Một bất ngờ lớn trong phiên xử phúc thẩm hai sinh viên Nguyễn Phương Uyên và Đinh Nguyên Kha tại Long An hôm nay 16/08/2013: Đinh Nguyên Kha được giảm án còn 4 năm tù giam và 3 năm quản chế, Nguyễn Phương Uyên 3 năm tù treo và 3 năm quản chế – có nghĩa là được trả tự do tại chỗ. Đây có lẽ là động thái nhân nhượng quan trọng nhất của chính quyền Việt Nam từ trước đến nay, trong một vụ án mang tính chính trị.
Được biết tuy là phiên tòa “công khai” nhưng không có thân nhân nào được tham dự, còn các luật sư thì trước đó đã được thông báo là Phương Uyên và Nguyên Kha từ chối luật sư bào chữa. Chỉ có luật sư Nguyễn Thành Lương hiện diện, vì là người đại diện cho Đinh Nhật Uy trong vụ kiện dân sự đòi lại tài sản.
Theo các tin tức trên mạng thì luật sư Lương thuật lại lời tuyên bố của Nguyễn Phương Uyên trước tòa: “Tôi không cần giảm án. Tôi chỉ cần toà xử đúng người đúng tội. Tôi cho rằng chống đảng Cộng sản không phải chống phá đất nước, dân tộc. Các ông đừng đánh đồng!”
Trước đó công an đã phong tỏa mọi lối vào tòa án, và trong buổi sáng có bốn người trong số những người đến ủng hộ Phương Uyên và Nguyên Kha bị bắt, sau đó được thả. Một cuộc biểu tình với hơn 60 người tham dự đã làm sôi động thành phố Tân An.
Như vậy hai thanh niên Đinh Nguyên Kha, 25 tuổi, từ bản án 8 năm tù của phiên sơ thẩm đã được giảm phân nửa, còn Nguyễn Phương Uyên, 21 tuổi, từ 6 năm tù thì được án treo. Tin này khiến gia đình và các blogger, nhân sĩ cũng như những người đấu tranh cho dân chủ đến Long An ủng hộ hai thanh niên yêu nước hết sức vui mừng.
|
Từ Long An, blogger Nguyễn Tường Thụy cho biết ngay sau khi nghe tin:
Ông Nguyễn Tường Thụy: Rất là vui! Mọi người cứ ôm nhau bất kể lạ hay quen, nhảy múa sung sướng, kể cả người lạ đều ôm chặt lấy nhau để chúc mừng. Người thì khóc, người thì cười, khung cảnh phải nói là xúc động vô cùng! Và tất nhiên bản thân tôi như thế nào thì chắc bạn cũng tưởng tượng được.
Rất là vui và hạnh phúc. Hạnh phúc vô cùng !
RFI: Trong khi đó tình hình ban đầu có vẻ căng thẳng phải không ạ ?
Khi mà họ cấm từ hai đầu đường, chỗ giao tiếp với đường Cách Mạng Tháng Tám và đường Nguyễn Đình Chiểu, họ cho người chặn cả hai đầu thì chúng tôi ngồi ở ngoài hàng rào công an thôi. Nhưng mà ngồi đấy chẳng làm gì cả cho nên chúng tôi đi biểu tình để ủng hộ Phương Uyên, Nhật Uy và Nguyên Kha. Đi qua phố chính là Trương Định và rất nhiều con phố nhỏ, để biểu thị thái độ ủng hộ, tình cảm yêu mến đối với ba cháu. Đồng thời cũng có những khẩu hiệu phản đối sự xâm lược của Trung Quốc đối với Việt Nam.
RFI: Thưa ông, có lẽ đây là một sự kiện chưa từng thấy ở một thành phố nhỏ như Tân An?
Vâng, chính xác như thế ạ. Chúng tôi cũng nhận định như vậy. Đây là một sự kiện mà người dân rất ngạc nhiên, và cũng có nhiều người dân ở ngay thành phố Tân An có người biết, người không biết Nguyễn Phương Uyên, Đinh Nguyên Kha là ai.
Chúng tôi dành rất nhiều thời gian để giải thích và tuyên truyền cho họ về vấn đề nhân quyền. Đặc biệt là Bùi Thị Minh Hằng tuyên truyền cho người dân về nhân quyền, và chị Nhung là mẹ của cháu Uyên cũng tuyên truyền cho những người dân đang tập trung đông ở đấy cháu Phương Uyên là ai, Đinh Nguyên Kha là như thế nào, thì lúc ấy rất nhiều người vỡ vạc ra. Ngoài ra Bùi Thị Minh Hằng còn làm cả công tác binh vận nữa.
RFI: Chắc là không ai ngờ đến kết quả này?
Vâng. Buổi sáng thì họ bắt bốn người, kể cả cháu Tài con cô Trần Thị Nga là năm. Họ trả tự do cho bốn người trong buổi sáng, còn anh Trương Văn Dũng thì được trả tự do đồng thời với thông tin Phương Uyên được hưởng án treo.
Tôi đánh giá vấn đề như thế này. Thực ra cháu bị án 6 năm mà xử phúc thẩm thành án treo, đó là niềm sung sướng của tất cả – gia đình và những người yêu mến Phương Uyên, Nguyên Kha và Đinh Nhật Uy. Nhưng thực ra mà nói, toàn vẹn nhất và công bằng nhất, theo tôi là phải tuyên bố cháu trắng án. Không treo, không ngồi gì cả, mới công bằng và mới đúng pháp luật.
Bây giờ đoàn rồng rắn của chúng tôi đi ủng hộ ba cháu là khoảng sáu mươi người, đi xe riêng và còn lại thì đi taxi đến trại giam đón cháu.
|
Còn nhà báo tự do Phạm Chí Dũng ở Sài Gòn cũng cho biết hết sức bất ngờ:
Nhà báo Phạm Chí Dũng: Khi đọc thấy thông tin về kết quả xử án của Uyên và Kha, tôi bật dậy như bị điện giật! Tôi không thể ngờ là có một kết quả đến mức quá lạc quan như vậy. Đối với trường hợp của Nguyên Kha, tôi chỉ hy vọng giảm được hai năm. Trường hợp của Phương Uyên, trước đó tôi cũng chỉ hy vọng là có thể giảm được hai năm, hoặc cùng lắm là giảm nửa án. Nhưng không ngờ là chỉ có án treo đối với Phương Uyên và chỉ còn bốn năm tù giam đối với Nguyên Kha.
Việc này làm cho tôi phải nói là bất ngờ đến mức không nói nên lời. Và tôi có gọi điện cho anh Kha Lương Ngãi, là một trong những người ký Kiến nghị 72. Đoàn xe của anh Kha Lương Ngãi đã về tới Phú Mỹ Hưng ở Saigon rồi, nhưng sau khi nghe được tin kết quả xử án như vậy thì lập tức quay lại Long An. Mọi người chắc chắn là sẽ ôm nhau, hôn nhau tưng bừng, rất là vui.
Ngày hôm nay có lẽ là một trong những ngày vui nhất. Nãy giờ tôi chờ đợi một cách căng thẳng, suốt từ buổi sáng đến giờ và có cảm giác như là chờ đợi kết quả xử án của mình, chứ không phải là của Phương Uyên hay là Nguyên Kha nữa. Tối nay chắc chắn là anh em sẽ ăn mừng thâu đêm suốt sáng, không khác gì việc đội tuyển bóng đá Việt Nam đoạt chức vô địch thế giới.
Nhà báo Phạm Chí Dũng nhận định:
Buổi xử án Phương Uyên và Nguyên Kha diễn ra gần ba tuần sau Tuyên bố chung Việt-Mỹ, sau chuyến đi của ông Trương Tấn Sang tới Washington gặp Tổng thống Obama. Nó làm tôi nhớ lại buổi xử án “người nông dân nổi dậy” Đoàn Văn Vươn, cũng diễn ra chỉ có một tuần trước cuộc Đối thoại nhân quyền Việt-Mỹ vào ngày 12/04/2013. Và không ngờ là Đoàn Văn Vươn đã nhận được mức án 5 năm.
Năm năm, theo nhiều người thì đó vẫn là bất công rất nặng nề, vì đáng lẽ phải trả tự do, và tuyên bố Đoàn Văn Vươn vô tội. Nhưng mà thực ra ở chế độ này trong xã hội này ở đất nước này, như vậy đã coi như là một thành công rồi. Và kỳ này thì còn vượt hơn cả mong đợi!
Tức là có một sự trùng hợp giữa hai sự kiện cùng liên quan tới người Mỹ. Tôi cho đó là có một sự tác động lớn về mặt quốc tế, về mặt nhân quyền. Có thể nói đây là phép thử đầu tiên, sau cuộc gặp Obama-Sang đã bắt đầu có kết quả.
Một kết quả nữa là một trăm người biểu tình ở Long An. Long An là một thành phố nhỏ yên tĩnh, và trong 38 năm qua từ năm 1975 trở lại đây, chưa bao giờ chứng kiến một sự kiện tập trung đông người, biểu tình rầm rộ đến như thế.
Đặc biệt là một lão tướng như anh Huỳnh Kim Báu, là người trong “lực lượng thứ ba” ở Sài Gòn trước đây, hơn 70 tuổi rồi mà nằm lăn ra trước xe của an ninh để cản xe, không cho đưa mẹ con chị Trần Thị Nga đi thì phải nói là như thế nào? Hôm nay chỉ tiếc là không có anh Lê Hiếu Đằng, nếu có thì chắc anh Lê Hiếu Đằng cũng nằm lăn ra trước xe rồi.
Theo tôi, có thể nói đây là một cuộc biểu tình đánh dấu một cái mốc về mặt dân quyền ở Việt Nam. Tại vì những cuộc biểu tình trước đây chủ yếu là về vấn đề dân sinh, như là vấn đề đất đai, môi trường, công nhân… chứ không phải là vấn đề dân quyền, và đặc biệt là quyền chính trị. Còn đây là cuộc biểu tình đầu tiên về quyền chính trị, nội trị của Việt Nam.
Tôi đánh giá là mức độ thành công của cuộc biểu tình này không kém một số cuộc biểu tình chống Trung Quốc đã diễn ra ở Hà Nội. Và có thể từ cuộc biểu tình này sẽ dẫn dắt tới những hành động theo tôi là phản ứng ôn hòa tiếp, nhằm lấy lại công bằng.
Và tôi cũng cho rằng cuộc biểu tình này, và kết quả xử án Phương Uyên, Nguyên Kha ngày hôm nay có tác động một phần từ những vấn đề nội tại của quốc gia, từ giới nhân sĩ trí thức có tình cảm với hiện tình đất nước như ông Lê Hiếu Đằng, ông Hà Sĩ Phu, ông Hồ Ngọc Nhuận… Đặc biệt là những bức thư rất tâm huyết của ông Lê Hiếu Đằng, ông Hồ Ngọc Nhuận.
Kết quả giảm án rất đáng kể cho Phương Uyên và Nguyên Kha xảy ra gần như là sau sự việc các blogger ở Hà Nội trao Tuyên bố 258 cho một số ủy ban nhân quyền của thế giới và các cơ quan đại diện ngoại giao nước ngoài tại Việt Nam.
Có thể nói là cuộc biểu tình ủng hộ Phương Uyên, Nguyên Kha ngày hôm nay ở Long An, cùng với hoạt động của giới blogger, và những tuyên bố của các nhân sĩ trí thức, cho thấy những dấu hiệu manh nha của xã hội dân sự đã chính thức hình thành ở Việt Nam, vào thời điểm này.
AFP hôm nay cũng nhận định, bản án phúc thẩm là quá bất ngờ, đầy kịch tính, vì tòa án Việt Nam thường kết án nặng nề các nhà ly khai. Hãng tin Pháp nói thêm, hai thanh niên rải truyền đơn chống chính phủ bị truy tố theo điều 88 Luật Hình sự vốn có khung hình phạt lên đến 20 năm tù, một tội danh thường được áp dụng cho các nhà ly khai.
Ông Phil Robertson, đại diện châu Á của tổ chức bảo vệ nhân quyền Human Rights Watch cũng cho rằng bản án hôm nay “vượt quá mọi sự chờ đợi”. Ông nói với AFP: “Có lẽ chính quyền Việt Nam rốt cuộc đã lãnh hội được thông điệp của Tổng thống Mỹ Barack Obama về việc cải thiện nhân quyền”.
T. M.