Nịnh và chịu nịnh

Cái miệng méo xệch nhưng rất có duyên, ông Tư Ánh (Trần Bạch Đằng) nhả ra những câu để đời. Ông lột tả xã hội lừa đảo, gian dối, nịnh bợ: “Đừng rớ nó rã, vì tất cả là giả”. Ông mô tả hành vi nhu nhược, nịnh bợ: “Hai tay xoa tít, cái đít cong vòng, một báo cáo anh, hai báo cáo anh”, v.v.

Bài viết này, tôi ngoáy sâu vào chủ đề NỊNH. Tôi sẽ thể hiện theo cách tự đặt tự giải kiểu hỏi đáp.

– Theo anh, nịnh và chịu ninh, về số lượng loại nào đông hơn? Về tính chất loại nào nguy hiểm hơn?

– Xét về mặt hình thức, dường như người nịnh đông hơn, vì rằng nhiều người xúm nịnh một người. Nếu vậy, về tính chất, người chịu nịnh nguy hiểm hơn. Nhưng xét về thực chất, số lượng người nịnh và chịu nịnh bằng nhau và tinh chất nguy hiểm như nhau. Vì rằng: Ở góc độ nào đó họ là người chịu nịnh, nhưng ở góc độ khác họ là người nịnh. Bao giờ cũng vậy: Kẻ thích nịnh cũng là kẻ chịu nịnh. Trong mỗi con người của họ mang đầy đủ hai tính chất nịnh và chịu nịnh. Họ là một phồn với nhau và như nhau cả.

Họ hành xử theo bộ dạng “Thượng đội, hạ đạp, hai cùi chỏ thúc”. Họ đội trên, đạp dưới, thúc cùi chỏ vào hông cấp ngang. Khi thấy đội không còn lợi gì nữa thì họ quăng chớ không để xuống nhẹ nhàng, đừng lầm tưởng. Bởi vậy, có không ít người bị nịnh “phản bội” tức như bò đá d…!

Đám tang của ông Chủ tịch chẳng hạn, chưa chắc người ta đi đông hơn đám tang người thân của ông lúc ông còn sinh thời. Bởi vì chết rồi còn lợi dụng gì được?

– Nịnh lợi hại thế nào?

– Lợi bất cập hại. Hãy nghe tôi tự sự đây:

 

Lúc trẻ lưng tôi luôn thẳng ngay,

Ngẩng đầu, ưỡn ngực… trông thật oai,

Hai chân đứng thẳng không chùn gối,

Phải trái phân minh, đáng mặt trai.

 

Đứng thẳng, nói ngay chuốc đắng cay, 

Chức y, lương đứng chẳng bằng ai, 

Vợ con nheo nhóc, không tiền của…

Biết cậy vào đâu ? Gay thật gay !

 

Chấp nhận “bon chen” lưng phải tôm, 

Khi luồn, khi cúi, lúc lom khom, 

Quyền cao lộc cả = tài luồn lách, 

Ấm cật, phì gia = dẻo cái mồm.

 

Đầu cúi, lưng khom…  gẫm cũng hay:

Chức thăng, lương vọt… chẳng thua ai, 

Vinh thê, ấm tử…, thừa tiền của,

Nhưng mất cả rồi: tính thẳng ngay!

 

– Lý giải như anh, nịnh có mục đích chớ không phải nịnh để giải trí?

– Đùng vậy, xin dùng lập luận ba đoạn (tam đoạn luận) để chứng mimh cho điều tôi khẳng định:

Hành động con người có mục đích.

Nịnh là hành động (hay hành vi) con người.

Nịnh có mục đích.

– Vậy thì mục đích của bọn nịnh là gì?

– Mục đích cụ thể thì ôi thôi vô vàn. Nếu anh hay ai đó muốn biết, tìm đến từng người trong bọn họ hỏi thì rõ.

 

09/10/2013

T. T.

Tác giả gửi trực tiếp cho BVN.

 

This entry was posted in Lên Tiếng. Bookmark the permalink.