Bị bắt vì dự khóa học xã hội dân sự?

Các học viên Việt Nam và Phó Chánh Văn phòng Cao ủy Liên Hiệp Quốc về Nhân quyền Laurent Meilan

Một số thanh niên nói đã bị tạm giữ và chất vấn ở sân bay khi trở về Việt Nam sau một khóa học về xã hội dân sự tại Philippines.

Trả lời phỏng vấn BBC ngày 10/10, anh Bùi Tiến Lâm, một trong những học viên trong nhóm, nói nhóm của anh gồm 13 người hồi tháng trước đã tìm đến khóa học về “Xã hội Dân sự ở Philippines” thông qua lời giới thiệu trên mạng xã hội của tổ chức Asian Bridge Philippines – một tổ chức phi chính phủ của Hàn Quốc có văn phòng tại Philippines.

Sau khi kết thúc khóa học kéo dài hai tuần, 10 người trong nhóm của Lâm về nước trong hai ngày 4/10-5/10 thì chín người bị bắt giữ và chất vấn tại sân bay. Tuy nhiên tất cả đều lần lượt được thả sau đó.

Ngày 10/10, ba người còn lại trong nhóm học viên cũng bị tạm giữ ngay sau khi xuống phi trường Tân Sơn Nhất và hiện vẫn chưa được trả về nhà.

‘Không tốt cho chế độ’

Anh Lâm giải thích với BBC lý do tìm đến với khóa học vì “ở Việt Nam, phạm trù về xã hội dân sự còn mơ hồ, hầu như không có” và muốn tham gia khóa học để tìm hiểu thêm.

“Ở Philippines, xã hội dân sự rất lớn mạnh và góp vào sự phát triển chung vào xã hội… quyền con người và sự tham gia của người dân vào các vấn đề đất nước được đảm bảo”, Lâm nói.

Tuy nhiên ngay khi xuống sân bay, Lâm cùng với những người khác đã bị thu giữ điện thoại và bị đưa vào chất vấn.

“Người ta muốn điều tra mình qua đó đi học những ai, lớp học bao nhiêu người, học cái gì, gặp gỡ những ai, đi đâu, khi về nước thì học những gì, và về Việt Nam thì xử lý những gì đã học như thế nào”, Lâm nói.

“Họ muốn đưa mình vào vấn đề là mình đã cấu kết với các thế lực thù địch do không hiểu biết, và nói tổ chức AsianBridge là tổ chức có thế lực phản động đứng phía sau”.

“Cơ quan an ninh nói chúng tôi đi học về rồi bị thế lực thù địch lợi dụng để tạo một xã hội dân sự lớn mạnh tại Việt Nam, ảnh hưởng đến chế độ. Đến khi xã hội dân sự lớn mạnh thì lợi dụng để lật đổ chế độ”.

Anh Lâm cho biết hiện anh cùng một số blogger khác đang cùng gia đình của ba học viên còn bị tạm giữ biểu tình tại Tân Sơn Nhất để yêu cầu lực lượng an ninh trả những người này về nhà.

Anh này cũng nói sự việc lần này sẽ không ảnh hưởng đến các hoạt động của anh hướng về việc xây dựng xã hội dân sự trong thời gian tới.

Các blogger có mặt tại sân bay Tân Sơn Nhất để yêu cầu trả tự do cho những học viên còn bị tạm giữ

‘Gieo rắc sợ hãi’

Ngay sau khi nhận được tin trên, tổ chức Asian BridgePhilippines đã có thông cáo báo chí trong đó phản đối việc bắt giữ những học viên này.

Thông cáo của Asian Bridge Philippines giải thích là với mục tiêu “kết nối các xã hội dân sự ở châu Á” tổ chức này đã đứng ra tổ chức chương trình cho nhiều cá nhân và các nhóm từ Hàn Quốc và Ấn Độ trong những năm qua, và gần đây nhất là Việt Nam.

Thông cáo cũng nói trong suốt khóa học, các học viên của Việt Nam đã được gặp gỡ nhiều tổ chức phi chính phủ tại Philippines, được đến thăm Thượng viện và Hạ viện để gặp gỡ các nhà lập pháp của Philippines cũng như đại diện của Ngân hàng Phát triển Châu Á và Văn phòng Cao ủy Nhân quyền Liên Hiệp Quốc.

“Đối với Asian BridgePhilippines, nguyện vọng tìm hiểu và học hỏi về ý nghĩa của xã hội dân sự và tiến trình phát triển xã hội dân sự của họ là một điều rất đáng khen”, thông cáo viết.

“Do đó chúng tôi cho rằng việc họ bị giam giữ vô cớ là điều rất đáng quan ngại”.

Asian Bridge cũng kêu gọi chính phủ Việt Nam “tôn trọng các quyền cơ bản của mọi người Việt Nam và đặc biệt là quyền cơ bản của các thực tập sinh của chúng tôi để họ có thể tự do đi lại và tìm hiểu về sự phát triển của xã hội dân sự tại các quốc gia khác trong khu vực”.

Thông cáo nhắc lại rằng “cả Việt Nam và Philippines đều là thành viên khối Asean, vốn hoạt động với phương châm ‘Một tầm nhìn, một bản sắc, một cộng đồng'”.

“Vì lẽ đó, chính phủ các nước Asean, trong đó có Việt Nam nên khuyến khích công dân mình tìm hiểu về lịch sử – xã hội của nước khác thay vì gieo rắc sợ hãi…”.

Trong một lá thư cảm ơn gửi đến Asian Bridge Philippines mà BBC có trong tay, ông Laurent Meilant, Phó chánh Văn phòng Cao ủy Liên Hiệp Quốc về nhân quyền, gọi các học viên này là những “thanh niên thông minh và đáng ngưỡng mộ”.

Ông đã thể hiện sự cảm kích trước Asian Bridge Philippines vì tạo cơ hội cho ông gặp gỡ với nhóm học viên để chia sẻ công việc của Cao ủy Liên Hiệp Quốc về nhân quyền trong khu vực, trong đó có Việt Nam.

Nguồn: http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/2013/10/131010_detained_youth_asian_bridge_course.shtml

****

Thêm 3 bạn trẻ bị bắt giữ vì đi học về Xã Hội Dân Sự

23h20′ – 10.10.2013 – Trương Quỳnh Như đã được an ninh thả ra.

23h10′ – 10.10.2013 – Phạm Trần Quân đã được thả lúc 23h00 và đang đợi người nhà rước về.

18h30′ – 10.10.2013– An ninh đã thả bạn Bùi Thị Diện vào lúc 18h30′.

Cả buổi chiều, người nhà và bạn bè, trong đó có Bùi Tuấn Lâm đã gặp những an ninh sắc phục để hỏi về tin tức người bị bắt nhưng vẫn không nhận được câu trả lời. An ninh cũng không chấp thuận yêu cầu được vào phía trong để tìm người.

Các bạn đã căng biểu ngữ đòi tự do cho những người đi học Xã hội Dân sự giữa vòng vây túc trực của khoảng 10 an ninh quay phim và chụp ảnh. Cũng có nhiều hành khách bao quanh, dừng lại hỏi thăm và khá bất bình vì sự bắt giữ tùy tiện này.

Mọi người sẽ trở lại sân bay vào sáng sớm mai để tiếp tục đòi người nếu an ninh không trả tự do cho 2 bạn còn lại là Trương Quỳnh Như và Phạm Trần Quân.

14h30′ – 10.10.2013 – Viên an ninh cửa khẩu Tân Sơn Nhất tên Đinh Trọng Tú, cấp bậc 4 sao 1 gạch ra thông báo là Quân, Như, Diện… đã check out xong nên an ninh ở đây không có trách nhiệm. Gia đình các em hiện nay đang rất bức xúc!

11h45′ – 10.10.2013 – Hai học viên đã tham dự khóa học là Peter Lam Bui và Yến Trang cũng đã căng biểu ngữ để hiệp thông cùng gia đình, yêu cầu an ninh Việt Nam trả người.

Nguồn ảnh: CTV Danlambao
11h10′ – 10.10.2013 – Các blogger cùng thân nhân những người bị bắt biểu tình ngồi đòi trả người.
Nguồn ảnh: Blogger Huỳnh Công Thuận
11h00′ – 10.10.2013 – “Tại phòng tiếp dân sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất, hơn 20 an ninh chìm nổi đã có mặt ở khu vực của blogger và người nhà. Trong số này đã dùng máy quay hình các bạn trẻ và điện thoại xin ý kiến chỉ đạo. Chúng tôi ngờ rằng sẽ có bắt bớ trong thời gian sắp tới đây. Kính mong mọi người chia sẻ thông tin và hiệp thông.” – Lời nhắn từ blogger Châu Văn Thi.

10h45′ – 10.10.2013 – Các blogger và thân nhân của 3 người bị bắt vẫn ngồi ôn hòa ở phòng tiếp dân. Hình ảnh của 3 bạn bị bắt giữ đã được giương lên với dòng chữ: We were arrested after the course “Civil Society” in Philippines at 1.30 AM 10/10/2013 on Tan Son Nhat Airport.

Các blogger thân hữu ở Sài Gòn cũng đã đến tương trợ – Ảnh CTV Dân Làm Báo. 

10h35′ – 10.10.2013 – Người nhà của Quân, Như, Diện đã vào phòng tiếp dân, nhưng tuyệt nhiên không ai ra tiếp. Lưu ý bây giờ là thứ năm, giờ làm việc bình thường ở Việt Nam:

Nguồn ảnh: Huỳnh Công Thuận

10h00′ – 10.10.2013 – – Hiện ở tầng trệt, cổng số 8 sân bay Tân Sơn Nhất, anh em, bạn bè và người thân của 3 người bị bắt đã có mặt gồm: blogger Châu Văn Thi, Bùi Tuấn Lâm, Huỳnh Công Thuận, Peter Lâm Bùi, Bùi Thị Nhung, bà Trần Thị Diệu Liên – mẹ Quân, Ông Phạm Tất Đồng – bố Quân, cùng Cậu , Dì và mợ đã có mặt để chất vấn an ninh sân bay về việc bắt giữ người.

Lực lượng an ninh chìm nổi khoảng 10 người đã có mặt để “hộ tống” những người đi tìm công lý.

Hình ảnh CTV Danlambao
Người nhà của các thân nhân bị bắt đã vào phòng tiếp dân – Ảnh Huỳnh Công Thuận

Anh em chúng tôi, những người yêu chuộng hòa bình và công lý đang trên đường ra sân bay Tân Sơn Nhất để chất vấn về việc bắt giữ người tùy tiện. Mong quý anh chị em bà con cô bác hiệp thông– Lời nhắn của blogger Châu Văn Thi trước khi ra sân bay.

Blogger Châu Văn Thi và Bùi Tuấn Lâm – cũng là 
2 học viên bị an ninh bắt giữ vào đêm 5 tháng 10.
Hình ảnh: CTV Dan Lam Bao


Dân Làm Báo – Tiếp theo việc bắt giữ các blogger Châu Văn ThiBùi Tuấn LâmTrần Hoài BảoĐỗ Văn Thưởng và Nguyễn Việt Hưng ngay tại sân bay sau khi các blogger này tham dự khóa học “Xã Hội Dân Sự ở Philippines” do cơ quan Nhịp cầu Châu Á (Asian Bridge) tổ chức, an ninh đã bắt giữ các bạn Bùi Thị DiệnTrương Quỳnh NhưPhạm Trần Quân vào lúc 0h20′ khuya sáng ngày 10 tháng 10, 2013.

Bạn Bùi Thị Diện sinh năm 1987 làm việc tại Nha Trang. Trương Quỳnh Như sinh năm 1990 và Phạm Trần Quân sinh năm 1988 – cư ngụ tại Sài Gòn.
Bạn bè của các bạn khuya thứ 4 đã ra sân bay Tân Sơn Nhất đón, trong đó có Bùi Tuấn Lâm – là một học viên cũng bị bắt giữ 5 ngày trước. Sau một thời gian, không thấy 3 bạn, hỏi bảo vệ sân bay thì bảo vệ không cho vào, không giải quyết vì không có thẩm quyền, chỉ hẹn ngày mai lên làm việc.
Trước khi rời Manila, Philippines lên đường về nước, 3 bạn trẻ đã dự đoán trước những gì sẽ xảy ra cho bản thân mình và đã viết thư cám ơn tổ chức Asian Bridge và qua đó nhắn gửi dư luận. Dân Làm Báo gửi đến mọi người tâm tư của những công dân Việt Nam trẻ tuổi này:
Và hình ảnh các bạn trên tay với những lá thư của mình trước khi về nước:
Từ trái qua phải: Phạm Trần Quân, Trương Quỳnh Như và Bùi Thị Diện
Trước đó, Nhịp Cầu Á Châu Phi Luật Tân (Asian Bridge Philipines) cũng đã ra thông cáo báo chí về việc các học viên khóa Xã hội Dân sự bị bắt, trong đó xác định mục tiêu của khóa học:“kết nối các xã hội dân sự ở châu Á để đạt được các giá trị trong việc chia sẻ và chung sống hài hòa. Với tiêu chí này, chúng tôi đã đứng ra tổ chức chương trình cho nhiều cá nhân và các nhóm từ Hàn Quốc và Ấn Độ trong những năm qua. Gần đây nhất, chúng tôi đã mời một nhóm từ Việt Nam đến và tìm hiểu về xã hội dân sự ở Philippines…”
Thông cáo báo chí này cũng đã nêu rõ những sinh hoạt của các học viên như đã gặp gỡ nhiều tổ chức phi chính phủ của Philippines, cụ thể là Quỹ Hỗ trợ Nhân đạo Pháp, PAKISAMA, Nhóm Hành động hỗ trợ Tù nhân của Philippines… Theo thông cáo, các bạn cũng đã có dịp đến thăm Thượng viện và Hạ viện Philippines, gặp gỡ với các nhà lập pháp để tìm hiểu thêm về hệ thống chính trị và tiến trình phát triển xã hội dân sự của Philippines. Và trong dịp này, Ngân hàng Phát triển Châu Á và Văn phòng Cao ủy Nhân Quyền của Liên Hợp Quốc cũng đã có mặt để trình bày những công việc quan trọng mà họ làm ở Việt Nam…
Ngoài ra, ông Laurent Meillan – Đại diện của Văn phòng Cao ủy Nhân Quyền của Liên Hợp Quốc vùng Đông Nam Á cũng đã gửi thư cám ơn đến Nhịp Cầu Á Châu Phi Luật Tân cám ơn tổ chức này đã “tạo cơ hội hiếm quý cho tôi được gặp gỡ những người trẻ sáng ngời, đáng khâm phục đến từ Việt Nam đã dấn thân học hỏi về thế giới chung quanh cũng như những hiệp ước quốc tế về Nhân quyền mà nhà nước Việt Nam đã ký kết…”
Học về Xã Hội Dân Sự; Trao đổi với các tổ chức phát triễn xã hội, lập pháp quốc gia Philippines, tiếp xúc và học hỏi từ Văn phòng Cao ủy Nhân Quyền của Liên Hợp Quốc, Ngân hàng Phát triển Châu Á… là những gì mà những công dân trẻ tuổi Việt Nam đã nỗ lực để trang bị hành trang kiến thức của mình, góp phần vào việc xây dựng một đất nước Việt Nam – đúng với khát vọng của các bạn và của dân tộc.

Trương Quỳnh Như, ông Laurent Meillan – Đại diện của Văn phòng 
Cao ủy Nhân Quyền của Liên Hợp Quốc vùng Đông Nam Á và Phạm Trần Quân.
Bị bắt vì đi học.
Học về Xã hội Dân sự và bị bắt giữ.
Đó là những gì hiện đang xảy ra trong muôn vàn vụ việc phi lý khác đang xảy ra tại Việt Nam – Ứng viên vào Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc nhiệm kỳ 2014-2016.
This entry was posted in Tin Tức. Bookmark the permalink.