Thương lượng sự Thay đổi Cơ bản: Hiểu và Mở rộng các Bài học của các cuộc Đàm phán Bàn Tròn Ba Lan (Kỳ 13)

Dịch giả: Nguyễn Quang A 

Quyền lực, Đặc ân và Hệ tư tưởng

trong sự Sụp đổ được Dàn xếp của Chế độ Cộng sản

Michael D. Kennedy

“Ai được gì và vì sao?” Nhà xã hội học Mỹ Gerhard Lenski đã trình bày câu hỏi cô đọng nhất này trong nghiên cứu về phân tầng xã hội.[1] Ông đã tranh luận rằng, trong suốt tiến trình lịch sử, đã có hai câu trả lời cơ bản. Luận đề bảo thủ, bảo vệ hiện trạng, giải thích “sự phân bố hiện tồn của các sự thưởng công là công bằng, hợp lý, và thường cũng không thể tránh được.” Phản đề cấp tiến thì phê phán, “lên án hệ thống phân bố cơ bản là bất công và không cần thiết”.[2] Bản thân Lenski đưa ra một sự tổng hợp của hai quan điểm này trong việc giải thích sự bất bình đẳng trong các xã hội người trong suốt tiến trình tồn tại của chúng.

Các cuộc đàm phán Bàn Tròn Ba Lan năm 1989 gợi ý một sự tổng hợp khác. Trong khi chỉ là vài tháng trong một nước duy nhất, các cuộc đàm phán này tuy vậy đã làm thay đổi tiến trình của lịch sử con người bằng cách cung cấp một mô hình cho sự thương lượng cơ bản, nhưng hòa bình, về những khác biệt căn bản trong sự sụp đổ của chế độ cộng sản. Sự thành công của sự sụp đổ được dàn xếp của chế độ cộng sản đã phụ thuộc vào những người cộng sản và những người có tư tưởng phóng khoáng (liberal) tập họp lại để diễn đạt mạch lạc, cùng với các lãnh đạo của Giáo hội Công giáo, một nhu cầu chung để thỏa hiệp và phát triển một nước Ba Lan cởi mở hơn và đa nguyên, dù là bất bình đẳng hơn. Nó cũng đã phụ thuộc, tuy vậy, vào sự mất quyền lực trên mọi lĩnh vực.

Trong tiểu luận này, tôi sẽ nhờ đến những suy ngẫm khác nhau về các cuộc đàm phán Bàn Tròn Ba Lan năm 1989, chủ yếu đặc biệt vào một hội thảo mà các đồng nghiệp của tôi và tôi đã tổ chức tại Đại học Michigan từ ngày 7 đến ngày 10 tháng Tư năm 1999 cho một số người tham gia chủ chốt của các cuộc đàm phán này, cuộc đàm phán đã kết liễu chế độ cộng sản.[3] Tôi sẽ bắt đầu, tuy vậy, với những suy ngẫm thêm về mối quan hệ giữa hệ tư tưởng và sự bất bình đẳng, vì chúng ta không thể hiểu quyền lực, đặc ân và Bàn Tròn mà không có sự hiểu biết về hệ tư tưởng vận hành ra sao trong việc định hình sự bất bình đẳng.

Hệ tư tưởng và sự Bất bình đẳng

Lập trường bảo thủ về sự bất bình đẳng được đại diện trong tác phẩm của Lenski hầu như không hiển nhiên trong xã hội học Mỹ ngày nay, nhưng vào lúc đó, xã hội học Mỹ đã có một quan điểm chức năng luận (functionalist) quan trọng. Các nhà chức năng luận đã mô tả sự bất bình đẳng xã hội như “một công cụ được tiến hóa một cách vô thức mà với nó các xã hội bảo đảm rằng các vị trí quan trọng nhất được bổ nhiệm một cách tận tâm bởi những người có đủ tư cách nhất.”[4] Talcott Parsons đặt các giá trị vào trung tâm của cách tiếp cận chức năng luận của ông và cho rằng những người được tưởng thưởng nhiều nhất trong một xã hội nắm giữ các phẩm chất phản ánh các giá trị của xã hội đó.[5] Lý thuyết xã hội học Marxist đã chỉ bắt đầu có ảnh hưởng trong xã hội học Mỹ giữa những năm 1960, nhưng C. Wright Mills và những người khác quanh ông đã bày tỏ một quan điểm cấp tiến tương tự. Trường phái “mâu thuẫn” này cho rằng sự bất bình đẳng đã là kết quả của “cuộc đấu tranh vì các hàng hóa và dịch vụ quý khan hiếm.”[6]

Những khác biệt này giữa hệ thuyết (paradigm) chức năng và mâu thuẫn, đến lượt nó, lại dựa trên những giả thiết khác cơ bản hơn về các xã hội người. Lenski đã nhận diện tám sự khác biệt như vậy.[7]

1) Những người bảo thủ không tin bản tính con người và tin rằng các định chế phải chế ngự tính khí đó, còn những người cấp tiến thì không tin các định chế đó và lạc quan về bản tính con người;

2) Những người bảo thủ nghĩ rằng các xã hội có các nhu cầu, còn những người cấp tiến nghĩ về xã hội như một môi trường trong đó các cuộc đấu tranh diễn ra;

3) Những người bảo thủ thấy vai trò nhỏ của sự ép buộc trong việc giải thích sự bất bình đẳng, còn những người cấp tiến nhấn mạnh nó;

4) Những người bảo thủ tối thiểu hóa vai trò của bất bình đẳng trong việc gây ra xung đột, còn những người cấp tiến nhấn mạnh nó;

5) Những người bảo thủ coi các phương tiện hợp pháp như nguồn của đặc ân, còn những người cấp tiến nhấn mạnh các phương tiện bất hợp pháp;

6) Những người bảo thủ coi bất bình đẳng là không thể tránh được, còn những người cấp tiến coi nó như cái gì đó có thể thay đổi.

7) Những người bảo thủ xem nhà nước và luật như các phương tiện cho lợi ích chung, còn những người cấp tiến coi chúng như các công cụ đàn áp.

8) Những người bảo thủ nghĩ về giai cấp như một công cụ heuristic (khám phá) để mô tả, còn những người cấp tiến coi giai cấp như các nhóm xã hội thực.

Lenski đã phát triển một sự tổng hợp của các quan điểm này. Dựa trên việc soát lại rộng rãi lịch sử về bất bình đẳng trong các xã hội người, ông cho rằng đã có các yếu tố đúng đối với cả hai quan điểm. Ông đã thấy quan điểm bảo thủ thuyết phục nhất trong sự đánh giá của nó về bản tính con người, nhưng quan điểm cấp tiến hơn đã có lý hơn trong cách tiếp cận của nó đến bản chất của xã hội, đặc biệt ở các mức công nghệ tiên tiến hơn. Vì sự phát triển công nghệ tạo ra những thặng dư xã hội lớn hơn, sự phân bố quyền lực bên trong xã hội có khả năng hơn để định hình sự phân bố đặc ân trong xã hội đó. Những người cai trị được nhiều nhất, và những người chiến đấu thành công bên trong hệ thống đó được nhiều hơn những người không thành công. Ngược lại, trong các xã hội ít tiên tiến về công nghệ, nơi người dân tương thuộc vào nhau hơn, các lý lẽ chức năng luận bảo thủ hơn có ý nghĩa. Nhu cầu của xã hội đã có thể tỏ ra nổi bật hơn trong phân bổ hàng hóa và dịch vụ nơi người dân chịu ơn nhau hơn, và sự ép buộc là ít hiệu quả.

Giống Lenski, nhà xã hội học Ba Lan Stanisław Ossowski đã giải thích những biến thể trong quan niệm về bất bình đẳng, phân biệt cách tiếp cận phân đôi khỏi cách tiếp cận tiệm tiến và cả hai khỏi cách tiếp cận chức năng. Tuy vậy, ông đã không đưa ra một lý thuyết tổng hợp về bất bình đẳng xã hội trong các xã hội người. Thay vào đó, ông đã nhấn mạnh tầm quan trọng của hệ tư tưởng trong diễn giải sự bất bình đẳng. Ông đã viết, “Sự lựa chọn một sơ đồ cấu trúc giai cấp trong một trường hợp cá biệt là triệu chứng hoặc của các vấn đề quan tâm đến những người áp dụng sơ đồ hoặc của các quan điểm của họ về thực tại mà họ mô tả.”[8] Thí dụ, Ossowski lưu ý rằng các tầm nhìn phân đôi, đơn giản phân biệt những người cai trị khỏi những người bị trị, hiếm khi thỏa đáng trong việc mô tả tính phức tạp của sự bất bình đẳng, đặc biệt trong các xã hội công nghiệp hiện đại. Tuy vậy, chúng trở nên khá quan trọng khi chúng giúp để tạo ra các tầm nhìn hữu ích trong việc huy động các xung đột xã hội.[9]

Lenski cũng lưu ý tầm quan trọng của hệ tư tưởng, và thậm chí tính cách của các nhà lãnh đạo, đối vớ việc hiểu sự phân phát đặc ân trong các xã hội người, đặc biệt trong các xã hội với những công nghệ tinh vi hơn.[10] Trong khi cả Lenski và Ossowski lưu ý tầm quan trọng của hệ tư tưởng trong hình mẫu bất bình đẳng, quan điểm của Ossowski truyền đạt kiến thức cơ bản về xã hội học tri thức nâng cao không chỉ những diễn giải của các nhà lãnh đạo chính trị, mà cả những diễn giải của các nhà phân tích giai cấp, bất luận chúng mang tính học thuật hay chính trị theo nhiệm vụ của chúng. Cuối cùng, ông biện luận, những diễn giải cấu trúc giai cấp trở thành các sự thực xã hội, mà đến lượt chúng, lại ảnh hưởng đến các xã hội và các chính sách thực tiễn định hình chúng.[11] Nếu người ta cho rằng sự bất bình đẳng dựa trên những khác biệt tiệm tiến, chẳng hạn, thì người ta giúp để nguyên tử hóa các nhóm được tổ chức xung quanh sự bất bình đẳng; nếu, mặt khác, người ta vẽ một bức ảnh phân đôi với những khác biệt cơ bản giữa hai giai cấp trong một xã hội, thì người ta giúp tạo ra các điều kiện cho xung đột của chúng.

Bàn Tròn Ba Lan năm 1989 tạo một cơ hội cực kỳ để mở rộng những hiểu biết sâu sắc của cả hai nhà lý thuyết này về địa vị và quyền lực. Thật ra mà nói, ý nghĩa của Bàn Tròn, và mối quan hệ của nó với bất bình đẳng trong xã hội Ba Lan, là không hiển nhiên theo kinh nghiệm. Lý lẽ của Ossowski về tầm quan trọng của viễn cảnh và cách hiểu chắc chắn cần được áp dụng ở đây. Đồng thời, tham vọng tổng hợp của Lenski là quyến rũ, nhưng sự áp dụng của nó vào Bàn Tròn đòi hỏi một sự bóp méo nào đó. Trong khi Lenski nhờ đến toàn bộ lịch sử của các xã hội người, tiểu luận này tập trung vào một thời khắc duy nhất trong lịch sử, bên trong một nước duy nhất. Tuy vậy, “thời khắc quyết định”[12] trong lịch sử loài người cho thấy sự kết hợp với quyền lực và đặc ân đã có thể được làm mới để phát triển một khả năng mới trong lịch sử loài người. Không chỉ “cuộc cách mạng được thương thuyết”[13] này phải làm thay đổi cách mà theo đó chúng ta nghĩ về sự thay đổi xã hội cơ bản,[14] và ý nghĩa của chủ nghĩa bảo thủ và chủ nghĩa cấp tiến. Nó cũng đã có thể khiến chúng ta nghĩ khác đi về những cách mà theo đó sự liên kết giữa quyền lực và đặc ân nên được xem xét trong thành công của sự thay đổi cơ bản, nhưng hòa bình.

Thành công của Bàn Tròn Ba Lan

Không ai biết Ba Lan có thể bắt đầu câu chuyện về Bàn Tròn vào năm 1988 hay 1989. Đối với phe đối lập, câu chuyện phải quay chí ít về 31 tháng Tám năm 1980, khi phong trào Đoàn Kết ra đời. Trong gần mười lăm tháng, một nghiệp đoàn độc lập và phong trào xã hội của hơn chín triệu đàn ông và đàn bà đã biến đổi Ba Lan và đã hứa hẹn thay đổi bản thân chế độ cộng sản. Vào ngày 13 tháng Mười Hai năm 1981, quân luật được ban bố và hầu hết ban lãnh đạo của Đoàn Kết đã bị giam giữ. Thời kỳ đó và đỉnh điểm của nó trong quân luật đã giúp tạo ra một cấu trúc giai cấp “phân đôi trong xã hội Ba Lan: một cách nhìn xã hội gồm “chúng tôi” và “họ.”[15]

Với cách nhìn phân đôi đó được gắn vào cuộc tranh đua chính trị, mối quan hệ giữa các nhà chức trách và xã hội đã không thể giải quyết được. Các điều kiện quốc tế đã giúp duy trì sự bất ổn định đó. Việc trao Giải Nobel Hòa bình cho Lech Wałęsa trong năm 1983 đã đóng dấu quốc tế phê chuẩn Đoàn Kết, và Wałęsa được tặng thưởng và phong trào mà ông đã ủng hộ biểu lộ uy tín và sự quý trọng chống lại hệ thống giá trị mà xung quanh đó nước Ba Lan cộng sản đã được tổ chức. Bản thân chính phủ Mỹ đã sử dụng các nguồn lực của nó trong cả hoạt động chính trị quốc tế lẫn thương mại để cô lập Ba Lan và thúc ép các nhà chức trách đàm phán với nghiệp đoàn. Ảnh hưởng Mỹ này ở bên trong hệ thống giai cấp Ba Lan đã hiển nhiên ngay cả trong đời sống hàng ngày, khi Đại sứ Mỹ John Davis và vợ ông Helen Davis đã tiếp đãi các lãnh đạo của phe đối lập tại tư dinh của họ.

Ở bên kia, các nhà lãnh đạo Liên Xô đã nói về virus Ba Lan và sự cần thiết để ngăn chặn nó bằng mọi giá. Mối đe dọa liên miên của sự can thiệp Soviet đã ủng hộ, theo một cách kỳ quặc, địa vị của các nhà lãnh đạo Ba Lan. Các nhà lãnh đạo này đã có thể chỉ ra ở các nước khác mọi việc đã tồi tệ thế nào, và chứng tỏ cho các công dân của họ rằng ban lãnh đạo cộng sản Ba Lan này đưa ra cái tốt nhất của các thế giới khả dĩ, trong một thế giới bị chia rẽ.[16] Mặc dù bị tranh cãi kịch liệt, người đã áp đặt quân luật ở Ba Lan, Tướng Wojciech Jaruzelski, cho rằng ông đã phải áp đặt quân luật để tránh sự xâm chiếm Soviet. Dùng hình tượng của nhà lãnh đạo Đoàn Kết Jacek Kuroń, Tướng Jaruzelski đã nói rằng Đoàn Kết trong năm 1981 đã giống một đoàn xe lửa không có người lái và đang tăng tốc nhanh hơn bao giờ hết. Vị Tướng đã nói ông áp đặt quân luật không để phá hủy nghiệp đoàn mà đúng hơn để “làm đóng băng nó,” sao cho các cuộc đàm phán có thể được tổ chức muộn hơn, khi các điều kiện quốc tế thích hợp.[17]

Tất nhiên là khó để tưởng tượng rằng trong năm 1981 các Tướng Jaruzelski và Kiszczak đã hình dung rằng năm sáu năm sau Liên Xô có thể ủng hộ các tướng này trong sự tìm kiếm của họ để thương lượng với Đoàn Kết. Bản thân xã hội Ba Lan đã nghi ngờ về các cuộc thương lượng như vậy, nhìn thấy trong các cuộc trưng cầu dân ý và những đề nghị đối thoại là các nỗ lực để thâu nạp và chia rẽ phe đối lập.[18] Mãi đến tháng Hai 1988, một trong những trí thức chủ chốt được công chúng biết đến của Đoàn Kết, Adam Michnik, đã nói điều này khi trả lời một câu hỏi về “sáng kiến hòa bình” của Jaruzelski:

Lời nói về sáng kiến hòa bình của Jaruzelski là một lời nói đùa – đặt không đúng chỗ, cứ như nó đến từ Tướng Pinochet hay tổng thống Nam Phi. Tướng Jaruzelski đã có thể tạo ra hòa bình thật sự bằng cách tìm nối lại tình hữu nghị hòa bình với chính dân tộc ông. Nhưng cho đến nay ông đã chưa làm thế… Vấn đề quan trọng đối với tôi là liệu Tướng Jaruzelski có ý định hủy bỏ hệ thống apartheid của chúng tôi bằng việc nuôi dưỡng sự bình đẳng giữa các công dân của chúng tôi hay không. Điều này đòi hỏi sự phá hủy quyền lực của nomenklatura, mà có thể so sánh được với cư dân da trắng ở Nam Phi. Cho đến nay, Jaruzelski không cho thấy dấu hiệu nào về sự mong muốn xóa bỏ hình thức apartheid của chúng tôi. Mọi thứ ông làm đều duy trì quyền lực của nhóm cầm quyền được gọi là nomenklatura.[19]

Tuy nhiên, các cuộc đàm phán đã chính thức bắt đầu vào ngày 6 tháng Hai năm 1989 và đã kéo dài hai tháng. Hơn 400 người đã tham gia trong các cuộc đàm phán khác nhau. Đã có ba bàn chính – về cải cách chính trị, về cải cách kinh tế và về chủ nghĩa đa nguyên tổ chức – quan tâm chủ yếu đến tái hợp pháp hóa Đoàn Kết. Đã cũng có mười một bàn nhỏ dành cho các vấn đề về media (truyền thông đại chúng), y tế, khai khoáng, thanh niên và các vấn đề khác. Các cuộc đàm phán đã dễ một cách đáng kinh ngạc về vấn đề hợp pháp hóa Đoàn Kết; nhưng đã đặc biệt khó trong lĩnh vực chính trị, vì cả hai phía đã nhận ra rằng họ đang thương lượng cấu trúc chính trị tương lai của Ba Lan. Ngoài các cuộc họp công khai, các cuộc họp riêng giữa các nhà đàm phán chóp bu đã được tổ chức tại Magdalenka, một resort ở ngoại ô Warsaw. Trong các cuộc họp hoàn toàn không được ghi lại này, các trở ngại sâu sắc nhất đã được khắc phục. Cuối cùng đã đạt được các thỏa hiệp, nhưng những kết quả của các cuộc đàm phán đó đã không như đa số đã kỳ vọng.

Phe đối lập đã thành thật ngạc nhiên bởi bao nhiêu điều đã được hoàn tất trong các cuộc đàm phán. Vượt xa hơn sự hợp pháp hóa Đoàn Kết, các cuộc bầu cử hoàn toàn cạnh tranh đã được dàn xếp để tổ chức vào ngày 4 tháng Sáu 1989 cho Thượng viện mới; ba mươi lăm phần trăm số ghế trong hạ viện của Quốc hội, trong Sejm, cũng sẽ được tranh đua. Phần còn lại được phân bổ cho liên minh cầm quyền. Quốc hội đã được phân trách nhiệm bầu ra Tổng thống. Với những người cộng sản và các đồng minh của họ được bảo đảm hầu hết số ghế (trong Sejm), các nhà đàm phán đã giả thiết rằng Quốc hội sẽ bầu Tướng Jaruzelski làm Tổng thống với quyền hạn không được định rõ một cách tương đối.

Kết quả bầu cử đã làm tất cả mọi người ngạc nhiên. Các nhà chức trách đoán trước rằng Đoàn Kết sẽ thắng nhiều nhất bốn mươi phần trăm số ghế trong Thượng viện, chứ không phải 99 trong số 100 ghế như cuối cùng họ đã đạt được. Họ đã không nghĩ rằng đã có ít đến vậy những người cộng sản và đồng minh của họ đạt số phiếu tối thiểu cần thiết để vào quốc hội trong vòng bầu cử đầu tiên. Họ đã bị sốc về việc họ đã nhận được ít sự ủng hộ đến thế nào.[20] Với các lá phiếu được bỏ, và các xe tăng lăn vào Quảng trường Thiên An Môn ở Trung Quốc, những người Ba Lan đã đợi để xem kết quả bầu cử sẽ có được tôn trọng hay không. Ngay cả một số nhà đàm phán cho những người cộng sản đã lo sợ rằng các kết quả bầu cử có thể bị hủy bỏ.[21] Thay vào đó, các kết quả bầu cử đã được tôn trọng và những người cộng sản đã cố gắng để thành lập chính phủ.

Với số phiếu kinh khủng này mà phe đối lập nhận được từ xã hội, ngay cả những người trước kia đã liên minh với những người cộng sản đã bắt đầu suy nghĩ lại lòng trung thành của họ. Việc di chuyển của các đại biểu thuộc Đảng Nông dân và Đảng Dân chủ khỏi những người cộng sản sang bên Đoàn Kết, thực ra, đã làm cho biệc bầu Tướng Jaruzelski làm Tổng thống có vẻ đặc biệt không chắc chắn. Giả như vài đại biểu Đoàn Kết đã không vắng mặt khỏi cuộc bỏ phiếu, thì Tướng Jaruzelski có thể đã không được bầu làm tổng thống. Giả như ông đã không được bầu, một số người sợ rằng các cơ hội cho sự thay đổi hòa bình đã có thể bị mất.[22]

Cuối cùng, Tổng thống Jaruzelski đã yêu cầu Tướng Kiszczak lập chính phủ đầu tiên, nhưng Kiszczak đã không thể; các đại biểu Đoàn Kết đã giải thích cho ông ta rằng họ không thể chịu trách nhiệm về các chức bộ trưởng kinh tế trong chính phủ của ông, và ông đã không thể thành lập chính phủ mà không có họ. Xã hội đã bỏ phiếu cho sự thay đổi, và để thành lập một chính phủ với liên minh cầm quyền cũ sẽ là không thể. Quay sang những từ ma thuật đó do Adam Michnik đưa ra vào ngày 3 tháng Bảy trong tờ báo của ông Gazeta Wyborcza, Tướng Jaruzelski (“tổng thống của các ông”) cuối cùng đã yêu cầu Tadeusz Mazowiecki (“thủ tướng của chúng tôi”) để thành lập chính phủ vào ngày 24 tháng Tám 24.[23] Cách nhìn phân đôi đó về hiện trạng và quyền lực tuy vậy đã mang lại một chính phủ dựa trên một liên minh lớn của tất cả các lực lượng chính trị hàng đầu.

Bàn Tròn đã đặt nền móng cho sự chuyển một cách hòa bình sự phân đôi thành một sự thống nhất dân tộc tạm thời và dân chủ. Bàn Tròn cũng đã tạo ra một mô hình cho sự biến đổi của các nước cộng sản khác. Các bài học của nó không chấm dứt ở đây, tất nhiên. Các đồng nghiệp của tôi và tôi đã tổ chức một hội thảo lớn tập hợp những người từ xung quanh Bàn Tròn Ba Lan tại Đại học Michigan trong năm 1999 để suy ngẫm về ý nghĩa của năm 1989.[24] Một câu hỏi gây cảm hứng cho sự quan tâm của chúng tôi đã là: làm thế nào một xã hội, mà sự tranh đua chính trị của nó đã thấm nhuần cách nhìn phân đôi về xã hội, giữa “chúng tôi” và “họ,” lại đã có thể đàm phán một cách hòa bình về sự kết liễu của một hệ thống. Rốt cuộc, hầu hết các nhà xã hội học những người nghiên cứu sự thay đổi xã hội cơ bản, đặc biệt với lăng kính nhấn mạnh các bức tranh phân đôi về sự bất bình đẳng xã hội, có khuynh hướng để nhìn sự phân cực xã hội, và sự sụp đổ của nhà nước, như mang tính quyết định cho việc tạo ra sự thay đổi căn bản. Sự sụp đổ được thương lượng của chế độ cộng sản đã là khác. Nhưng đó cũng là một vấn đề về viễn cảnh, góc nhìn, như Ossowski nhắc nhở chúng ta.

Những người Bảo thủ Cấp tiến và Những người cánh Tả Bảo thủ

Một trong những sự khác biệt quan trọng nhất về ý kiến xung quanh “cách mạng được đàm phán” nằm ở sự đánh giá về sự sụp đổ hệ thống. Một trong những diễn giả của hội thảo, Wiesław Chrzanowski, một cố vấn ban đầu của Đoàn Kết, một trong những người sáng lập của Liên minh Dân tộc Thiên chúa giáo và một cựu Chủ tịch của Sejm, đã tranh cãi rằng Bàn Tròn đã là hệ quả của sự sụp đổ của hệ thống, chứ không phải nguyên nhân của sự phân hủy của hệ thống. Rốt cuộc, ông lưu ý, “mấy tháng sau Bàn Tròn, cùng với sự sụp đổ của bức Tường Berlin, các chế độ cộng sản khác ở Trung Âu, trừ Rumania, đã sụp đổ một cách hòa bình.”[25] Theo ý kiến của ông, Bàn Tròn này đã không là công cụ để chấm dứt chế độ cộng sản, mà đúng hơn là một cách cho một số nhóm cải thiện địa vị của họ trong sự sụp đổ của chế độ cộng sản.

Phong trào đối lập với chế độ cộng sản, ông biện luận, đã là thứ quan trọng hơn gây ra sự sụp đổ của hệ thống, cùng với sự ủng hộ yếu đi từ Liên Xô. Chính quyền cộng sản đã trình bày ý tưởng này về Bàn Tròn để thâu nạp phe đối lập đó và làm cho sự sụp đổ được lường trước của họ khỏi quyền lực được suôn sẻ. Chính quyền như thế đã thử tạo hình các đối tác của họ trong đàm phán, sao cho họ có thể đạt được thỏa thuận trao đổi tốt nhất. Bản thân phe đối lập cũng đã thấy điều này như một cơ hội. Chắc chắn, những cuộc đàm phán này sẽ dẫn đến một số mục tiêu họ bám vào: “mở rộng lề của tự do, khôi phục Đoàn Kết hợp pháp… ngăn chặn loại va chạm trực diện nào đó.”[26] Chrzanowski, tuy vậy, cũng đã thấy rằng đây đã là một cơ hội cho “phe đối lập cánh tả,” mà không bao gồm Chrzanowski, để “loại bỏ hay hạn chế ảnh hưởng của cánh hữu của phe đối lập,” mà với nó ý ông đã muốn nói là các phần tử dân tộc chủ nghĩa hay Dân chủ Thiên chúa giáo.[27] Cùng với lợi thế chính trị này là đặc ân nào đó, một số “lợi thế,”[28] cái mà muộn hơn tại hội thảo Chrzanowski đã gọi là “váng kem”[29]:

… như một kết quả của thỏa thuận được thảo luận (Bàn Tròn), phe chính phủ trước tháng Sáu (những người cộng sản), thay cho việc đầu hàng và hình phạt vì quá khứ, đã tìm thấy chỗ của nó một cách êm dịu bên trong trật tự mới của nền dân chủ nghị viện, và giữ lại các tài sản vật chất và tổ chức của nó. Công thức được chấp nhận về một nhà nước pháp quyền thường được dùng như một nơi trú ẩn khỏi sự trừng phạt tình trạng vô luật pháp. Trong số các lợi ích của đối tác khác là khả năng đưa ra các quyết định nhân sự liên quan đến một phần ba số ghế được thương lượng của Hạ viện năm 1989… Liên quan đến việc tiếp quản phương tiện truyền thông đại chúng quan trọng, là đủ để nhắc đến Gazeta Wyborcza, hiện nay là tờ báo của ông Michnik, mà sự xuất bản nó đã là một sự nhượng bộ cho Đoàn Kết được dàn xếp tại Bàn Tròn từ chính phủ.[30]

Mặc dù Chrzanowski là một luật sư bảo thủ và một nhà lãnh đạo chính trị, sự đánh giá của ông dựa khá rõ ràng vào một bức chân dung “cấp tiến” của xã hội trong sự kết hợp của quyền lực và đặc ân của nó. Ông đã nhận diện rất rõ cách nhìn phân đôi của xã hội, mà tất nhiên đã hầu như không giới hạn ở phe đối lập cánh hữu. Nhưng đánh giá của ông về Bàn Tròn là đặc thù hơn đối với cánh hữu và na ná như các bức tranh cấp tiến về sự bất bình đẳng trong sự kết hợp trực tiếp của chúng giữa quyền lực và đặc ân. Những người cấp tiến có xu hướng tin những người nắm quyền, mà họ chống đối, hành động theo cách tạo ra những lợi ích ích kỷ. Chrzanowski quy khá rõ ràng động cơ này cho việc tham gia Bàn Tròn của những người cộng sản, nhưng ông ngụ ý rằng các cựu đồng nghiệp, thiên tả hơn, của ông trong Đoàn Kết cũng đã có cùng tham vọng.[31]

Adam Michnik, tuy vậy, đã khá bối rối bởi cáo buộc của Chrzanowski. Michnik đã phản công rằng Chrzanowski đang tạo ra một “truyền thuyết đen” gắn với Bàn Tròn, bằng cách cho rằng thỏa thuận này đã được làm ra vì lợi ích của những người đã đàm phán, hơn là vì lợi ích của Ba Lan. Đúng là tờ báo của Michnik là một trong những tờ báo thành công nhất ở Ba Lan, và ở Đông Âu nói chung, nhưng câu trả lời dí dỏm của Michnik cho Chrzanowski gợi ý một lý do cho sự thành công của nó: “Ông lo lắng rằng tôi có “váng kem” từ Gazeta và tôi rất vui vì Ba Lan có một tờ báo hay. Và tôi rất vui vì không có nước hậu cộng sản khác nào có một tờ báo tốt như thế. Và tôi muốn ông và bạn bè chính trị của ông có thể làm một tờ nhật báo như vậy và chúng ta sẽ có hai tờ báo tốt nhất!”[32]

Bỏ sự dí dỏm sang một bên, sự trao đổi lời qua tiếng lại này chạm vào tâm của một trong những vấn đề làm mất tính chính đáng về mặt chính trị nhất với Bàn Tròn. Đấy đã có là một “thỏa thuận trao đổi bí mật” giữa những người cộng sản và những bộ phận nào đó của phe đối lập Đoàn Kết để tạo ra lợi thế cho tất cả các nhà đàm phán hay không? Ngay cả vị Giám mục người đã gắn bó nhất với các cuộc đàm phán Bàn Tròn, Alojzy Orszulik, sau mười năm đã có thể bày tỏ sự thất vọng với việc Bàn Tròn phân bổ đặc ân. Rốt cuộc, ông nói, những biến đổi của mười năm vừa qua đã làm tổn thương các công nhân và nông dân nhiều nhất. Họ là các nạn nhân, họ là những người nghèo, của sự biến đổi này. Còn ngược lại,

một số người từ chế độ (cộng sản), phải, thậm chí rất nhiều người trong số họ, đã vẫn khá lên, trong một tình trạng tốt, không chỉ vì họ giữ căn hộ của họ, mà cũng bởi vì tiền lương và những cơ hội để có được việc làm trong công việc béo bở khác của họ. Tôi nhớ khi ông Sekula rời đi, ngay lập tức người Nhật đề nghị ông vị trí của một chuyên gia, tôi nghĩ một trăm năm mươi ngàn zloty một tháng. Hôm nay, tôi nhìn vào bản thân mình, nhìn lại và như một người già bảy mươi bảy tuổi, sau khi đã chính thức làm việc tại Ban thư ký của Hội đồng Giám mục trong ba mươi ba năm, tôi có lương hưu, tôi nghĩ, khoảng bốn trăm ba mươi zloty trước thuế và sau thuế là ba trăm chín mươi sáu zloty. Cho nên đó cũng là một hành động bất công.[33]

Những người chấp nhận quan điểm “cấp tiến” về các cuộc Đàm phán Bàn Tròn, và khảo sát mối quan hệ giữa các lợi ích của những người có quyền thế lớn và quá trình thay đổi, thì chắc vì thế sẽ thấy cái gì đó ít anh hùng hơn về Bàn Tròn. Nhưng là quan trọng để thử phân biệt giữa những kết quả của Bàn Tròn, và sự thành công của cuộc cách mạng được thương lượng đó.

Một người tham dự khác của hội thảo, Lech Kaczyński, đã nói về Bàn Tròn bằng những từ ngữ tương tự như Giám mục Orszulik. Cả vị Giám mục lẫn nhà chính trị đều đồng ý rằng Bàn Tròn đã là một phương tiện rất tích cực để phát triển một nước Ba Lan độc lập và dân chủ, một cách hòa bình. Nó đã hợp pháp hóa Đoàn Kết và nó đã mở đường cho các cuộc bầu cử dân chủ. Trên nền tảng đó Đoàn Kết đã thành công và đã thắng các cuộc bầu cử. Họ thậm chí đã tận dụng lợi thế của thắng lợi đó để lập một chính phủ, do Tadeusz Mazowiecki đứng đầu. Nhưng sau khi chế độ cộng sản đã sụp đổ ở phần còn lại của khu vực, Kaczyński tin rằng chính phủ Đoàn Kết đã phải chuyển nhanh để làm sâu sắc những thay đổi, để tư nhân hóa công nghiệp nhanh hơn, để tạo ra các quyền tự do dân sự và các thủ tục dân chủ nhanh hơn, để xây dựng một nhà nước mới, và để tái cấu trúc xã hội một cách cơ bản hơn. Kaczyński cho rằng sau sự sụp đổ của chế độ cộng sản trên khắp khu vực đã phải có một bước đi xông xáo hơn để thiết lập công lý, để trừng phạt những kẻ đã phạm những tội trắng trợn dưới sự cai trị cộng sản và chắc chắn chấm dứt các đặc ân của họ.[34]

Quan điểm này có thể được đồng nhất với chủ nghĩa cấp tiến của Chrzanowski, nhưng Kaczyński thấy rõ sự thỏa hiệp Bàn Tròn này là “cần thiết.” Với sự sụp đổ của chế độ cộng sản ở khắp khu vực, tuy vậy, sự thỏa hiệp đó phải được bãi bỏ và những người đã được đặc ân trong hệ thống cũ không được nhận đặc ân trong chế độ mới. Theo nghĩa này, Kaczyński đúng ra giống Lenski hơn là Chrzanowski, vì ông cho rằng chúng ta phải xem các điều kiện trong đó quyền lực và đặc ân được phân bổ. Đôi khi sự bất bình đẳng có thể là vì lợi ích của xã hội, nhưng trong những lúc khác, nó là kết quả của sự bất công. Thỏa hiệp với những người cộng sản đã là tốt khi đã không rõ liệu chế độ cộng sản có thể quay lại hay không; một khi nó đã chết và đã qua, các thỏa thuận đó phải bị tuyên vô giá trị.

Người mà hầu hết các nhân vật bảo thủ và trung dung này tranh cãi chống lại, là Adam Michnik, người mà Ira Katznelson đã gọi là nhà trí thức dân chủ biểu tượng của Đông Âu.”[35] Trong khi ông thường được chỉ ra như một người cánh tả, ông giống một người bảo thủ hơn nhiều, theo nghĩa của Lenski về từ này. Ông mô tả Bàn Tròn như một công cụ chính trị đã phục vụ các giá trị của Ba Lan, chứ không phải của bất cứ một nhóm cá biệt nào. Và được gắn vào bên trong phương pháp biến đổi của nó là một mô hình thay thế khả dĩ về xã hội mà đã đáng để mô phỏng.

Tất nhiên Michnik tin rằng mỗi bên đã có một mục tiêu chiến lược. “Mục tiêu chiến lược của đảng cộng sản đã là để có được một tính chính đáng mới cho sự cai trị cộng sản ở Ba Lan và nước ngoài, và việc cho phép hình thức nào đó của đối lập được hợp pháp hóa đã là cái giá cho điều đó. Mặt khác, các mục tiêu chiến lược của phe đối lập Đoàn Kết đã là hợp pháp hoá Đoàn Kết và phát động quá trình chuyển đổi dân chủ”[36] Đã không có thỏa thuận bí mật nào, gống như Lech Kaczyński và những người khác cũng đã xác nhận, nhưng nó đã là một thỏa hiệp. Và như Michnik lưu ý, tất cả các thỏa hiệp tạo ra những lời buộc tội sau đó của “những người cực đoan” về sự phản bội.[37]

Michnik tin rằng trong khi sự đàm phán Bàn Tròn này đã không tạo ra một giá trị tinh thần (ethos), nó đã được gắn vào một loại bầu không khí khác “mà đã làm cho hai thế giới, nói hai ngôn ngữ khác nhau, có thể giao tiếp.”[38] Quả thực, ông đã học trong ngữ cảnh đó rằng trong khi quan điểm cộng sản này đã chắc chắn là đáng trách theo một số cách, nó cũng đã có ảnh hưởng hơn ông hay các đồng nghiệp của ông đã thừa nhận rất nhiều. Những người cộng sản này, ông biện luận, thậm chí những người

 

chấp nhận chính quyền cộng sản vì lợi ích riêng của họ, là một phần của dân tộc Ba Lan, mà không thể bị loại bỏ khỏi Ba Lan, trừ phi người ta muốn tiêu diệt cộng đồng dân tộc Ba Lan. Và đây là cái tôi đã học được ở Bàn Tròn. Có hai triết lý. Hôm nay chúng ta có thể nói với những người, những người từng là kẻ thù của tôi khi đó, và những người đã thường nhốt tôi vào nhà tù, … chúng ta có thể nói: “Bạn có cơ hội để trở thành hoặc một người bạn của Ba Lan dân chủ độc lập, một Ba Lan hướng tới phương Tây và có một nền kinh tế thị trường tự do, hoặc bạn có thể đưa ra một sự lựa chọn có ý thức và lựa chọn địa vị của một kẻ thù của nước Ba Lan mới.” Nói cách khác, có hai triết lý đối mặt với bất kỳ nhóm nào muốn tham gia vào chính phủ sau thời của chế độ độc tài cộng sản, toàn trị, hoặc nửa toàn trị. Hai logic. Logic của sự tái chinh phục và logic của sự hòa giải… logic của tái chinh phục những gì đã mất, tái chinh phục đất nước, là một logic phản dân chủ sâu sắc theo ý nghĩa là nó thực sự làm suy yếu tính đa nguyên của xã hội chúng ta.[39]

Theo nghĩa này, Michnik tìm cách để đề cao giá trị nào đó mà ông đã học được tại Bàn Tròn và một cách tư duy khác, một bản sắc khác cho nhà nước Ba Lan.[40] Bản sắc này, dựa trên triết lý của sự hòa hợp, giả sử rằng “những người đã chiến đấu chống lại Cộng hòa Nhân dân và những người đã phục vụ Cộng hòa Nhân dân” cả hai đều là bộ phận của một tương lai dân chủ..[41]

“Sự bảo vệ” này cho hiện trạng được tạo ra bởi Bàn Tròn là chắc chắn bảo thủ. Hơn nữa, nó tạo ra mức độ phẫn uất cơ bản nào đó không chỉ về đặc ân gắn với một số người đã ngồi ở Bàn Tròn mà cũng ngang thế đối với sự thực rằng Bàn Tròn này bây giờ lại được biến thành một truyền thuyết anh hùng. Nếu đây là chủ nghĩa đa nguyên, nó cũng là bất công. Những người cấp tiến bên cánh hữu, và những người cấp tiến trung dung, cho rằng Michnik đang áp đặt một tầm nhìn về Ba Lan mà thực ra đã sinh ra tại Bàn Tròn, trong thỏa thuận đổi chác giữa “bọn đỏ và bọn hồng.” Và sự mỉa mai là ở đây. Những người bảo thủ trong nền chính trị Ba Lan gắn kết mật thiết nhất với truyền thống “cấp tiến” theo nghĩa của Lenski, trong khi các nhà chức năng luận được mô tả như bọn hồng. Nhưng phải nói thật, bọn đỏ cũ thậm chí còn bảo thủ hơn.

(Phần này còn tiếp)

Dịch giả Nguyễn Quang A gửi trực tiếp cho BVN


[1] Gerhard Lenski, Power and Privilege: A Theory of Social Stratification (Chapel Hill: The University of North Carolina Press, 1984 [1966]), 2. Lenski đã cảnh báo rằng việc này phải được nghĩ ít hơn như một vấn đề về cấu trúc, và nhiều hơn như một vấn đề của quá trình phân phối.

[2] Ibid., 5.

[3]  Hội thảo “Communism’s Negotiated Collapse: The Polish Round Table, Ten Years After” đã xảy ra tại Đại học, 7-10/4/1999. Các cuộc thảo luận với những người tham dự hội thảo đó, và các đồng nghiệp cùng tổ chức hội nghị – Brian Porter, Marysia Ostafin, Piotr Michałowski, Ewa Junczyk-Ziomecka và Zbigniew Bujak – đã rất quý giá cho bài báo này. Tôi đánh giá cao sự đóng góp, mà đã làm cho hội thảo đó có thể, của Đại học Michigan, LOT Airlines, American Airlines, McKinley Associates/Ron and Eileen Weiser, Miller, Canfield, Paddock and Stone, P.L.C., Video Studio Gdańsk, the Earhart Foundation, the Kosciuszko Foundation, Robert Donia  và Monica  và Victor Markowicz. Ngoài ra, sự tài trợ từ the United States Institute for Peace và từ the National Council for Eurasian and East European Research đã cho phép tôi và các đồng nghiệp của tôi Brian Porter và Andrzej Paczkowski để tiến hành các cuộc phỏng vấn thêm vượt quá bản thân hội thảo. Bản gỡ băng, Communism’s Negotiated Collapse: The Polish Round Table, Ten Years Later. A Conference at the University of Michigan. April 7-10, 1999. English Transcript of the Conference Proceedings, được dịch bởi Kasia Kietlinska, được biên tập bởi Donna Parmelee (Ann Arbor: The University of Michigan Center for Russian and East European Studies,1999), có sẵn tại <www.umich.edu/~iinet/PolishRoundTable/frame.html>.  Số trang trong chú thích dẫn chiếu đến số trang của bản in gốc của bản gỡ băng, mà đã đã được cung cấp cho các tác giả của tập hướng dẫn này để tham khảo. Các số trang này có thể không tương ứng với bản gỡ băng có sẵn trên web hay các phiên bản in sau đó.

[4] Lenski dựa vào Kingsly Davis, Human Society (New York: MacMillan, 1949), 367.

[5] Talcott Parsons, “A Revised Analytical Approach to the Theory of Social Stratification,”in Reinhard Bendix and S.M. Lipset, eds., Class, Status and Power: A Reader in Social Stratification (New York: Free Press, 1953), 92-128.

[6] Lenski, 16.

[7] Ibid., 22-23.

[8] Ibid., 176.

[9] Stanisław Ossowski, Class Structure in the Social Consciousness (New York: Free Press of Glencoe, 1963), 33-34.

[10] Ibid., 437-38.

[11] Ibid., 172, 174.

[12] Anthony Giddens mô tả một “thời khắc quyết định-critical moment” trong The Constitution of  Society (Berkeley: University of California Press, 1984).

[13] Về cách tiếp cận của tôi đến cuộc cách mạng này, xem Michael D. Kennedy, “Contingencies and the Alternatives of 1989: Toward a Theory and Practice of Negotiating Revolution,” East European Politics and Society 13:1(1999): 301-10. Tôi không là người duy nhất gợi ý một cách tiếp cận như vậy, tất nhiên. Giữa các thí dụ hữu ích nhất về loại phân tích này là các công trình Rudolf Tokes, Hungary’s Negotiated Revolution (Cambridge: Cambridge University Press, 1996); David Stark and László Bruszt, “Remaking the Political Field: Strategic Interactions and Contingent Choices,” in Postsocialist Pathways (Cambridge: Cambridge University Press, 1998), 15-48; Andrzej Paczkowski, “Polska 1986-1989: od kooptacji do negocjacji: Kilka uwag o wchodzeniu w process zmiany systemowej,” Instytut Studiów Politycznych Polskiej Akademii Nauk, Warszawa, 1997.

[14] Xem, thí dụ, Andrew Arato, “Revolution, Restoration and Legitimation: Ideological Problems of the Transition from State Socialism”, in Michael D. Kennedy, ed., Envisioning Eastern Europe: Postcommunist Cultural Studies (Ann Arbor: University of Michigan Press, 1994), 180-246.

[15] Sách của Teresa Torańska, Them (New York: Harper and Row, 1987; đầu tiên được xuất bản bằng tiếng Ba Lan như Oni), đã dựa trên các phỏng vấn với các cựu lãnh đạo cộng sản, và My (Bản dịch tiếng Anh: Us”) (Warsaw: Most, 1994), dựa trên các phỏng vấn với với các lãnh đạo của Đoàn Kết, minh họa điều này bằng thí dụ. Về một tổng quan về những cách tiếp cận giai cấp đến giai đoạn Đoàn kết ban đầu này, xem Chương 5 của Michael D. Kennedy, Professionals, Power and Solidarity in Poland: A Critical Sociology of Soviet-type Society (Cambridge: Cambridge University Press, 1991).

[16] Xem, thí dụ, các bình luận của Mieczysław Rakowski, Communism’s Negotiated Collapse, 21-22,  và Janusz Reykowski, Ibid., 111.

[17] Phóng vấn Wojciech Jaruzelski, tháng Mười 1998. Cuộc phỏng vấn này và nhiều cuộc khác được trích dẫn trong bài báo này đã được tiến hành với sự tài trợ từ một hợp đồng với National Council for Eurasian and East European Research (NCEEER), dưới thẩm quyền của Title VIII grant từ Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, cho dự án, “Negotiating Revolution in Poland: Conversion and Opportunity in 1989.” Cả NCEEER lẫn Chính phủ Hoa Kỳ đều không chịu trách nhiệm về các ý kiến được bày tỏ ở đây. Xem cả các bình luận của  Stanisław Ciosek  trong Communism’s Negotiated Collapse, 41.

[18] Xem Paczkowski.

[19] Adam Michnik, “Towards a Civil Society: Hopes for Polish Democracy,” in Letters from Freedom: Post-Cold War Realities and Perspectives (Berkeley: University of California Press, 1998), 98-99.

[20] Thực ra một phần của vấn đề của họ đã là, những người cộng sản đã chọn một loại đặc biệt của hệ thống bầu cử – hệ thống bầu cử vòng hai theo đa số hơn là hệ thống bầu cử đơn nhất có thể chuyển được [cho ứng viên khác] – mà đã khuếch đại thất bại cộng sản. Xem Marek Kamiński, “Jak Komuniści Mogli Zachować Władze po Okrągłym Stole: Rzecz o (nie) Kontrolowanej Odwilży, Sondażach Opinii Publicznej i Ordynacji Wyborczej,” Studia Socjologiczne 145:2(1997): 5-34.

[21] Phỏng vấn Janusz Reykowski, April 10, 1999. Xem cả Communism’s Negotiated Collapse, 112.

[22] Phỏng vấn Andrzej Gdula, October 10, 1998.

[23] “Your President, Our Prime Minister” is reprinted on pp. 129-31 of Letters from Freedom.

[24] Website với bản ghi chép gỡ băng từ hội thảo đó là    <www.umich.edu/~iinet/PolishRoundTable/frame.html>.

[25] Communism’s Negotiated Collapse, 28.

[26] Ibid., 27.

[27] Ibid.

[28] Ibid., 28.

[29] Ibid., 123.

[30] Ibid., 29.

[31] Mặc dù ông thừa nhận rằng những lợi thế theo sau này đã không “lường trước được” lúc đó. Xem Communism’s Negotiated Collapse, 123.

[32] Communism’s Negotiated Collapse,  126.

[33] Ibid., 259.

[34] Ibid., 238-39.

[35] Ira Katznelson, Liberalism’s Crooked Circle: Letters to Adam Michnik (Princeton: Princeton University Press, 1996), 11.

[36] Communism’s Negotiated Collapse, 10.

[37] Ibid., 16.

[38] Ibid., 108.

[39] Ibid., 109.

[40] Ibid., 234.

[41] Ibid., 16.

This entry was posted in Quốc Tế. Bookmark the permalink.