Nhận được tấm ảnh do TS Minh Đường, Viện trưởng Viện SENA chụp gửi vào qua email, nhìn dòng người lặng lẽ xếp hàng trên đường Điện Biên Phủ vòng về Hoàng Diệu viếng Đại tướng trong đó có rất nhiều người trẻ tuổi, lòng tôi trào lên nỗi phấn khích xót xa. Một sự kiện lịch sử.
Ngoài mọi kịch bản soạn sẵn, bất ngờ cho mọi trù liệu tính toán, hàng chục ngàn người kiên nhẫn nhích từng bước trong trật tự để được bước vào ngôi nhà số 30 phố Hoàng Diệu. Nơi đây vị tướng huyền thoại ấy sống để nhẫn nại và kiên cường trải nghiệm những sóng gió của cuộc đời, của lòng người trong những bước thăng trầm của thân phận con người gắn liền với sự thăng trầm của vận mệnh dân tộc! Liệu có phải là “đường thế đồ gót rỗ kỳ khu” với sự nếm trải “mùi tục lụy lưỡi tê tân khổ” mà xưa kia Nguyễn Gia Thiều đã nói đến? Và rồi, từ mọi nẻo đường Hà Nội, và đâu chỉ có người Hà Nội, có người vượt cả trăm, cả ngàn cây số về đây. Họ tự nguyện đứng xếp hàng để được biểu tỏ tấm lòng thành kính tri ân, nhớ thương một con người đã góp phần viết nên những trang sử vẻ vang của dân tộc nay đã đi vào lịch sử.
Và phải chăng con đường ngoằn ngoèo người xếp hàng kia cũng đang là biểu tượng một nét dáng của lịch sử. Lịch sử đang đi những bước chậm rãi nhưng chất chứa nhiều tiềm ẩn khó lường. Nếu lịch sử là con người nhân với thời gian, thì sự sòng phẳng của lịch sử chính là ánh phản chiếu của lòng dân tôn vinh người đã góp phần làm nên lịch sử. Vị “tư lệnh của các tư lệnh, chính ủy của các chính ủy” mà có lúc người ta cố tình lảng tránh những oan khuất, vô tình hay hữu ý toa rập cho toan tính bẩn thỉu nhằm che lấp sự thật lịch sử, rồi cũng bằng sự toan tính có thể là ít bẩn thỉu hơn để mong được an toàn hơn với kiểu tự an ủi “Non nươc thề bồi thôi xúy xóa / Quỷ thần nào chứng ở hai vai” như lời tự diễu thâm thúy của Tú Xương. Thế rồi hôm nay, kích thước của lịch sử được đo bằng những bước chân chậm rãi đang đi trên hè phố kia.
Chính vì vậy, tuy biết là cái ngày đau buồn ấy rồi sẽ đến nhưng vẫn cứ thảng thốt bàng hoàng khi được tin vị lão tướng huyền thoại ấy đã vĩnh viễn ra đi. Một khoảng trống vắng cứ lan tỏa trong tâm thức, cảm giác hụt hẫng mất một điểm tựa tinh thần xâm chiếm đầu óc. Những kỷ niệm cứ chập chờn ẩn hiện, vừa xa vắng, vừa gần gũi. Như người mộng du, tôi lật lại những cuốn sách có di bút của ông đề tặng, miên man đọc những dòng chữ trong Tổng tập Hồi ký của vị tướng ấy để rồi bồi hồi nhớ tiếc. Thế là người cuối cùng thuộc lớp cách mạng đàn anh đáng kính làm nên Cách mạng Tháng Tám, “thế hệ vĩ đại nhất của Viêt Nam” (Vietnam’s “Greatest Generation” như nhận định của Lucky Gold, CNN ngày 7.10.2013) đã tuyệt đối nằm xuống.
Tôi chỉ là kẻ hậu sinh, may mắn được gặp ông vào quãng hai mươi năm trở lại đây trong một vài lần được ông gọi đến làm việc khi ông đảm trách lĩnh vực khoa học. Và sau đó đôi lần hầu chuyện khi đến thăm ông ở nhà riêng, được ông bảo cùng chụp ảnh kỷ niệm. Lần cuối gặp ông cách nay cũng đã bốn năm, lần kỷ niệm 100 ngày sinh của ông thì chỉ được bay ra dự buổi họp mặt những người thân, ông đang nằm viện. Thẫn thờ ngồi vào bàn, đắm mình trong nỗi nhớ thương, trong óc tôi chập chờn ánh mắt và nụ cười của ông. Thế là vĩnh viễn không bao giờ còn được nhìn thấy nụ cười ấy, bắt gặp ánh mắt ấy nữa rồi. Vừa tháo mắt kính nhòe ướt ra lau, vừa xốn xang nỗi nhớ.
Báo chí đang tràn ngập những lời đẹp đẽ dành cho vị tướng “ngang tầm với Alexander Đại đế, vượt trội hơn Napoleon” như lời của sử gia Cecil Currey qua Đài NPR của Mỹ. Với sự hiểu biết hạn hẹp của mình, thêm vào những lời tụng ca, cho dù là chân thành nhất, sâu sắc nhất, thì may ra mình cũng chỉ có thể đưa ra những thế phẩm kém xa những bài đã được đọc, vì thế tốt hơn hết là chân thành và mộc mạc ghi lại một vài kỷ niệm ấm lòng may mắn có được với vị lão tướng huyền thoại.
Trước hết là một kỷ niệm không vui mà giờ đây nghĩ lại tôi rất ân hận. Hôm ấy, ông cho gọi tôi với lý do là ông đang suy nghĩ và đang cho triển khai một nghiên cứu chuyên đề về chiến lược con người. Ông được báo cáo là ở Viện Xã hội học chúng tôi cũng đang chuẩn bị một đề cương nghiên cứu về đề tài này. Tôi vắn tắt trình bày những tư liệu đã thu thập được và đang tìm kiếm thêm. Ông chăm chú nghe rồi đột ngột ngắt lời: “Chúng ta có ít thời gian, tôi hỏi ngay, anh định bao giờ thì hoàn thành công trình nghiên cứu”. “Dạ thưa hai năm”, tôi trả lời.
Ông cười, im lặng một lúc, rồi đưa hai ngón tay: “Hai tháng”! Lắc đầu quầy quậy tôi hoảng lên: “Dạ không thể được đâu ạ”. Liệt kê ra những công đoạn nhất thiết phải trải qua, những công việc buộc phải hoàn tất, từ tìm hiểu thông tin về đề tài đã được trong và ngoài nước xuất bản, dịch thuật một số tư liệu quan trọng nhất, đến tiến hành một số khảo sát thực tế, tổ chức những trao đổi chuyên đề trong một số nhà nghiên cứu có kinh nghiệm…, tôi cố bảo vệ kế hoạch đã vạch ra. Ông vẫn điềm tĩnh nghe nhưng nét mặt tỏ vẻ không vui, còn tôi thì vẫn khăng khăng bảo vệ quan điểm của mình.
Như muốn giảm bớt căng thẳng, đại tá Huân (tôi nhớ không thật chính xác hôm ấy có phải anh Huân không), đề nghị Đại tướng tạm nghỉ giải lao. Một đĩa hai quả chuối và một miếng phó mát đặt trước mặt ông. Còn tôi được mời một chén chè đậu xanh. Mười lăm phút sau, ông vẫn kiên nhẫn thuyết phục và tôi thì vẫn quyết liệt xin thêm thời gian. Cuối cùng ông cười, song nụ cười chẳng vui gì, “Thôi được rồi, tôi không ép anh nữa, nhưng như thế này có được không, anh đã chuẩn bị được những gì rồi thì cho chúng tôi mượn, rồi sẽ hoàn trả lại cho anh”. Tôi thở phào vì trút được gánh nặng. Ông quay sang anh Huân (?): “Nhớ ghi chép cẩn thận, mượn những gì, rồi dùng xong thì trả cho người ta”. Buổi sơ kiến của tôi với Đại tướng là thế đó. Ấy vậy mà rồi sau này, khi cần thiết, ông vẫn cho gọi, không bợn một chút định kiến.
Có lần ông đang nghỉ ở Cửa Lò, Nghệ An. Tình cờ, chúng tôi cũng có một hội thảo với chuyên gia Canada tại đó. Trên bãi biển, thấy anh Việt Phương, tay bắt mặt mừng, ông hỏi thăm công việc. Biết nội dung và kế hoạch của chúng tôi nơi đây, Đại tướng yêu cầu chúng tôi dành thời gian đến gặp ông. Buổi đầu, tôi trốn. Anh Việt Phương đến, không biết anh đã nói về đề tài gì nhưng khi về, anh bảo tôi: “Anh Văn bảo Tương Lai mai tranh thủ đến trao đổi với anh ấy vấn đề nghiên cứu ở Thái Bình”. Cũng thở phào nhẹ nhõm, nhưng lần này là vì “trúng tủ”. Vấn đề đang sốt dẻo, có chuyện mà nói, chắc không làm ông ấy thất vọng như buổi sơ kiến kia, và cũng có dịp “chuộc tội” nhằm giải tỏa mối băn khoăn mà mấy lần gặp sau đó tôi chưa thực hiện được.
Vì không mang theo tài liệu, tôi nói vo, thiếu con số cụ thể nên thỉnh thoảng ông ngắt lời, hỏi thêm một số chi tiết. Khi nghe đến đoạn người ta cố tạo nên một “hiện trường giả”, nơi tượng Bác Hồ bằng thạch cao bị vỡ được lôi từ trong kho ra, đặt trong hội trường để vu cho dân đập vỡ, nhằm chứng minh “tính phản động của chúng nó” như lời Vũ Duy Ch…, bí thư đảng ủy xã An Ninh, huyện Quỳnh Phụ đã dằn giọng nói với tôi, Đại tướng gõ gõ ngón tay vào mặt bàn ngắt lời: “Các anh có chụp ảnh “hiện trường giả” này không?”. Tôi đáp “Thưa, có chứ ạ. Xin được nói thêm, đây là những bức ảnh để lại nhiều cảm xúc nhất trong nghiên cứu xã hội học của tôi”. Ông cười rất vui khi tôi hứa về Hà Nội sẽ đem trình Đại tướng những bức anh ấy. Ông tỏ vẻ đang suy tư một điều gì rộng hơn đề tài tôi đang báo cáo, lại gõ khe khẽ lên mặt bàn: “Anh nhắc lại nguyên văn câu của anh Tô (Phạm Văn Đồng) anh vừa nói, ý này quan trọng lắm”.
Hôm ấy, sau khi nghe tôi trình bày vắn tắt nhưng cũng tạm đủ toàn bộ báo cáo Khảo sát xã hội học về Sự kiện Thái Bình năm 1997, bác Tô cũng đòi tôi nhắc lại ý kiến vừa nêu “Ở đây không có “địch ta” nào hết, ở đây là mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân”. Nghe xong, bác cười “Này Tương Lai, với tôi mà anh cũng sợ à”. Biết bác định nói gì, tôi cũng “cà chớn” thưa lại:” dạ sợ chứ ạ! Vì có phải ai cũng hiểu như anh đâu”. Tôi còn nói cụ thể hơn nữa nhưng xin không viết ra đây. Bác Tô cười vui, rồi nghiêm mặt nói rất rành rọt: “Cũng không có mâu thuẫn nội bộ nhân dân nào ở đây cả. Đây là mâu thuẫn của một bên là những người cầm quyền hư hỏng, thoái hóa, biến chất đè nén, áp bức dân và bên kia là người dân không chịu nổi nữa đã vùng dậy đấu tranh với chúng. Phải phân tích như thế mới có thể tìm ra giải pháp đúng được”!
Đại tướng trầm ngâm, ông nói với tôi nhưng dường như đang tự ngẫm nghĩ điều gì: “Phiêu nói với tôi là đã giải quyết xong rồi mà”, tôi đoán là ông đang nghĩ đến những điều mà ông đã nghe ông Lê Khả Phiêu nói về chuyện Thái Bình. Tôi thấy đã đến lúc cần phải rành rọt việc này: “Thưa anh, câu chuyện nông dân vẫn còn nguyên vẹn, thậm chí, những điều Qua Ninh và Vân Đình đặt ra trong Vấn đề dân cày xuất bản năm 1940, về cơ bản vẫn còn nóng bỏng. Thực trạng nông thôn Thái Bình vẫn tiềm ẩn những mâu thuẫn gay gắt, câu chuyện người cày với mảnh đất nuôi sống nhiều thế hệ từ đời ông đời cha cho đến hôm nay vẫn là vấn đề muôn thuở giữa đất và người. Nói rằng sự kiện Thái Bình đã được giải quyết chỉ là cách tự trấn an hoặc chỉ giải quyết trên bề nổi. Phần chìm của tảng băng vẫn còn đó”. Thấy tôi nhắc đến Vấn đề dân cày đôi mắt của vị lão tướng ánh lên chút ngạc nhiên: “Anh cũng có đọc cuốn sách đó à? Lâu lắm rồi, chính tôi cũng không còn cuốn sách đó”. Nghe tôi hứa là sẽ biếu ông cuốn tôi đang giữ trên giá sách, ông cười vui “Thế thì hay quá!”.
Biết ông đặc biệt quan tâm đến vấn đề nông thôn và nông dân, tôi nhắc lại hình ảnh vẫn đọng lại đậm nét trong tôi khi đọc “Tổng tập Hồi ký” đoạn nói về Đại tướng từ Mường Phăng, nơi đặt chỉ huy sở đến cầu sắt bắc qua sông Nậm Rốn, thị sát chiến trường hai ngày sau khi kết thúc chiến dịch: “Một anh dân công còn trẻ đứng đợi bên kia cầu. Anh chìa tay ra và nói: Đề nghị anh, cho em bắt tay một cái! Tôi vui vẻ siết tay anh và biết anh quê ở Thanh Hóa, một tỉnh đã cung cấp nhiều nhất về người, cũng như về lương thực phục vụ chiến dịch”. Còn người cắm lá cờ chiến thắng trên nóc hầm Đờ Cát là dân Thái Bình. Những người nông dân ấy khi trở về làng với những hiểu biết và trải nghiệm mới, họ nhìn nhận thực trạng quê hương bằng đôi mắt khác với ngày họ “áo vải chân không đi lùng giặc đánh” (Hồng Nguyên) để không thể “súng gươm vứt bỏ lại hiền như xưa” (Nguyễn Đình Thi) được nữa.
Không kìm được, tôi liều mạng nói một lèo và Đại tướng ngồi yên lặng chăm chú nghe. Đợi tôi nói xong, ông khẽ khàng nhưng rành rọt: “Những điều anh vừa trình bày đáng suy nghĩ. Cần suy nghĩ tiếp và nghiên cứu tiếp. Đối với nước ta, nông dân có một vai trò đặc biệt. Không có chiến lược đúng về nông dân và nông thôn, nông nghiệp thì hậu quả đất nước phải gánh chịu sẽ rất gay gắt”.
Và đúng vậy, cái gì đến rồi cũng phải đến. Chẳng riêng gì Thái Bình đất chật người đông, chẳng chỉ ở nơi châu thổ sông Hồng bình quân tỷ lệ đất-người vào loại thấp nhất thế giới, với các tỉnh duyên hải của khúc ruột Miền Trung thường xuyên gồng lưng chịu bão lụt, đổ xuôi về mênh mông đồng bằng sông Cửu Long vựa lúa của cả nước, tiếng gọi của đất cũng da diết chẳng kém. Sức hút của đất vẫn đẩy tới những mâu thuẫn, đụng độ giữa người sống với đất phải giữ đất để sống và người lấy đất dưới bất cứ danh nghĩa, động cơ mục đích nào. Trĩu trên vai gánh nặng nhất của sự nghiệp dựng nước, mở nước và cứu nước, mồ hôi và máu của người nông dân thấm đẫm từng thước đất của cha ông họ để lại, làm sao có thể ngồi yên khi mảnh đất tuột khỏi tay họ? Tôi hối hả nói với tác giả của Vấn đề dân cày mà quên mất rằng ngồi trước tôi là một vị tướng lừng danh… Giật mình ngước nhìn, vị Tổng Tư lệnh vẫn trầm tĩnh nở nụ cười, lắng nghe.
Giờ đây nhớ lại nụ cười ấy, ánh mắt ấy lòng tôi cuộn lên nỗi cay đắng xót xa vì nhớ ra rằng chính ông là người hiếm hoi đã cho tôi hồi âm về nội dung một tiểu luận đóng góp với Đại hội X tôi gửi đến. Tiểu luận khá dài với gần 100 trang khổ A4, chắc cũng đã chiếm khá nhiều thì giờ quý báu của Đại tướng, người đã bước qua tuổi 90.
Thông cảm và chia sẻ với những day dứt băn khoăn của một người làm khoa học muốn thẳng thắn trình bày những suy nghĩ và kiến nghị của mình, ông nhắn gửi những lời cảm thông. Và rồi khi biết tôi đang gặp những khó khăn do nội dung của tiểu luận động chạm đến những “vấn đề nhạy cảm” như vấn đề chủ thuyết phát triển, vấn đề trở lại với Tư tưởng Hồ Chí Minh, lấy lại tên Đảng Lao động Việt Nam, tên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa… Đại tướng đã ân cần động viên, khích lệ.
Hôm ấy, khi tôi đến thăm, sau hơn 30 phút trao đổi, ông bảo đại tá Huyên lấy cho ông cuốn Tổng tập Hồi ký, anh Huyên thưa là vừa hết, xin đề nghị để lần sau. Ông cười, “Thế là anh không gặp may rồi”, quay sang anh Huyên, ông dặn: “Nhớ dành sách cho Tương Lai nhé”. Hai tuần sau ra Hà Nội, đang ở nhà khách 35 Hùng Vương tôi nhận được điện thoại của đại tá Huân từ phòng tiếp tân: “Anh xuống đây, có quà của anh Văn”. Cầm tập Hồi ký nặng trĩu, lật trang đầu có dòng chữ đề tặng của Đại tướng, tôi đứng sững. Thông thường, không ai đề tặng sách như vậy cả! Vì thế, quên cả mời vị đại tá, thư ký thân thiết của Đại tướng, đã cất công mang sách sang tận nhà khách cho tôi đang đứng trước mặt, tôi ngồi xuống ghế đặt cuốn sách lên bàn, xúc động đọc kỹ từng lời: “Chúc đc Tương Lai có những đóng góp mới vào lý luận của Đảng. Hà Nội 27.9.2006. Ký, Võ Nguyên Giáp”.
Anh Huân đứng nhìn tôi cười. Hiểu tôi đang bối rối, anh nói mấy câu động viên rồi bắt tay ra xe. Tai tôi đang ù lên nên không còn nhớ anh đã nói những gì lúc ấy. Trở lên phòng, tôi bồi hồi xem kỹ lại từng chữ của ông. Xúc động vì tấm lòng của Đại tướng dành cho mình, một cán bộ khoa học tầm thường, cũng chỉ vài lần may mắn được gặp ông. Tôi cố suy nghĩ về lý do ông viết cho tôi những dòng động viên, cổ vũ. Mà nào tôi đã làm được gì? Có lẽ, với bản tính nhân văn sẵn có, bằng bản lĩnh và sự trải nghiệm của chính mình, rất tế nhị và thâm thúy, ông chìa bàn tay sẻ chia của một bậc lão thành, chứng nhân của một thời đoạn lịch sử khốc liệt đối với thế hệ đàn em, nhằm nhắc nhở động viên họ giữ vững ý chí chiến đấu, nắm chắc ngòi bút, dám đấu tranh cho điều mà mình tin là chân lý.
Dạo ấy, khi đọc lời đề tặng và chữ ký quắc thước của Đại tướng, nhà văn Nguyễn Khải quý mến đã nửa đùa, nửa thật nói với tôi: “Anh phải phóng to ra, đóng khung treo lên, vì nó đẹp như một bức tranh thủy mạc vậy”! Quả là đẹp, quá đẹp. Song, có lẽ chỗ treo trang trọng nhất chính là trong trái tim mình. Một người Việt Nam yêu nước bình thường như triệu triệu người yêu nước khác đã nhận được tấm lòng sẻ chia và thông cảm của ông. Sức hút và sự lan tỏa từ tầm vóc nhân văn của vị võ tướng ấy sẽ là một nguồn sinh lực giúp mình tự mình vượt lên chính mình mà sống xứng đáng với tấm lòng của người đã ưu ái dành cho mình, một trong triệu triệu người bình thường đang đặt thân phận mình trong vận mệnh của dân tộc trước những thách đố nhiễu nhương.
Vả chăng, “không có huyền thoại nào lớn lao hơn huyền thoại do đời sống dựng nên” như lời nhắc nhở của Andersen, người kể chuyện cổ tích hay nhất thế giới. Với thời gian, câu chuyện về vị lão tướng huyền thoại Võ Nguyên Giáp của chúng ta hôm nay rồi cũng sẽ trở thành chuyện cổ tích, một trong những chuyện cổ tích hay nhất mà những người làm thầy, làm cha, làm mẹ của lớp hậu duệ mai sau sẽ hào hứng kể cho con cháu mình.
Và rồi, trong dòng chảy bất tận của thời gian, cũng sẽ có những cựu chiến binh và cháu chắt họ sẽ say sưa kể câu chuyện huyền thoại về vị tướng “võ công nết đất, nhân văn tính trời” từng là “một trong những nhà chiến lược quân sự lỗi lạc nhất của lịch sử” (báo Le Parisien, 4.10.2013) như những người lính già kể chuyện “Nguyên Phong” xưa kia để ngợi ca khí phách quân dân đời Trần đánh tan giặc phương bắc, trui rèn tinh thần cảnh giác chống kẻ thù chưa bao giờ từ bỏ mộng bành trướng mà câu thơ bất hủ của Trần Nhân Tông đã nhắc đến:
“Bạch đầu quân sĩ tại,
Vãng vãng thuyết Nguyên Phong”.
(Người lính già tóc bạc,
Kể mãi chuyện Nguyên Phong)
Vậy là, con người huyền thoại từng là thầy giáo lịch sử và trở thành vị tướng làm nên lịch sử ấy sẽ sống mãi với lịch sử (Trong mông lung của biển cả thời gian, những người sống được trong lòng nhân dân sẽ bất tử! như CNN ngày 7-10-13 đưa tin) đã tuyệt đối nằm xuống.
Vậy là, con người huyền thoại từng là thầy giáo lịch sử và trở thành vị tướng làm nên lịch sử ấy sẽ sống mãi với lịch sử. Trong mông lung của biển cả thời gian, những người sống được trong lòng nhân dân sẽ bất tử!
T. L.
Tác giả gửi trực tiếp cho BVN.