Hứa hẹn lâu dài của Mùa Xuân Ả Rập – Vì sao luyến tiếc chế độ cũ là sai lầm

(Giáo sư Khoa chính trị tại Barnard College, Đại học Columbia, Hoa Kỳ)

Trần Ngọc Cư dịch

Với Syria ngày càng lún sâu vào cuộc nội chiến, với quân đội Ai Cập phải ra tay can thiệp để lật đổ một chính phủ dân cử ngày càng trở nên độc tài của nước này, và không có mấy tiến bộ chính trị ở các nước khác trong khu vực, những ngày hồ hởi ban đầu của Mùa Xuân Ả Rập chỉ còn là một ký ức xa vắng, nhạt nhòa. Một số người hoài nghi cho rằng tình trạng này chắc chắn sẽ thúc đẩy một cuộc xét lại tích cực hơn đối với trật tự độc tài trước đó; một số khác lại quyết rằng chủ nghĩa tự do (liberalism) quan trọng hơn thể chế dân chủ [hình thức], và đề nghị hi sinh thể chế dân chủ trong một nỗ lực tìm kiếm tự do. Một số khác nữa – có lẽ đa phần ở phương Tây — chỉ biết lắc đầu ngao ngán và gán những vấn đề trên cho những yếu tố đặc thù khu vực như tôn giáo và văn hóa chính trị; họ tranh luận rằng những biến cố gần đây cho thấy người Ả Rập hay người Hồi giáo nói chung đơn thuần là chưa sẵn sàng hay không thích nghi với tự do chính trị.

Tâm trạng lo âu và thất vọng về tình hình đang diễn ra ở Trung Đông là chính đáng, nhưng lối phân tích chung chung như trên về nguyên nhân và ý nghĩa của nó là vô nghĩa. Như tôi đã viết trong bài “Hứa hẹn của Mùa Xuân Ả Rập” [Bản dịch trên BoxitVN], tình hình Trung Đông phản ánh trung thực sự phát triển chính trị trong thế giới thực, và bất cứ ai trông đợi một tiến bộ êm ả, nhanh chóng, theo một đường thẳng tắp từ chế độ độc tài đến thể chế dân chủ tự do đều là ngây thơ hay khờ khạo. Hàng chục nước trên thế giới đã trải qua quá trình chuyển đổi dân chủ trong vài thế kỷ gần đây, và gần như không một nước nào trên đường tiến đến dân chủ mà không kinh qua những thời kỳ biến động, trì hoãn, và thụt lùi. Tất cả mọi nước dân chủ công nghiệp tiên tiến đều gặp phải những vấn đề trong quá khứ, những vấn đề dễ so sánh với hay còn nghiêm trọng hơn những gì mà các nước như Tunisia, Ai Cập, Libya, và cả Syria đang trải qua hiện nay. Chỉ vì ngu dốt hoặc vì thành kiến, người ta mới bỏ qua những mô hình lịch sử này.

Sai lầm cơ bản mà những nhà bình luận về Mùa Xuân Ả Rập phạm phải là họ đã đánh giá quá thấp phạm vi, tầm cỡ, và mức độ xấu xa của chế độ độc tài. Chế độ này không chỉ là một loại trật tự chính trị; nó còn là một hệ thống kinh tế và xã hội, một hệ thống thẩm thấu vào mọi góc cạnh của đời sống quốc gia và có gốc rễ ăn sâu trong một mạng lưới rộng lớn gồm các cơ chế chính thức và không chính thức. Như thế, giành được dân chủ tự do không đơn thuần là việc thay đổi một vài đường nét trên biểu đồ chính trị, nhưng nói đúng ra là phải loại bỏ các di sản độc tài trong xã hội, trong kinh tế, cũng như trong văn hóa. Đây là một tiến trình gần như luôn luôn cực kỳ khó khăn, làm kiệt quệ xã hội và kéo dài qua nhiều giai đoạn. Mãi đến nửa sau của thế kỷ 20, chế độ dân chủ tự do mới hoàn toàn xuất hiện ở nhiều nước Tây Âu, việc này giải thích tại sao quá nhiều thử nghiệm dân chủ trước đó đã mang khuyết tt hoặc thất bại hoàn toàn. Và cho đến ngày nay, dân chủ tự do vẫn chưa diễn ra đều khắp tại Đông Âu và nước Nga.

Một số nhà bình luận có thể bình thản nói “cũng tốt thôi” – vì nhiều nước cũng đã kinh qua những khởi động hụt hay gặp phải vấn đề trong tiến trình dân chủ hóa. Tại sao chúng ta phải nghĩ khác hơn về những gì đang diễn ra, chẳng hạn, tại Ai Cập? Vì những khởi động hụt ấy và những vấn đề, như biến động, hỗn loạn và vâng, đôi khi cả bạo động nữa, là một phần nội tại và thường là tất yếu của cái tiến trình cuối cùng đã xóa bỏ chế độ độc tài và dẫn đến thể chế dân chủ tự do. Những gì đang diễn ra tại Trung Đông hiện nay không phải một con bọ [một lỗi lầm] trong phát triển chính trị nhưng là một đặc điểm của tiến trình này. Lịch sử cho thấy rằng thể chế dân chủ phi tự do (illiberal democracy) thường là tiền thân của thể chế dân chủ tự do (liberal democracy). Một điều đã lặp lại nhiều lần trong lịch sử là, một nước thường bắt đầu bằng một chế độ phi dân chủ, rồi tiến sang một giai đoạn (hay vài giai đoạn) trải nghiệm dân chủ ở mức tối thiểu hay dân chủ thiếu tự do. Hầu hết mọi thử nghiệm dân chủ buổi đầu khắp thế giới đều là phi tự do (illiberal) và có vấn đề sâu sắc, và nhiều thử nghiệm đã kết thúc một cách tồi tệ. Chỉ sau nhiều thế hệ và nhiều nỗ lực, phần lớn các nước mới có thể củng cố những thể chế dân chủ tự do – nghĩa là, bài trừ hết những lối ứng xử và thái độ phi dân chủ vốn đã ăn sâu vào đầu óc con người, đồng thời phát huy những phong cách mới trong tư duy cũng như trong hành động để giúp thể chế dân chủ tự do trường tồn và phát triển.

Nói thế không có nghĩa là Mohamed Morsi, chẳng hạn, là một lãnh đạo tốt ở Ai Cập, hay quân nổi dậy ở Syria đều là những nhà dân chủ theo truyền thống Jefferson, hay một tương lai sáng lạn đang nằm trong tầm tay của Trung Đông. Gần như chắc chắn không phải như vậy — chỉ cần một cái nhìn vào lịch sử, chẳng hạn, của châu Âu từ 1789 đến 1945.cũng thấy được điều này. Nhưng điều đáng nói ở đây là, những vấn đề Trung Đông hiện nay có tính cách thông lệ hơn là biệt lệ, do những yếu tố đặc thù như chủng tộc, tôn giáo, hay ý thức hệ thì ít, nhưng do những khó khăn, phức tạp nội tại trong việc xây dựng các chế độ dân chủ thực sự tự do thì nhiều. Loại bỏ chế độ độc tài là một tiến trình lâu dài và đầy nguy hiểm; nhưng tại Trung Đông, chí ít tiến trình ấy cuối cùng cũng đã bắt đầu.

S.B.

Dịch giả gửi trực tiếp cho BVN

 

Nguồn: Foreign Affairs, 17 tháng Bảy 2013

 

 

This entry was posted in Dân chủ, Quốc Tế. Bookmark the permalink.