Phát biểu vắn tại hội nghị Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lần thứ VI tại Hà Nội ngày 5.9.2013

Xin cám ơn anh Huỳnh Đảm vì rồi cuối cùng, anh cũng cho tôi phát biểu. Hết thời gian, xin được nói vắn về một ‎ý‎‎ có hơi khác một chút với mấy ý‎‎ kiến vừa phát biểu. Đó là: Vấn đề không phải chỉ ở việc cử một Ủy viên Bộ Chính trị sang làm Chủ tịch Mặt trận. Một Ủy viên Bộ Chính trị sang hay mười Ủy viên Bộ Chính trị sang cũng thế thôi nếu Đảng không thay đổi nhận thức về vai trò, đúng hơn, về sứ mệnh của Mặt trận.

Đó là sứ mệnh tập hợp và phát huy được sức mạnh của khối đại đoàn kết dân tộc, tạo ra được sự đồng thuận xã hội, điểm tựa vững chắc nhất của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc. Nói đến Mặt trận là nói đến dân, là ý chí và sức mạnh của dân, là cái chân móng của một chế độ. Chân móng mà lung lay thì cả tòa nhà sụp đổ. Vậy mà ai cũng thấy rằng, hiện nay lòng dân không yên, niềm tin bị giảm sút, uy tín của Đảng bị lung lay nghiêm trọng.

Vì sao?

Chúng ta vừa kỷ niệm 68 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2.9. Để tiến tới Cách mạng tháng Tám, Hồ Chí Minh trước tiên dồn sức thành lập Việt Nam Độc lập Đồng minh hội, gọi tắt là Việt Minh. Không có Mặt trận Việt Minh không thể có tổng khởi nghĩa trên toàn quốc, đừng quên rằng lúc ấy chỉ có 5000 đảng viên cộng sản. Để giành chính quyền, Đảng phải sống trong dân, dựa vào dân, phát huy sức mạnh và ý chí của mọi tầng lớp nhân dân. Dân là nước, Đảng là cá nằm trong nước, rời khỏi nước là cá ngắc ngoải ngay.

Nhưng khi đã giành được chính quyền, trở thành Đảng cầm quyền thì Đảng quên dân, chỉ biết ra sức dạy cho dân biết ơn Đảng mà quên dạy điều quan trọng hơn là Đảng phải biết ơn dân. Vì thế mới có chuyện một bộ phận không nhỏ ngồi trên đầu trên cổ dân, hạch sách nhũng nhiễu dân, áp bức bóc lột dân. Người ta dùng dùi cui nện dân, chĩa súng vào dân với tâm niệm rằng “còn Đảng là còn mình”. Chính vì thế mà đã có bà má Miền Nam nói thẳng với cán bộ rằng “Nếu biết thế này thì trước đây tao đâu có đùm bọc, che chở, nuôi tụi bay”. Chuyện này nhiều người biết bả nói với ai, chắc không cần nhắc lại.

Đã quên dân, xa dân, quay lưng lại với dân, thì làm sao coi trọng sứ mệnh của Mặt trận. Xin nhắc một câu chuyện nhỏ: Trước ngày Đại hội Mặt trận (hình như Đại hội III, tôi nhớ không thật chính xác) khai mạc, tối hôm ấy anh Năm Vận (Phạm Văn Kiết) ngồi ăn cơm ở nhà tôi, nét mặt suy tư, anh trầm ngâm nói: “Nếu một giờ nữa, ông Mười Cúc [Nguyễn Văn Linh] không trả lời dứt khoát là có đến đọc diễn văn Chào mừng Đại hội không thì nhân danh là Bí thư Đảng đoàn Mặt trận tôi sẽ hoãn Đại hội Mặt trận”. Cũng dịp này ông Nguyễn Văn Linh chủ trương giải tán Đảng Xã hội Việt Nam và Đảng Dân chủ Việt Nam. Vừa rồi Nguyễn Túc viết bài trên Đại Đoàn Kết phủ nhận chuyện này là không nói đúng sự thực đâu, tôi sẵn sàng viết lại, nhưng biết chắc là Đại Đoàn Kết sẽ không đăng nên chẳng phí thì giờ và mất công, nay xin nói ở đây.

Chính vì thế mà tôi muốn nhấn mạnh rằng, vấn đề không phải ở chỗ cử Ủy viên Bộ Chính trị ra làm Chủ tịch Mặt trận, mà là nhận thức của những người lãnh đạo Đảng hiện nay về sứ mệnh của Mặt trận. Thì chẳng đã từng có nhiều Chủ tịch Mặt trận không là Ủy viên Bộ Chính trị đó sao? Luật sư Nguyễn Hữu Thọ, Kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát, rồi cả anh Lê Quang Đạo, vị Chủ tịch để lại ấn tượng rất đậm nét trong hoạt động của Mặt trận mà tôi rất quý mến, đâu có phải là Ủy viên Bộ Chính trị!

Vì thế, việc anh Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ sang làm công tác Mặt trận là một điều rất hay. Hay ở chỗ anh ấy là một trí thức, chắc sẽ biết cách quy tụ hiền tài, tập hợp trí thức, nhân sĩ và khối đại đoàn kết dân tộc. Khi anh Nhân được bầu vào Bộ Chính trị, tôi lập tức nhắn tin chúc mừng nhận trọng trách mới với nội dung: “Chắc Nhân vẫn nhớ lời  dặn của anh Sáu Dân”.

Tôi hy vọng rằng rồi đây, Mặt trận sẽ không tiếp tục thực hiện vai trò cây kiểng làm dáng, ăn theo nói leo với những lời tụng ca như đang và đã từng, mà là tiếng nói phản biện mạnh mẽ trong bối cảnh độc đảng. Chính với đặc thù này mà Mặt trận có chức năng đích thực của nó là nơi quy tụ ý chí nguyện vọng của mọi tầng lớp nhân dân, làm nhiệm vụ giám sát đường lối chính sách, chủ trương, giải pháp của Đảng và Nhà nước, thực hiện sứ mệnh là tổ chức phản biện có trách nhiệm và có quyền đòi hỏi sự phản hồi nghiêm túc về nội dung phản biện đó. Chừng nào Mặt trận thôi đóng vai trò cây kiểng làm dáng, mà là phong trào hoạt động thực sự của một tổ chức xã hội dân sự rộng lớn như nó cần phải có thì lúc ấy nó mới thực hiện được sứ mệnh đích thực của mình. Quan tâm đến sản xuất nông nghiệp, chuyển đổi cơ cấu cây trồng như nhiều vị vừa phát biểu đều cần thiết, song đó chưa phải là nhiệm vụ chính của Mặt trận, càng không phải là sứ mệnh đích thực của Mặt trận mà dân tộc đang cần.

Nhân có anh Trương Tấn Sang ở đây, tôi xin được nói rằng, không việc gì phải kiêng sợ mấy chữ xã hội dân sự cả. Mặt trận đã rất nhiều lần tổ chức Hội thảo, trao đổi về sự tất yếu phải hình thành và phát triển XÃ HỘI DÂN SỰ đi liền với xây dựng NHÀ NƯỚC PHÁP QUYỀN. Bản thân tôi cũng đã ba lần gửi bài trình bày về xã hội dân sự, nhưng rồi tất cả đều rơi vào quên lãng. Bài viết của tôi cho Đại Đoàn Kết cứ có mấy từ “xã hội dân sự” là bị Tổng Biên tập căt bỏ ngay vì sợ phạm húy! Ai kiêng sợ điều này?

Chừng nào còn kiêng sợ hoạt động của xã hội dân sự thì chừng ấy Mặt trận chỉ còn là cánh tay nối dài rất vô duyên của bộ máy Đảng và Nhà nước, tốn tiền thuế của dân. Nhưng lịch sử sẽ vận động theo quy luật của nó, chỉ có thể làm chậm bước tiến chứ không cưỡng lại được quy luật đâu.

Xin dừng lại ở đây.

 

T. L.

Tác giả gửi trực tiếp cho BVN.

This entry was posted in Lên Tiếng. Bookmark the permalink.