Sự “tương đối” ở đời

Nhân đọc bài Nghĩ về tính “đa nguyên” trong thế giới sự sống của Th.S T. đăng trên BVN thấy có đoạn nói về cách ăn uống của người Việt ở bên nhà như sau (trích): “Trong các món ăn hằng ngày, người Việt Nam thường phối hợp các thứ thuộc về “âm” với các thứ thuộc về “dương”. Ví dụ ăn cá, tôm, cua (máu lạnh, thuộc âm) thì phải ăn kèm các gia vị cay nóng (thuộc dương), nếu không dễ bị đau bụng.”

Thật là ngẫu nhiên vì ngày hôm trước tôi cũng nhận được email của một người bạn Pháp đang ghé chơi Canada, bạn cũng mách tôi cách  tương tự mà anh ta gọi là phương pháp theo Lão tử. Có điều là, theo như anh ta viết thì tôm thuộc nhóm thức ăn nóng tức dương trong khi  Th.S. thì xếp tôm thuộc nhóm lạnh tức là âm, thành không biết ai đúng ai sai. Anh nói khi về Pháp sẽ chuyển cho tôi  thêm chi tiết. (trích): “Sent: 24 août 2013 : Bonjour Thuy, …Quand je serai de retour en France je vais te scanner et t’envoyer la classification des aliments (approche taoïste) : peut être que comme moi tu manques d’aliments chauds tels que : le poivre, les crevettes, etc.. et que tu prends trop d’aliments froids qui perturbent ta digestion…”

Cái tính “đa nguyên” trong thế giới sự sống mà Th.S. tìm cách chứng minh thực ra là sự “tương đối” ở đời. Nói nôm na là sự kiện gì cũng có mặt trái mặt phải tức có nhiều dạng, nhiều mặt. Như trong bài Th.S. nêu thí dụ vụ thảm sát Mỹ Lai (1968) (trích): “Khi những tên lính Mỹ xả súng vào dân thường thì lại có một tốp lính đi trinh sát tình cờ thấy liền cho trực thăng hạ cánh xuống, chĩa súng vào tốp lính Mỹ kia bắt dừng lại, và cứu một số người dân còn sống mà họ tìm thấy. Cách đây mấy năm, một số nạn nhân chất độc da cam ở Việt Nam đâm đơn kiện những công ty Mỹ sản xuất ra chất độc này thì lại được chính những luật sư người Mỹ đứng ra bảo vệ giúp.” Nếu bàn rộng ra hơn để bao cả thời Pháp thuộc: có thể nói là “tương đối” sự đô hộ của Pháp đem lại nhiều thứ tốt hơn là xấu. Dưới sự cai trị của Pháp, VN được văn minh hơn so với trường hợp nếu còn bị cai quản bởi các quan hủ lậu nhà Nguyễn.

Đọc sách nói về sự nghiệp của B.S. Alexandre Yersin là người đã tìm ra vi trùng dịch hạch và dịch tả thì sẽ nghiệm ra được những điểm nêu trên. Tôi được bạn mua tặng quyển sách này, viết bởi một người Bỉ tên là Patrick Deville, với tài liệu lấy từ các archives (kho lưu trữ) Viện Pasteur.

BS Yersin thuộc thế hệ nhóm nghiên cứu đầu tiên của Viện Pasteur Paris, đã từng làm việc trực tiếp với Louis Pasteur, cũng như với Robert Koch là bác học người Đức đã tìm ra vi trùng lao (tuberculose). Lúc chưa tốt nghiệp y khoa thì BS Yersin cũng đã nổi tiếng vì tìm ra một loại vi trùng lao được gọi là ” Tuberculose type Yersin” trong lúc đang làm luận án tiến sĩ. B.S.Yersin được biết đến không những chỉ trong ngành y khoa mà còn trong cả việc khai khẩn đất hoang cũng như phát triển nông nghiệp v.v. Vì mộng hải hồ ông bỏ viện Pasteur để xin làm việc như BS trên các con tàu vượt đại dương. Lúc đầu trên tàu nối cảng Marseille với Saigon, sau trên tàu nối Saigon với Manille (Phi Luật Tân) và sau cùng là trên tàu nối Saigon với Haiphong, với trạm nghỉ giữa đường ở Nha Trang. Vì yêu phong cảnh ở đây ông đã ở lại, mở một phòng mạch ở một làng chài lưới có tên là Xóm Cồn. Ông chữa bệnh miễn phí cho các gia đình nghèo trong làng. Các gia đình khá giả ở Nha Trang và vùng phụ cận biết đến danh tiếng của ông nên cũng đến chữa rất đông đảo.

Sau khi Viện Pasteur được thành lập ở Pháp, nhờ tiền quyên qua Ngân hàng Quốc gia Pháp (Banque de France), có cả Nga hoàng gửi cho, thì thủ đô Paris trở thành kinh đô của thế giới về Y khoa (trích: Paris devient la capitale mondiale de la médecine). Muốn để lại dấu ấn ở thuộc địa, ông Paul Doumer, lúc đó là bộ trưởng tài chánh trong chánh phủ Pháp và cũng là người lúc làm toàn quyền ở VN đã cho xây cầu Long Biên, đã giao cho BS Yersin nhiệm vụ xây dựng một hệ thống lớn (vaste ensemble) về y khoa ở Hà Nội , bao gồm một trường đại học Y khoa gắn liền với Viện Pasteur làm trung tâm nghiên cứu, một nhà thương và một trung tâm lo về sức khỏe đại chúng (Centre sanitaire). Nhờ danh tiếng của ông, BS Yersin đã mời được nhiều bác học sang dậy, trong đó có BS Albert Calmette là người đã tìm ra vaccin BCG (Bacille Calmette-Guérin: Chữ C ở giữa là để chỉ tên Calmette. Nhờ thế trường Y khoa Hà Nội đã đào tạo được nhiều lớp BS VN tài ba, không thua các trường y khoa nhất nhì ở Pháp, như trường hợp BS Tôn Thất Tùng nổi tiếng với phẫu thuật về gan v.v…

Vì Viện Pasteur ở VN cần súc vật để làm thí nghiệm (bestioles d’expérience) như chuột bạch, khỉ, thỏ, trâu , bò v.v..,  nên toàn quyền giao cho ông một ngân sách là năm ngàn Francs để lập trại chăn nuôi cũng như một phòng thí nghiệm nhỏ về thú y ở Nha Trang. Lúc ở Quảng Đông bên Trung Quốc bị các nạn dịch , BS Yersin được chánh phủ Pháp cử sang giúp và ông đã đem thuốc Vaccin chế tạo ở Nha Trang sang cứu chữa. Thuốc này lúc đó mới chỉ được thử nghiệm trên bò nên lúc đầu BS Yersin chỉ tiêm cho một người tình nguyện làm vật thí nghiệm. Thấy có kết quả như thần dược, sau đó ông thí nghiệm trên một hai người tình nguyện nữa trước khi phổ biến toàn diện trong đại chúng. Do tính chất thô sơ của phòng thí nghiệm lúc đó, có một BS thú y người Pháp và một nhân viên người VN tên là Vĩnh Tham làm việc ở Viện Pasteur Nha Trang đã bị chết vì lây nhiễm . BS Yersin đã đề nghị ghi tên họ trong danh sách tôn danh những chiến sĩ tử nạn vì khoa học của Viện (trích: Combattants tombés au front scientifique).

BS Yersin cũng đã nhìn ra được là các bánh xe ô tô sẽ cần cao su, vì thế ông đã đi sang các xứ như Indonésie cũng như Brésil để tìm giống đem về cấy ở VN và trở thành vua cao su (roi du caoutchouc). Ông cũng là vua Quinquina là một loại cây để làm thuốc quinine chữa bệnh sốt rét. Với hai Bác học khác của viện Pasteur là các BS Roux và Calmette, ông đã thành lập công ty sản xuất cao su và thuốc Quinine và trở nên giầu có. Công ty này sau được nhượng lại cho Viện Pasteur với giá tượng trưng một Franc để giúp viện có lợi tức độc lập để làm nghiên cứu. Ông đã dùng chính tài sản của ông để xây đường xá cũng như đem các loại bò giống từ Pháp sang chăn nuôi để sản xuất sữa “pasteurisé” v.v. nhằm phát triển Nha Trang. Ông có xây một khu nhà trên một ngọn đồi nhìn ra biển để có thể ngồi ngắm và nghiên cứu thủy triều lên xuống. Ngày nay di tích này đã bị phá để nhường chỗ cho một khách sạn nghỉ mát dành cho công an CS. Được biết  Đà Lạt cũng do ông đi khai khẩn tìm ra địa điểm khi đi sâu vào rừng để nghiên cứu tìm hiểu về các dân tộc thiểu số. Nhiều loại cây cỏ đặc biệt được xuất cảng ở đây, mà đến nay người VN còn được hưởng, là do ông đem về cấy giống sau khi làm nghiên cứu trong nhiều năm về các tính chất đất đai của vùng này để biết là có thể hợp với loại cây cỏ nào. Để ghi nhớ công lao của ông, một trường trung học mang tên ông ,”lycée Yersin Dalat” đã được thành lập ở đây.

Tóm lại là Pháp đã khai phá và phát triển VN như xây cất các hệ thống đường xá , đường rầy xe lửa , nhà máy nước, các nhà thương , nhà trường v.v… Nói Pháp bóc lột cũng không đúng hẳn vì mình có biết khai thác đâu. Vả lại lúc đó Pháp cũng mới chỉ vừa bình định xong, tức lập hệ thống hành chánh đào tạo công chức để cai quản vv… cũng như vừa xây dựng được hạ từng cơ sở chưa kịp sản xuất gì nhiều thì bị thế chiến thứ nhất rồi thế chiến thứ hai, lại thêm tàu bè hàng hải lúc đó còn thô sơ chỉ có mấy chiếc, đâu có chuyên chở gì được nhiều, lại đi cả tháng mới đến nơi về tới mẫu quốc. Phải nói là lúc đó Pháp đã để lại cho VN một gia sản về hạ từng cơ sở để có thể phát triển kinh tế hơn bên Triều Tiên cũng như bên Trung Quốc. Chỉ tiếc là CS dùng baọ lực cách mạng, khiến hạ tầng này bị tàn phá, thay vì dùng giải pháp điều đình để có thể lấy lại toàn vẹn, như Cụ Phan  Châu Trinh cũng như học giả Phạm Quỳnh… đã chủ trương. Pháp cũng sai lầm ở chỗ cố đấm ăn xôi không chịu nhả sớm các thuộc địa sau đệ nhị thế chiến, trong khi Anh Quốc thấy không xong là nhả, thành mặc dầu khai phá xây dựng ít hơn Pháp nhiều lại thêm kỳ thị không hòa đồng với dân bản xứ, nhưng Anh không bị nói tới nhiều, trong khi bên phía Pháp thì còn bị hậu quả kéo dài cho đến bây giờ.

N.T.

Tác giả gửi trực tiếp cho BVN

 

 

This entry was posted in phản biện. Bookmark the permalink.