Hữu Loan – Người đi bộ ngược chiều

Tin buồn mà một người bạn xứ Thanh nhắn vào máy di động của tôi ngày 18/3: “Nhà thơ Hữu Loan đã ra đi” khiến lòng tôi xao xác. Vậy là thêm một nhà thơ đàn anh đầy hoạn nạn đã chuyển cõi.

Nhà thơ Hữu Loan, Ảnh: blog teolangthang

Nhà thơ Hữu Loan, Ảnh: blog teolangthang

Vợ anh mất sớm…

Chỉ ít lâu sau ngày Hải Phòng và miền Bắc hoàn toàn giải phóng (13/5/1955), tôi đã nghe chị em mình ngâm nga: “Nàng có ba người anh đi bộ đội / Những em nàng – có người chưa biết nói / Khi tóc nàng xanh xanh / Tôi người Vệ quốc quân / Xa gia đình / Yêu nàng như tình yêu em gái / Ngày hợp hôn nàng không may áo cưới…”

Chị tôi đã bật khóc khi đọc: “Nhưng không chết người trai khói lửa / Mà chết người gái nhỏ hậu phương / Tôi về không gặp nàng / Má tôi ngồi bên mộ nàng đầy bóng tối / Chiếc bình hoa ngày cưới / Thành bình hương tàn lạnh vây quanh“. Chị nói đấy là thơ khóc vợ của nhà thơ Hữu Loan.

Cái tên Hữu Loan đã ám ảnh tôi từ đó. Sang mùa xuân sau, tôi lại nghe bài hát Hoa lúa của Trần Chung phỏng thơ Hữu Loan hay đến xao xuyến. Tôi vừa phục nhạc sĩ vừa phục nhà thơ. Thế rồi thời gian bẵng đi, rồi chiến tranh…

Màu tím hoa sim qua giai điệu của Phạm Duy trở thành Áo anh sứt chỉ đường tà. Không hiểu sao nhiều người lính cứ thầm nghêu ngao câu nhạc “Áo anh sứt chỉ đường tà, Vợ anh mất sớm, mẹ già chưa khâu…”

Hóa ra “màu tím hoa sim” là cảnh ngộ của nhiều người lính trên trái đất này trong chiến tranh. Có một bài dân ca Grudia mà nữ liệt sĩ Đặng Thùy Trâm đã từng rất thích cũng mang tứ như thế. Sau Màu tím hoa sim, ta còn đọc Núi đôi của Vũ Cao, Quê hương của Giang Nam đều có cái tứ ấy. Vậy là bi kịch này sẽ còn mãi nếu còn chiến tranh.

Ở Việt Nam, Hữu Loan là người phát ngôn bi kịch ấy bằng thơ đầu tiên. Một bài thơ xuất thần được trả giá bằng cái chết đau thương của chính vợ nhà thơ – bà Lê Đỗ Thị Ninh. Và với việc phát ngôn bi kịch này, ngược với cách tuyên truyền tụng ca ngày đó, Hữu Loan đã chính thức là “người đi bộ ngược chiều” trong nhiều năm tháng của lịch sử văn học Việt Nam.

Người đi bộ ngược chiều

Thống nhất đất nước, tôi trở về Hà Nội. Qua tiếp xúc với Đặng Đình Hưng, Phùng Quán, Hoàng Cầm, Lê Đạt, Trần Dần… và nhất là Văn Cao, tôi mới biết được khí phách của “người đi bộ ngược chiều” này. Văn Cao kể rằng sau vụ “Nhân văn Giai phẩm”, Hữu Loan có quyết định giống như Nguyên Hồng là về quê. Nguyên Hồng về ấp Cầu Đen là để viết tiếp những dự định tiểu thuyết của mình. Còn Hữu Loan thì đoạn tuyệt hẳn với nghề viết. Ông sắm xe đạp đi thồ đá ở Nga Sơn (Thanh Hóa quê ông).

Đêm trước khi về quê, Hữu Loan và Văn Cao đã đi bên nhau trắng đêm quanh hồ Thuyền Quang. Bao nhiêu nỗi niềm, bao nhiêu tâm sự, họ đã trút sang nhau cạn kiệt đến thanh thản. Đêm ấy đã gợi cho Văn Cao viết bài thơ “Cạn”: “Những tiếng gà lên / Rụng hết, những ngôi sao cuối / Tiếng kêu ở trong tôi / Có xót xa có cả vui mừng / Tiếng kêu của một khúc thép đỏ / Trong chậu nước…”

Nhà thơ Hữu Loan và nhạc sĩ Phạm Duy, Ảnh: Nhipcauthegioionline

Nhà thơ Hữu Loan và nhạc sĩ Phạm Duy, Ảnh: Nhipcauthegioionline

Mùa thu 1987 là mùa thu Hữu Loan ra Hà Nội. Chính mùa thu ấy, tôi mới thực kiến diện “người đi bộ ngược chiều”. Hữu Loan vui mừng với thời đổi mới bằng việc mang ra một tập thơ mang tên “Màu tím hoa sim” với những bài thơ lừng danh một thời như “Đèo Cả”, “Hoa lúa”, “Những làng ta đi qua”, “Nguyễn Sơn”, “Quách Xuân Kỳ”… Những cuộc rượu đầm đìa nước mắt của cố nhân gặp cố nhân. Những ngày ấy, khi ông ở nhà tôi, khi ông ở nhà anh Chu Thành (tức Tú Sót). Anh em hàn huyên bao chuyện không dứt. Hữu Loan cũng là một “tiên tửu”. Càng say, ông càng vuốt những sợi râu cước oai phong và đọc vang Đường thi. Ông có lối dịch thơ Đường cũng khác người. Ông ngông đến mức không biết giữa ông với tiên sinh Tản Đà, ai hơn ai kém. Chất chứa trong lòng bao nhiêu ẩn ức, vậy mà tiếng cười Hữu Loan vẫn trong vang, sảng khoái. Tiếng cười của người thồ đá.

Có một đêm uống rượu khá say ở nhà ông Chu Thành, tôi dìu ông ra vỉa hè đường Bà Triệu và sau đó đi bộ về Hàng Bông. Vừa đi tôi vừa ngẫu hứng từng câu thơ trong cuộc “đi bộ ngược chiều” đó: Khoác vai nhau đi /ngược đường Bà Triệu /Người ba mươi năm trước / người hôm nay / Không khoảng cách / Anh thầm thì sợ lạc / như từng lạc / Khiến tôi đang say / chợt tỉnh / rồi lại say / Nếu là ôtô / Là môtô / Là xe đạp / sẽ bị tuýt còi ngay / Nhưng ngược chiều là hai người đi bộ / Những bước chân chẳng nói được gì về tốc độ / Trong đầu họ những tứ thơ vụt bay / Hai người / hai thế hệ / cách nhau ba mươi năm / vẫn đang cùng sóng đôi / Đi ngược chiều đường Bà Triệu / Trong đêm ai dõi nhìn có hiểu / Họ sẽ cùng đi tới sáng bằng lối này / Ngỡ ông say không nghe, vậy mà hết bài thơ, ông nắm chặt tay tôi. Không nói /  Lại bước tiếp.

Cứ thế, ông đã là “người đi bộ ngược chiều” cho đến hôm nay khi bước vào tuổi 95. Giống như mẹ tôi khi mất, ông đã sống thọ theo cách nói của hôm nay là “đá bù giờ sau phút”, đã ngừng hành trình của “người đi bộ ngược chiều”, tạc lại đời một khí phách Hữu Loan.

Màu tím hoa sim
Hữu Loan

Nàng có ba người anh đi bộ đội
Những em nàng
Có em chưa biết nói
Khi tóc nàng xanh xanh
Tôi người Vệ quốc quân
xa gia đình
Yêu nàng như tình yêu em gái
Ngày hợp hôn
nàng không đòi may áo mới
Tôi mặc đồ quân nhân
đôi giày đinh
bết bùn đất hành quân
Nàng cười xinh xinh
bên anh chồng độc đáo
Tôi ở đơn vị về
Cưới nhau xong là đi
Từ chiến khu xa
Nhớ về ái ngại
Lấy chồng thời chiến binh
Mấy người đi trở lại
Nhỡ khi mình không về
thì thương
người vợ chờ
bé bỏng chiều quê…

Nhưng không chết
người trai khói lửa
Mà chết
người gái nhỏ hậu phương
Tôi về
không gặp nàng
Má tôi ngồi bên mộ con đầy bóng tối
Chiếc bình hoa ngày cưới
thành bình hương
tàn lạnh vây quanh
Tóc nàng xanh xanh
ngắn chưa đầy búi
Em ơi giây phút cuối
không được nghe nhau nói
không được trông nhau một lần
Ngày xưa nàng yêu hoa sim tím
áo nàng màu tím hoa sim
Ngày xưa
một mình đèn khuya
bóng nhỏ
Nàng vá cho chồng tấm áo
ngày xưa…

Một chiều rừng mưa
Ba người anh trên chiến trường đông bắc
Được tin em gái mất
trước tin em lấy chồng
Gió sớm thu về rờn rợn nước sông
Đứa em nhỏ lớn lên
Ngỡ ngàng nhìn ảnh chị
Khi gió sớm thu về
cỏ vàng chân mộ chí
Chiều hành quân
Qua những đồi hoa sim
Những đồi hoa sim
những đồi hoa sim dài trong chiều không hết
Màu tím hoa sim
tím chiều hoang biền biệt
Có ai ví như từ chiều ca dao nào xưa xa
Áo anh sứt chỉ đường tà
Vợ anh chưa có mẹ già chưa khâu
Ai hỏi vô tình hay ác ý với nhau
Chiều hoang tím có chiều hoang biết
Chiều hoang tím tím thêm màu da diết
Nhìn áo rách vai
Tôi hát trong màu hoa
Áo anh sứt chỉ đường tà
Vợ anh mất sớm, mẹ già chưa khâu…

Màu tím hoa sim, tím tình trang lệ rớm
Tím tình ơi lệ ứa
Ráng vàng ma và sừng rúc điệu quân hành
Vang vọng chập chờn theo bóng những binh đoàn
Biền biệt hành binh vào thăm thẳm chiều hoang màu tím
Tôi ví vọng về đâu
Tôi với vọng về đâu
Áo anh nát chỉ dù lâu…

(1949, khóc vợ Lê Đỗ Thị Ninh)

Nguồn: http://tuanvietnam.net/2010-03-19-huu-loan-nguoi-di-bo-nguoc-chieu

This entry was posted in văn hoá and tagged . Bookmark the permalink.