Đời người chỉ sống có một lần, nhưng không phải lần nào có được niềm vui òa vỡ như ngày hôm nay – 16/8/2013.
Ngày hôm nay, một dấu ấn lịch sử đã khởi chứng bởi cái tên Phương Uyên – người con gái vô cùng nhỏ nhắn nhưng lại thượng tôn cho tinh thần sót lại của cả khối trẻ già yêu nước trên rẻo đất chữ S.
16/8 – ngày hôm nay – có thể và cần được trân trọng lưu giữ như một dấu mốc lịch sử của cuộc khai sinh ra Xã hội dân sự ở Việt Nam.
Tất cả những gì mà hàng trăm người yêu chuộng tự do và dân chủ đã phải trả giá trong cái nắng gắt của đất trời Long An, cùng những hành động còn kém sự thô bạo đôi chút của chính quyền địa phương này trong việc ngăn chặn mọi người tham dự một phiên tòa được coi là “công khai”, cuối cùng đã góp một phần không nhỏ cho công bằng và tự do của Phương Uyên và mức giảm hơn nửa án của Nguyên Kha.
Đó cũng là tất cả những gì mà những người yêu chuộng dân chủ và nhân quyền ở bên kia Thái Bình Dương đã làm cho Việt Nam, giúp cho các nhà lãnh đạo Đảng và Chính phủ của Việt Nam nhìn lại một chân lý: không có chế độ vĩnh viễn, chỉ có nhân dân trường tồn.
Ơn đảng, ơn Chính phủ! Điều đó tôi đã muốn thốt lên từ lâu, nhưng ngày hôm nay mới có dịp được thổ lộ.
Sự xác quyết kịp thời và tạm hợp lòng dân của những người cầm giữ vận mệnh chính thể đã giúp kềm giữ phần còn lại của điều được gọi là “lòng tin chiến lược” nơi dân chúng, giúp cho xã tắc có thêm một chút hy vọng vào tương lai không đổ nát bằng vào triển vọng “đối tác toàn diện” với “kẻ thù số một”.
Phép thử đầu tiên và rất quan trọng đã tạm lắng, sau hành động của người đồng hương của Nguyên Kha gợi cho người đồng hương của Bản tuyên ngôn nhân quyền nhớ lại dĩ vãng Hồ Chí Minh – Harry Truman.
Bỏ qua tất cả những gì thuộc về tiểu tiết, Nguyên Kha và Phương Uyên xứng đáng được tôn vinh như những người trẻ tuổi đi tiên phong và chịu trả giá trong chấn hưng dân trí, phục hưng tinh thần dân tộc của một tổ quốc đang bị mất mát quá nhiều niềm tự hào và bản sắc riêng vốn có của nó bởi những bóng ma lạ lẫm ngoài biển Đông.
Nhưng với những con người đang chung sức vì một tương lai của Việt Nam thì không có gì lạ lẫm. Một ngày trước phiên xử phúc thẩm 16/8, tôi đã chứng kiến nhà văn Nguyễn Tường Thụy nghẹn nước mắt khi đối diện với người con gái mà ông tha thiết muốn nhận làm con nuôi. Hai cha con chỉ cách nhau một tấm kính, nhưng tiếng “Cha!” của Phương Uyên lại bị ngăn cản bởi không gian của cả một trại tạm giam. Không gian ấy cũng có thể trở thành một khoảng trống đen thẫm mênh mông của một nhà tù tương lai.
Vậy mà, làm sao có thể tả nổi, chỉ một ngày sau, những con người chưa từng quen biết ấy đã có thể ôm choàng lấy nhau, chia với nhau từng giọt nước mắt tuôn lên khuôn mặt chứ không bị nuốt vào trong tim.
Cuộc sống vốn dĩ có những gam màu khó tả và đột ngột như thế, những khoảnh khắc hiếm thấy của một đời người. Đời người lại chỉ có giá trị nếu người ta biết sống và biết thụ hưởng những gì mà quyết định sống của mình mang lại.
Tôi vẫn nghĩ rằng những người đang đấu tranh cho dân chủ và nhân quyền ở Việt Nam, bất kể giai tầng và tôn giáo, có ít nhất một lý do để chung sống: sự đồng cảm và chia sẻ. Tôi đã chứng kiến nhiều trường hợp, từ những người hoàn toàn xa lại, đã trở thành ruột thịt với nhau chỉ trong khoảnh khắc của cảnh ngộ.
Nhưng điều kỳ lạ mà không thể lý giải được là dường như Đảng và Chính phủ đã làm nên kết quả kỳ diệu ấy. Họ đã biến cái phi hiện thực thành hiện thực, làm cho vô cảm trở nên xúc cảm đậm đà nơi dân chúng trong cảnh ngộ – điều khác hẳn với thói quen và não trạng vô cảm quan chức ngày càng tràn ngập trong xã hội và chốn quan trường.
Ơn Đảng, ơn Chính phủ! – một lần nữa tôi thốt lên xúc cảm đó, khi chứng kiến những con người xa lạ đang ôm lấy nhau mà khóc, mà cười, mà vui mừng như điên dại.
Không thể nói khác hơn, tự do của Phương Uyên là một chiến thắng ban đầu của phong trào dân chủ ôn hòa ở Việt Nam, cũng là kết quả cho những tích tụ không mệt mỏi từ 11 cuộc biểu tình chống Trung Quốc ở Hà Nội và Sài Gòn vào giữa năm 2011, hình ảnh “người nông dân nổi dậy” Đoàn Văn Vươn vào đầu năm 2012, và cũng phải “tính sổ” việc nhiều người hoạt động dân chủ và nhân quyền đã thuộc về vòng lao lý trong nhiều năm qua, trước khi thuộc về một thế giới tươi đẹp hơn rất nhiều.
Trong số những người còn đang phải chịu sự thuộc về một cách đầy khiên cưỡng ấy, không thể quên và sẽ gần gũi nhất về thời gian xử án là luật sư công giáo Lê Quốc Quân. Nếu có thể phơi bày cảm xúc nào về câu chuyện kỳ quặc này thì có lẽ chúng ta nên cầu nguyện cho bà thẩm phán Lê Thị Hợp mau chóng bình phục sức khỏe từ cơn cảm mạo bất thường, để Quân có thể được đưa ra xét xử với cái án treo như Phương Uyên đã nhận.
Ở Việt Nam và trong hiện tình đương đại, một án treo chính trị vẫn cần được chấp nhận một cách không quá khe khắt, dù không một thân nhân gia đình nào được tham dự phiên tòa, dù rằng tính minh bạch của một phiên tòa như thế vẫn luôn là một chủ đề còn bị “treo” trong cặp mắt phán xét của giới nhân quyền quốc tế.
Nhưng trên tất cả, vào ngày hôm nay, Xã hội dân sự đã có lý do để sinh sôi trên miền đất hoang cằn. Những người yêu chuộng nó, những nhà tranh đấu và nhân sĩ như Lê Hiếu Đằng và các bạn trẻ cần tới nó để hướng đến một Việt Nam tránh đổ nát và tránh cả đổ máu trong tương lai, nên lấy ngày 16/8 như một dấu ấn kỷ niệm cho sự hình thành, yêu thương và trưởng thành.
Ơn Đảng, ơn Chính phủ!
P. C. D.
Nguồn: http://www.rfa.org/vietnamese/ReadersOpinions/grateful-to-the-party-08162013091130.html