Tre nhiều măng mọc vào đâu?

Bất  cứ  quốc gia nào trên thế giới muốn phát triển bền vững thì yếu tố đầu tiên là phải luôn có đội ngũ nguồn nhân lực kế thừa, đủ cả  trí và dũng. Hay nói cách khác tre già thì măng phải mọc!

Liên hệ với cuộc sống, tôi rất thích bài thơ “Tre Việt Nam” của nhà thơ Nguyễn Duy có các vần thơ được  đúc kết theo quy luật của tự nhiên:

“Măng non là búp măng non

Đã mang dáng thẳng thân tròn của tre

Năm qua đi tháng qua đi

Tre già măng mọc có gì lạ đâu”
Tre già măng mọc, chuyện ‘không lạ’. Nó là lẽ thường tình, đương nhiên. Đây là hình ảnh thực sinh động minh chứng cho quan điểm biện chứng duy vật. Theo quy luật vận động, mọi sự vật hiện tượng luôn vận động không ngừng. Vận động là tuyệt đối, đứng yên là tương đối, mang tính nhất thời. Cây tre không trẻ mãi được mà phải dần dần già đi và sẽ đến lúc phải kết thúc (chết) chứ không thể tồn tại vĩnh hằng.

Đó cũng là quy luật phủ định của phủ định: Theo tiến trình của sự vận động cái cũ sẽ mất đi (cây tre chết) cái mới ra đời thay thế cái cũ- hiện tượng măng mọc!

Cứ theo quy luật sinh học của thiên nhiên đó, có thể thấy, một thực tế của Việt Nam là những năm tháng trước đây khi đất nước còn đang bị xâm chiếm, thì đa số cán bộ cốt cán của Đảng rất trẻ. Các đồng chí  lãnh đạo Đảng như  Trần Phú, Lê Hồng Phong, Nguyễn Văn Cừ,. Hà Huy Tập, Hoàng Văn Thụ… toàn cán bộ trẻ nắm vận mệnh đất nước.

Rồi một thời cuộc mới mở ra.

Sau thống nhất đất nước, Đảng và Nhà nước không ít lần bàn về tiêu chí lựa chọn, bồi dưỡng đào tạo nguồn cán bộ cấp chiến lược. Nhưng nhìn vào thực tế lâu nay khi so sánh với thế giới, chỉ nói riêng về độ tuổi của giới cầm quyền ở nước ta đã có sự hụt hẫng đáng lo ngại vì  tuổi trung bình của 16 vị trong Bộ Chính trị đến hết nhiệm kỳ đại hội Đảng XI  đã là 64. Ngay cấp lãnh đạo các địa phương, nhiều vị thường trực tỉnh ủy cũng không còn đủ độ tuổi để làm thêm 1 nhiệm kỳ,  “tre đã già mà măng không mọc”!

Có lần đang làm việc ở xứ sở lạc hậu châu Phi, nhân lúc đi khảo sát thực địa  bàn về chuyện tham quyền cố vị ở nước sở tại, tôi đọc mấy câu thơ:

“Ta đây đứng giữa bụi tre

Các ngươi đừng có ngo ngoe mọc mầm

Tre này trụ đã bao năm

Lũ măng mà mọc, ta nằm ở đâu?”

Tôi thử làm phép tính thống kê tuổi  các vị lãnh đạo nhà nước của 10 quốc gia trên thế giới như Mỹ, Đức, Anh, Ý, Đan Mạch, Thụy Điển, Na Uy, Nhật Bản và Trung Quốc, có đến 50% các vị ở tuổi dưới 50, tuổi trung bình là 52, kém lãnh đạo Việt Nam đúng bằng con giáp (12 tuổi).

Thế giới ngày nay đã minh chứng người cầm quyền muốn phát huy đầy đủ năng lực sáng tạo thì tuổi đẹp nhất vẫn là dưới 50. Trẻ hóa hàng ngũ lãnh đạo ở Việt Nam là một việc bắt buộc phải làm, chưa kể yêu cầu về tâm và tầm. Nhân tài ở nước ta thuộc về ba tầng lớp xen kẽ nhau, đó là trí thức chân chính, doanh nhân đích thực và tuổi trẻ tâm huyết ở lứa tuổi từ 30-50 cần được quan tâm, trọng dụng vì họ chính là “măng mang dáng thẳng, thân tròn của tre’!

Liên hệ  ở Việt Nam, người nông dân trồng dưa thì được dưa, trồng đậu thì hái đậu. Tre già măng mọc là lẽ tự nhiên ở đời. Có điều ở bầu thì tròn, ở ống thì dài. Ếch nằm đáy giếng coi trời bằng vung.  Có ươm cây dân chủ, gieo mầm tự do mới gặt hái được những tài năng xuất chúng lãnh đạo đất nước,  mới mong mở mày mở mặt với năm châu bốn biển.  Đằng này lúc nào cũng chủ nghĩa Mác – Lê Nin  vô địch, đảng ta là thiên tài. Chính chính sách thì đưa ra toàn những xe chính chủ, cộng thêm 2 điểm thi đại học cho bà mẹ VN anh hùng, văn hóa  đám cưới dưới 300 người, đám ma không gắn kính nhìn mặt (6T=thiên tài 4T), nhiều vị chính khách phát ngôn làm dậy sóng công luận vì não trạng có vấn đề, v.v. Suy ra, cha già con cọc chẳng có gì lạ! Chỉ sợ không được là tre mà toàn là vông!

“Tuổi tác càng già  càng xốp xoáp

Ruột gan không có, có chông gai”

(“Vịnh cây Vông” của Nguyễn Công Trứ).

Xu thế phát triển đất nước rất cần những người lãnh đạo trẻ, có khả năng cập nhật công nghệ thông tin, tư duy trẻ để tiếp cận nhanh chóng tri thức trẻ của quốc tế, không bị tư duy cổ hủ,  xơ cứng, già cỗi. Bởi cách đi của thế hệ cũ thường là cách đi kinh nghiệm chủ nghĩa, lấy trải nghiệm của chính mình làm triết lý. Cách đi của thế hệ trẻ hiện đại là cách đi bằng thông tin, học hỏi, rút ngắn, sáng tạo thì tốc độ trưởng thành sẽ nhanh hơn.

Có câu chuyện về tre và măng như sau :

Một ông cụ người Nhật Bản sống trên trăm tuổi. Con cháu tổ chức sinh nhật và chúc mừng cụ. Nhân dịp này cụ tâm sự: Trước hết tôi phải xin lỗi nhân dân Nhật Bản và sau đó là nhân dân toàn thế giới vì tôi sống đã quá lâu!!!

Nhân lời xin lỗi chân thành và “ kỳ lạ” này,  nhà thơ Bảo Sinh viết :

” Cho tôi xin lỗi mọi người

 Vì tôi đã sống trên đời quá lâu

Tre nhiều măng mọc vào đâu…”

” Tre già măng mọc”, nhưng trong dân gian ta còn có câu ngạn ngữ “gừng càng già, càng cay”!  Đúng là tre già thì phải chặt bỏ đi để cho măng có cơ hội mọc lên . Nhưng tre già mà là tre tốt thì còn được sử dụng hữu ích  trong xây dựng nhà cửa, có ngôi nhà tre tồn tại đến hàng thế kỷ, bền chặt không kém gì các loại gỗ quý hiếm khác. Bởi vậy có nhiều bậc lão thành cách mạng sau khi dời khỏi vị trí lãnh đạo vẫn là chỗ dựa vững chắc cho con cháu, là “giường cột” của xã hội. Khi đó, họ với kinh nghiệm và tâm huyết của mình sẽ trở thành “gừng cay muối mặn” cho đời! Bên cạnh nhiều vị quan chức sống theo chủ nghĩa makeno thì vẫn còn rất nhiều những bậc lão thành cách mạng, các vị trưởng thượng bất chấp tuổi cao sức yếu ngày đêm trăn trở suy nghĩ tiếp tục đóng góp cho sự trường tồn và hưng thịnh của đất nước. Có thể kể ra một số tên tuổi tiêu biểu như Đại tướng Võ Nguyên Giáp, cố Thủ tướng Võ Văn  Kiệt, nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan, các nhà khoa học trí thức như GS Hoàng Tụy, GS Tương Lai và nhiều vị khác nữa. Họ là những tấm gương để chúng ta soi chung và là niềm tự hào, niềm tin vào cội rễ vững bền của đất nước.

T.V.T.

Tác giả gửi trực tiếp cho BVN

 

This entry was posted in Giáo dục. Bookmark the permalink.