Timo Robben (taz, Berlin 03/11/2013)
Mỹ Nga dịch
Người lớn tuổi vẫn còn tin tưởng vào chủ nghĩa Cộng sản, người trẻ tuổi thì nghĩ khác, nhưng không lớn tiếng.
HANOI (taz) – Nguyễn Thị Biên (*) sống với một giấc mơ, nhưng không phải là giấc mơ của riêng cá nhân cô mà là của đảng Cộng sản Việt Nam. Bộ chính trị mơ có sự „tiến bộ“, „phát triển“ và „lợi nhuận“. Chính vì thế mà cô gái trẻ này đã phải ghi tên vào đại học sau khi đậu tú tài như những cô tú cậu tú của nước Việt Nam.
Đã từ lâu, Biên không còn tin tưởng vào chế độ CS. „Để có sự tiến bộ, cần phải có chế độ tư bản. Cần phải có một hệ thống cạnh tranh (đa đảng) để từ đó có thể chọn ra một đảng tốt nhất, phục vụ tốt nhất cho dân“. Đó là lời phát biểu của cô gái 23 tuổi. Nhưng trong bối cảnh chính trị của Việt Nam cô không thể công khai tranh đấu, vì thế cô chỉ tự tranh đấu với chính nội tâm mình.
Đã lâu lắm rồi, từ lúc máy bay B-52 của Mỹ dội bom Hà Nội. Năm 1975 chiến tranh chấm dứt, năm 1976 thống nhất hai miền Nam Bắc Việt Nam. Giữa thập biên 80 bắt đầu có những cải tổ về „kinh tế thị trường“. Tuy nhiên, những xung đột dằng co giữa Tư bản và Cộng sản ở Việt Nam trước sau vẫn hiện hữu – hiện hữu ngay trong đầu óc người dân.
Xã hội đã bị phân chia. Trong khi thế hệ lớn lên với chiến tranh vẫn còn tin tưởng vào các nhà lãnh đạo của họ thì các thế hệ trẻ như Biên không thể nào tiếp tục nhắm mắt trước những tệ nạn tham nhũng của các quan quyền trong nước. Những người trẻ này thực sự đòi hỏi một chế độ, một chế độ mà nhiều người trước đó đã bao năm chiến đấu chống lại – chế độ Tư bản.
Máy vi tính – ngưỡng cửa nhìn ra thế giới
Vừa mới đây thôi, ngài Viện trưởng đại học đã trân trọng trao tận tay Biên tấm bằng tốt nghiệp Bachelor ngành Anh văn, bây giờ về nhà, cô thay áo, vuốt nhẹ chiếc áo đẹp, cởi phăng đôi giày cao gót vất vào một góc, rồi cô mặc chiếc quần Jean và T-Shirt ngồi trên giường trong căn phòng thời thơ ấu thật đơn giản của cô ở phía nam Hà Nội: một tấm đệm dưới đất, một bàn học kê ở góc nhà, vài tấm hình gia đình treo trên tường. Cô không được phép mở cánh cửa ban công, vì cha mẹ cô cho rằng mở ra sẽ rất nguy hiểm.
Nghe thế, Biên chỉ nhíu mày, cô biết những điều cấm cản đó là không đúng. Cửa sổ nhìn ra thế giới của cô vẫn đang nằm trên bàn học – đó là chiếc máy vi tính. „Đảng dạy mọi người rằng, con người trên thế giới này bị đoạ đày dưới chế độ Tư bản. Nhưng sao tôi lại thấy họ đang được thụ hưởng từ chế độ đó. Những người trẻ ở Âu Châu có toàn quyền làm những gì họ ưa thích“, cô gái trẻ 23 tuổi tự nhủ bằng một giọng hậm hực bực bội, như đang muốn phân bua với cha mẹ cô rằng chính cô cũng cần cái tự do đó.
Cha mẹ cô sống ở tầng ba. Một tầng trên lầu cô ở. Ở Việt Nam, cha mẹ ở tầng trên, con cái ở tầng dưới là chuyện thường tình. Biên học ngành sư phạm Anh văn. Cô gái trẻ thổ lộ „Nhưng tôi không muốn đi dạy học, tôi thích làm việc cho các tổ chức phi chính phủ (NGO: non-governmental organization) hơn. Tôi muốn cho mọi người biết đất nước tôi và tạo thêm được nhiều mối dây thông cảm“. Tuy nhiên, Biên không có quyền tự quyết định. Cha mẹ sẽ hướng dẫn cô phải đi theo đường nào. Lấy chồng và đẻ con là những điều tiên quyết trong cuộc đời của con người.
Cha mẹ hiểu biết hơn
Dĩ nhiên Biên rất thích đi du lịch, đi đây, đi đó để mở mắt thêm chút ít về thế giới bên ngoài. Cô nói tiếp: „Tuy nhiên tôi vẫn muốn ở lại với cha mẹ tôi“. Thật ra cũng tốt cho cô khi cô tin tưởng được rằng lúc nào cũng có ai đó bên cạnh cô, giúp đỡ cô. „Tôi sẽ không bao giờ trái lời cha mẹ tôi, dù ông bà rất nghiêm ngặt với tôi, nhưng cha mẹ tôi biết rõ điều gì là tốt nhất cho tôi. Cha mẹ tôi có nhiều kinh nghiệm hơn tôi, điều này tôi rất tôn trọng“.
Biên tìm cách giải bày cảm nghĩ của cô. „Người VN chúng tôi không cần phải tự lo nghĩ cho mình, mọi vấn đề đã có cha mẹ và nhà nước lo. Chính vì thế mà tất cả đều trở nên quá thụ động“, cô ta tự phê bình và nhìn xuống đất. Ở Việt Nam người ta tránh cãi vã xung đột. Không ai muốn bị mất sĩ diện cả. „Những xung đột đó chỉ được giữ trong nội tâm của tôi“.
Biên cân nhắc, cố giữ thăng bằng giữa truyền thống và hiện đại, giữa phục tùng và tự quyết. Đã từ lâu Biên xem cha mình – một sĩ quan cảnh sát – là thần tượng. Nhưng rồi Internet qua những quảng cáo khuyến mại đã đưa chuyện „bình đẳng của phái nữ“ theo kiểu „Avril Lavigne“ (cô ca sĩ người Gia Nã Đại) đến tận căn phòng cô ở. Cha mẹ Biên cho rằng chạy ván trượt (skateboard) rất nguy hiểm, vì thế cô phải lén lút đi ván trượt với các bạn ở ngoại ô.
„Lúc này Avril Lavigne khuấy động như một cô công chúa“, Biên tỏ ý thất vọng về thần tượng của cô. Dù nay cô đã bỏ cuộc, không còn chống đối bố mẹ, nhưng cô vẫn không muốn theo nghề của cha. Sự chống đối của cô chưa bao giờ vượt qua được bức rào cản của cha mẹ. Bây giờ cô chỉ còn ngồi post hình những chiếc áo cưới lên mạng.
Một đôi tình nhân kiểu mẫu của thập niên 80
Năm thiếu tướng Phạm Ngọc Lan 23 tuổi thì ông có những lo âu khác. Chiến tranh chống Pháp rồi đến chống Mỹ đã để lại nhiều dấu ấn vào cuộc đời ông. Đến ngày nay ông tướng hồi hưu vẫn còn mặc quân phục với rất nhiều huy chương gắn trên ngực áo. Hồ Chí Minh đã tuyên dương và tự tay gắn chiếc „huy chương bác Hồ“ cho người phi công đã bắn rơi chiếc máy bay đầu tiên của Mỹ trong chiến tranh Việt Nam.
Ông cụ 79 tuổi cũng tranh đấu. Không tranh đấu với chính mình mà là với kẻ thù, một kẻ thù đã từ lâu không còn hiện hữu. „Ngày nào tôi còn sống, ngày đó tôi còn dâng hiến cuộc đời tôi chống những thế lực nước ngoài có ác tâm muốn chúng tôi lầm đường lạc hướng“, ông ta tuyên bố như thế. Đảng chỉ sao chép lại những khía cạnh tốt của chế độ Tư bản mà thôi.
Ông cụ không cảm thấy ngượng ngùng khi tuyên bố những lời dao to búa lớn. Bà vợ ngồi bên cạnh ông ta. Hai vợ chồng là đôi tình nhân tình tứ nhất, hào nhoáng nhất của nước Việt Nam đã thống nhất. Một anh hùng dân tộc trẻ tuổi và một cô giáo hấp dẫn lôi cuốn. Ngày nay, hai ông bà vẫn còn rất hãnh diện khi kể lại những điều này. Kể cả ông nhiếp ảnh gia, người mà chính Phạm Ngọc Lan mời chọn cho cuộc phỏng vấn, cũng không thể không chụp những tấm ảnh cho riêng ông tướng và bà vợ yêu nhất đời của ông ta.
Cái thời mà ông bà Tướng từng là người mẫu, biểu tượng cho những cặp tình nhân toàn hảo nhất của thời đại, thực ra đã qua lâu lắm rồi. Thế hệ của cô Biên bây giờ chỉ chú ý tới những thăng trầm trôi nổi của các loạt phim TV hơn là chú ý đến những cặp tình nhân già nua trang nghiêm đã từng một thời là anh hùng dân tộc. Những nhà chính trị ngày nay cũng không còn như xưa, tướng Phạm Ngọc Lan phàn nàn. „Đa số những người này đã không biết chiến tranh là gì“. Tất cả, không trừ một ngoại lệ nào, những gì ông Pham Ngọc Lan tuyên bố đều được các bạn của ông ta và bà vợ gật đầu đồng ý. Ông nói thêm „Nhưng đa số họ vẫn là những người tốt, họ đặt lòng tin vào người dân trong nước“.
Ông Tướng cười chảy nước mắt
Về đề tài „dân chủ“, ông ta chỉ nhắc đến một giai thoại: „Vài năm trước đây, trong một buổi tiệc mừng ngày Việt Nam độc lập, tôi có gặp một người lính Mỹ“, ông Tướng kể lại, „hôm ấy, người lính Mỹ có lên nói vài lời với cử tọa. Câu chuyện xoay quanh đề tài dân chủ. Tôi hỏi anh ta, có cái gì hay ho về cái chế độ dân chủ của anh ta“.
Anh lính Mỹ kể thí dụ về tự do tư tưởng: „Bất cứ lúc nào, người Mỹ nào cũng có thể chỉ trích Tổng Thống Mỹ“. Tướng Lan giả bộ ngừng một chút rồi cười cười kể tiếp „Tôi bảo với anh ta rằng, VN cũng dân chủ vậy. Mỗi người dân VN, ở đây, bất cứ lúc nào, ai ai cũng có thể chỉ trích Tổng Thống Mỹ“. Nói xong ông Tướng cười phá lên, cười đến chảy nước mắt. Bà vợ ông ta và các bạn ông cũng cười theo.
„Thế hệ già vẫn còn tin vào chế độ CS“, Biên nói như thế. Về câu chuyện diễu cợt của ông Phạm Ngọc Lan, Biên không thể cười theo được. Cả hai đều sống trong cùng một huyện ở Hà Nội. Ông Tướng già là một người có tên tuổi trong vùng. „Thế hệ này khi nói đến Tây phương là liên tưởng đến bom đạn và chết chóc. Họ suy nghĩ hoàn toàn khác tôi“, Biên kết luận. Tối nay Biên sẽ đi xem xi nê với các bạn của cô, xem những phim ảnh mới nhất của Holywood. „Tư tưởng của Hồ Chí Minh không còn hợp thời nữa, và các nhà chính trị ngày nay đương nhiên chỉ còn nghĩ đến tiền“.
Kẻ thù Trung Quốc
Tuy vậy Biên là người yêu nước. Cô ta yêu quê hương của cô ta. Ví dụ như ở VN cho phép được đi biểu tình, có lẽ cô ta sẽ không biểu tình chống đối sự kiểm duyệt của chính phủ độc đảng, mà là sẽ đi biểu tình để chống đối Trung Quốc. Phân nửa Đông Nam Á tranh cãi đòi chủ quyền của quần đảo Trường Sa nằm trong biển Đông – trong đó có VN. Cô gái 23 tuổi nói tiếp: „Sự xung đột đã kéo dài từ lâu rồi. Trung Quốc vẫn khư khư nói là quần đảo này không thuộc về VN. Nhưng sự thực quần đảo này là của Việt Nam“.
Trong cuộc đời của cô, biên giới ngăn chia đóng một vai trò rất quan trọng. Tuy dù cô không thể nới rộng hay vượt qua được cái biên giới ngăn chia của chính bản thân cô thì ít ra cô cũng muốn giữ trọn được cái biên giới của đất nước mà cô đang sống.
Để nước xã hội chủ nghĩa Việt Nam có thể hoàn toàn đi theo con đường riêng rẽ đã được vạch ra, tướng Phạm Ngọc Lan đã hy sinh cả cuộc đời của ông ta cho chiến tranh. Cô Biên cũng không thể đi theo con đường của riêng mình, mà là đi theo con đường đã được chỉ định. Ngay từ lúc còn học tiểu học, các học sinh đã phải tập đi „quân hành“. „Chúng tôi luôn luôn phải học thuộc lòng, không ai được phép hỏi gì cả“, Biên thổ lộ. „Nhưng bây giờ, giới trẻ bắt đầu suy nghĩ cho riêng mình. Tôi hy vọng, một ngày nào đó chúng tôi có thể đi theo một hành trình khác“.
T. R.
Mỹ Nga dịch ở Udenheim, CHLB Đức, 06/11/2013
(*) tên nhân vật đã được thay đổi (không phải tên thật, ký giả muốn tránh cho nhân vật bị nhà nước trù dập, nguyên bản viết là Thi Bian Nguyen, người dịch đổi thành Nguyễn Thị Biên cho thích hợp với tiếng Việt)
(**) các chữ nghiêng trong ngoặc đơn là chú thích của người dịch
Nguồn: Generationenkluft in Vietnam – Abmarsch in die Zukunft, Timo Robben, báo taz, Berlin 03/11/2013