Giáo dục hay phản giáo dục?*

(Vài góp ý về sách giáo khoa Giáo dục công dân lớp 6)

Giáo dục công dân là môn học rèn luyện kỹ năng sống, hành động, suy nghĩ, ứng xử… đúng mực cho các thế hệ học sinh. Vì vậy, những vấn đề, hình ảnh, bài viết… cần phải đúng chuẩn, bởi những ấn tượng tốt và không tốt sẽ in sâu vào tâm trí các em trong nhiều năm sau. Tôi xin có vài đề nghị thay đổi nho nhỏ cho sách này.

  1. Trong bài 8, trang 18, truyện đọc “Bác Hồ với mọi người”, đã sử dụng ảnh Bác đang cho em bé ăn nhưng [Bác lại] hút thuốc. Có cháu hỏi: Trên đài, TV, báo chí luôn luôn tuyên truyền: hút thuốc có hại cho chính mình và những người xung quanh, tại sao Bác Hồ lại hút thuốc trước em bé? Thiết nghĩ, chúng ta có rất nhiều ảnh đẹp và quí về Bác, sao lại sử dụng ảnh này.
  2. Trong bài 10, trang 23, truyện đọc “Điều ước của Trương Quế Chi”, trong bài có 17 câu thì đã có đến 15 câu từ “Quế Chi” được nhắc đi nhắc lại. Tại sao tác giả Hà Trang không dung đại từ “em” hay “bạn ấy”, “cô bé”… để giảm bớt tần số tên nhân vật xuất hiện quá nhiều trong một bài văn. Và tại sao những nhà biên soạn lại quá dễ dãi khi chọn một bài văn không tiêu biểu về cách hành văn cho sách giáo khoa? Hiện tượng này được lặp lại trong các bài “Tấm gương của một học sinh nghèo vượt khó”, tác giả Tuấn Tú, trang 26; bài “Cô gái vàng của thể thao Việt Nam”, tác giả “Báo Pháp luật và Đời sống số Xuân Nhâm Ngọ 2002”, trang 33. Tương tự như thế, trong sách giáo khoa Ngữ Văn lớp 6, trong bài về Tạ Ngọc Ánh, trang 78, có 13 câu thì 7 câu được bắt đầu bằng cụm từ “tôi thích”, “tôi muốn”. Bài về Trịnh Xuân Minh cũng giống như thế. Nếu tôi là thầy giáo dạy văn, hay biên tập viên của báo, tôi không thể để một bài báo viết cẩu thả, cách hành văn nghèo nàn như thế xuất hiện trước người xem, người học.
  3. Trang 41 dùng ảnh ông Nông Đức Mạnh là không thuyết phục. Là một lãnh đạo cấp cao của Đảng, ông phải là tấm gương sáng cho các thế hệ Việt Nam, dù ông còn làm việc hay đã về hưu. Nhưng khi chưa đoạn tang vợ, ông đã lấy con nuôi, người đã từng là bạn gái, em kết nghĩa của con trai. Ông bị chính con gái mình kiện. Nếu có cháu nào hỏi: Sao ông này là người vi phạm những nguyên tắc đạo đức mà con phải học tập? thì các bậc phụ huynh phải trả lời thế nào?

 

Kính đề nghị Bộ Giáo dục Đào tạo xem xét, điều chỉnh sao cho các cháu nhận được những kiến thức có lợi cho tương lai của mình.

L.H.

Tác giả trực tiếp gửi cho BVN


* Đầu đề bài viết là của BVN, đầu đề phụ là của tác giả.

This entry was posted in Giáo dục. Bookmark the permalink.