Trong nhiều bài viết trước đây trên BVN, ý kiến phê phán các vị quan chức cấp tỉnh tự tiện bán rừng đầu nguồn cho Trung Quốc tập trung nhìn vào ý thức và phẩm chất của người giữ trọng trách trong bộ máy nhà nước đối với nhiệm vụ hàng đầu là bảo vệ an ninh của Tổ quốc. Lần này nhà báo Lê Phú Khải đi vào một khía cạnh mới: đạo lý của người “đi từ trong rừng ra”, từng lấy rừng làm căn cứ khởi nghiệp – “Rừng che bộ đội rừng vây quân thù” trong những năm tháng kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Một sự vô ơn đến trắng trợn góp vào hàng loạt những hiện tượng nghịch lý giữa đời sống ngổn ngang hôm nay càng làm cho tâm lý xã hội cảm thấy nơm nớp không yên, như đang chờ đợi cơn thịnh nộ của NÚI RỪNG, bên cạnh cơn thịnh nộ đã nhìn thấy nhãn tiền của ĐẤT và NƯỚC.
Bauxite Việt Nam
Kể từ khi có con người, trên hành tinh này, từ Đông sang Tây, từ cổ chí kim, dân tộc nào cũng yêu quý rừng, xem rừng là thiêng liêng, là máu thịt của mình. Người Pháp truyền tụng qua nhiều thế hệ những câu thơ của André Theuriet về rừng : “Hồn Tổ quốc ngự nơi rừng sâu thẳm” và ông cũng cảnh báo dân tộc Pháp về sự hủy diệt rừng: “Một dân tộc không có rừng thì dân tộc đó chết” (nguyên văn : “un peuple sans forêts est un peuple qui meurt). Chính vì vậy mà nước Pháp là một trong những nước rừng được bảo vệ tốt nhất, chẳng những rừng đầu nguồn mà ngay cả rừng nơi đồng bằng cũng được bảo vệ nghiêm ngặt. Rừng Boulogne và rừng Vincennes là linh hồn của phố phường Paris. Hai cánh rừng mênh mông này như hai cánh tay bên Đông và bên Tây ôm ấp lấy phố phường Paris. Nếu đi trên đường vành đai Paris (dài 35km) đoạn phía Đông người ta chỉ ngoặt vào rừng Boulogne vài trăm thước là người ta đã sang một thế giới khác, yên tĩnh và thánh thiện. Người Paris kể rằng, nếu bịt mắt một người và đưa vào rừng Boulogne rồi cho người đó mở mắt ra, bảo rằng Paris cách đây 300km người ta sẽ tin ngay. Vì đó là rừng nguyên sinh. Kẻ viết bài này đã có lần ngoặt vào Boulogne và gặp những con đường nhỏ ngoằn ngoèo, những hồ nước và những cặp tình nhân bên hồ…. và tưởng đó là cõi Thiên Thai nào đó. Các nhà thơ, các triết gia nổi tiếng của lịch sử nước Pháp từng ngồi viết trong rừng Boulogne này. Điều tôi muốn nói là, đã có những dự án cho thuê, cắt đất rừng Boulogne bán cho các đại công ty tư bản Âu –Mỹ…. để họ xây cao ốc, xây siêu thị, làm sân golf… và như thế thì Paris bỗng chốc trở thành thủ đô giàu có nhất trần gian này. Nhưng Thị trưởng Paris lúc đó chỉ phê vào cái đề án “vĩ đại” này có một chữ : Fou! (điên!). và từ đó đến nay không ai làm cái việc điên rồ ấy nữa.
Ngày nay, trước nguy cơ môi trường tự nhiên bị hủy hoại, nhiều quốc gia đã có những chính sách rất cụ thể để bảo vệ rừng. Nhà xã hội học Nguyễn Trần Bạt, trong cuốn sách mới nhất của ông nhan đề Đối thoại với tương lai (940 trang khổ lớn), đã đưa ra một tư liệu rất thú vị có liên quan đến việc Nhà nước có chính sách bảo vệ rừng “khi tôi đến Đan Mạch làm việc với Ngân hàng xuất nhập khẩu Đan Mạch, ông Chủ tịch ngân hàng ấy khoe rằng, dân tộc họ có một nền văn hóa công sở mà tất cả các vật dụng của nó đều được sản xuất bằng gỗ ép, trong khi Đan Mạch là một nước có mật độ rừng lớn (trang 771). Chị Ba Sương, nguyên Giám đốc Nông trường anh hùng Sông Hậu có lần gặp tôi đã rối rít khoe : em vừa đi Đức về, chào hàng một số đồ gỗ kiểu dáng tân thời, họ thích lắm. Nhưng họ chưa ký hợp đồng mua ngay mà cử một đoàn chuyên gia sang thăm nông trường của em. Và khi thấy bàn ghế, giường tủ của chúng em đều được đóng từ gỗ bạch đàn do nông trường trồng dọc theo các đường giao thông, các bờ kênh, không phải từ gỗ phá rừng thì họ mới ký hợp đồng mua bán. Hơn thế, họ còn tăng giá mua lên trên mức giá bán của nông trường để thưởng cho thành tích trồng rừng của chúng em. Họ còn nói, bạch đàn trồng ven lộ thì họ mới mua, nếu trồng tập trung thành rừng thì họ cũng không mua. Vì bạch đàn trồng tập trung thì nó sẽ phá đất (!).
Người ta thì như vậy, còn chúng ta thì mười địa phương cấp tỉnh đã trắng trợn cho thuê hơn 300 ngàn ha rừng đầu nguồn của đất nước với thời hạn 50 năm. Về tác hại của sự việc này với sự sống còn của đất nước, với an nguy của Tổ quốc Việt Nam thì hai vị lão tướng, hai nhà yêu nước lớn, hai công thần của chế độ là các ông Đồng Sỹ Nguyên và Nguyễn Trọng Vĩnh đã phẫn nộ lên tiếng và phân tích rất đầy đủ. Với tư cách một công dân, một nhà báo, một người quan sát, tôi muốn nhìn sự việc cho thuê rừng 50 năm này ở khía cạnh đạo đức và tâm hồn của dân tộc. Với chế độ hiện hành và thần dân của chế độ thì từ xưa đến nay, rừng vẫn là cái gì đẹp đẽ và thiêng liêng nhất. Nhà thơ cộng sản Tố Hữu từng viết về rừng những câu thơ say đắm lòng người:
“Rừng xanh hoa chuối đỏ tươi
Đèo cao nắng ánh dao gài thắt lưng
Ngày xuân mơ nở trắng rừng
Nhớ người đan nón chuốt từng sợi giang”
Và khi quân thù của nhân dân kéo đến thì :
Nhớ khi giặc đến giặc lùng
Rừng cây núi đá ta cùng đánh Tây
Núi giăng thành lũy sắt dầy
Rừng che bộ đội rừng vây quân thù
Với Chủ tịch Hồ Chí Minh thì trong con mắt của nhà thơ, rừng là bạn tri âm của Người :
Nhớ chân Người bước lên đèo
Người đi rừng núi trông theo bóng Người
Rừng núi Việt Bắc, rừng đại ngàn Trường Sơn, rừng đước, rừng tràm Nam Bộ từ lâu đã là ân nhân của những người cách mạng Việt Nam. Là cõi sâu thẳm của tâm hồn, là chỗ “da non nhất của lòng người” Việt (Chế Lan Viên). Cho thuê rừng, bán rừng một cách vô tội vạ như lãnh đạo các địa phương đã làm là hành động bất nhân, ăn cháo đái bát, vô lương nhất mà không một người Việt Nam yêu nước nào không nổi giận:
Bão ngày mai là gió nổi hôm nay
Trời chớp giật tất có ngày sét đánh
(Tố Hữu)
Tôi tin là Bộ chính trị và Chính phủ Trung ương của ông Nguyễn Tấn Dũng không tha thứ việc này, và sẽ tháo gỡ ngăn chặn đến cùng việc làm phản dân, hại nước tày trời đó.
TP.HCM, tháng 3/2010
LPK
HH, Mạng Bauxite Việt Nam biên tập.