Suy ngẫm về lẽ đời

Nhiều người tâm đắc bài viết “Tinh anh Đại tướng mãi bảo vệ tổ quốc” của anh Bùi Đức Lại đăng trên VietNamnet. Theo tôi biết nguyên văn bài viết có tên là “Võ Nguyên Giáp, cốt cách người lãnh đạo trí tuệ, bản lĩnh, nhân cách”, khi đăng VietNannet đặt lại tên và bỏ đi một vài ý. Nếu anh chị và các bạn quan tâm có thể đọc nguyên văn trên trang “Cùng viết Hiến pháp”.

Về việc nơi an táng Cụ Võ, có nhiều ý kiến khác nhau đăng trên mạng xã hội. Trao đổi riêng với người bạn đồng tâm, chúng tôi có chung suy nghĩ:

Có thể Cụ không muốn nằm ở Mai Dịch, không bị buộc phải nằm ở đó  là việc có nhiều ý nghĩa. Nên hoan nghênh.

Chọn nơi an táng. Nhiều người nghĩ rằng đây là “ý đồ” của nhà cầm quyền, chúng tôi không nghĩ như thế vì không rõ nội tình. Nếu không rõ thì càng nên thận trọng khi bình luận.

Nếu đây do chính Cụ quyết định[1], thì chúng ta nên tôn trọng và từ đáy lòng tin rằng Cụ luôn có quyết định tuyệt vời. Nếu đây là quyết định của gia đình, tôi tin rằng họ đứng trên tầm cao văn hoá để quyết định. Sao lại chỉ nghĩ đến đường xa cho người đến viếng, thậm chí  vội gán cho Võ Điện Biên động cơ khai thác du lịch. Cụ nằm quay đầu về đất mẹ, Nam-Bắc cân phân, nhìn ra Biển Đông, Hoàng Sa, Trường Sa… là rất đẹp.

Đối với một đất nước đang muốn trở thành cường quốc biển (tiến ra biển chứ không phải đứng trước biển), nhưng đang bị Trung Quốc cướp mất đảo, xâm chiếm biển… thì ý nghĩa càng lớn lao. Quê hương của Cụ Võ là cả đất nước, chứ không chỉ là Quảng Bình,  Lệ Thuỷ.

Nếu cố gán cho Cụ một cái nghĩa “đồng hương” nhỏ hẹp, chắc gì đã đúng với tầm vóc suy nghĩ của Cụ.

Đời Cụ đã quá nhiều cay đắng. Trong bản tiểu sử của Cụ, người ta vô tình hay cố ý bỏ quên giai đoạn Cụ bị dí sang phụ trách sinh đẻ có kế hoạch. Đấy là chưa kể hai lần “thoát nạn” (theo chuyện kể của nhà báo Huy Đức).

Nếu người ta thực sự vì dân, vì nước lấy Cụ làm tấm gương học tập thì phải tự vấn nhìn lại những trăn trở, góp ý, khuyên can của Cụ về con đường phát triển đất nước.

Hãy để Cụ ra đi thanh thản trong sự kính trọng và tiếc thương của đất nước, xứng đáng với công đức và tấm lòng của Cụ.

Hãy để cho những kẻ “lạc lòng” còn sống nhìn thấy hàng chục vạn người đến 30 Hoàng Diệu viếng Cụ (tự lòng mình, chẳng ai tổ chức kêu  gọi, trước tất cả mọi nghi thức tang lễ nhà nước) mà suy ngẫm về lẽ đời.

Dân tộc như thế, có thể có nhiều bước trầm luân, nhưng không ai có thể đánh bại được.

Suy ngẫm về lẽ đời lại thấy buồn khi người ta chuyên lo chuyện trời có sụp hay không mà quên lo “đất dưới chân mình đang trụt”!

Xin mượn lời bài thơ mộc mạc, chân tình của anh Bảy Nhị (An Giang)  thành kính dâng nén hương lòng lên anh linh VÕ ĐẠI TƯỚNG  để kết luận cho bài viết này.

Đất nước trăm năm ngoại xâm giày xéo

Người có tuổi trăm năm làm nên điều kỳ diệu:

Là Tổng tư lệnh đội quân “nóp với giáo…”

Đánh bại bốn kẻ ngoại bang cùng mười tướng bằng vai.

Lịch sử danh nhân, danh tướng chẳng có ai

Chỉ một lần phong thành danh: Đại Tướng

Là Anh cả suốt đời của đoàn quân bách thắng

Lãnh tụ và dân tin,

                          bạn bè tin,

                                     cựu thù kính trọng    

Nhường vinh quang sau khúc khải hoàn

Xa lạ oai quyền, sống nhẫn, sống nhân Văn

Tàng ẩn từ tâm bên trong Võ tướng

Người đã sống một đời cao thượng

Không nhiễm phù sinh nên không bệnh chết nhọc nhằn

Lặng lẽ rời ngôi như ánh sao băng

Đại Tướng về Trời!

Người là Thiên tướng!

 

T. V. T.

Tác giả gửi trực tiếp cho BVN.



[1] Theo bà Võ Hạnh Phúc, con gái Cụ Võ Nguyên Giáp, thì chính Cụ chọn nơi an táng mình từ năm 2006, có để lại bút tích hẳn hoi. Lãnh đạo UBND huyện Quảng Trạch (Quảng Bình) cho biết cụ thể đó là ngọn Thọ Sơn (núi Rồng), trong đất liền, thuộc dãy núi Hoành Sơn hùng vĩ, nhìn ra ba đảo Hòn La, Hòn Gió và Đảo Yến.

This entry was posted in Lên Tiếng. Bookmark the permalink.