Đã bước vào quý 3/2013, nhưng nền kinh tế Việt Nam vẫn chưa nhìn thấy một cái đáy nào rõ rệt.Khung cảnh vẫn nhuộm một gam màu u ám, bất chấp hàng loạt báo cáo của giới chức sắc chính phủ và phát ngôn của giới chuyên gia cận thần về triển vọng kinh tế đang tốt lên.
Mới đây, nguyên thống đốc Ngân hàng Nhà nước và hiện là Chủ tịch Hiệp hội oanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam là ông Cao Sỹ Kiêm đã mô tả bức tranh thực trạng: vẫn còn rất nhiều vấn đề vẫn chưa giải quyết được. Cụ thể, sản xuất vẫn đang bị thu hẹp, phá sản, đình trệ vẫn cao, khó khăn của nhiều doanh nghiệp về vốn, về đầu ra, tồn kho vẫn chồng chất và có xu hướng tăng lên… Đến nay theo thống kê đã có một nửa số doanh nghiệp nhỏ và vừa ra đi, không đủ sức để chờ đợi được hưởng chính sách này. Hiện nay, nhiều doanh nghiệp đã chán nản, buông xuôi…
Ông Kiêm cũng đưa ra dự báo: với tình hình như thế này thì số doanh nghiệp tạm ngừng sản xuất, giải thể phá sản chắc chắn còn tăng lên nữa.
Những nguồn cơn nào đã dẫn đến hiện trạng cay đắng như thế?
Không thể hoài nghi, các thị trường đầu cơ đã đóng góp một phần không nhỏ cho thế tuột dốc không phanh của nền kinh tế quốc gia.
Parabol rơi xuống
Nhìn tổng quan và lấy mốc từ năm 2005 – khi giai đoạn trì đọng của kinh tế Việt Nam còn đi ngang, thì cho đến năm 2013, nền kinh tế Việt Nam đã tạo nên hai đỉnh. Đỉnh thứ nhất có thế năng lớn nhất, được lập vào năm 2007; còn đỉnh thứ hai vào năm 2009.Hai đỉnh này đã được xem là kết thúc cho biểu đồ tăng trưởng liên tục của nền kinh tế Việt Nam từ năm 1991 – thời điểm mở cửa kinh tế – cho đến nay.
2007 là thời gian mà đầu tư công và các nguồn đầu tư trực tiếp và gián tiếp từ nước ngoài tăng rất đáng kể.Đó cũng là thời kỳ tương tự như nhận định của một số chuyên gia kinh tế nước ngoài về nền kinh tế Trung Quốc “đầu tư nhiều nhất trong thời gian ngắn nhất”. Tiền được đổ ra và kích thích các thị trường, nhưng cũng kéo theo lạm phát và mặt bằng giá cả hàng tiêu dùng làm cho sinh hoạt của người dân trở nên khốn khó hơn.
Nếu xem xét vận hành của nền kinh tế theo quan điểm thị trường chứng khoán là kẻ đi tiên phong và báo hiệu thì trong thời gian từ cuối năm 2006 đến đầu năm 2007, thị trường chứng khoán đã có một bước nhảy vọt gấp 3 lần. Nhiều đánh giá cho thấy một nguồn lực khổng lồ từ nước ngoài đã đổ vào cổ phiếu, khiến cho mặt bằng giá cổ phiếu tăng vô tội vạ.Đó cũng là minh họa sống động về nền kinh tế đã bị đầu tư quá nóng. Trong khi nền kinh tế và biểu đồ tăng trưởng của nó còn khá từ tốn thì đồ thị của chứng khoán đã làm nên một cuộc “đại nhảy vọt”, hệt như cuộc cách mạng thời năm 1960 ở Trung Quốc. Và logic tiếp nối là những gì ảo ảnh và nhảy vọt đều có thể để lại hậu quả “dưới đáy” khủng khiếp.
Nhưng cơn sốt kinh hoàng và để lại dư chấn ghê gớm nhất không phải là chứng khoán mà chính là bất động sản – điều xảy ra tương tự với thị trường Trung Quốc trong cùng giai đoạn 2007 – 2012.
Một điểm rất tương đồng giữa nền kinh tế, thị trường chứng khoán và thị trường bất động sản ở Việt Nam là sau khi cùng lập đỉnh vào năm 2007, đến đầu năm sau, tất cả lại cùng lao dốc. Những gì tăng sớm nhất và mạnh nhất lại bắt buộc phải hạ cánh cứng nhanh nhất.
Chứng khoán là minh họa khốn khổ như thế. Trong khi thị trường này lao dốc, bất động sản – tuy chưa chịu xuống giá – nhưng lập tức rơi vào tình cảnh đóng băng. Đó cũng là một đặc trưng của thị trường địa ốc ở Việt Nam, khi có đến 70% người tham gia thị trường này với động cơ đầu cơ, để khi tăng thì mọi người cùng đổ xô mua đuổi giá cao, còn lúc xuống thì không mấy ai dám “bắt dao rơi” – như một thuật ngữ trong thị trường chứng khoán.
Đồ thị lao dốc của chứng khoán lại dắt dây đến đường biểu diễn suy giảm của bất động sản. Từ năm 2007 đến nay, bất chấp chu kỳ hồi phục ngắn vào năm 2009, giá chứng khoán ở Việt Nam đã giảm đến 70-80%, còn giá bất động sản giảm ít nhất 30-40%, cao hơn hẳn mức 25-30% của chỉ số suy thoái của bất động sản S&P/Case-Shiller của Mỹ trong thời kỳ 2007- 2011.
Chứng khoán và bất động sản lại kéo theo đà suy thoái không thể cưỡng được của nền kinh tế. Tuy không đến nỗi lao dốc như bất động sản, nhưng hiển nhiên nền kinh tế Việt Nam đã làm thành một vệt parabol lõm từ năm 2009 đến nay.
Kích cầu nhóm lợi ích
Vào năm 2009, chính phủ Việt Nam đã bơm ra một gói kích cầu có giá trị 143.000 tỷ đồng, tương đương với 8 tỷ USD theo tỷ giá ngoại hối khi đó, để kích thích nền kinh tế và các thị trường.
Tuy nhiên, điều đáng buồn là trong khi gói kích cầu năm 2009 vẫn chưa được làm rõ về tính hiệu quả thực sự của nó, thì lại có quá nhiều dư luận cho rằng phần lớn nguồn tiền này đã bị đầu tư sai mục đích, tức phần lớn đã chảy vào thị trường chứng khoán và bất động sản để “đánh” hai thị trường này lên, cũng là giúp cho các nhóm đầu cơ trục lợi và “thoát hàng”.
Trong năm 2009 – 2010, nếu mặt bằng giá cổ phiếu phục hồi gấp đôi thì mặt bằng giá nhà đất ở Hà Nội lại tăng gần gấp ba, tạo thành một cơn sốt mới và lập đỉnh mới. Kết quả là sau hơn 20 năm kể từ mốc mở cửa, giá nhà đất ở Việt Nam đã tăng gấp 100 lần, và hiện thời đang cao gấp 25 lần so với mặt bằng thu nhập bình quân của người tiêu dùng, trong khi chuẩn của Liên hiệp quốc chỉ dưới 5 lần.
Trong khi đó, giá vàng cũng đã tăng gấp gần 4 lần từ năm 1997 đến năm 2011, và tăng gấp 10 lần nếu tính từ thời điểm năm 2000. Giá vàng tăng dẫn đến lạm phát phi mã.Riêng năm 2011 lạm phát đã gần 20%.
Tất cả những tiêu chí lợi nhuận được tính bằng số lần ở Việt Nam đã khiến cho bất cứ một nhà tư bản nước ngoài nào cũng phải thèm khát. Điều lạ lùng luôn khiến cho các nhà đầu tư nước ngoài kinh ngạc là trong một thị trường Việt Nam quá thiếu minh bạch về thông tin và yếu kém về quản lý, người ta lại có thể kiếm tiền rất dễ dàng – hiện tượng mà chỉ có Trung Quốc mới so sánh được.
Quả thế, thị trường bất động sản vẫn được xem là một tâm điểm của tình trạng thiếu minh bạch trong nền kinh tế Việt Nam. “Nền văn hóa kinh doanh rỉ tai”, hay những gì tương tự, đã khiến cho thị trường này phải đứng áp chót trong bảng xếp hạng 15 nước thuộc khối châu Á – Thái Bình Dương, và cũng đội sổ trong số 56 nước được chọn xếp hạng về độ minh bạch của thị trường bất động sản trên thế giới.
Tuy nhiên, dần dần các nhà đầu tư và nghiên cứu nước ngoài cũng hiểu ra một bí quyết tối quan trọng: thị trường càng thiếu minh bạch thì lại càng dễ đầu cơ. Mà đầu cơ lại là gốc rễ của tư bản, của siêu lợi nhuận. Phần lớn các thị trường mang tính đại chúng ở Việt Nam, trừ thị trường ngoại tệ thường dao động ngang và một số thị trường hàng hóa đặc thù, đã luôn đạt đến điểm mơ ước về siêu lợi nhuận trong đầu cơ như thế.
Trả giá!
Người dân Việt Nam có thể tự đặt câu hỏi: hơn 20 năm qua có ý nghĩa như thế nào đối với một thời lượng của sự phát triển? Sau phát triển, hay theo quy luật vận hành của nền kinh tế, thường là giai đoạn suy thoái. Vậy Việt Nam có tương đồng với trường hợp nước Mỹ, với chu kỳ 20 năm liên tục tăng trưởng GDP, đạt đến thời kỳ mà người ta vẫn dùng từ “Thịnh vượng” để miêu tả, để rồi sau đó rơi vào một chu kỳ điều chỉnh giảm bắt buộc?
Thế nhưng cũng không khác gì quy luật tăng trưởng – suy thoái trong đầu cơ quốc tế, sự vận hành của nền kinh tế đầu cơ ở Việt Nam cũng mang tính chu kỳ với hệ quả tất yếu phải xảy ra. Hơn 20 năm qua có lẽ đã đủ cho một chu kỳ tăng trưởng, đủ để hoạt động đầu cơ ở Việt Nam phải gánh chịu những hậu quả do chính nó gây ra.
Hậu quả mà nền kinh tế Việt Nam phải nhận lãnh sau những cơn sốt tất nhiên là một sự thoái hóa chưa có hồi kết. Người ta có thể chứng kiến nhan nhản nhiều tập đoàn kinh tế lớn của nhà nước như dầu khí, điện lực, xăng dầu, các tổng công ty kinh doanh bất động sản bị chìm ngập trong núi tài sản bị chôn trong cổ phiếu và bất động sản.
Tuy nhiên, khủng khiếp nhất vẫn là bất động sản với con số nợ xấu đang lên đến ít nhất 200.000 tỷ đồng đến thời điểm hiện nay. Còn nợ xấu trong hệ thống ngân hàng dĩ nhiên còn khủng khiếp hơn: ít nhất 250.000 tỷ đồng theo báo cáo chính thức của Ngân hàng nhà nước, và gấp đôi con số này theo ước tính của giới chuyên gia phản biện độc lập.
Cùng với bất động sản và chứng khoán, nhiều lĩnh vực khác như xây dựng, sắt thép, xi măng, thủy sản, nông sản…cũng chịu cảnh đổ dốc và ngưng trệ sản suất. Đặc biệt từ năm 2011 đến nay, nền kinh tế rơi vào tình trạng thảm thương khó có lối thoát, với gia tốc suy giảm tăng dần và biểu đồ suy thoái ngày càng chúc xuống với độ dốc lớn hơn.
Một khi chủ nghĩa đầu cơ cũng phải quy hàng thì có thể hiểu là nền kinh tế đang thiếu hẳn động lực để lấy lại những gì đã mất.Thậm chí nếu không được cải tổ mạnh mẽ, nền kinh tế Việt Nam còn có thể mất hết những gì vừa có lại.
Do vậy, khó có thể quan niệm những năm 2009-2010 như giai đoạn phục hồi mạnh sau khủng hoảng, mà chỉ nên xem đó là thời kỳ quá độ của những khó khăn trên đà tiếp diễn. Có nghĩa là chữ L đã được hình thành cơ bản, đang kéo dài cạnh đáy của nó một cách không bằng phẳng, thậm chí cạnh đáy này còn có thể chúc xuống nếu như nền kinh tế thế giới rơi vào suy thoái kép trong những năm tới.
Vẫn luôn có một lối đối sánh không quá ẩn dụ đối với bối cảnh hiện thời: “Thị trường bất động sản đang biến toàn bộ nền kinh tế và người dân thành con tin của nó”. Rõ như ban ngày, sau thị trường chứng khoán, khối tài sản khổng lồ treo giá cao ngất nhưng không bán được của đa số các doanh nghiệp nhà đất đang trở nên một ổ dung nham khủng khiếp, tiềm ẩn trong núi lửa có thể phun trào xuống khu vực đồng bằng của nền kinh tế và đời sống dân sinh.
Các thị trường đầu cơ đã lao nhanh đến thời điểm phải trả giá, trả giá cho mặt bằng giá hoàn toàn không tương xứng với thu nhập bình quân của người dân. Và đến lượt mình, nền kinh tế cũng phải trả giá với tư cách một nạn nhân của các thị trường đầu cơ – một hệ quả mà thay vì phục hồi theo chữ V thì nền kinh tế vẫn còn ì ạch ở cạnh đáy của chữ L cho tới giờ này.
Sự trả giá trên là quy luật tất yếu và phải diễn ra, chỉ là sớm hay muộn mà thôi.
P.C.D.