Không có kinh tế nhà nước, già yếu ai lo?

(Khoa Luật, Đại học Kinh tế TP.HCM)

Vậy ở những quốc gia có an sinh, phúc lợi xã hội tốt nhất trên thế giới, họ có cần đến “kinh tế nhà nước đóng vai trò chủ đạo”?.

Khắp nơi, trên các mặt báo, lúc nào chúng ta cũng bắt gặp một góc dành riêng cho những câu chuyện thương tâm. Bệnh nhân hiểm nghèo, chờ chết vì không có tiền chữa bệnh, đang kêu gọi lòng hảo tâm của các độc giả, là hình ảnh cô đọng nhất về phúc lợi an sinh xã hội. Vì đâu? Kinh tế nhà nước ở đâu?

Vì: an sinh xã hội đã được kinh tế nhà nước lo. Nhưng, cách hiểu này cũng cần được trao đổi lại để làm rõ thêm ở một số điểm.

Thứ nhất, an sinh xã hội xưa nay là trách nhiệm của nhà nước chứ không phải của kinh tế nhà nước.

Nguồn tiền chi cho an sinh xã hội có hai dòng chính: do chính người lao động không phân biệt trong DNNN hay DN dân doanh đóng góp, thông qua việc trích một phần quỹ lương, thu nhập của mình hình thành nên các loại quỹ hưu trí, quỹ bảo hiểm, quỹ phúc lợi tự nguyện khác, v.v…

Dòng tiền thứ hai, từ ngân sách nhà nước, trợ giúp cho những người không có khả năng đóng góp các quỹ hoặc các hoàn cảnh đặc biệt khác (trợ cấp xã hội).

Lĩnh lương hưu qua thẻ ATM. Ảnh: Hải Ngọc/ Báo Hải Phòng

Dòng tiền này, có nguồn gốc chủ yếu từ thuế. Mà trong đó, DNNN cũng chỉ là một nhóm chủ thể đóng thuế bình thường bên cạnh các nhóm khác.

Trách nhiệm chính của nhà nước đối với dòng tiền thứ nhất là xây dựng khuôn khổ pháp lý để hình thành, duy trì, phát triển, hạn chế rủi ro trong sử dụng các quỹ hưu trí, bảo hiểm, quỹ phúc lợi tự nguyện.

Đối với dòng tiền thứ hai, nhà nước vừa có vai trò điều tiết thuế, thu thuế thu nhập cá nhân của người giàu, chia sẻ một phần tiền thu được cho người nghèo thông qua các loại trợ cấp xã hội, vừa có vai trò trực tiếp trợ cấp xã hội đúng đối tượng. Hoạt động quản lý các quỹ trợ cấp xã hội, an sinh xã hội của nhà nước không nhằm mục đích kiểm lợi nhuận, làm luật không phải để kiếm tiền, không phải là kinh tế nhà nước.

Thứ hai,cái gì làm nên an sinh, phúc lợi xã hội tốt?

Trong danh sách Top 50 quốc gia có an sinh, phúc lợi xã hội tốt nhất trên thế giới hiện nay, hẳn nhiên là không có tên Việt Nam chúng ta. Các bảng xếp hạng cũng cho thấy điều đó, không có gì phải bàn cãi.

Vậy ở những quốc gia có an sinh, phúc lợi xã hội tốt nhất trên thế giới, họ có cần đến “kinh tế nhà nước đóng vai trò chủ đạo”?. Tại sao chúng ta lại luôn luôn khẳng định một điều duy nhất: “Đương nhiên kinh tế nhà nước phải là chủ đạo. Nếu không chủ đạo thì ai lo an sinh xã hội? Đương nhiên kinh tế nhà nước phải lo rồi”.

Thứ ba, hơn 70% dân cư Việt Nam là nông dân sống ở nông thôn được hưởng gì từ kinh tế nhà nước? Phải chăng từ giá điện, giá xăng ngày càng rẻ hơn? Khi tuổi già, sức yếu, ốm đau bệnh tật họ nương tựa vào con cái, họ hàng thân thích hay trông chờ vào các loại quỹ?

Kinh tế phi nhà nước (kinh tế hộ gia đình, tiểu chủ, tư nhân), trong thực tế, đã, đang và tiếp tục sẽ là nơi nương tựa của đa số cư dân Việt Nam, đặc biệt là người nghèo. Trong mấy năm kinh tế suy thoái vừa qua, Chính phủ cũng đã luôn luôn khẳng định vai trò của khu vực này.

Trong khi đó, ở chiều ngược lại, với quan điểm “phải lo cho an sinh xã hội”, một số DNNN không chỉ đầu tư ngoài ngành, mà họ còn… lấn sân sang một số lĩnh vực khác, như đầu tư tài chính, bất động sản, khai khoáng và khi làm ăn thua lỗ thì được “giải cứu”.

Tất cả những vấn đề này cần phải được Hiến pháp minh định để hiểu cho đúng bản chất.

 

V. T. H.

Nguồn: http://tuanvietnam.vietnamnet.vn/2013-10-29-khong-co-kinh-te-nha-nuoc-gia-yeu-ai-lo-

 

This entry was posted in kinh tế. Bookmark the permalink.