Bức hình chụp ngày 15/1/2013. Một người đàn ông đang đọc tin trên mạng bằng laptop trong một quán cafe ở Hà Nội. Sau khi sách nhiễu và bỏ tù đã không thể làm cho giới blogger im lặng, chính quyền cộng sản đã bắt đầu xây dựng đội quân đi tuyên truyền, xâm nhập vào các chatroom và hát những bài hát ca ngợi chế độ. AFP PHOTO/HOANG DINH Nam
Bản dịch của Luna Nguyễn (Defend the Defenders)
The Economist| Ngày 9/08/2013
KHÔNG quá một tuần từ lúc Chủ tịch Nước Việt Nam, Trương Tấn Sang, được Barack Obama đón tiếp nồng hậu tại Nhà Trắng. Đây là lần thứ hai một người đứng đầu nhà nước Việt Nam được đón tiếp trọng thị kể từ bình thường hóa quan hệ giữa hai cựu thù vào năm 1995. Tổng thống và Chủ tịch Nước hai phía cùng nhau thảo luận tích cực về một “mối quan hệ toàn diện”, điều mà Mỹ mong muốn Việt Nam sẽ trở thành một trong những đồng minh quan trong nhất trong một khu vực có thể lại dễ dàng thay đổi bất cứ lúc nào.
Mong chờ sự hợp tác của Việt Nam, ông Obama chỉ lướt sơ khi đề cập những ghi nhận tình trạng nhân quyền tồi tệ đang tăng cao cũng như tình trạng đàn áp chính trị và kiểm duyệt của Việt Nam. Có thể ông hy vọng rằng với thái độ nhã nhặn, vỗ về vị tương nhiệm Cộng sản của mình sẽ làm xoa dịu tình hình đi chút ít. Nếu thế, ông đã thất bại trong trường hợp này. Bản tin mới nhất cho biết vào tháng 9 chính quyền Việt Nam sẽ đưa ra những điều luật mới hạn chế việc sử dụng các website, và mạng truyền thông xã hội trực tuyến và chỉ được trao đổi các “thông tin cá nhân”. Văn bản pháp luật mới được biết là Nghị định 72, cấm việc đăng tải các tài liệu mà, theo một bản dịch, “cung cấp thông tin chống lại nhà nước Việt Nam, đe dọa an ninh quốc gia, trật tự xã hội và sự đoàn kết quốc gia.” Đây là một điều khoản bao quát một cách ngoạn mục. Nghị định này cũng yêu cầu những nhà mạng khổng lồ như Google và Facebook phải đặt ít nhất một máy chủ của họ tại Việt Nam, có lẽ để chính phủ có thể kiểm soát rộng hơn nội dung của nó.
Đây là một sự tăng cường khác trong cuộc chiến của chính phủ Việt Nam chống lại bất đồng chính kiến. Theo Human Right Watch, tổ chức hoạt động có trụ sở ở NewYork, các vụ kết án đối với blogger và các nhà phê bình khác trong nửa đầu năm 2013, với tội danh “tuyên truyền chống phá nhà nước”, đã vượt số vụ kết án của cả năm 2012. Theo một số ước tính, có ít nhất 46 nhà hoạt động, bao gồm cả blogger, bị kết tội trong năm nay. Nghị định 72 cung cấp thêm cho nhà nước công cụ hành pháp đầy quyền lực để đàn áp. Đây lại là một bằng chứng nữa, nếu người ta cần có thêm, cho thấy rằng chính phủ Việt Nam đang đi theo một hướng tiềm ẩn nhiều tai hoạ, hoàn toàn khác với những quốc gia trong khu vực, như Myanmar, Malaysia hay thậm chí là quốc gia láng giềng Campuchia.
Đại sứ quán Mỹ tại Hà Nội đã nói trong bài phát biểu mới rằng họ “quan ngại sâu sắc”. Tác động thật sự của Mỹ lên những nhà lãnh đạo Việt Nam dường như đang giảm đi tương ứng với mức độ mà họ chủ động kéo Việt Nam vào cuộc qua mối quan hệ đối tác toàn diện mới này. Hẳn đã thấy một động thái trơ tráo của Việt Nam khi thông báo đợt đàn áp mới nhất chỉ ngay sau chuyến viếng thăm gặp gỡ ông Obama. Việc chơi xỏ siêu cường quốc này cũng giống như trong giai đoạn tốt đẹp của thập niên 1960 và 1970. Ngoại trừ lúc đó hai quốc gia này tham gia vào một cuộc chiến toàn diện thay vì mối quan hệ hợp tác toàn diện.