Bài 3
Xưa nhích chân đi, giờ nhích lại!
(Bài giới thiệu cuốn sách HUYỀN THOẠI VỀ MỘT NHÀ NƯỚC TỰ TIÊU VONG của Mai Thái Lĩnh)
Trước áp lực buộc phải đổi mới do cuộc khủng hoảng kinh tế-xã hội, và nhất là do sự sụp đổ của phe Xã hội chủ nghĩa, ta thấy Đảng Cộng sản Việt Nam đã có sự tự phê phán rõ rệt hơn trước. Một số bài viết hoặc phát biểu đã dũng cảm nhận rằng: xét về nhiều mặt thì một số nước Tư bản đã tiếp cận đến mục tiêu Xã hội chủ nghĩa rõ hơn ta rất nhiều. Các nước Tư bản được lấy làm ví dụ thường là các nước Bắc Âu, hoặc Tây Âu (như Pháp, Đức…).
Có sự tự phê phán ấy là rất đáng mừng, song sở dĩ dám nói “mạnh” như thế mà không sợ “mất lập trường” là bởi vẫn “đứng vững” trên cái nền kiêu ngạo Cộng sản. Đại để: họ là Tư bản mà họ còn làm được như thế, còn thể hiện được một số tính chất Xã hội chủ nghĩa như thế; huống chi ta là nước đích danh Xã hội chủ nghĩa tiên tiến, có nền Chính trị ưu việt, có một đảng tiền phong lãnh đạo, đáng lẽ ta phải làm tốt gấp bội cho họ noi theo mới phải. Sự tự phê mạnh dạn ở đây giống như mấy anh sinh viên đại học xoa đầu mấy em “chíp hôi” cấp 2 rằng: mấy bài toán này các cậu giải giỏi hơn chúng mình đấy, bọn đại học chúng mình có thể phải học tập các cậu đấy!
Cho nên chỉ khen mấy câu thế thôi, rồi “bề trên” lại trở về ngay tư thế kẻ cả: “Tuy nhiên, thực chất họ vẫn chỉ loanh quanh trong quỹ đạo Tư bản!” (có nghĩa là nếu ta khiêm tốn bắt chước họ một chút thì nhất định ta còn tiến nhanh hơn họ nhiều, chứ bản chất Tư bản thì làm sao so được với Xã hội chủ nghĩa!).
Thực tế ngót 20 năm đổi mới cho thấy cách tự phê như vậy không đạt yêu cầu, không ăn khớp được với thực tế. “Bề trên” cứ nghĩ mình vẫn là “bề trên”, thế mà càng cố gắng thì càng không sao theo kịp được “ kẻ dưới”! Sao lại trái khoáy vậy?
Song, thực ra lẽ phải rất đơn giản, rất sáng tỏ, chẳng có gì “trái khoáy”, nếu ta chịu từ bỏ kênh tư duy ấy, hồi tỉnh lại, định thần lại, khôi phục dần trí nhớ, để nhận biết mình đang đứng ở đâu, đang nằm trong toạ độ không gian và thời gian nào?
Tác phẩm nghiên cứu “HUYỀN THOẠI VỀ MỘT NHÀ NƯỚC TỰ TIÊU VONG” (bàn về lý thuyết Nhà nước của Karl Marx) [1] của Mai Thái Lĩnh sẽ góp phần giúp ta thực hiện thao tác trở mình, khôi phục trí nhớ một cách rất khó khăn đó.
Lịch sử nhiều khi như ngẫu nhiên, như đùa cợt. Hậu quả nặng nề trên vai một dân tộc có thể bắt đầu chỉ từ một cú “nhích chân” của một con người, trong một khoảnh khắc lựa chọn mà tính chất may rủi nhiều hơn là ý thức. Cú “nhích chân” của Nguyễn Ái Quốc từ Đảng Xã hội Pháp sang Quốc tế III của Lenin “chỉ vì Đệ Tam Quốc tế rất chú ý đến vấn đề giải phóng thuộc địa” [2], “Còn như Đảng là gì, công đoàn là gì, chủ nghĩa Xã hội và chủ nghĩa Cộng sản là gì, thì tôi [tức Nguyễn Ái Quốc] chưa hiểu ”[3]Thậm chí Sơ thảo luận cương về các dân tộc và thuộc địa của Lenin đăng trên báo L’Humanité ngày 16-6-1920 thì “ngay cả chữ nghĩa trong văn bản” ấy Nguyễn Ái Quốc “cũng chỉ hiểu loáng thoáng thôi” [4].
Bằng tác phẩm nghiên cứu của mình bàn về lý thuyết Nhà nước của Karl Marx, Mai Thái Lĩnh đã dựng lại bức tranh đấu tranh tư tưởng ở thời điểm ấy, cho thấy sự “nhích chân” từ Quốc tế II sang Quốc Tế III thực chất là sự nhích chân từ hòn đá tảng. Khác một ly mà đi một dặm. Cùng là từ Marx, là anh em sinh đôi, nhưng Đảng Cộng sản và Đảng Xã hội – Dân chủ như hai con người có tính khí và đức độ khác hẳn nhau. Đến hôm nay thì câu hỏi ai đúng ai sai, ai thành công ai thất bại, ai giúp cho lý tưởng đẹp đẽ của Marx đến thắng lợi, còn ai nhân danh Marx để làm khổ Marx, đã được nhận thức Lý trí và sự thật Lịch sử trả lời rồi. Tác giả cũng giúp người đọc hiểu vì sao những người Leninist lại căm ghét người “anh em sinh đôi” của mình đến vậy.
Thật vậy, trong học thuyết xã hội của mình, Marx định nghĩa Nhà nước là “bạo lực có tổ chức của một giai cấp nhằm để trấn áp một giai cấp khác”. Nguồn gốc sâu xa của Nhà nước là chế độ tư hữu về tư liệu sản xuất. Theo ông, Nhà nước ra đời biểu hiện một sự tha hoá của xã hội. Vì vậy, trong tương lai, khi chế độ tư hữu bị xoá bỏ thì Nhà nước tất yếu tự tiêu vong theo. Quan niệm “chuyên chính vô sản” bắt nguồn từ đó: để thiết lập chế độ cộng sản, trước tiên người mác-xít phải tìm cách chiếm lấy bộ máy Nhà nước cũ, đập tan bộ máy đó để thiết lập chuyên chính vô sản nhằm tập trung tư liệu sản xuất lại. Sau đó sẽ bắt đầu quá trình Nhà-nước-tự-tiêu-vong, tiến đến một xã hội hoàn toàn tự-quản.
Quan niệm “chuyên chính vô sản” chứa đựng những nghịch lý không thể giải quyết được. Do đó ngay từ đầu, nhiều người xã hội chủ nghĩa đã bác bỏ, không chịu áp dụng nó. Ngoài những nhà xã hội chủ nghĩa phi mác-xít (như phái Fabian ở Anh), trong số các nhà mác-xít, cũng có người phản đối quan niệm đó, trước hết là Eduard Bernstein (1850-1932) – thường được coi là cha đẻ của chủ nghĩa xét lại. Mặc dù những luận điểm của Bernstein bị chính thức lên án ngay từ khi được công bố vào cuối thập niên 1890, song ảnh hưởng của nó trong phong trào công nhân vẫn ngày càng sâu rộng. Cho đến trước cuộc chiến tranh thế giới lần I (1914-1918), hầu hết các lãnh tụ mác-xít ở châu Âu đều chịu ảnh hưởng ít nhiều của “Chủ nghĩa xét lại”. Quan niệm chuyên chính vô sản dần dần mất sức sống ngay trên mảnh đất nó sinh ra.
Việc tán thành hay không tán thành chuyên chính vô sản rốt cuộc đã trở thành “hòn đá thử vàng” để phân biệt hai trường phái của chủ nghĩa xã hội: phái cải cách (thường được gọi là Xã hội – Dân chủ) từ bỏ chuyên chính vô sản, còn phái cách mạng (thường được gọi là cộng sản) kiên quyết thực hiện chuyên chính vô sản. Lenin, lãnh tụ tiêu biểu của phái cách mạng, đã thành công trong việc cướp chính quyền, thiết lập chuyên chính vô sản ở nước Nga. Ông thành lập Quốc tế III (Quốc tế cộng sản) tách khỏi Quốc tế II (Quốc tế xã hội chủ nghĩa). Kế tục ông, Stalin và Mao Trạch Đông đã mở rộng chuyên chính vô sản thành hệ thống thế giới.
Sự sụp đổ của chế độ cộng sản trên toàn thế giới chứng minh tính chất sai lầm của quan niệm chuyên chính vô sản và làm bộc lộ sự sai lầm của lý thuyết Nhà nước của Karl Marx. Trong 3 chương cuối của tập sách tác giả Mai Thái Lĩnh đã phê phán quan niệm của Marx về Nhà nước, đồng thời đề nghị một định nghĩa đúng đắn, hợp lý hơn về Nhà nước: Nhà nước là quyền lực công cộng, là Nhà nước của toàn dân.
Cũng qua các chương này, tác giả đã so sánh hai con đường: con đường Cộng sản và con đường Xã hội – Dân chủ [5]. Một con đường từ chối những giá trị dân chủ, dẫn đến một chế độ dân chủ hình thức, giả hiệu; còn con đường kia chấp nhận các giá trị dân chủ, từng bước cải biến chế độ dân chủ “tư sản” thành chế độ dân chủ của toàn dân.
Có thể coi con đường xã hội – dân chủ mà các nhà dân chủ trong nước đang hướng tới chính là con đường từ bỏ những sai lầm trong việc áp dụng chuyên chính vô sản để trở lại với các giá trị dân chủ chung của nhân loại mà lâu nay các nhà mác-xít giáo điều và các nhà Đông phương học bài ngoại thường gọi là “các giá trị phương Tây”. Vận dụng các giá trị này để thiết lập một chế độ dân chủ thật sự ở nước ta, thiết nghĩ đó là sứ mạng của những người yêu nước – yêu dân chủ hiện nay.
Các nước Tư bản mà tôi nhắc tới ở phần đầu đều là những tấm gương thành công mà Đảng Cộng sản Việt nam không thể không biểu lộ thiện cảm, đặc biệt là phúc lợi xã hội dành cho người lao động, người nghèo, người già yếu, tàn tật. Đảng cầm quyền có thế lực ở các nước ấy đều ít nhiều liên quan đến xu hướng Xã hội – Dân chủ, không xa lạ gì với học thuyết Marx .
Thời kỳ bột phát của nền văn minh công nghiệp đã tạo ra những hệ thống xã hội mà ta quen gọi là xã hội Tư bản, chứa đầy rẫy những bất công, dã man, phi lý, đòi hỏi phải được phê phán, mà chủ nghĩa Marx là một đại diện phê phán xuất sắc. Nhưng cách lý giải và cách giải quyết cực đoan trong chủ nghĩa Marx đã sớm được phát hiện và điều chỉnh, để hình thành con đường “cải cách” trong chủ nghĩa Marx hợp quy luật hơn. Còn xu hướng Cộng sản cực đoan chủ trương Chuyên chính Vô sản thì sau một giai đoạn bột phát đã tỏ ra phi lý không kém gì xã hội tư bản giai đoạn đầu, nên cũng đã được nhân loại văn minh đào thải. Chỉ ở những quốc gia chưa có cơ sở dân chủ tối thiểu của văn minh công nghiệp và kinh tế thị trường thì con đường đào thải này mới diễn ra rất lòng vòng và chật vật. Chủ nghĩa Cộng sản muốn trốn cuộc đào thải buộc phải biến hình, nhưng biến hình kiểu gì, điều này phụ thuộc trước hết vào dân trí và tầm văn hoá của nước đó, vào tính cách của cộng đồng dân tộc đó. Nhưng tác động hỗ trợ của thế giới văn minh cũng rất quan trọng, không thể xem nhẹ.
*
Viết xong bản thảo Huyền thoại về một Nhà nước tự tiêu vong, ông Mai Thái Lĩnh gửi cho một số bạn bè để thăm dò ý kiến. Các tín hiệu phản hồi có thể xếp thành bốn loại chính:
– Một là tán thành sự phân tích khách quan, xác đáng. Mong những người Cộng sản Việt Nam, vốn là dòng Leninism, nay đã có độ lùi để nhận rõ sự thật lịch sử, hãy vì quyền lợi dân tộc mà tán thành cải biến theo đường “người anh em sinh đôi” của mình, cũng là vinh danh Marx mà thực hiện được sự hoà hợp và phát triển thênh thang của đất nước.
– Hai là cho rằng công trình nghiên cứu này chỉ có giá trị lý thuyết, chứ Đệ Tam và Đệ Nhị tuy là anh em sinh đôi nhưng xung khắc nhau như mặt trăng mặt trời. Đệ Tam mà chưa cầm quyền thì cải biến được, chứ nắm được quyền toàn trị rồi thì họ chẳng nhả ra đâu! Lẽ phải đấy, nhưng người ta chiếm được hết rồi, ai ép được người ta?
– Ba là yêu cầu nói vắn tắt là đủ nắm được cơ sở lý luận rồi. Vấn đề là nếu muốn cải biến theo con đường Xã hội – Dân chủ thì cụ thể cần thực hiện những công việc gì?
– Bốn là ý kiến phản bác, cho rằng bốn dòng Marxism cũng là Marx cả, lỗi thời rồi, còn bám làm chi? Hay đây là mẹo của Đảng Cộng sản muốn cứu Đảng chăng?
Hãy để quyền phán xét cho người đọc!
Song cũng cho phép tôi được nói ý kiến riêng. Xã hội Việt Nam hôm nay như một trang giấy đã có chữ viết, không phải trang giấy trắng để viết gì tuỳ ý mình, muốn xé đi viết lại cũng không dễ gì làm được (ai có tài xé đi viết lại thì xin cứ làm thử sẽ tự rút ra kết luận!). Còn những ai vẫn thấy mình có nợ với đất nước, không chịu buông xuôi, thì phải tìm cách chữa.
Cách chữa khôn ngoan đỡ mất “sức” (xương máu?) nhất mà bản chất lại thay đổi được nhiều nhất, đem lại lợi ích nhiều nhất cho dân tộc. Nếu từ chỗ “Kinh tế thị trường theo định hướng Xã hội chủ nghĩa” mà chuyển thành “Kinh tế thị trường theo định hướng Xã hội – Dân chủ” chẳng hạn, thì trong 11 chữ chỉ cần sửa có một chữ! (đổi chữ “chủ nghĩa” thành “dân chủ”). Giống như toàn bài diễn văn mà chỉ xin đổi một “dấu phẩy” thôi (mà khiến cho thay đổi toàn cục)! Xưa nhích chân đi, giờ nhích lại! Khiêm tốn thế mà cũng “thiên nan vạn nan” đấy.
Quan trọng nhất, nhưng cũng khó nhất là sửa được cái “dấu phẩy” đột phá ban đầu, tạo được cú “nhích chân” cơ bản ban đầu. Khi đã có một không gian dân chủ tối thiểu để ngồi với nhau rồi thì mọi việc sẽ cùng bàn với nhau mà làm, con đường cần đi sẽ hiện ra trước mắt, bàn trước xa quá mà làm gì?
Nếu con đường Xã hội – Dân chủ trước đây có tác dụng nâng cấp nền Dân chủ tư sản từng bước trở thành nền Dân chủ của toàn dân, thì con đường Xã hội – Dân chủ ở Việt nam hôm nay, nếu hình thành được, lại có sứ mệnh lột xác nền CHUYÊN CHÍNH vô sản thành nền Dân chủ của toàn dân, một việc khó hơn nhiều (nhưng vẫn còn dễ thực hiện hơn những phương pháp khác).
Đến hôm nay người Cộng sản đã phải bỏ Kinh tế chỉ huy để cũng theo Kinh tế thị trường, thì chỉ còn khác người “Xã hội” ở chỗ điều hành xã hội bằng biện pháp Dân chủ hay Chuyên chính thôi. Nhưng tình hình không rành mạch như thế, mà phức tạp hơn nhiều. Dưới sức ép của thế giới văn minh, người chủ trương chuyên chính bây giờ chẳng dại gì nói chuyên chính nữa, mà miệng cũng tự xưng dân chủ, thế là sinh ra Dân chủ thật và Dân chủ giả. Thêm nữa, cái cốt lõi CHUYÊN CHÍNH VÔ SẢN cũng không còn đúng nghĩa, không còn là Chuyên chính của giai cấp, thực chất chỉ là CHUYÊN CHÍNH của một tập đoàn, và tập đoàn này lại KHÔNG VÔ SẢN chút nào, rất nhiều đảng viên đã tự nói lên điều đó. Thế là sự giả dối đã thành giả dối bình phương.
Một thế kỷ vẫy vùng của Cộng sản qua đi, sự thật hiện ra rõ ràng là “bọn xét lại” tử tế hơn quý vị “không xét lại”, Menshevik đúng hơn Bolshevik. Lịch sử chọn ai, đào thải ai thì đã rõ rồi, nhưng với dân chúng, nếu cứ cho họ tự chọn, xem người ta chọn Thuỵ Điển, Na Uy, Tây Đức … hay chọn các ông Bolshevik thì biết ngay.
Cuốn sách của nhà nghiên cứu triết học Mai Thái Lĩnh viết rất kỹ càng, tỉ mỉ để nhận thức được thấu đáo. Nhưng rốt ráo lại thì cũng đơn giản, muốn chuyển hoá Đệ Tam thành Đệ Nhị bây giờ chỉ cần phân biệt mỗi một phạm trù là THẬT hay GIẢ. Cái gì cũng đều có, đều giống nhau hết, chỉ khác nhau THẬT hay GIẢ mà thôi. Thế thì bất cứ ai, bất cứ việc gì, bất cứ tổ chức gì ta cũng đòi cho được cái thật, dân chủ thật, chống dân chủ bề ngoài, đòi lời nói đi đôi với việc làm. Rất đơn giản! Cứ lấy cái “bất biến” ấy để “ứng vạn biến” thì trước sau gì cái thuộc tính tất yếu của DÂN CHỦ là ĐA NGUYÊN cũng phải nảy ra thôi. Quy luật mà!
Con đường hẹp Chuyên chính thì do một nhóm người hoạch định rồi đem áp đặt, còn con đường Dân chủ thì rất rộng, rất chung, rất linh hoạt, rất thực tế, mọi người cùng nhau đem tâm lực, trí lực góp lại mà thành, không có tác giả nào độc quyền viết ra được!
Đà Lạt tháng 7 năm 2005
H. S. P.
Nguồn: http://www.hasiphu.com/ll4.html
[1] Mai Thái Lĩnh, Huyền thoại về một nhà nước tự tiêu vong http://hasiphu.com/nhomdalat_MTL.html
[2] Trần Dân Tiên, Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ chủ tịch, Nhà xuất bản Văn học, Hà Nội (in lần thứ tám), 1975, trang 44.
[3] Hồ Chí Minh, Con đường dẫn tôi tới chủ nghĩa Lênin. Hồ Chí Minh toàn tập, tập 10, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, 2000, trang 126.
[4] Lữ Phương, Từ Nguyễn Tất Thành đến Hồ Chí Minh, THƯ NHÀ xuất bản, Australia, 2002, trang 40.
[5] Tiếng Anh là Social Democracy, tiếng Pháp là social-démocratie. Chuyển ngữ sang tiếng Việt, trong sách của mình tác giả Mai Thái Lĩnh dịch là Dân chủ – Xã hội, như vậy có thể hợp lý hơn. Sở dĩ tôi dùng danh từ Xã hội – Dân chủ vì lâu nay các từ điển và sách báo trong nước đã quen dùng thuật ngữ này.