Làm cái việc chẳng ai mời, là phản biện quy hoạch phát triển sản xuất lúa vụ thu đông của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tự thấy mình quá dại, làm thinh tốt hơn. Nhưng mà, nhưng mà… nghĩ đến quyền lợi của nông dân và cả của bản thân, có thể sẽ bị “ép dân tự nguyện là lúa vụ 3” như báo Lao Động đã đăng, nên phải làm chuyện dại dột. Mà, sao là người dại? Sao là người khôn?
Bộ Nông Nghiệp và Phát triển nông thôn tăng diện tích sản xuất lúa vụ 3 đến năm 2020 khoảng 1 triệu ha ( tăng khoảng 350.000 ha so với hiện nay) với lý do chủ yếu là tăng thu nhập cho nông dân khi làm 3 vụ lúa một năm và tăng hiệu quả xã hội. Báo cáo viết:
“ So với loại hình 2 vụ thì loại hình 3 vụ lúa cao hơn hẳn về hiệu quả kinh tế – xã hội, thể hiện: GTSP và thu nhập tăng gấp 1,3 -1,5 lần… (đây là phần hiệu quả xã hội, tức là nông dân nai lưng làm bệ đỡ cho các ngành khác làm giàu nên tôi không trích).
Xét về thu nhập nông hộ trên 80% hộ trồng lúa có quy mô dưới 1 ha, thì việc tăng thêm 1 vụ là cứu cánh cho tăng thu nhập cho một vùng hiện có ít lợi thế phát triển các khu công nghiệp. Ở qui mô 1,5 ha/ hộ thì nếu làm 2 vụ thì chỉ đủ ăn, nhưng nếu làm thêm 1 vụ có thể tích lũy khá lớn, mà giữa đủ ăn và tích lũy là khoảng cách rất lớn đối với người dân nông thôn, với hộ có khoảng 1 ha có thể thoát nghèo vững chắc” (hết trích).
Về hiệu quả xã hội, nông dân làm vụ 3 thì Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn được báo cáo thành tích tăng sản lượng lúa gạo cả năm, doanh nghiệp phân bón và thuốc bảo vệ thực vật bán được nhiều hơn nên có nhiều lợi nhuận hơn, Hiệp hội lương thực Việt Nam (VFA) ăn lời đầu tấn nên nhiều lúa gạo thì thu lời nhiều hơn… Đó là những lĩnh vực ăn theo, dù đang ăn trên đầu trên cổ của nông dân nên không thể là lý do chính đáng để tăng lúa vụ 3.
Trong bài viết: “Độc canh 3 vụ lúa một năm là một chủ trương sai lầm duy ý chí” đăng trên Bauxite Việt Nam tôi đã nêu rõ:
“Đúng ra, làm lúa vụ 3 hay không phải căn cứ vào 3 yếu tố chính: i) lợi ích của nông dân; ii) lợi ích về mặt kinh tế; iii) đảm bảo các yêu cầu nông học”.
Vậy mà Báo cáo chỉ nói một cách phiếm diện về lợi ích của nông dân làm lúa vụ 3, mà không hề xét đến lợi ích về mặt kinh tế và các yêu cầu nông học.
Vậy nông dân làm 3 vụ lúa 1 năm thu nhập cao hơn nông dân làm 2 vụ lúa một năm, có phải là lý do chính đáng để tăng diện tích lúa vụ 3 không?
Câu trả lời là: Không, vì lúa gạo đang dư thừa, nên tăng sản lượng sẽ giảm càng giảm giá lúa gạo của nông dân.
Năm 2013 này nông dân bán lúa từ lời chút đỉnh đến hòa vốn, VFA tuyên bố lúa gạo thế giới đang dư thừa, nên lúa gạo Việt Nam không có khách hàng.
Khi được hỏi về việc VFA mua lúa cho nông dân giá quá thấp, nông dân không có lời, ông Trương Thanh Phong Chủ tịch VFA kiêm Tổng giám đốc Tổng công ty lương thực miền Nam tuyên bố: “ Đừng nói lời lỗ lúc này. Hãy trả lời câu hỏi muốn bán hay để lại cho vịt ăn”.
Lúa gạo nông dân làm ra do dư thừa nên phải bán tống bán tháo dù giá bằng hoặc thấp hơn giá thành, nếu không chỉ còn cách cho vịt ăn, vậy tăng thêm diện tích lúa vụ 3 tức là tăng thêm sản lượng lúa gạo sẽ chỉ làm cho lúa gạo Việt Nam thêm mất giá.
Lúa gạo dư thừa phải bán với giá thấp, mà bỏ ra đến 27.800 – 28.500 tỷ để đầu tư làm thêm lúa gạo, là điều hết sức kỳ cục xét về mặt kinh tế.
Nói rằng giá lúa vụ 3 cao, nên tăng diện tích lúa vụ 3, thể hiện một cái nhìn phiến diện, chỉ biết cái bộ phận mà không nhìn dược cái toàn thể giữa cung và cầu, gây hại cho nông dân làm lúa 2 vụ.
Cách thu thập số liệu trong báo cáo cũng không khoa học chẳng có giá trị về mặt thống kê.
Để chứng minh làm lúa vụ 3 có hiệu quả báo cáo sử dụng “Bảng 2: Hiệu quả kinh tế các vụ lúa và các loại hình sử dụng đất lúa vùng ĐBSCL (năm 2011)”, với ghi chú “Năm 2011 là năm có giá nhất trong các năm qua, và tăng dần trong năm”.
Chỉ lấy năm 2011 là năm có giá cao nhất, giá lại tăng dần từ vụ đông xuân đến vụ 3, liệu có tiêu biểu cho hiệu quả lúa vụ 3 từ trước đến nay không? Còn những năm giá lúa vụ 3 thấp hơn vụ đông xuân thì sao? Sao không lấy bình quân nhiều năm, sao không lấy năm gần nhất 2013 khi nông dân bán lúa bằng với giá thành?
Không thể lấy số liệu hiệu quả về giá cả của duy nhất năm 2011 là năm giá tăng đột biến, mà định hướng cho việc tăng diện tích lúa vụ 3 trong tương lai đến năm 2020.
Ở bảng 3: Hiệu quả sản xuất 2 vụ lúa và 3 vụ lúa ở tứ giác Long Xuên và Đồng Tháp Mười, đưa ra số liệu năng suất đông xuân của lúa 2 vụ và lúa 3 vụ bằng nhau và bằng 6,72 tấn, năng xuất hè thu bằng nhau và bằng 4,86 tấn là một số liệu không chính xác, vì trong thực tế năng xuất đông xuân và hè thu của đất làm lúa 2 vụ thường cao hơn năng suất đông xuân và hè thu của đất làm lúa 3 vụ.
Thí dụ: năng suất vụ đông xuân của đất lúa 2 vụ thường khoảng 7 tấn/ ha, thì năng suất vụ đông xuân tương ứng của lúa 3 vụ chỉ khoảng 6 -6,5 tấn/ ha, vụ hè thu cũng thấp tương tự, cho nên sẽ có hiện tượng, làm lúa 3 vụ sản lượng cả năm tăng nhưng lợi nhuận không tăng hoặc tăng ít so với làm lúa 2 vụ.
Tôi là nông dân có 2 ha làm lúa 3 vụ, và 6 ha làm lúa 2 vụ, tôi biết chắc rằng: Làm 3 vụ lúa một năm năng suất từng vụ rất bấp bênh có năm được năm mất, năm có hiệu quả năm không, do đất bị bạc màu và sâu bệnh tăng cao, mà đất của tôi đê bao là tuyến dân cư khép kín với trục lộ giao thông nên không tốn tiền đắp đê và duy tu bảo dưởng đê, vậy nay, bỏ ra 45 – 50 triệu đồng/ ha để đầu tư làm lúa vụ 3 liệu có hiệu quả không?
Chỉ riêng việc đắp đê phải đầu từ 20.000 – 22.000 tỷ đồng, nhưng sau đó nông dân phải sửa chữa và duy tu đê, vậy tiền sua chữa và duy tu đê mỗi năm là bao nhiêu? Đưa hết việc chi phí đắp đê và duy tu sửa chữa đê vào giá thành sản xuất lúa so với giá lúa hiện nay, liệu nông dân còn lời khi sản xuất vụ 3 không?
Quy cách đắp đê làm lúa vụ 3 như thế nào? Cao bao nhiêu? Mặt đáy bao nhiêu? Bề mặt bao nhiêu để bảo đảm nông dân ăn chắc lúa vụ 3 cũng không thấy nói.
Để tăng thu nhập cho nông dân thì báo cáo chỉ dựa vào 3 yếu tố: i) Tăng vụ ii) Nhân rộng loại hình cho hiệu quả vượt trội so với hiện tại iii) Tăng cường thâm canh tăng năng suất.
Ở đây, ta thấy, yếu tố quan trọng nhất để tăng thu nhập cho nông dân là tăng giá lúa, đã không được đề cập đến.
Yếu tố quan trọng nhất trong việc tăng thu nhập cho nông dân, đó là yếu tố tăng giá lúa, thì báo cáo không hề nói , cho nên, nông dân hiện nay làm cực như trâu nhưng nghèo vẫn hoàn nghèo.
Tôi có phương pháp tăng thu nhập cho nông dân, bằng cách tăng giá bán và giảm sản lượng, bảo đảm nông dân tăng thu nhập và sướng thân hơn cách tăng lúa vụ 3 do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề ra, xin được nêu ra đây:
Cách này, dựa từ nguyên tắc hễ lúa gạo thiếu ( cung thấp hơn cầu) thì giá lúa sẽ tăng.
Lấy 27.800 – 28.500 tỷ đồng để đầu tư làm lúa vụ 3 xây dựng khoảng 4-5 triệu tấn kho, xin tiến cử luôn Tiến sĩ Phạm Văn Tấn Phân viện cơ điện nông nghiệp và Công nghệ sau thu hoạch chủ trì việc xây kho này.
Sau khi có kho, bắt tay hợp tác với Thái Lan nâng cao giá bán gạo xuất khẩu bằng cách không bán gạo giá thấp ra thị trường thế giới. Việt Nam và Thái Lan không bán ra thị trường khoảng 15 triệu tấn gạo, thì Việt Nam và Thái Lan hoàn toàn có thể ấn định được giá gạo trên thị trường thế giới.
Đọc đến đây, có người sẽ cho rằng, tay Hoàng Kim này hoang tưởng, nhưng tôi cam đoan đề nghị của tôi rất khả thi, xin được tiếp tục trình bày.
Hiện nay, Chính phủ Thái Lan đang thực hiện chính sách mua lúa giá cao cho nông dân Thái Lan với giá mua lúa thường lên đến 500 đô la Mỹ/ tấn, còn lúa thơm đến 666 đô la Mỹ/ tấn. Lấy tỷ giá 1 USD = 21.000 đồng Việt Nam thì giá lúa thường là 10.500.000 đồng/ kg, và thơm là 13.986 đồng/ kg.
Vụ đông xuân các lúa thơm jasmin 85, VD 20… cho năng suất rất cao, nông dân Việt Nam có thể làm lúa thơm và bán cho VFA với giá 9.000 đồng/ kg.
Hiện nay, giá lúa chỉ có 4.500 đồng/ kg, nên nếu bán được lúa giá 9.000 đồng/ kg nông dân chỉ cần làm một vụ đông xuân thôi, còn vụ hè thu nghỉ khỏe mà lợi nhuận tăng gấp 4 lần.
Vụ hè thu không làm sẽ khiến cho lúa gạo càng thiếu trên thị trường thế giới, gạo thiếu giá chắc chắn sẽ tăng chứ không giảm, đó là qui luật thị trường.
Đến đây, lại có người nghĩ, chà, cái tay Hoàng Kim này không có đạo đức, không làm ra mấy triệu tấn gạo hè thu thì nhân dân nghèo thế giới lấy gì mà ăn.
Xin trả lời: Lúc đó chính phủ các nước có nhân dân nghèo cứ đến Việt Nam ký hợp đồng thỏa thuận giá cả rồi Việt Nam sẽ mần lúa gạo cho ăn, chứ không chơi chiêu trò ép giá lúa gạo của Việt Nam như hiện nay.
Mà, tôi nghĩ, để cho nông dân của mình – những người cực khổ làm ra lúa gạo – ngày càng bần cùng vì bị cả thế giới bu vào ép giá mới là vô đạo đức, còn ấn định giá lúa gạo hợp lý tăng thu nhập cho nông dân thì có gì mà mất đạo đức, Thái Lan họ đang làm đấy thôi.
Dù Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ mới lấy góp ý và xác nhận chỉ tiêu với các UBND tỉnh/ thành phố, nhưng tôi chắc rằng quy hoạch tăng lúa vụ 3 lên 1 triệu ha này rồi sẽ được nhiệt liệt thông qua, vì có UBND tỉnh/ thành phố nào dám có ý kiến trái với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, quá lắm là UNBD các tỉnh làm thinh, mà Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã lường trước nên thêm câu thòng đại ý: Sau ngày 15/12/2013 UBND tỉnh/ thành phố không gởi văn bản phản hổi, xem như đồng ý với các chỉ tiêu trong dự thảo quy hoạch.
Mà, tự dưng UBND các tỉnh được làm chủ đầu tư số tiền lên đến 28.500 tỷ để xây dựng đê bao và đầu tư làm lúa vụ 3, thì thử hỏi làm sao UBND các tỉnh từ chối cho được, ông bà ta nói: “ Có làm có ăn”.
Còn những nhà khoa học, những nhà kinh tế và cả nông dân làm lúa không hề được hỏi ý kiến.
Khi UBND tỉnh/ thành phố làm thinh – tức là đồng ý với quy hoạch – nó sẽ trở thành nghị quyết tỉnh đảng bộ, huyện đảng bộ và xã đảng bộ, mà đã là nghị quyết của đảng thì nông dân chỉ được phép thi hành.
Tội nghiệp cho nông dân, lúa không có giá, giá lúa năm 2013 bằng với giá thành, vậy mà vẫn phải xung phong làm lúa vụ 3 để tăng thêm sản lượng lúa gạo.
H. K.
Tác giả gửi trực tiếp cho BVN