Xin bàn tiếp về Nghị định 72

Điều 5. Các hành vi bị cấm. Khoản 1. Lợi dụng việc cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng nhằm mục đích: … e) Giả mạo tổ chức, cá nhân và phát tán thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật xâm hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.”

So với  NĐ97mà NĐ72 này thay thế, thì khoản (e) bị cấm nói trên là hoàn toàn mới. Tuy nhiên, dù những hành vi bị cấm được nêu lên có vẻ nghiêm trọng như vậy, nhưng lại chỉ gói gọn trong một đoạn văn được sắp xếp và trình bày khó hiểu, với những khái niệm không được làm rõ trong Điều 3 Giải thích từ ngữ. Vậy xin được đưa ra vài thắc mắc cụ thể, hầu giúp cơ quan soạn thảo có thể làm rõ trong một thông tư hướng dẫn nào đó.

+ Thế nào là “giả mạo tổ chức”, “giả mạo cá nhân”? Có lẽ đó là hành vi lập trang web, blog mang danh một con người, tổ chức khác không phải là mình, là tổ chức của mình? Có điều, nếu chỉ như vậy thì không dễ bị quy cho là “giả mạo”, bởi trên mạng, người ta có thể “ẩn danh” hoặc dùng “bí danh”, tức là đặt cho trang của mình một cái tên, tên này đương nhiên có thể trùng với tên của ai đó, tổ chức nào đó. Như vậy, yếu tố để bị coi là “giả mạo” dường như phải là trùng tên của một nhân vật, một tổ chức cụ thể mà nhiều người đã biết tiếng tăm, ví dụ như các nghệ sĩ có tiếng, các “hot girl”, “hot boy” (như “Bà Tưng”, “Running Man” chẳng hạn), các lãnh đạo nhà nước v.v..

+ Nhưng như vậy vẫn chưa đủ yếu tố để “buộc tội”, mà cần phải có thêm những thông tin về nhân vật, tổ chức bị “mạo danh” trên trang web, blog đó thì người đọc mới có thể bị “lừa”. Có lẽ vấn đề nằm ở câu tiếp theo: “và phát tán thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật xâm hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.”

Thế là lại nảy sinh thêm rắc rối thứ hai cho điều khoản “e”, sau rắc rối về khái niệm “giả mạo tổ chức”, “giả mạo cá nhân”, là “thông tin giả mạo”. Bởi vì “thông tin sai sự thật” thì đã rõ trong rất nhiều văn bản pháp quy, thế nhưng “thông tin giả mạo” thì … hơi bị khó xác định, trong khi tại Điều 3 Giải thích từ ngữ cũng lại không có khái niệm độc đáo này.

+ Vẫn chưa hết sự mù mờ! Đó là liệu việc chỉ “giả mạo tổ chức”, “giả mạo cá nhân” không thôi là đã “cấu thành” một “tội” theo khoản “e” chưa, hay còn phải có thêm cả hành vi “phát tán thông tin giả mạo” ,“thông tin sai sự thật” nữa? Hay cần có cả yếu tố “xâm hại đến quyền và lợi ích hợp pháp …” nữa thì mới thành “tội”? Cách hành văn trong khoản “e” không giải đáp được những câu hỏi đó.

Có lẽ không riêng gì người viết lời bình này thấy mù mờ, mà ngay cả ông Thứ trưởng Bộ 4T Lê Nam Thắng, lẫn tòa báo VietnamNet cũng không hơn gì, khi trong một bài báo có cái tựa rất rõ ràng “Nghị định 72 sẽ xử nghiêm các trang tin mạo danh”, nhưng rồi cày xới hết cả bài mà chẳng thấy rõ hơn điều gì. Không thấy ông Thứ trưởng giải thích về những khái niệm được cho là mù mờ ở trên, hay ít ra là lấy ví dụ một vài trang tin nào đó bị cho là “mạo danh”, “giả mạo” (bởi thường là “luật” phải đi từ thực tế cuộc sống mà, tức là có hiện tượng sai trái rồi thì đưa ra chế tài để xử lý). Cũng không thấy nhà báo nào đặt những câu hỏi liên quan cho ông Thứ trưởng.

Vậy thực tế cuộc sống đã từng có các trang tin mạo danh – “giả mạo tổ chức”, “giả mạo cá nhân” hay chưa, để mà NĐ72 đã được mau mắn bổ sung một điều cấm quan trọng đó? Xin được hẹn trong lời bình tiếp theo, cũng đồng thời để tìm giải pháp cho tình trạng dường như sẽ có hàng loạt các vị lãnh đạo cao cấp nhất bị NĐ72 “hỏi thăm” trước tiên, do đang hiện hữu trên mạng mấy năm nay các trang tin cá nhân, các blog “hoành tráng” mang họ tên, chức vụ của mình rành rành, với nội dung rất dễ bị cho là của riêng mình, nhưng lại đang thực hiện hành vi bị NĐ72 không cho phép, đó là “cung cấp thông tin tổng hợp”.

Nguồn: http://www.basam.info/2013/08/12/tin-thu-hai-12-08-2013/

 

This entry was posted in báo chí. Bookmark the permalink.