Các nước che đậy, Việt Nam lại… trưng ra

Các quốc gia thành viên WTO đã khôn khéo phân biệt đối xử với DN ngoại quốc bằng các hàng rào thuế quan tinh vi. Trong khi đó, Việt Nam lại trưng bày “vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước” ra vị trí mặt tiền, rồi ra sức thuyết phục họ công nhận mình là nền kinh tế thị trường.

Gia nhập WTO là một cột mốc quan trọng của Việt Nam trong tiến trình hội nhập quốc tế. Tuy nhiên sau 7 năm, dường như chúng ta chưa khai thác được hết các lợi ích mà tư cách thành viên WTO mang lại. Bởi hầu hết các nước của WTO, bao gồm cả G7, chưa công nhận VN là nền kinh tế thị trường, bất chấp nỗ lực thuyết phục của lãnh đạo cấp cao của VN trong các cuộc tiếp xúc song phương[1] .

Để kết luận một nền kinh tế vận hành theo quy luật thị trường không, các quốc gia phân tích nhiều yếu tố, trong đó có yếu tố khuôn khổ pháp lý cho nền kinh tế vận hành, mà đầu tiên là Hiến pháp.

Chỉ cần nhìn vào Điều 15 Hiến pháp 1992 hiện hành (và Điều 51 Khoản 1 Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992), sẽ thấy VN phân loại về mặt pháp lý các chủ thể tham gia hoạt động kinh tế ngay từ trong Hiến pháp và tuyên bố “kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo”. Như vậy, ai giữ vai trò chủ đạo, ai thắng trong cuộc chơi không còn được quyết định bởi quy luật cạnh tranh tự do của thị trường nữa, mà quyết định bởi nhà nước.

Để “tuân thủ” Hiến pháp, nhà nước phải có nghĩa vụ bảo đảm vai trò chủ đạo của thành phần kinh tế nhà nước.Muốn vậy, nhà nước không còn cách nào khác là phải ưu tiên, ưu đãi các DNNN. Nếu không, ai thắng ai thua trong cuộc cạnh tranh sẽ do thị trường quyết định.

Thị trường thì khách quan, vô cảm, nên DNNN có thể thắng, có thể thua, có thể chủ đạo hoặc không chủ đạo. Nếu DNNN và thành phần kinh tế nhà nước, vào một lúc nào đó, không giữ được vai trò chủ đạo thì nhà nước đã… vi phạm Hiến pháp.

Ảnh minh họa

Bởi vậy, mặc dù không còn duy trì một đạo luật riêng cho DNNN mà thành phần này được điều chỉnh chung trong Luật doanh nghiệp 2005, nhưng ưu tiên ưu đãi vẫn có vô vàn cách. Chẳng hạn, bảo lãnh vay vốn, ưu đãi đất đai, luân chuyển công chức cao cấp giữ các chức vụ quản lý trong DNNN thông qua đó loby chính sách cho các DN này. Rồi bắt buộc các hội thảo sử dụng ngân sách nhà nước phải mua vé máy bay của Vietnam Airlines cho đại biểu tham gia, v.v.

Điều đặc biệt, dường như DNNN không được phép phá sản theo quy luật thị trường, bởi phá sản thì cơ quan chủ quản có thể bị kỷ luật, nên họ phải cứu bằng mọi cách.

Vậy có thể dùng Hiến pháp ra lệnh cho quy luật kinh tế?Và quy luật kinh tế có phải là đối tượng điều chỉnh của Hiến pháp?

Ông trời đâu có vâng lệnh người; các quy luật kinh tế khách quan đâu có phải là đối tượng điều chỉnh của Hiến pháp và cũng không biết “giữ thể diện” cho nhà nước với những scandal như Vinashines, Vinalines…

Lùi xa hơn một chút, từ Hiến pháp 1980 đến Hiến pháp 1992, luôn khẳng định “vai trò chủ đạo” của thành phần kinh tế tập thể, nhưng nó đã teo tóp từ lâu. Trong thời kỳ bao cấp, cả dân tộc dành 100% nguồn lực cho kinh tế nhà nước, kinh tế tập thể, nhưng hai thành phần kinh tế này có giữ vai trò chủ đạo được không?

Hãy nhìn vào khả năng bảo toàn vốn, tìm kiếm lợi nhuận, đóng góp cho GPD, góp phần cho tình trạng tham nhũng, khả năng tạo công ăn việc làm giữa hai khu vực kinh tế nhà nước và kinh tế tư nhân, sẽ dự đoán được quy luật kinh tế đang vận động theo hướng nào.

Bảng: Đóng góp của kinh tế nhà nước tại TPHCM giảm dần đều theo thời gian

 

Thành phần 2006-2010 2011 2012 2013
Kinh tế nhà nước 26,6% 18,7% 18,0% 17,3%
Kinh tế ngoài nhà nước 50,6% 58,3% 58,5% 58,9%
Kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài 22,8% 23,0% 23,5% 23,8%

 

(Nguồn: Cục Thống kê TPHCM, dẫn theo Văn Nam, Đóng góp kinh tế nhà nước giảm dần, Thời báo Kinh tế Sài Gòn, 22/9/2013).

Đáng tiếc, tư duy dùng Hiến pháp ra lệnh cho quy luật kinh tế vẫn được tiếp tục duy trì, lựa chọn làm Phương án 1 trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Điều 51 Khoản 1 viết: “Nền kinh tế Việt Nam là nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, với nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế, trong đó kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo (khái niệm “kinh tế tập thể” đã biến mất – VTH).

Quyền lập hiến thuộc về Quốc hội Việt Nam, nhưng quyền công nhận nền kinh tế thị trường thuộc về các quốc gia khác.Mỗi chủ thể đều có ý chí riêng của mình.

Tuy nhiên, điều đáng bàn ở đây, là nghệ thuật che đậy sự phân biệt đối xử. Các quốc gia thành viên WTO đã khôn khéo phân biệt đối xử với DN ngoại quốc bằng các hàng rào thuế quan tinh vi. Trong khi đó, Việt Nam lại trưng bày “vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước” ra vị trí mặt tiền, rồi ra sức thuyết phục họ công nhận mình là nền kinh tế thị trường.

Đặc biệt, hiện nay Việt Nam đang tích cực đàm phán gia nhập TPP, thì việc trưng bày “vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước” trong Hiến pháp, sẽ làm cho Việt Nam gặp không ít bất lợi.

(Còn tiếp)

TS. Võ Trí Hảo (Khoa Luật, Đại học Kinh tế TP.HCM)

 

[1] Hiện nay chỉ có ASEAN và Ucraina, Nga, Trung Quốc, Venezuela, Nam Phi công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường, các thành viên chủ chốt của WTO vẫn chưa công nhận.

Nguồn: http://vietnamnet.vn/vn/tuanvietnam/141897/cac-nuoc-che-day–viet-nam-lai—-trung-ra.html

 

This entry was posted in Quốc Tế. Bookmark the permalink.