa quan hệ kinh tế giữa hai nước, vốn cũng sẽ mang lại lợi ích cho đồng bằng sông Cửu Long.
Hoa Kỳ, Việt Nam, và 10 quốc gia khác – Úc, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru và Singapore – đang xây dựng một thỏa thuận tự do thương mại đa phương mang tầm thế kỷ 21 với những chuẩn mực cao sẽ giúp thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững khắp khu vực Thái Bình Dương. Các nước hy vọng có thể hoàn tất đàm phán TPP trước cuối năm nay.
TPP hứa hẹn mang lại những lợi ích to lớn cho các quốc gia thành viên – có lẽ nhiều lợi ích đáng kể nhất cho Việt Nam. Tham gia TPP là nhất quán với mục tiêu xây dựng một nước Việt Nam mạnh mẽ, thịnh vượng và độc lập. Về ngắn hạn, những gì sẽ đạt được rõ nét hơn, có thể định lượng sơ bộ, và thường tập trung vào các lĩnh vực đã định hình, như da giày và dệt may, những lĩnh vực Việt Nam vốn đang sở hữu lợi thế cạnh tranh.
Về dài hạn, thành quả mang lại sẽ có tiềm năng rất lớn. Đa số những thành quả dài hạn sẽ có mối liên hệ với những lĩnh vực kinh tế mới nhưng hiện nay vẫn có chưa phát triển hết quy mô hay chưa xuất hiện tại Việt Nam, vốn đòi hỏi phải có tay nghề và trình độ khoa học kỹ thuật cao. Những lợi ích về dài hạn dù chưa rõ ràng nhưng vẫn là rất thực – chỉ cần nghiên cứu lịch sử tự do hóa thương mại gần đây là có thể hiểu ngay những thành quả to lớn các quốc gia có thể đạt được khi mở cửa thị trường.
NGẮN HẠN
Trước hết, tôi sẽ nói về những lợi ích ngắn hạn. Một khi hiệp định TPP được ký kết, hiệp định này sẽ gửi đi ngay lập tức một tín hiệu tích cực đến cộng đồng đầu tư quốc tế và sẽ cải thiện độ tin cậy của cộng đồng quốc tế vào thị trường Việt Nam. Ngay cả trước khi được chính thức phê chuẩn và bắt đầu thực thi, cảm nhận về thị trường kinh doanh tại đây sẽ lập tức tốt hơn.
Từ kinh nghiệm tham gia vào Hiệp Định Thương Mại Song Phương với Hoa Kỳ và WTO của Việt Nam, chúng ta có thể hy vọng cả mức đầu tư nước ngoài và xuất khẩu tại Việt Nam sẽ gia tăng đáng kể.
Ngay cả bây giờ, trong những giai đoạn cuối của tiến trình đàm phán TPP, hiện tượng này đã bắt đầu diễn ra. Mong chờ một hiệp định TPP trong tương lai gần, các nhà đầu tư khắp khu vực đang tích cực thăm dò những cơ hội đầu tư mới tại Việt Nam. Tháng Tám vừa qua, một nhóm hơn 30 lãnh đạo cao cấp các tập đoàn từ Hong Kong đã sang Việt Nam để tìm hiểu khả năng đầu tư vào các dự án sợi, dệt, nhuộm nhằm đón đầu và khai thác những lợi thế TPP sẽ mang lại. Ngoài ra, Việt Nam sẽ hưởng lợi lớn từ việc mở rộng cửa vào thị trường Hoa Kỳ và các thị trường khác vì TPP sẽ giảm thuế đối với nhiều mặt hàng xuất khẩu then chốt của Việt Nam.
DÀI HẠN
Về dài hạn, chúng ta có thể hy vọng vào những cơ hội mới tốt đẹp cho nền kinh tế Việt Nam. Dần dần, nhờ vào TPP, Việt Nam sẽ có thể hội nhập sâu hơn vào chuỗi cung ứng trong khu vực và trên toàn cầu. Các chính sách quốc gia làm nền tảng cho việc phát triển một “nền kinh tế tri thức” sẽ mang lại nhiều hiệu quả tích cực. Phát minh sáng tạo sẽ được ghi nhận và tưởng thưởng tốt hơn và tạo ra nhiều cơ hội để chuyển lên những giai đoạn cao hơn trong chuỗi giá trị.
Ví dụ, trong nông nghiệp – một lĩnh vực rất quan trọng đối với kinh tế đồng bằng sông Cửu Long – TPP sẽ mở rộng cửa cho nhiều thiết bị và công nghệ nông nghiệp hiện đại hơn, vì vậy, sẽ giúp hiện đại hóa nền nông nghiệp Việt Nam, tăng tính hiệu quả, tăng lợi nhuận và mang lại khả năng cạnh tranh cao hơn trên toàn cầu. Điều này sẽ giúp mang lại lợi ích cho Việt Nam theo hai hình thức: thứ nhất, củng cố và khẳng định vai trò đóng góp của Việt Nam trong việc bảo vệ an ninh lương thực trong khu vực; thứ hai, TPP sẽ tạo động lực để các doanh nghiệp nông nghiệp Việt Nam nâng cao giá trị gia tăng cho các sản phẩm và phát triển sản xuất thực phẩm chế biến.
Tuy nhiên, cũng có một số người không đồng ý với tự do thương mại do e ngại sự cạnh tranh. Họ cho rằng các thị trường trong nước cần thêm thời gian để phát triển. Điều này từng xảy ra trong lịch sử của đất nước chúng tôi, khi Hoa Kỳ hoàn tất hiệp định thương mại khu vực đầu tiên – Hiệp định Tự do Thương mại Bắc Mỹ. Mexico lo ngại rằng hàng nhập khẩu nông nghiệp từ Hoa Kỳ sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến nông dân Mexico và lượng hàng nông nghiệp Mỹ nhập khẩu vào Mexico gia tăng. Tuy nhiên, tiếp cận thị trường Hoa Kỳ lại tạo điều kiện cho nông dân Mexico phát triển. Thập niên đầu tiên từ sau khi hiêp định này được ký kết, lượng hàng nông nghiệp từ Mexico xuất khẩu sang Mỹ đã tăng gấp đôi.
Các điều khoản trong TPP nhất quán với chính sách tái cấu trúc nền kinh tế, từ doanh nghiệp nhà nước đến hệ thống ngân hàng và sở hữu trí tuệ. Các điều khoản trong hiệp định TPP – hiệp định thương mại tự do thế kỷ 21 – chính là những điều kiện cần để Việt Nam củng cố cam kết hội nhập và hiện đại hóa nền kinh tế. Khi Việt Nam tiếp tục tiến trình hiện đại hóa, TPP sẽ thúc đẩy nhu cầu về nhân lực có tay nghề cao và được trang bị trình độ giáo dục cao hơn. Và đó là các bạn – những cử nhân tương lai từ trường Đại học Cần Thơ.
Như tôi đã nhắc đến ngay khi bắt đầu bài phát biểu này, tự do hóa thương mại sẽ mang lại những thay đổi năng động không ngờ cho nền kinh tế. Yếu tố quan trọng nhất để tạo nên thành công là khả năng thích nghi và phát minh sáng tạo của một quốc gia. Tôi đồng ý rằng đây là một trong những tính cách tiêu biểu của đất nước và con người Việt Nam.
Xuyên suốt lịch sử dân tộc, người dân Việt Nam luôn cởi mở, tận tụy, nhiệt tình, và sẵn sàng thích nghi với những thay đổi. Cụ thể là từ khi bắt đầu tiến trình đổi mới cuối thập niên 1980 cho đến nền kinh tế đang trên đà phát triển như hiện nay và nền kinh tế tri thức trong tương lai, sức mạnh kinh tế mạnh mẽ của Việt Nam đều xuất phát từ khả năng thích nghi cao độ. Kết hợp cả nguồn nhân lực có tay nghề – bao gồm các sinh viên đang theo học hôm nay – với khả năng tiếp cận thị trường và các chuẩn mực thế kỷ 21 mà TPP yêu cầu sẽ giúp bảo đảm thế mạnh, sự phồn vinh và sự độc lập của Việt Nam. Cám ơn, xin chúc mọi người và gia đình sức khỏe và thành công.
Nguồn: http://vietnamese.hochiminh.usconsulate.gov/pr-11212013i.html