Bài bào chữa:
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
______________________
Long An, ngày 29 tháng 10 năm 2013
BÀI BÀO CHỮA CHO ĐINH NHẬT UY TẠI PHIÊN TÒA HSST 29/10/2013
về “Tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân ” theo khoản 1 Điều 258, BLHS
Kính thưa Hội đồng xét xử
Tôi là Luật sư Hà Huy Sơn – Công ty Luật TNHH Hà Sơn thuộc Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội xin trình bày quan điểm bào chữa cho ông Đinh Nhật Uy như sau:
Điều 258. Tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân
1. Người nào lợi dụng các quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do tín ngưỡng, tôn giáo, tự do hội họp, lập hội và các quyền tự do dân chủ khác xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.
2. Phạm tội trong trường hợp nghiêm trọng thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm.
I. Tóm tắt vụ án:
Ngày 12/06/2013, Cơ quan ANĐT Công an tỉnh Long An ra Quyết định khởi tố vụ án số 02 vụ án về “Tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân ” theo Điều 258, BLHS; cùng ngày ra Quyết định khởi tố bị can đối với Đinh Nhật Uy theo Điều 258, BLHS.
Ngày 12/06/2013, ra Lệnh tạm giam số 01 đối với Đinh Nhật Uy.
Ngày 27/08/2013, ra Bản kết luận điều tra số 03/ANĐT của Cơ quan ANĐT Công an tỉnh Long An.
Ngày 06/09/2013, ra Cáo trạng của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân thành phố Tân An, tỉnh Long An.
Bị tạm giam từ ngày 15/06/2013.
Tiền án, tiền sự: Không.
II. Vi phạm về thủ tục tố tụng:
1. Cơ quan ANĐT Công an tỉnh Long An không có thẩm quyền điều tra đối với tội phạm tại Điều 258 thuộc chương XX, BLHS, hay nói cách khác Quyết định khởi tố bị can số 02 ngày 12/06/2013 đối với ông Đinh Nhật Uy của Cơ quan ANĐT Công an tỉnh Long An là không đúng thẩm quyền.
1.1. Vi phạm điểm 1.2.2 Mục I Thông tư 12/2004/TT-BCA(V19) ngày 23/09/2004 của Bộ Công an, quy định:
“Nhiệm vụ, quyền hạn điều tra tội phạm của cơ quan An ninh điều tra Công an cấp tỉnh
Cơ quan An ninh điều tra Công an cấp tỉnh có các nhiệm vụ, quyền hạn sau:
– Tiến hành điều tra các vụ án hình sự về các tội phạm quy định tại Chương XI, Chương XXIV và các tội phạm quy định tại các điều 180, 181, 221, 222, 223, 230, 231, 232, 236, 263, 264, 274 và 275 của Bộ luật hình sự khi các tội phạm đó thuộc thẩm quyền xét xử của Toà án nhân dân cấp tỉnh,”
1.2. Vi phạm khoản 1 Điều 5 Pháp lệnh về tổ chức điều tra hình sự ngày 23/08/2004, quy định:
“Điều 5. Nguyên tắc hoạt động điều tra
Chỉ Cơ quan điều tra và các cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra quy định trong Pháp lệnh này mới được tiến hành điều tra các vụ án hình sự. Mọi hoạt động điều tra phải tuân theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự và Pháp lệnh này.”
2. Căn điểm m khoản 2 Điều 4 Thông tư liên tịch 01/2010/TTLT-VKSNDTC-BCA-TANDTC ngày 27/08/2010 thì cơ quan điều tra đã vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng hình sự.
Kết luận: Các chứng cứ do Cơ quan ANĐT thu thập được khi tiến hành điều tra đối với ông Đinh Nhật Uy là không hợp pháp vi phạm khoản 1 Điều 66 BLTTHS, không phải là chứng cứ để cáo buộc bị cáo.
3. Nếu phiên tòa hôm nay không công bố nội dung trang Facebook của ông Đinh Nhật Uy mà VKS coi đây là chứng cáo buộc bị cáo, mặc dù các tài liệu này đã có kết luận của cơ quan giám định để những người tham gia phiên tòa nhận xét, đánh giá, thẩm tra là vi phạm nghiêm trọng Điều 214, 66 và khoản 3 Điều 222 của BL TTHS 2003.
“Điều 214. Việc trình bày, công bố các tài liệu của vụ án và nhận xét, báo cáo của cơ quan, tổ chức
…
Các tài liệu đã có trong hồ sơ vụ án hoặc mới đưa ra khi xét hỏi đều phải được công bố tại phiên tòa.
Kiểm sát viên, bị cáo, người bào chữa và những người khác tham gia phiên tòa có quyền nhận xét về những tài liệu đó và hỏi thêm những vấn đề có liên quan.”
“Điều 66. Đánh giá chứng cứ
1. Mỗi chứng cứ phải được đánh giá để xác định tính hợp pháp, xác thực và liên quan đến vụ án. Việc xác định các chứng cứ thu thập được phải bảo đảm đủ để giải quyết vụ án hình sự.
2. Điều tra viên, Kiểm sát viên, Thẩm phán và Hội thẩm xác định và đánh giá mọi chứng cứ với đầy đủ tinh thần trách nhiệm, sau khi nghiên cứu một cách tổng hợp, khách quan, toàn diện và đầy đủ tất cả tình tiết của vụ án.”
“Điều 222. Nghị án
3.Khi nghị án chỉ được căn cứ vào các chứng cứ và tài liệu đã được thẩm tra tại phiên toà, trên cơ sở xem xét đầy đủ, toàn diện các chứng cứ, ý kiến của Kiểm sát viên, bị cáo, người bào chữa và những người tham gia tố tụng khác tại phiên toà.”
4. Căn cứ Điều 145 BL TTHS 2003, quy định:
“Điều 145. Tạm giữ đồ vật, tài liệu khi khám xét
Khi khám xét, Điều tra viên được tạm giữ đồ vật là vật chứng và tài liệu có liên quan trực tiếp đến vụ án. Đối với đồ vật thuộc loại cấm tàng trữ, lưu hành thì phải thu giữ và chuyển ngay cho cơ quan quản lý có thẩm quyền.”
– 01 quyển sách “Bên thắng cuộc”, I.Giải phóng, tác giả Huy Đức;
– 01 quyển sách “chết bởi Trung Quốc”, dịch giả Trần Diệu Trân;
– 01 tờ giấy A4 có hình Nguyễn Phương Uyên và dòng chữ “Freedom for Nguyễn Phương Uyên”;
– 01 tờ giấy A4 có hình Đinh Nguyên Kha và dòng chữ “Freedom for Đinh Nguyên Kha”;
– 01 quyển vở học sinh có bài viết v/v tiếp nhận, giải quyết đơn của cán bộ Tòa án;
– 06 áo thun có ghi dòng chữ Hoàng Sa – Trường Sa – Việt Nam;
– 02 áo thun có dòng chữ No To U line! Và No-UFC; Xóa “Đường lưỡi bò” bảo vệ biển đảo Việt Nam.
Là những vật không liên quan đến vụ án và không có văn bản cấm tàng trữ.
5. Các nguyên đơn dân sự Viettel, VNPT không có đơn yêu cầu bồi thường thiệt hại nên không được coi là nguyên đơn dân sự như khỏan 1 Điều 52 BL TTHS 2003, quy định:
“Nguyên đơn dân sự là cá nhân, cơ quan, tổ chức bị thiệt hại do tội phạm gây ra và có đơn yêu cầu bồi thường thiệt hại.”
Bà Thâm – người bị hại nhưng không có đơn Tố giác tội phạm.
6. Ngày 23/10/2013 Tòa ra quyết định xét xử số 79/2013/HSST-QĐ ngày 28/10/2013 luật sư mới được nhận là vi phạm thời hạn theo Điều 182 BL TTHS 2003.
III. Không có chứng cứ, chứng minh tội phạm:
1. Để xác định Đinh Nhật Uy phải chịu trách nhiệm hình sự về “Tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân” theo khoản 1 Điều 258, BLHS thì các hành vi của Uy phải đủ 04 yếu tố “cấu thành tội phạm”. Trong vụ án này “Mặt khách thể của tội phạm” là lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân phải bị xâm phạm. Theo cáo trạng số 120/QĐ/KSĐT ngày 06/09/2013 của Viện kiểm sát nhân dân thành phố Tân An, tỉnh Long An, trích (trang 03):
“1. Về nội dung các bài viết của đối tượng Đinh Nhật Uy
– Bài viết tại tờ số 03 có nội dung xâm hại Tập đoàn Viễn thông quân đội (Viettel), Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT), ảnh hưởng xấu đến thương hiệu, hiệu quả kinh doanh của tổ chức này.
…
2. Về nội dung của các lời bình luận:
Một số ý kiến bình luận nêu tại biên bản này có nội dung xâm hại uy tín cơ quan, tổ chức như Công an nhân dân Việt Nam, Tập đoàn Viễn thông quân đội (Viettel), Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT); xâm hại đến danh dự uy tín của một số cá nhân có liên quan.
3. Việc đối tượng Định Nhật Uy đăng tải những bài viết nêu trên, trên trang facebook cá nhân và liên kết, chia sẻ trên trang facebook của người khác có hại đến trật tự, an toàn xã hội, ảnh hưởng đến uy tín của lực lượng Công an nhân dân Việt Nam, các tổ chức kinh tế và cá nhân có liên quan.
(Tài liệu giám định: bút lục số 227 -228).
Trong vụ án này có một số tổ chức, cá nhân có quyền, lợi ích hợp pháp bị xâm hại như Viettel, VNPT và bà Nguyễn Thị Thâm đã yêu cầu xử lý pháp luật đối với Đinh Nhật Uy, không yêu cầu bồi thường thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm hại.”
1.1. Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát không chứng minh được các tổ chức, cá nhân – người bị hại bị thiệt hại vật chất cụ thể về hiện vật giá trị là bao nhiêu, đã đến mức chịu trách nhiệm hình sự hay chưa? Thiệt hại về thương hiệu uy tín của các tổ chức đó cũng chỉ là suy diễn, không chứng minh được. Mặt khác danh dự, nhân phẩm, uy tín cá nhân không phải là quan hệ xã hội do Điều 258, BLHS bảo vệ nếu có chăng là đối tượng của quan hệ dân sự, hay nói cách khách nó không thuộc mặt khách thể của tội này.
1.2. Quan hệ giữa Uy và các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông là quan hệ giữa khách hàng với người bán hàng, quyền của bên này là nghĩa vụ của bên kia và ngược lại; quyền của Uy trong trường hợp này là quyền của khách hàng nếu Uy có sử dụng vượt quyền pháp luật cho phép cũng không phải là Uy sử dụng quyền tự do dân chủ để xâm phạm quyền, lợi ích của VNPT và Viettel. Nếu hai bên có tranh chấp thì được giải quyết ở Tòa dân sự về giao dịch dân sự hoặc hợp đồng thương mại (nếu ký hợp đồng) nó không thuộc phạm vi điều chỉnh của quan hệ hình sự.
1.3. Thiệt hại vật chất không xác định được; và người bị hại “không yêu cầu bồi thường thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm hại” (trích dẫn ở trên – cáo trạng) nếu có.
1.4. Trong thực tế hiện nay chỉ có quyền lợi của người tiêu dùng bị xâm hại mà Hội bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam không làm tốt được cái bổn phận bảo vệ lợi ích của người tiêu dùng. VNPT, Viettel là nhà cung cấp dịch vụ luôn nắm đằng chuôi, người tiêu dùng không có cơ sở để xâm phạm lợi ích ngược với họ được. Do vậy, kết luận cáo trạng của VKS là gượng ép, không khách quan.
Như vậy, các tổ chức, cá nhân – bị hại được nêu ra không có quyền, lợi ích nào bị xâm hại hay nói cách khác là không có thiệt hại thực tế. Nên các hành vi của Đinh Nhật Uy không đủ yếu tố cấu thành tội phạm về “Mặt khách thể của tội phạm”.
2. Cáo trạng của Viện kiểm sát không chứng minh được “mục đích, động cơ phạm tội, hậu quả của tội phạm” theo như quy định của khoản 1 Điều 167 (bản cáo trạng), BL TTHS.
3. Về người bị hại:
3.1. Tại phiên tòa hôm nay không có đại diện của Nhà nước hoặc có đơn xin vắng mặt với tư cách người bị hại. Đề nghị Tòa (Điều 214, BL TTHS) công bố Đơn trình báo của đại diện Nhà nước với Cơ quan điều tra về việc quyền, lợi ích của Nhà nước bị xâm phạm (nếu có).
3.2. Tại phiên tòa hôm nay không có đại diện của Công an nhân dân Việt Nam hoặc có đơn xin vắng mặt với tư cách người bị hại. Đề nghị Tòa (Điều 214, BL TTHS) công bố Đơn trình báo của đại diện Công an nhân dân Việt Nam với Cơ quan điều tra về việc quyền, lợi ích của Nhà nước bị xâm phạm (nếu có).
3.3. Tại phiên tòa hôm nay bà Nguyễn Thị Thâm không chứng minh được những quyền, lợi ích nào của bà bị ông Đinh Nhật Uy xâm phạm.
Nếu không chứng minh được hậu quả của tội phạm, tức là không có người bị hại điều này cũng đồng nghĩa không có có người phạm tội. Nếu việc kết án xảy ra là trái với pháp luật hình sự. Bản chất nhân đạo của pháp luật XHCN là khách quan, công bằng mọi hình phạt nhằm mục đích giáo dục, không ai được phép sử dụng sai pháp luật để xâm phạm quyền công dân.
4. Facebook là một website mạng xã hội, người dùng có thể tham gia các mạng lưới để liên kết và giao tiếp với người khác. Mọi người cũng có thể kết bạn và gửi tin nhắn cho họ, và cập nhật trang hồ sơ cá nhân của mình để thông báo cho bạn bè biết về chúng. Như vậy, việc Đinh Nhật Uy lập trang facebook cá nhân của mình tên “Đinh Nhật Uy” là quyền tự do ngôn luận, quyền được thông tin của công dân được Điều 69, Hiến pháp năm 1992 và sửa đổi, bổ sung năm 2001, quy định:
“Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí; có quyền được thông tin; có quyền hội họp, lập hội, biểu tình theo quy định của pháp luật.”
Khoản 2 Điều 19 Công ước Quốc tế về những quyền dân sự và chính trị 1966 (Việt Nam tham gia năm 1982), quy định:
“Mọi người đều có quyền tự do phát biểu quan điểm; quyền này bao gồm quyền tự do tìm kiếm, tiếp nhận, và phổ biến mọi tin tức và ý kiến bằng truyền khẩu, bút tự hay ấn phẩm, dưới hình thức nghệ thuật, hay bằng mọi phương tiện truyền thông khác, không kể biên giới quốc gia.”
Điều 19 Tuyên ngôn nhân quyền Liên hợp quốc 1948, quy định:
“Ai cũng có quyền tự do quan niệm và tự do phát biểu quan điểm; quyền này bao gồm quyền không bị ai can thiệp vì những quan niệm của mình, và quyền tìm kiếm, tiếp nhận cùng phổ biến tin tức và ý kiến bằng mọi phương tiện truyền thông không kể biên giới quốc gia.
5. Việc sử dụng Facebook chưa được một văn bản quy phạm pháp luật nào điều chỉnh. Nên không thể coi việc sử dụng facebook là một quyền tự lợi dụng các quyền tự do dân chủ. Nguyên tắc “công dân được làm những gì pháp luật không cấm”. Việc người khác comment trên trang facebook cá nhân của Đinh Nhật Uy thì không có cơ sở pháp lý nào để cáo buộc Uy phải chịu trách nhiệm về nội dung đó.
6. Các: Nhiều đơn vị, nhiều cá thể. (Đại từ điển tiếng Việt do Nguyễn Như Ý (chủ biên) – NXB ĐHQG Tp.HCM trang 176). Như vậy, cáo trạng phải chỉ ra Uy sử dụng không phải một quyền tự do dân chủ. Nhưng cáo trạng đã không chỉ ra được Uy đã lợi dụng những quyền tự do dân chủ nào của công dân.
7. Các Biên bản giám định tư pháp không phải là Kết luận giám định tư pháp. Các Biên bản giám định tư pháp không được lập theo quy định của Điều 32 Luật giám định tư pháp năm 2012 nên không thể coi là chứng cứ hợp pháp.
IV. Kiến nghị:
Kính thưa HĐXX,
– Căn cứ khoản 2 Điều 107 BL TTHS 2003;
– Căn cứ khoản 1 Điều 227 BL TTHS 203,
Hành vi của ông Đinh Nhật Uy như lập luận tôi trình bày ở trên là không cấu thành tội phạm. Vì vậy, tôi xin đề nghị HĐXX hãy khách quan, công minh xem xét tuyên bố trả tự do ngay tại phiên tòa cho ông Đinh Nhật Uy; trả các tài sản thu giữ của Đinh Nhật Uy.
Xin chân thành cám ơn sự lắng nghe của các quý vị,
Long An, ngày 29/10/2013
Luật sư Hà Huy Sơn
Nguồn: https://www.facebook.com/huyson.ha.3
Bản Kết luận điều tra: