Vì sao Trung Quốc chỉ thích đàm phán song phương?

AFP photo/Hoang Dinh Nam. Ông Dương Văn Quang, Giám đốc Học viện Ngoại giao VN đọc diễn văn khai mạc hội thảo "Biển Đông: tăng cường hợp tác vì an ninh và phát triển" tổ chức ở HN hôm 26/11/2009.

AFP photo/Hoang Dinh Nam. Ông Dương Văn Quang, Giám đốc Học viện Ngoại giao VN đọc diễn văn khai mạc hội thảo "Biển Đông: tăng cường hợp tác vì an ninh và phát triển" tổ chức ở HN hôm 26/11/2009.

Những hành động của Trung Quốc trên biển Đông nói riêng và nỗ lực chống “quốc tế hóa biển Đông”, khước từ tham dự các cuộc đàm phán đa phương để giải quyết tranh chấp đã gây nhiều thắc mắc.

Tránh đàm phán đa phương

Những tranh chấp về chủ quyền giữa Trung Quốc và các quốc gia như: Việt Nam, Malaysia, Philippines, Brunei về biển Đông đang nóng theo thời gian.

Trong quá trình đòi chủ quyền trên 80% diện tích vùng biển ở phía Nam Trung Hoa này, Trung Quốc luôn né tránh đàm phán đa phương, với sự tham dự của tất cả các quốc gia có liên quan.

Khi đưa ra các tuyên bố về vấn đề biển Đông, Trung Quốc luôn lặp đi lặp lại rằng, họ chỉ muốn thảo luận song phương với từng quốc gia đang có tranh chấp với họ.

Việt Nam đang làm cho vấn đề trở nên đa phương và đưa nhiều quốc gia ngoài khu vực châu Á can dự vào vấn đề này. Tuy nhiên, chiến lược này sẽ không thành công vì Trung Quốc phản đối bước đi này.

Ông Tô Hạo

Việt Nam thì khác, đang có một số dấu hiệu cho thấy Việt Nam muốn “quốc tế hóa tranh chấp biển Đông”. Cuối tháng 11 năm ngoái, Việt Nam đứng ra tổ chức hội thảo quốc tế “Biển Đông: Hợp tác vì an ninh và phát triển khu vực“. Hội thảo này do Học viện Ngoại giao và Hội Luật gia Việt Nam đồng tổ chức. Có rất nhiều học giả và chuyên gia từ nhiều nơi trên thế giới, kể cả Trung Quốc, tham dự hội thảo này.

Sau hội thảo vừa kể, Trung Quốc lên tiếng phản đối nỗ lực đa phương hóa việc giải quyết tranh chấp biển Đông.

Ông Tô Hạo, Giám đốc Trung tâm quản lý Xung đột và Chiến lược Trung Quốc, nói trên tờ China Daily, hôm  11 tháng 2, rằng: Việt Nam đang làm cho vấn đề trở nên đa phương và đưa nhiều quốc gia ngoài khu vực châu Á can dự vào vấn đề này. Tuy nhiên, chiến lược này sẽ không thành công vì Trung Quốc phản đối bước đi này.

Qua các phương tiện truyền thông của mình, Trung Quốc luôn khẳng định rằng, các tranh chấp với các quốc gia trong khu vực không thể giải quyết bởi “các cơ chế đa phương”, vì đó là “vấn đề song phương,” tức là vấn đề giữa Trung Quốc với từng quốc gia đang có tranh chấp với họ về chủ quyền tại biển Đông.

Giáo sư Carlyle Thayer (người đầu tiên bên phải) tại buổi hội thảo "Biển Đông: tăng cường hợp tác vì an ninh và phát triển" tổ chức ở Hà Nội hôm 26/11/2009. AFP photo/Hoang Dinh Nam

Giáo sư Carlyle Thayer (người đầu tiên bên phải) tại buổi hội thảo "Biển Đông: tăng cường hợp tác vì an ninh và phát triển" tổ chức ở Hà Nội hôm 26/11/2009. AFP photo/Hoang Dinh Nam

Theo Giáo sư Carl Thayer, chuyên gia về Việt Nam tại Học viện Quốc phòng Úc: Trung Quốc đã nói với 10 thành viên trong Hiệp hội các nước Đông Nam Á rằng, họ nên làm việc với nhau trước khi làm việc với Trung Quốc để thảo luận vấn đề Biển Đông.

Mỗi nơi một kiểu

Ngoài việc tranh chấp với các nước ở vùng biển phía Đông Việt Nam, Trung Quốc còn có tranh chấp với Nhật Bản ở ba khu vực trong vùng biển phía Đông Trung Hoa. Một trong những tranh chấp đó liên quan tới bãi đá Okinotori, cách Tokyo khoảng 1.700 km về phía Nam. Trung Quốc không tranh chấp với Nhật về chủ quyền của bãi đá Okinotori, mà chỉ phản đối Nhật khi nước này đòi vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa cho bãi đá này.

Trung Quốc dựa vào điều 121 Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) để phản đối Nhật đòi vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa mở rộng ở Okinotori.

Trong công hàm phản đối Nhật vào đầu tháng 2 năm ngoái, Trung Quốc viện dẫn khoản 3, điều 121 của UNCLOS và cho rằng: Những hòn đá không thích hợp cho con người đến ở hoặc cho một đời sống kinh tế riêng thì không có vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa. Trung Quốc lập luận rằng Okinotori chỉ là một tảng đá, nên không được hưởng vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa như một hòn đảo.

Thế nhưng, ba tháng sau, khi Việt Nam cùng với Malaysia đệ trình bản đăng ký chung lên Ủy ban Ranh giới Thềm lục địa Liên Hiệp Quốc (CLCS), Trung Quốc lại phản đối bản đăng ký đó theo một lập luận khác với lập luận mà Trung Quốc đã phản đối Nhật.

Trung Quốc đã nói với 10 thành viên trong Hiệp hội các nước Đông Nam Á rằng, họ nên làm việc với nhau trước khi làm việc với Trung Quốc để thảo luận vấn đề Biển Đông.

Giáo sư Carl Thayer

Công hàm phản đối của Trung Quốc viết: Trung Quốc có chủ quyền không thể tranh cãi đối với các đảo ở Biển Đông và vùng nước xung quanh, được hưởng những quyền chủ quyền và quyền tài phán bao quanh vùng nước cũng như tầng đất và đáy biển có liên quan… Chính phủ Trung Quốc yêu cầu Ủy ban không xem xét việc đệ trình của nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam”.

Qua công hàm phản đối này, Trung Quốc đã biến “các bãi đá ngầmở biển Đông thành “những hòn đảo”, do vậy nên đòi vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý và thềm lục địa trên các bãi đá này. Bất kể các bãi đá này, tương tự như bãi đá Okinotori, không có đời sống kinh tế riêng, do đó không thể có vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa. Hiện nay, Trung Quốc đang dựa vào các bãi đá vừa kể để đòi chủ quyền khoảng 80% khu vực biển Đông.

Mới đây, trong một buổi họp báo vào giữa tháng 1, ông Mã Triệu Húc, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc, tuyên bố: Đảo san hô Okinotori chỉ khoảng 10 mét vuông trên mặt biển khi nước thủy triều lên. Nó chỉ là một tảng đá, theo Công ước Liên Hiệp quốc về Luật Biển. Không thể đòi vùng đặc quyền kinh tế hay thềm lục địa quanh một tảng đá như thế.

Hội thảo quốc tế về vấn đề "Biển Đông: tăng cường hợp tác vì an ninh và phát triển" tổ chức ở HN hôm 26/11/2009. AFP photo/Hoang Dinh Nam

Hội thảo quốc tế về vấn đề "Biển Đông: tăng cường hợp tác vì an ninh và phát triển" tổ chức ở HN hôm 26/11/2009. AFP photo/Hoang Dinh Nam

Nói cách khác, cùng là bãi đá ngầm nhưng với Nhật thì Trung Quốc bảo Okinotori không thể có vùng đặc quyền kinh tế hay thềm lục địa vì nó không phải là một hòn đảo, không có đời sống kinh tế tự lập. Còn ở khu vực quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, nơi có các bãi đá ngầm như Okinotori thì Trung Quốc lại cho rằng, “các bãi đá ngầm” ấy có đời sống kinh tế độc lập để dựa vào đó đòi vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý và thềm lục địa mở rộng.

Những lập luận mà Trung Quốc sử dụng để phản đối Nhật khi Nhật đăng ký vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa cho bãi đá Okinotori mâu thuẫn với những lập luận mà Trung Quốc sử dụng khi đòi vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa trên các bãi đá ngầm ở biển Đông, trong tranh chấp với Việt Nam và các nước trong khu vực.

Phải chăng vì các lập luận này mâu thuẫn với nhau nên Trung Quốc không thích đàm phán đa phương? Nhật có thể dựa vào lập luận mà Trung Quốc đưa ra để đòi chủ quyền trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa mà bác bỏ phản đối của Trung Quốc về đá ngầm Okitonori.

Tương tự, Việt Nam và các quốc gia khác đang có tranh chấp với Trung Quốc tại biển Đông có thể sử dụng lập luận của Trung Quốc về bãi đá Okinotori để bác bỏ đòi hòi của Trung Quốc.

Nguồn: RFA 15/03/2010

This entry was posted in Hoàng Sa, Ngoại Giao, Trung Quốc, Trường Sa. Bookmark the permalink.