Gửi cho BBC từ Sài Gòn
Một cuộc họp đặc biệt, Hội nghị trung ương 3 khóa 18 của đảng Cộng sản Trung Quốc, đang được tổ chức từ ngày 9 đến 12/11/2013, nhằm đưa ra “những cải cách sâu sắc, toàn diện”.
“Những sai trái trong hệ thống và cơ chế phải bị loại bỏ” – như một nội dung trong thông báo sau phiên họp do Tổng bí thư Tập Cận Bình chủ trì, cho thấy Trung Quốc đang muốn thực hiện mục tiêu chưa có tiền lệ tính từ thời Cách mạng Văn hóa đến nay.
Những lĩnh vực sẽ phải cải cách mạnh mẽ, gồm thủ tục hành chính, các ngành công nghiệp độc quyền, đất đai, hệ thống thuế và tài chính, quản lý tài sản nhà nước, chính sách mở cửa và cải cách. Theo đó, chính phủ sẽ sử dụng các công cụ thuế và tài chính để giám sát thị trường ở tầm vĩ mô.
Điểm trùng hợp là hội nghị trung ương 3 của Trung Quốc diễn ra cùng thời gian với kỳ họp quốc hội cuối năm 2013 tại Việt Nam.
Nội tình Đảng cộng sản và Quốc hội Việt Nam có lẽ cũng đang diễn ra “những cải cách chưa từng có”, kể từ thời điểm ban hành hiến pháp 1992 đến nay. Trong suốt nửa đầu năm 2013, lần đầu tiên chính thể được xem là “toàn trị” ở quốc gia này buộc phải chấp nhận một kiến nghị chưa từng có của gần 15.000 công dân về bãi bỏ chế độ độc đảng cùng một số nội dung liên quan đến tính độc quyền trong các lĩnh vực then chốt.
Tuy nhiên cho tới nay, điều được hy vọng về một cuộc cải cách chưa từng có ở Việt Nam lại đang được Ban thường vụ quốc hội hứa hẹn sẽ chưa từng có một thay đổi đáng kể nào, từ điều 4 Hiến pháp về chế độ “đảng lãnh đạo toàn diện” đến các tranh cãi về tên nước, lực lượng vũ trang, tổ chức nhà nước, sở hữu đất đai, kinh tế quốc doanh và độc quyền doanh nghiệp nhà nước…
‘Đặc quyền đặc lợi’
“Sự đổi thay này không xảy ra vào các nhiệm kỳ chấp chính của những đời tổng bí thứ trước đây như Giang Trạch Dân và Hồ Cẩm Đào, mà lại xảy ra có phần đột ngột trong khẩu khí “diệt cả ruồi lẫn hổ” của tổng bí thư mới là Tập Cận Bình”
Một phác thảo của Hội nghị trung ương 3 tại Trung Quốc đáng được chú ý: Trong lĩnh vực công nghiệp độc quyền, nhà nước sẽ dỡ bỏ kiểm soát đối với việc nhập khẩu dầu khí. Ngành công nghiệp viễn thông sẽ được tái tổ chức nhằm khuyến khích cạnh tranh.
Đầu tư vào ngành đường sắt sẽ được đa dạng hóa, ngành điện và hệ thống giá điện sẽ được cải cách.
Sau mấy thập niên đóng kín, một số ngành kinh tế “mũi nhọn” như đường sắt, viễn thông, dầu khí và cả ngân hàng đang có cơ may được trút bớt gánh nặng độc quyền sang các thành phần kinh tế khác.
Nhưng đáng chú ý hơn, sự đổi thay này không xảy ra vào các nhiệm kỳ chấp chính của những đời tổng bí thứ trước đây như Giang Trạch Dân và Hồ Cẩm Đào, mà lại xảy ra có phần đột ngột trong khẩu khí “diệt cả ruồi lẫn hổ” của tổng bí thư mới là Tập Cận Bình.
Mới vào giữa năm nay, nguyên bộ trưởng đường sắt Lưu Chí Quân của Trung Quốc đã bị kết án tử hình vì tội nhận hối lộ và lạm quyền.
Từ tháng 6/2013, Trung Quốc đã hai lần phải giảm quyền trong phê duyệt dự án. Khoảng 310 loại phí do chính quyền địa phương lập nên đã bị xóa bỏ…
Trong khi đó, ở Việt Nam vẫn chưa có bất cứ tín hiệu nào về công cuộc xóa bỏ nạn độc quyền và đặc lợi.
Sau những phát hiện đột biến vào năm 2011, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam cùng với Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã bị báo chí và dư luận người dân xem là một trong những thủ phạm đẩy nền kinh tế vào tình trạng tiêu điều do đầu tư trái ngành cùng số lỗ trên 40.000 tỷ đồng, kéo theo các chiến dịch tăng giá xăng dầu không ngừng nghỉ nhằm trút lỗ lên đầu 90 triệu dân chúng, gần 4 triệu đảng viên, 2 triệu công chức và toàn bộ lực lượng vũ trang.
Cũng cho tới nay, tấm lưng còng người dân Việt Nam vẫn phải “cõng” đến 432 loại phí – một trong những biểu tả đậm đà nhất nhằm hoàn chỉnh “nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”.
“Nguồn gốc tội ác”
Một cải cách dự kiến khác cũng rất đáng lưu tâm của Trung Quốc là điều chỉnh cơ chế sở hữu đất đai. Từ nhiều năm qua, tình trạng thu nhập của chính quyền địa phương phụ thuộc tiền bán đất chính là một trong những nguyên nhân gây ra quá nhiều tranh chấp giữa chính quyền và người dân.
Khiếu kiện và biểu tình đất đai cũng là một vấn nạn ở Trung Quốc trong nhiều năm qua. Mỗi năm, quốc gia đông dân nhất thế giới này lại xảy ra đến hàng trăm ngàn cuộc khiếu kiện, so với hàng chục ngàn ở Việt Nam.
Lần này, ban soạn thảo kế hoạch cho Hội nghị trung ương 3 Trung Quốc đã đề xuất cho phép đất sở hữu tập thể và đất sở hữu nhà nước được gia nhập thị trường đất phi nông nghiệp.
Theo đó, nông dân có quyền sở hữu tập thể trong việc bán đất và được đền bù thỏa đáng dựa trên tiêu chuẩn thị trường. Chính quyền địa phương sẽ không còn được mua đất của dân với giá quá thấp rồi bán lại cho các công ty xây dựng hoặc doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh với giá cao hơn nhiều. Cải cách trong lĩnh vực này được đề xuất tiến hành trong 3 giai đoạn: 2013-2014, 2015-2017 và 2018-2020.
Nếu chế độ sở hữu đất đai được mở rộng sang hình thức tập thể ở Trung Quốc, đó sẽ là cơ hội cho chính thể của quốc gia này được gia cố hơn trong con mắt dân chúng.
Nhưng ở Việt Nam, sau vụ người nông dân Đoàn Văn Vươn năm 2012, dường như những người cầm quyền vẫn chưa rút ra được một bài học sắc giá nào về lòng dân và câu chuyện nước nâng thuyền nhưng cũng sẽ lật thuyền. Trên toàn quốc vẫn diễn ra không ngớt các cuộc thu hồi đất bất công và dẫn tới những cuộc cưỡng chế thô bạo, đôi khi làm chết dân. Người ta có thể chứng kiến nhan nhản tình trạng này trong mấy năm qua ở Bắc Giang, Nam Định, Hưng Yên, Bắc Ninh, cả Dương Nội thuộc ngoại thành Hà Nội, hoặc Thủ Thiêm ở TP.HCM…
Nguồn cơn được nhiều người dân xem là “nguồn gốc tội ác” mà đã gây ra nạn cường hào ác bá cướp bóc đất đai chính là chế độ sở hữu đất đai toàn dân, mà cho đến nay vẫn không được thay đổi, bất chấp quá nhiều kiến nghị của các nhóm trí thức, nhân dân trong nước và ở hải ngoại.
Cải cách hay là chết?
“Theo giới quan sát, Bộ chính trị Bắc Kinh đang phải đối mặt với nguy cơ sụp đổ, và tương lai đó sẽ không kéo dài quá lâu, từ 7-10 năm tới”
Dù vậy, não trạng của những người trong đảng vẫn hầu như chưa thoát khỏi “bóng đè” của “sở hữu đất đai toàn dân.”
Bất chấp việc quyền định đoạt và mua bán phải thuộc về người dân, cho tới nay Ủy ban thường vụ quốc hội vẫn thay mặt cho “tuyệt đại đa số cử tri” để thể hiện chỉ đạo của tổng bí thư về “Cương lĩnh đảng quan trọng hơn hiến pháp”, tức nhiều khả năng sẽ không có bất kỳ thay đổi nào về chế độ sở hữu đất đai trong hiến pháp mới.
Thậm chí, vấn nạn mà dân oan kêu gào khắp nơi về việc thu hồi đất đối với “các dự án kinh tế – xã hội” vẫn đang được duy trì một cách đầy nghi ngờ. Gần đây, những tờ báo trong nước đã phải hé lộ về những vụ “lobby” chính sách nào đó của các nhóm lợi ích bất động sản kết hợp với các nhóm thân hữu chính trị.
Chính đảng cầm quyền ở Trung Quốc sẽ không thể tồn tại nếu không tự thay đổi. Sự thay đổi ấy sẽ phải thể hiện bằng một cuộc cải cách, nếu không đủ xứng đáng làm nên một cuộc cách mạng toàn diện thì tối thiểu cũng phải giúp cho chế độ độc đảng có lý do để kéo dài thêm một thời gian nữa.
Theo giới quan sát, Bộ chính trị Bắc Kinh đang phải đối mặt với nguy cơ sụp đổ, và tương lai đó sẽ không kéo dài quá lâu, từ 7-10 năm tới.
Được xem là người bạn “môi hở răng lạnh” và gắn bó với những người đang muốn khuếch trương chủ thuyết “Nhân nghĩa lễ trí tín” của Khổng Tử, đảng cầm quyền ở Việt Nam sẽ phải tự tìm ra một lối thoát cho mình để không phải rước lấy nỗi căm phẫn hồi tố vẫn đang trên đà trào dâng dữ dội của đại đa số dân chúng.
“Cải cách hay là chết!” – một số quan chức Việt Nam đã thốt lên bức cảm thầm kín ấy bên ngoài hành lang, ngay sau khi kết thúc những cuộc họp chi bộ và thảo luận nghị trường đầy tính khoa trương và giáo điều.
P. C. D.
Nguồn: http://www.bbc.co.uk/vietnamese/forum/2013/11/131110_china_reform_vn_impacts.shtml