Bàn về nghị định 72 của chính phủ Việt Nam

Mới đây chính phủ nước CHXHCN Việt Nam ra một nghị định nhằm quản lý chặt chẽ những người sử dụng intener. Nghị định có 6 chương bao gồm 46 điều khoản để xiết chặt những người sử dụng internet phải hạn chế quyền tự do của mình.

Trước tiên phải nói về nghị định. Nghị định không phải là luật. Thời trước kia ở những năm đầu thế kỷ 20 nó được gọi là sắc lệnh. Khi ĐCS Việt Nam chưa nắm quyền cai trị đất nước, ở những buổi đầu hoạt động chống nước Pháp bảo hộ, chủ tịch đảng CSVN, ông Hồ Chí Minh đã lên án thực dân Pháp cai trị nhân dân Việt Nam bằng sắc lệnh, ông đòi hỏi thay thế chế độ ra sắc lệnh bằng chế độ ra những đạo luật. Ông Hồ Chí Minh cũng đòi hỏi người Pháp phải cho người dân Việt Nam được hưởng những quyền về luật pháp như người Châu Âu. Cũng như ông đòi hỏi quyền tự do lập hội, tự do ngôn luận, báo chí và quyền tự do đi lại cho người dân Việt Nam dưới thời Pháp Quốc bảo hộ.

Tiếc rằng 100 năm đã trôi qua từ khi lãnh tụ tối cao của ĐCS Việt Nam đòi hỏi những yêu sách ấy cho người dân Việt Nam. Thì ngày nay tự do báo chí của Việt Nam vẫn là một màu đen kịt trên bản đồ tự do báo chí của Tổ chức Phóng Viên Không Biên Giới. Đáng tiếc nữa là mặc dù ông Hồ Chí Minh đòi hỏi ở người Pháp phải để cho người dân Việt Nam được hưởng quyền về luật pháp như người dân Châu Âu, thì hiện nay chính phủ Việt Nam của ông Hồ Chí Minh thành lập lại đang xiết chặt quyền của người dân Việt Nam sử dụng internet bắng nghị định (sắc lệnh) khiến bản thân chính phủ Pháp ngày nay cũng phải quan ngại.

Những người sử dụng internet ở Việt Nam rất lo âu trước nghị định bao gồm quá nhiều điều khoản mơ hồ, nhưng có thế dễ dàng kết tội những người sử dụng. Y như điều luật 258 trong BLHS nước CHXHCN Việt Nam. Mới đây hồi tháng 5 đã có 3 blogger bị bắt vì điều 258 của bộ luật hình sự. Đó là nhà báo Trương Duy Nhất, nhà văn Phạm Viết Đào và blogger Đinh Nhật Uy.

Hãy xem nội dung của điều 258 luật hình sự Việt Nam.

Điều 258. BLHS.

Người nào lợi dụng quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do tín ngưỡng, tôn giáo, tự do hội họp, lập hội và các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo, hoặc tù…

Điều 24 chương I của nghị định 72

An ninh thông tin trên mạng không gây phương hại đến an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, bí mật nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức cá nhân.

Rõ ràng nghị định 72 đưa ra để nhằm xác định đối tượng cho điều luật 258. Trong nghị định 72 có điều khoản buộc người sử dụng internet phải đăng ký thông tin cá nhân. Cho phép Bộ Công an kết nối thiết bị với nhà cung cấp dịch vụ internet để lấy thông tin cá nhân người dùng. Ở chương V điều 39 khoản 2 tiết D của nghị định này cho phép với lý do an ninh thông tin Bộ Công an có quyền sau:

đ) Tổ chức, chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện việc thu thập, phát hiện, điều tra, xử lý thông tin, tài liệu, hành vi liên quan đến hoạt động cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng để xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, bí mật nhà nước và các hoạt động tội phạm khác.

Khái niệm ”trật tự an toàn xã hội” là khái niệm mà Bộ Công an đã áp dụng để ngăn chặn, trấn áp những cuộc biểu tình ôn hòa, những vụ khiếu kiện đông người. Như vậy có thể hiểu thêm rằng nghị định này 72 ra đời còn nhằm ngăn cản những lời kêu gọi hội họp biểu tình trên internet, có nghĩa ngăn chặn các cuộc biểu tình ôn hòa của người dân Việt Nam ngay từ khi còn trứng nước. Cùng với nghị định 38 của Chính phủ quy định tụ tập 5 người trở nên phải xin phép chính quyền, người dân muốn hội họp biểu tình chỉ còn cách kêu gọi trên internet để cùng nhau đến điểm nào đó nay đã bị giới hạn bởi nghị định 72. Trong khi luật biểu tình chưa được nhà nước Việt Nam ban hành, thì chính phủ đã đánh một đòn dưới thắt lưng về quyền biểu tình của người dân bằng những nghị định như 38, 72 này.

Điều 4 khoản 5 của nghị định này đòi kiểm soát những thông tin bên ngoài đi vào trong nước Việt Nam. Chúng ta có thể hiểu nghị định này hợp pháp hóa việc chính quyền dựng lên bức tường lửa để ngăn chặn những thông tin mà nhà nước Việt Nam cho là không phù hợp ý họ.

Điều 21 khoản 5 buộc các cá nhân cung cấp, tán phát thông tin trên mạng phải chịu trách nhiệm theo quy định pháp luật. Một trong những cái gọi là ”quy định pháp luật” được giới thiệu ở khoản 1 điều 21, đó là ”các quy định pháp luật về xuất bản, báo chí”. Một cách lập lờ, nghị định này đã đưa những cá nhân người sử dụng internet phải theo quy định pháp luật của luật báo chí nước CHXHCN Việt Nam. Oái ăm luật báo chí chỉ cho phép cá nhân công dân được quyền tự do bày tỏ ý kiến trên báo chí. Mà báo chí Việt Nam do Ban tuyên giáo của Đảng Cộng sản kiểm soát. Như vậy công dân có quyền bày tỏ ý kiến mình, nhưng phải đưa lên báo do Đảng cộng sản kiểm soát. Ý kiến được đăng tải hay không lại là quyền của người kiểm soát báo chí. Luật báo chí như vậy, nghị định gò ép theo luật báo chí như vậy. Cá nhân người dân sử dụng internet muốn đưa ý kiến của mình tới dư luận theo cách nào? Phải chăng người dân chỉ có quyền sử dụng email gửi ý kiến của mình đến báo điện tử của Đảng Cộng sản quản lý và chờ họ xem xét rồi trả lời có đăng hay không? Còn họ chưa trả lời, tự ý đăng trên trang mạng cá nhân là vi phạm quy định pháp luật về báo chí?

Không khó khăn gì để thấy những điều khoản ở nghị định 72 của Chính phủ Việt Nam chứa những nội dung để làm hạn chế quyền tự do ngôn luận, quyền tự do lập hội, tự do kêu gọi biểu tình – những quyền lợi mà lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, người khai sáng ra thể chế này đã từng lên án nước Pháp đã không trao cho nhân dân Việt Nam những quyền lợi như người châu Âu cách đây gần 100 năm.

Nếu tới đây Ngoại trưởng Pháp Fabius có gặp lại Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại Paris, người đã ban hành nghị định 72 này. Xin ngài Fabius có đôi lời nhắc lại những gì ông Nguyễn Ái Quốc tức Hồ Chí Minh (người đã thành lập chính phủ Việt Nam đến ngày nay mà ông Nguyễn Tấn Dũng đang điều hành chính phủ) đã từng đứng trên đất Pháp đòi hỏi chính phủ Pháp quyền lợi gì cho người dân Việt Nam cách đây gần 100 năm.

N.B.G.

Tác giả gửi trực tiếp cho BVN

 

This entry was posted in Lên Tiếng. Bookmark the permalink.